Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Đăng lúc: Thứ tư - 11/05/2016 18:32
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
“Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” ( Ga. 20,22)
 
Chuẩn bị sám hối
                               Anh chị em thân mến,
             Lễ Ngũ tuần đầu tiên của Kitô giáo xảy ra đúng 50 ngày sau Phục sinh của Chúa Ki tô là  một biến cố quyết định đối với Hội Thánh: Chính ngày hôm nay ghi dấu sự khởi hành lạ lùng của Hội Thánh, dưới tác động của “ Chúa Thánh Thần”. Thánh Thần của Thiên Chúa tràn ngập trên các Tông Đồ trong phòng Tiệc ly sẽ không bao giờ ngừng thổi kể từ ngày hôm nay, chính Ngài ban các ơn thiêng liêng trong Hội Thánh, và nhờ Ngài mà Hội Thánh từ từ phát triển đến tận cùng trái đất.
-         Qua phép Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các ơn của Ngài. Chúng ta có dùng các ơn đó cách tốt đẹp, để thánh hóa bản thân và mưu cầu thiện ích cho tha nhân hay không?
-         Chúng ta có sống trong tinh huynh đệ hiệp nhất, tôn trọng ý kiến của tha nhân, tôn trọng ơn thánh nơi mỗi người và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô hay tự cao, ghen ghét, chia rẽ.
-         Chúng ta có biết ước ao lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các ơn của Ngài, hay chúng ta sống mà quên sự hiện diện của Ngài.
 
Rao giảng Lời Chúa.
 
          Chúa Kitô được tôn vinh, ngự bên hữu Chúa Cha. Giai đoạn hiện diện bằng thể lý, hữu hình của Ngài kết thúc với biến cố Thăng Thiên. Để duy trì sự hiện diện đầy yêu thương bên những con người tìm đến với Ngài, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần của Ngài và cũng là của Cha cho các môn đệ. Từ nay người môn đệ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn độ trì bằng những ơn sủng đặc biệt, để hoàn thành sứ mạng Chúa Giêsu đã khởi xướng và ủy thác cho: thánh hóa nhân loại.
 
Bài đọc I: “Tất cả đều đầy tràn Thánh Thần”.
Bài sách Tông đồ công vụ trực tiếp kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hôm ấy là lễ Ngũ Tuần.
Lễ Ngũ Tuần: 1trong 3 Đại lễ của Người Do Thái (Vượt Qua, Lễ Lều).
Tất cả người Do Thái đều phải hành hương về Giêrusalem trong dịp Đại lễ nầy để thờ phượng Thiên Chúa. Lễ nầy bắt nguồn từ lễ tạ ơn: rất xa xưa, để tỏ bày lòng biết ơn Giavê về vụ mùa hằng năm thu hoạch được. Về sau lễ nầy lại có thêm 1 ý nghĩa: tưởng nhớ việc Thiên Chúa ban lề luật trên núi Sinai. Lễ nầy được cử hành 50 ngày sau lễ Vượt qua (lễ 50).

Theo Thánh ý Chúa Cha, trong Phụng vụ mới, lễ nầy:  Lễ Ngũ tuần của người Do thái, trở thành một Đại lễ vô cùng hân hoan: Chúa Thánh Thần hiện xuống mang theo tất cả ơn phúc và hoa trái của Ngài.

Chúa Thánh Thần tỏ mình ra bằng những yếu tố thiên nhiên. Những yếu tố nầy thường đi kèm với các lần hiện ra của Thiên Chúa trong Cựu Ước:  Gió và lửa.
Lửa: xuất hiện trong Kinh Thánh như tình yêu xâm nhập vào mọi sự và như tác nhân thanh tẩy. Hình ảnh lửa giúp ta hiểu rõ hơn hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn.

Lạy Chúa, xin dùng ngọn lửa của Thánh Thần mà thanh tẩy tâm hồn chúng con.

Lửa: phát sinh ánh sáng và sức nóng: chiếu sáng bằng ánh sáng mới vào giáo lý của Chúa Kitô. “ Khi nào Thần khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. “ Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần- Chúa Cha sẽ sai đến nhân Danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy bảo anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều  Thầy đã nới với anh em”. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta đến với giáo huấn của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu biết trọn vẹn chân lý Chúa Giê su mạc khải cho chúng ta.

Làn gió mạnh- hơi thở: vừa êm ái và mạnh mẽ, làn gió hơi thở tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa có khả năng thấm nhập mọi chỗ- ngay cả những thi thể bất động và đem lại sự sống. Làn gió mạnh: sức mạnh mới mà tình yêu Thiên Chúa Thánh dùng để xâm nhập vào Hội Thánh và các linh hồn - làm cho Hội Thánh như được khai sinh.
 
