Trang mới   https://gpquinhon.org

Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin - Lời nguyện thứ III

Đăng lúc: Thứ ba - 29/01/2013 03:31
KINH LẠY CHA CỦA LINH MỤC
TRONG NĂM ĐỨC TIN
 
Lời nguyện thứ III
 
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
 
Lời cầu xin này liên hệ với lời cầu xin cho Nước Cha trị đến. Có thể nói: Nước Trời thực sự đến khi thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn. “Bởi thế, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên Nước Trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người và thực hiện việc cứu thế bằng sự vâng phục Chúa Cha”.[1] “Nhờ cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa (x. Rm 12,2; Ep 5,17) và kiên nhẫn để thi hành ý Người (x. Dt 10,36). Chúa Giêsu dạy chúng ta vào Nước Trời không phải bằng lời lẽ, nhưng bằng việc thi hành ‘ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời’ (Mt 7,21)”.[2]
 
1. TIN VÀO THÁNH Ý THIÊN CHÚA
 
Trong bản chất, thánh ý Thiên Chúa đồng nhất với ý định của Người: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Như thế mọi hình thức biểu lộ thánh ý Thiên Chúa qua dòng lịch sử đều được điều hợp trong ý định khôn ngoan theo một chương trình bao quát. Tuy nhiên mỗi một hình thức đều liên hệ đến một biến cố riêng biệt, và chính để chấp nhận quyền làm chủ của Thiên Chúa trên biến cố đó mà con người cầu xin cho “ý Cha thể hiện”. Như vậy lịch sử đã qua mạc khải ý định của Thiên Chúa và khi phục tùng thánh ý Thiên Chúa con người tin tưởng hướng về tương lai, vì họ biết trước tương lai được Chúa quan phòng điều khiển.
 
Khi liên hệ đến con người, thánh ý Thiên Chúa mang một hình thức đặc biệt, vì con người phải vâng theo từ nội tâm và phải thực hiện trong tự do. Thánh ý Thiên Chúa không tỏ ra cho con người như một số mệnh, nhưng như một lời mời gọi con người chấp nhận bằng niềm tin. Không chối bỏ lý trí, nhưng dựa trên niềm tin sâu xa vào sự công chính của Thiên Chúa, dựa trên sự hiểu biết về lời răn dạy, về ý định, về sự khôn ngoan, đó là những yếu tố chi phối việc thi hành ý Chúa.
 
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện để thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Nơi Đức Giêsu Kitô vừa có bản tính Thiên Chúa vừa có bản tính con người, vừa có trời vừa có đất. Vì thế, nơi Người ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người gặp gỡ nhau, nơi Người ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời cách tuyệt vời nhất.
 
Đức Kitô đã thực hiện ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Do đó, khi xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời tức là chúng ta xin cho chúng ta hoàn toàn trở nên giống Chúa Kitô, để luôn vâng phục thánh ý Cha như Người đã vâng phục. Điều này chính Đức Maria đã đi trước và làm gương cho chúng ta bằng niềm tin trọn vẹn được diễn tả qua hai tiếng ‘xin vâng’, như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô trong tự sắc Porta fidei: “Nhờ đức tin, Mẹ Maria đã đón nhận lời thiên thần và tin nơi lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa trong sự tuân phục tận tụy của Mẹ”.[3] Có thể nói, không ngày nào ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời cho bằng ngày Truyền tin.
 
Từ khi thánh ý Chúa Cha được thể hiện nơi Đức Giêsu, dưới đất cũng như trên trời, người Kitô hữu có thể chắc chắn được nhậm lời khi đọc kinh Lạy Cha. Vì là môn đệ đích thực của Đức Kitô, họ cũng phải nhận biết và đem ra thực hành thánh ý Chúa Cha. Khi chúng ta cầu xin “cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thì không có gì khác với lời nguyện của thánh vinh: “Xin Chúa dạy con thực thi ý Chúa” (Tv 143,10). Đó là lời cầu nguyện của đức tin. Tin, đối với Kitô hữu là biến đổi cuộc đời mình thành lời xin vâng.
 
“Lời cầu nguyện của đức tin không hệ tại ở chỗ thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng là sẵn lòng thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 7,21). Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Người đem vào lời cầu nguyện (x. Mt 9,38; Lc 10,2; Ga 4,34) sự quan tâm cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa.[4]
 
Linh mục phải tuyên xưng đức tin bằng đời sống tín thác như Mẹ Maria. Sự tín thác này được biểu lộ qua đời sống vâng phục. Là thầy dạy đức tin, linh mục nêu cao đời sống vâng phục thánh ý, cho dẫu thánh ý xem ra như chén tràn đầy đắng cay. Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Linh mục được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin”.[5]
 
