Trang mới   https://gpquinhon.org

Các biểu tượng và “chú giải có tính liên tục”

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/02/2013 15:43
CÁC BIỂU TƯỢNG VÀ “CHÚ GIẢI CÓ TÍNH LIÊN TỤC”


 
Từ trái sang phải: Đức Innocentê VII (1404-1406), Đức Juliô II (1505-1513),
Đức Bênêđictô XVI (2005-2013), Đức Clementê XII (1758-1769), Đức Bênêđictô XIV (1740-1758).
 


 
Lm. Brian Van Hove, S.J.

Trong cuốn sách “Rite of Sodomy” (New Engel Publishing, 2006), nữ tác giả Randy Engel đã viết về chiếc mũ camauro, được các Giáo hoàng ở Roma đội qua nhiều thế kỷ, “Trong mùa Giáng sinh năm 2005, Đức Giáo hoàng chụp hình với chiếc mũ đỏ bằng lông có từ thời Trung cổ - một bức hình có thể nói là “sính cổ” lạc điệu” (p. 1171). Thế nhưng cần phải giải thích khác và đúng hơn.

Bà Engel chứng tỏ mình thiếu kiến thức về lịch sử Giáo Hội. Mũ camauro xuất hiện trong hình chân dung của các giáo hoàng trước thời Cải Cách. Dịp duy nhất mà Đức Bênêđictô XVI đội mũ này hẳn là vào khoảng thời gian ngài đang nhấn mạnh đến chương trình “Chú giải có tính liên tục” (hermeneutic of continuity). Ngài khẳng định rằng không có sự cắt đứt với truyền thống, và Công đồng Vatican II đã thường bị hiểu nhầm là “chú giải đứt đoạn” (hermeneutic of rupture). Sự liên hệ có tính biểu tượng với quá khứ là cách để nhấn mạnh sự nối tiếp của chúng ta với quá khứ, như  Russell Shaw đã nói trong bài “Continuity and Change” (“Tính liên tục và thay đổi” trong InsideCatholic.com, 25 March 2011).

Ngoài ra, Đức Bênêđictô XVI cũng đã dùng lại cây gậy dành cho các cuộc rước của Đức Piô IX, dùng tiếng Latinh trong phụng vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô, quỳ gối và rước lễ bằng miệng, cũng như các biểu tượng có tính biểu trưng khác có từ trước thời Công đồng 1962-1965. Hẳn nhiên, bà Engel đã xuất bản nghiên cứu của mình trước Tự sắc (motu proprio ) vào tháng 8 năm 2007 về việc sửa lại Sách lễ Roma năm 1962. Cũng thế, bà viết trước khi có huấn thị vào ngày 13 tháng 5 năm 2011, Universae Ecclesiae.

Paul Zalonski đã viết về Đức Bênêđictô XVI:

Có lẽ dấu hiệu sang trọng nhất trong thời đại mới này là phẩm phục của giáo hoàng. Đức Bênêđictô XVI mang một dây pallium kiểu cổ hay áo choàng được các đức giáo hoàng trong thiên niên kỷ đầu tiên rất yêu thích. Ngài cũng mang một áo khoát mozzetta bằng lụa đỏ viền lông chồn. Đôi khi ngài đội chiếc mũ saturno màu đỏ, một loại như mũ cao bồi của giáo hoàng, một chiếc mũ viền camauro, màu đỏ giống như mũ ông già Noel, vào những dịp ngoài phụng vụ.

Chẳng phải đã có lần Sigmund Freud nói rằng: “Đôi khi một điếu xìgà chỉ là một điếu xìgà”? Bà Engel khá ngây thơ khi cho rằng chiếc mũ camauro chỉ là một “sính cổ” lạc điệu.

Bác sĩ riêng của Đức Bênêđictô XVI có thể đã khuyên ngài đội mũ khi ra ngoài trời vì lớn tuổi, và ngài đã không có lựa chọn nào khác ngoài chiếc mũ camauro lịch sử, đơn giản đây chỉ là mũ của Đức giáo hoàng. John Allen (trên tạp chí National Catholic Reporter, 21 November 2010) viết rằng vào tháng 12 năm 2005, Bênêđictô XVI đã có lần đội mũ camauro của Đức Gioan XXIII. Thế là nhiều nhà báo giải thích đây là dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa duy truyền thống (traditionalism) của Đức Bênêđictô. Nhưng khi được nhà báo Peter Seewald phỏng vấn, Đức giáo hoàng nói rằng thực tế rất đơn giản: trời hôm ấy trở lạnh, ngài thấy lạnh đầu nên chụp chiếc mũ nằm đâu đó và đội lên. Đức Bênêđictô nói rằng ngài không bao giờ làm như thế nữa từ dạo ấy “để tránh các giải thích thái quá”.

Nguyên ngữ của từ “Camauro”

Từ tiếng Latinh: camelaucum, có gốc từ tiếng Hy Lạp kamelauchion, có nghĩa là chiếc mũ bằng da lạc đà. Đây là chiếc mũ truyền thống của Đức giáo hoàng.  Camauro có màu đỏ với viền bằng lông chồn màu trắng, và Đức giáo hoàng đội mũ này thay thế cho chiếc mũ đen (biretta) của hàng giáo sĩ cấp thấp.  Camauro tượng trưng cho “áo giáp của Thiên Chúa” và là một vật dụng trong tủ áo của Đức giáo hoàng từ thế kỷ 12. Có thời các hồng y cũng đội mũ này nhưng không có viền trắng. Vào năm 1464 nó được dành riêng cho giáo hoàng còn các hồng y thì đội mũ đỏ zucchetto. Camauro không được dùng nữa từ sau cái chết của Đức giáo hoàng Gioan XXIII vào năm 1963, nhưng Đức Bênêđictô XVI đã đội một lần vào tháng 12 năm 2005.


 


Mũ camauro



Mũ saturno



Áo choàng mozetta




Mũ zucchetto



Mũ biretta


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên dịch
Nguồn tin: Homiletic & Pastoral Review, February 21, 2013

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 13789
  • Tháng hiện tại: 148106
  • Tổng lượt truy cập: 12437818