Bài PÂ:

    Việc trao ban Thần khí vào chiều Phục sinh liên hệ mật thiết với Chúa Kitô phục sinh. Chính Thần khí của Chúa Giêsu, hơi thở của Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ: đó là Thần Khí tác sinh.
-         Động từ “ thổi hơi ” được dùng ở đây cũng là động từ dùng trong sáng thế 2,7: Trong lễ Ngũ Tuần, một con người mới, nhân loại mới đã sinh ra- con người được tái tạo.
-         Việc ban Thần Khí liên quan chặt chẽ với lời chúc Bình an: dấu chỉ tuyệt hảo của thời cứu thế: đó là sự bình an của Đức Kitô ban cho nhờ hiến tế của Ngài- nhân loại được giao hòa cùng Thiên Chúa và với nhau.
-         Ban Thần Khí để tha tội: trong diễn từ lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô xác định mối liên quan giữa việc tuôn đổ Thần khí với ơn tha tội: “ Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được tha thứ tội lỗi và các người sẽ được lãnh ơn Thánh Thần” ( Cv. 2,38).
   Công thức xá tội:
“ Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con, ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
-         Việc trao ban Thần khí nhằm thẳng đến sứ mạng trao cho các Tông đồ.
“ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Lễ Ngũ Tuần- các Tông đồ ra đi và biến đổi lịch sử thế giới. Từ buổi sáng Hiện xuống, Hội Thánh bừng lên như sức bậc, hơi thở không bao giờ tắt. “ Ta đã mang lửa xuống thế gian. Đức Giêsu đã nói -  và mong ước của Ta là cho lửa ấy bùng cháy và lan rộng ra”. Lửa ấy là chính Chúa Thánh Thần luôn luon bừng sáng. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh là Hội Thánh truyền giáo. Chúa Thánh Thần kích động những vị Tông đồ mới mang lửa tình yêu, chiếu dọi Tin mừng khắp nơi.
 
Bài thư 1 Cor

Không lãnh nhận các đoàn sủng cho mình nhưng cho lợi ích chung.
-         nguồn gốc các ơn sủng: cùng một Thần khí
-         mục đích : phục vụ cùng một Chúa
-         bản chất: hành động của Chúa.
    Mầu nhiệm của Thần khí: qui tụ lại thành một hữu thể , một thân mình sống động duy nhất, những chi thể khác nhau.
 
Giáo huấn của Giáo Hội.
 
1. Đức Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

Trong kinh Tin kính chúng ta tuyên xưng: “ Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra-  Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.
Trong Kinh Thánh Cựu ước. Thánh Thần được gọi là Thần khí. Trong sách Sáng Thế, Thần Khí là Gió, Gió “ huyền diệu” “ bay là là trên mặt nước” (St. 1,2). Gió: biểu tượng cho vận hành và sự sống- Gió: ngược đảo của vật chất bất động và nặng nề- Gió mang mưa tới sa mạc, Gió làm mát đất đai, Gió cho sự sống xuất hiện.
- Thần khí là hơi thở sáng tạo của Thiên Chúa: Thiên Chúa lấy đất mà nặn con người và thổi vào lỗ mũi hơi sự sống và con người trở thành một sinh vật. ( St.2,7).
- Hơi thở là Thần Khí của Thiên Chúa làm sinh động các thủ lãnh (Siđêon- Samaron- Gieptê..) làm sinh động các vua, các ngôn sứ- Hơi Thở làm cho sống, làm suy tư. Thần khí là ơn huệ  thiên sai: “ Ta sẽ cho nước lan tràn trên mặt đất khô cằn, cho sông xâm chiếm trái đất nứt nẻ, Ta sẽ cho Thần khí Ta lan tràn trên giòng giống người, phúc lành Ta trên hậu duệ người” (Is. 44. 3-5).
 
Chỉ trong Tân ước, Thánh Thần Thiên Chúa mới hiện rõ là một ngôi vị trông Ba Ngôi Thiên Chúa, qua lệnh truyền cảu Chúa Giê su: “ Anh em hãy đi khắp nơi, làm phép rửa cho họ: nhân Danh Chúa Cha- Chúa Con- và Chúa Thánh Thần” ( Mtt.28,19).
 