Khi tuyên xưng “tôi tin” là lúc biểu tỏ thái độ vâng phục Thiên Chúa và sẵn sàng thực thi những huấn lệnh của Người. Sự vâng phục Kitô giáo vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là hành động thể hiện đức ái, bởi “tin, tín thác và tình yêu chỉ là một” (J. Ratzinger). Có thể nói ba nhân đức nền tảng của đời sống Kitô hữu: tin, cậy, mến, đều đâm chồi nẩy lộc trên nền tảng vâng phục. Vì vậy cũng có thể nói, sự vâng phục thuộc về căn tính của đời linh mục. Không thể chu toàn sứ vụ linh mục ở ngoài sự vâng phục, bởi người được chọn làm linh mục không phải để tìm kiếm ý riêng mình, nhưng tìm kiếm ý Đấng đã sai mình (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38).
 
2. TÌM KIẾM THÁNH Ý THIÊN CHÚA
 
Người ta thường nói về một sự tìm kiếm của đức tin hay đức tin như một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý của Người.
 
“Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều Người muốn, nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Bởi chưng ai dám ngăn cản không cho Thiên Chúa hành động như Người muốn? Nhưng vì ma quỉ ngăn cản không cho tâm hồn và hành vi của chúng ta tuân phục Thiên Chúa trong mọi sự, nên chúng ta mới cầu xin khẩn nguyện cho ý của Thiên Chúa thể hiện nơi chúng ta. Nhưng muốn cho ý Thiên Chúa được thể hiện nơi chúng ta, thì lại cần có ý của Người, tức là cần có sức mạnh và sự che chở của Người”.[6]
 
Chúa Giêsu, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), phương chi chúng ta là những thụ tạo và là những tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử trong Người. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Chúa Con, để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Trong công việc này chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta có thể phó dâng cho Chúa Cha ý muốn của chúng ta và quyết định chọn điều Chúa Giêsu luôn luôn chọn: đó là làm đẹp lòng Cha (x. Ga 8,29).[7]
 
 Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ linh mục, phải kể đến thái độ này là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn của Đấng đã sai mình chứ không phải tìm ý riêng (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38)”.[8]
 
 “Các linh mục có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi các ngài theo gương Chúa Kitô trong việc chu toàn tác vụ: lương thực của Người là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Người, để Người hoàn thành công việc của mình (x. Ga 4,34)... Để có thể thực hiện sự thống nhất đời sống cách cụ thể, các ngài phải xét đoán mọi hoạt động của mình cho biết rõ đâu là ý muốn của Thiên Chúa (x. Rm 12,2), nghĩa là biết rõ những hoạt động đó có thích hợp với những tiêu chuẩn của sứ mệnh Tin Mừng của Giáo Hội hay không”.[9]
 
“Dưới ánh sáng đức tin được nuôi dưỡng bằng việc đọc sách thánh, các ngài có thể tận tâm tìm kiếm những dấu hiệu của thánh ý Chúa và những thúc đẩy của ơn thánh Người trong những biến cố khác nhau của đời sống, và như thế ngày càng trở nên dễ dàng vâng phục sứ mệnh đã nhận lãnh trong Chúa Thánh Thần hơn. Các ngài luôn tìm thấy gương mẫu lạ lùng về sự vâng phục đó nơi Đức Trinh Nữ Maria, người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người (x. LG 65)”.[10]
 
3. LINH MỤC VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC
 
Khi chúng ta đọc: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, là chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta chính sự tuân phục, để nhờ đó thánh ý của Người được thể hiện nơi chúng ta như vẫn được các thiên thần của Người thi hành trên thiên quốc.
 
Vâng phục có lẽ là nhân đức dễ diễn tả nhất, nhưng thực hành nó thật khó. Chính trong sự vâng phục chứ không phải sự độc thân, mà linh mục ngày nay đi ngược lại trào lưu văn hóa nhất. Bởi lẽ chúng ta sống trong một thế giới thần thánh hóa ý muốn, cho rằng chỉ có hạnh phúc thật khi được phép làm bất cứ điều gì, bất cứ kiểu cách nào, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào mình muốn.
 
Sở dĩ có sự nghịch lý đó là vì chúng ta là dấu chỉ của chân lý sâu xa hơn: chính trong sự vâng phục Thiên Chúa mà chúng ta có sự tự do trọn vẹn nhất, và sự bình an lâu dài chỉ đạt được khi chúng ta được dẫn dắt không phải bởi ý muốn của chúng ta, nhưng bởi thánh ý Thiên Chúa.
 
“Nhưng vì chức vụ linh mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự thông công phẩm trật của toàn Thân Thể. Vậy đức ái mục vụ thôi thúc các linh mục đang hoạt động trong mối hiệp thông này biết hy sinh ý riêng mình, qua việc vâng lời phục vụ Chúa và anh em, bằng cách lấy tinh thần đức tin mà lãnh nhận và tuân theo những gì được Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục của mình, cũng như các bề trên khác truyền dạy và khuyên bảo, bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tự hiến hết mức trong bất cứ chức vụ nào đã được trao phó cho mình dù là thấp kém và nghèo hèn”.[11]
 
Sự vâng phục đầu tiên và hiển nhiên nhất là vâng phục Đức Giám Mục của chúng ta. Yếu tố then chốt để hiểu chức linh mục triều là sự vâng phục mà chúng ta mắc nợ Đức Giám Mục. Trong nghi thức phong chức phó tế cũng như linh mục, ngài hỏi tiến chức: “Con có hứa tôn kính và vâng phục cha cùng các đấng kế vị cha không?”
 
Sự vâng phục của linh mục không chỉ được thể hiện trong tương quan đối với giám mục mà còn đối với linh mục đoàn: “Linh mục phải tập làm quen để đừng quá gắn bó với những sở thích và quan điểm riêng của mình... Sự vâng phục của linh mục là một sự vâng phục liên đới”.[12]
 
Không những chúng ta vâng phục Đức Giám Mục, mà còn vâng phục chức linh mục. Nói thế có nghĩa là chúng ta trung thành với ơn gọi linh mục, quảng đại vâng phục những gì Giáo Hội mong đợi nơi chúng ta, hằng ngày nuôi dưỡng và kiện cường căn tính linh mục. Phải “vâng phục dài ngày” chức linh mục của chúng ta, vì đây không chỉ là một chức năng, một nghề nghiệp, một công việc, nhưng là một ơn gọi, một đời sống đòi hỏi sự vâng phục lâu dài. Tiếp đến là vâng phục dân Chúa, họ là chủ của chúng ta, chúng ta phục vụ họ. Chúa không ban cho chúng ta chức linh mục để chúng ta được thoải mái, được lợi nhuận, nhưng để phục vụ dân Người.
 
Sau cùng là vâng phục đau khổ. Thư gửi tín hữu Do-thái nhắc chúng ta: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Sự vâng phục đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng rốt cuộc điều quan trọng không phải là những gì chúng ta làm với tư cách linh mục, không phải nơi chúng ta làm, mà là con người linh mục của chúng ta khi làm điều đó. Chính vào lúc đau khổ nhất của cuộc đời trần thế, mà Đức Giêsu đã hoàn thành tất cả. Nếu mục đích của chúng ta là đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thì sự vâng phục là con đường dẫn tới đó.
Sự vâng phục là nhân đức trung gian nhờ đó mà có các nhân đức khác; chúng ta theo đuổi sự thánh thiện, khiêm nhường, khiết tịnh, nghèo khó và bác ái, vì chúng ta lưu tâm đến ý Chúa, vâng phục kế hoạch của Người, và chúng ta biết đây là điều Người muốn. Người có chương trình cho chúng ta và chúng ta cộng tác.
 
Tóm lại, sống thánh ý Thiên Chúa là sống tinh thần vâng phục, là tự nguyện đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa như Đức Maria và thánh Giuse, là sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, để cho ý Chúa chiếm lấy cuộc đời của mình và kéo mình theo, không phải một sự vâng phục miễn cưỡng, nhưng đầy tươi vui của con cái Thiên Chúa.
 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
CÁC ĐỀ TÀI THẢO LUẬN
 
1. Chấp nhận và thi hành thánh ý Thiên Chúa là một hành vi đức tin, đặc biệt trong những lúc gặp đau khổ, thất bại. Có phương thế nào giúp chúng ta đón nhận ý Chúa trong những trường hợp như thế?
 
2. Để có thể hướng dẫn các tín hữu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày, các linh mục nên dùng những phương pháp nào?
 
3. Trong khi thi hành sứ vụ linh mục, chúng ta cũng có những sáng kiến và tự do. Làm thế nào để hòa hợp sáng kiến và tự do của chúng ta với đức vâng phục Đức Giám Mục?
 
4. Vâng phục có nghĩa là lắng nghe và chia sẻ trách nhiệm mục tử với Giám mục bằng sự cộng tác chân thành. Đâu là những khó khăn khiến nhiều lúc chúng ta không thể thực hiện điều đó?
 


[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen gentium, số 3.
[2] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2826.
[3] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 13.
[4] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2611.
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 26.
[6] Trích khảo luận của thánh Siprianô, giám mục tử đạo, về kinh Lạy Cha, trong Kinh sách, III, tr. 310-311.
[7] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2825.
[8] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 15.
[9] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 14.
[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 18.
[11] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 15.
[12] GIOAN PHAOLÔ II, Pastores dabo vobis, số 28.

Tác giả bài viết: + GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Kinh Lạy Cha, Linh mục

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 13789
  • Tháng hiện tại: 148037
  • Tổng lượt truy cập: 12437749