2. Chúa Giêsu và Thánh Thần.

Tác động của Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu là một hành vi thường xuyên. Tất cả những gì Chúa Giêsu làm là làm trong Chúa Thánh Thần, không ai “ chiếm hữu” được Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chiếm hữu Thánh Thần một cách thường xuyên, bình thường, trong tất cả thời gian, không có thăng không có trầm, nhưng trong viên mãn của vĩnh cửu. Chúa Thánh Thần ở trong Chúa Giêsu như ở trong nhà của Ngài.
Trong tác động Thánh Thần, Chúa Giêsu đương đầu với điều ác, chữa lành bệnh tật, giải thoát người nô lệ, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ trong Chúa Thánh Thần. Nhớ lại bài giảng khai mạc sứ vụ tại Hội Đường Nazaret.  Và chính trong quyền lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã Phục sinh. Phục sinh là hành vi nặng Thánh Thần nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu.
 
3. Chúa Thánh Thần và chúng ta.

Chúa Giêsu đã nói: “ Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có  sức chịu nổ. Qủa thật, Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em”. “ Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi, đó là Thần khí sự thật. Thần Khí đó sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.
 
Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến ( ca tiếp liên).
Vi nhờ Người, các tâm hồn được nâng cao, kẻ yếu đuối được cầm tay dẫn dắt, người dang tấn tới được nên hoàn thiện. Vì nhờ Ngài mà chúng con biết trước các việc tương lai, thấu hiểu các mầu nhiệm, thông suốt các điều bí ẩn, phân phát các ơn huệ, được ở trên trời, được ca hát voái các thiên thần, nhờ đó mà được hưởng niềm vui không bao giờ cùng, nhờ đó được kiên trì trong Chúa, nhờ đó được nên giống Chúa.
 
Thánh Bernard đã nói: “Chúng ta hãy cử hành lễ Chúa Thánh Thần với một niềm hân hoan vui vẻ; ngày lễ nầy thật xứng đáng lòng sốt sắng của chúng ta. Thật vậy, không có gì trong Thiên Chúa ngọt ngào hơn Chúa Thánh Thần. Ngài chính là sự tốt lành của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa.
 Nếu chúng ta mừng lễ các thánh, sao chúng ta lại không long trọng mừng lễ Đấng mà nhờ Ngài, tất cả các thánh đã nên thánh. Nếu chúng ta tôn kính những người đã được thánh hóa, thì còn gì thích hợp hơn khi chúng ta tôn thờ chính Đấng đã thánh hóa”.
 
 “Nhu cầu thiết yếu, chính là Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho sống động và thánh hóa Giáo Hội, luồng gió thiêng liêng làm căn buồm của thuyền Giáo Hội, là nguồn suối bên trong ban tràn ánh sáng và sức mạnh, là sự nâng đỡ và Đấng ủi an Giáo Hội, là nguồn mạch các đặc sủng, các huấn ca, sự bình an, là vị lãnh đạo, là bảo đảm và tiền vị của đời sống hạnh phúc và bất diệt. Giáo Hội cần có lễ Hiện xuống vĩnh viễn. Giáo Hội cần có lửa thiêu đốt trái tim, cần lời nói phát xuất từ miệng, cần có ánh sáng tiên tri nơi cái nhìn của mình. Giáo Hội cần là đền thờ của Chúa Thánh Thần, điều đó có nghĩa là Giáo Hội cần có một sự trong trắng toàn vẹn và đời sống nội tâm…”. ( Phaolo VI, Huấn dụ 19/11/1972).
 
Lạy Chúa Thánh Thần
Xin Ngài hãy đến như cơn gió mát.
Thổi vào đời con. Thổi vào Giáo Hội- thổi vào thế giới. Để đem lại cho chúng con: sự tươi mát nhẹ nhàng, sự tự do thánh thoát, xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con- chảy vào Giáo Hội- chảy vào thế giới- để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi- và làm bậc dậy những mầm xanh sự sống mới nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng. Chiếu sáng đời con, chiếu sáng Giáo Hội. Chiếu sáng thế giới: để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm- nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng- để làm cho vũ trụ này rực sáng tình yêu.
 
Cử hành Thánh Thể :
-         Lãnh nhận Chúa Kitô Phục sinh- lãnh nhận Thần khí tác sinh. Đức Kitô thông ban Thánh Thần của Người.
-         Cộng đoàn hiệp nhất, lớn bé từ già, đàn ông, đàn bà. Học thức hay man di…
-         Chúa Thánh Thần biến đổi bánh rượu thành Mình Máu Chúa và làm cho chúng ta trở thành những của lễ sống động.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến.
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 30
  • Hôm nay: 6716
  • Tháng hiện tại: 124814
  • Tổng lượt truy cập: 12269074