Trang mới   https://gpquinhon.org

Kinh Lạy Cha của linh mục trong Năm Đức Tin - Lời nguyện thứ VII và kết thúc

Đăng lúc: Thứ hai - 18/02/2013 19:39
KINH LẠY CHA CỦA LINH MỤC
TRONG NĂM ĐỨC TIN

Lời nguyện thứ VII


 


“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”
 
Lời cầu xin này được bao hàm trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Với lời cầu xin cuối cùng này chúng ta trở lên với ba lời cầu xin đầu: khi chúng ta cầu xin được giải thoát khỏi quyền lực của sự ác, cuối cùng chúng ta cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa mau đến, cho chúng ta được hợp nhất với ý muốn của Thiên Chúa và xin thánh hóa danh thánh Người. Lời cầu xin này mời gọi chúng ta cộng tác với quyền lực của Thiên Chúa để phá vỡ quyền lực của sự dữ đang hoành hành trong thế giới.

1. TIN VÀO QUYỀN NĂNG VÀ SỰ TOÀN THẮNG CỦA THIÊN CHÚA

Lời cầu xin cuối cùng của kinh Lạy Cha lấy lại lời cầu xin thứ sáu và triển khai theo chiều hướng tích cực, vì thế cả hai lệ thuộc lẫn nhau. Nếu trong lời cầu xin thứ sáu, thuật ngữ “đừng” nổi bật, thì trong lời cầu xin này chúng ta đến với Cha bằng hy vọng chính yếu của đức tin: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi” (Tv 34,20). Đây là lời cầu xin ơn giải thoát, ơn cứu độ.

Chúng ta mong được giải thoát khỏi điều gì? Bản dịch mới của kinh Lạy Cha nói về sự dữ không phân biệt giữa “cái xấu” và “kẻ xấu”, “sự dữ” và “ác thần”. Thực ra cả hai không thể tách rời nhau được.

Theo Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, “trong lời cầu xin này, sự dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Satan, là ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỉ (tiếng Hy-lạp là dia-bolos) là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và “công trình cứu độ” của Người được thực hiện trong Đức Kitô”.[1]

Trong kinh Lạy Cha, lời nguyện “xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ” nối tiếp lời nguyện “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Do đó sự dữ ở đây chính là tên cám dỗ, là ác thần hay ma quỉ. Chước cám dỗ nhằm tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa và chương trình tình yêu của Người. Trong sách Sáng thế, chính ma quỉ đã cám dỗ tổ tông loài người đứng độc lập với Thiên Chúa. Chính Đức Kitô cũng cầu xin Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần và luôn gắn bó với Thiên Chúa: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng...Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,11-12.15).

“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Cuộc chiến thắng trên “thủ lãnh thế gian này” (Ga 14,30) đã hoàn tất một lần cho mãi mãi vào giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này “bị tống ra ngoài” (Ga 12,31; Kh 12,10).

Người ta không thể không để ý đến hoạt động xấu xa của ác thần, bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện để khỏi rơi vào quyền lực của nó, cho dù người ta không thể xác định hay định vị sự hiện diện của nó. Điều thiết yếu là phải tin rằng ác thần không làm gì được những kẻ tin. Sức mạnh của nó tỉ lệ nghịch với sức mạnh của đức tin.

Hơn ai hết, thánh Phaolô đã cảm nghiệm được sự che chở của Thiên Chúa và Người đã nói lên xác tín của mình trong Rm 8,31-39. Người muốn truyền đạt sự xác tín ấy cho các tín hữu khi viết: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?... Nhưng trong mọi thử thách ấy chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 9,31.37). Thiên Chúa quyền năng có thể biến sự dữ nên sự lành cho những kẻ yêu mến Người.

Khi xin được giải thoát khỏi ác thần, chúng ta cũng xin được cứu khỏi mọi sự dữ trong hiện tại, quá khứ và tương lại, do ma quỉ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội Thánh mang đến trước Chúa Cha mọi nỗi khốn cùng của trần gian. Trong thánh lễ, sau lời cầu xin cuối cùng của kinh Lạy Cha, Hội Thánh tiếp tục cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”.

Trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã đại diện cộng đồng dân Chúa tuyên xưng trong Năm Đức Tin: “Chúng ta mạnh mẽ tin chắc rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự ác và sự chết. Với niềm tín thác chắc chắn ấy, chúng ta tín thác nơi Người: Chúa hiện diện giữa chúng ta, chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11,20)”.[2]

2. LINH MỤC VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI SỰ ÁC

“Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán (x. Mt 24,13; 13,24-30.36-43). Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của Chúa”.[3]

Sự dữ là nguyên nhân gây ra sự chết, sứ vụ của linh mục là tiếp tục công trình của Chúa Kitô: mang lại sự sống cho nhân loại. Do đó, việc chiến thắng sự dữ là yếu tố cần thiết quan trọng của đời linh mục. Chúa đã trao cho các tông đồ quyền trừ quỉ, chà đạp rắn rết bọ cạp.

Yếu tố giúp linh mục chiến thắng sự dữ chính là việc kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô là phương thế duy nhất để linh mục sống trọn vẹn căn tính của mình, một căn tính đâm chồi nẩy lộc trong sự thánh thiện.

Người ta kể lại rằng trong cuộc chiến tranh chiến hào (guerre des tranchées) thời đệ nhất thế chiến, lính bộ binh bị trọng pháo đối phương nã vào liên tục, chỉ còn một giải pháp là chạy trốn về phía trước. Đó là điều thánh Phaolô gọi là: không chịu thua sự ác, nhưng lấy sự lành thắng sự ác (Rm 12,21). Phải tìm một lối thoát bằng cách tăng thêm đức tin và đức cậy, bằng một đời sống thánh thiện hơn, hãm mình hơn, dâng hiến hơn. Không có lối thoát nào khác.

Là thầy dạy đức tin, các linh mục phải chiến thắng ác thần bằng đức tin, như lời thánh Phaolô đã dạy: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16), bởi lẽ đức tin giúp chúng ta gắn bó với Đức Kitô là Đấng đã chiến thắng ác thần qua cái chết và cuộc Phục sinh của Người. Thánh Phêrô cũng có một lời khuyên tương tự: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9).

3. LINH MỤC VÀ ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

Linh mục lãnh đạo cuộc chiến chống lại sức mạnh và sự tàn phá của ác thần. Thế nhưng linh mục vẫn chỉ là một con người tội lỗi và yếu đuối. Vì thế linh mục cần phải có đức khiêm nhường, để nhìn nhận những yếu đuối bất toàn của mình và hoàn toàn cậy dựa và sức mạnh của Thiên Chúa. Đặc tính và cũng là điểm yếu của ma quỉ là sự kiêu ngạo. Vì thế chỉ có đức khiêm nhường mới giúp ta thắng được ma quỉ.

 “Khi chúng ta đọc: ‘Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ’, chúng ta bảo mình phải nghĩ rằng chúng ta chưa ở trong tình trạng hoàn hảo khiến chúng ta không còn phải chịu sự dữ nào nữa. Lời cầu xin này được đặt ở cuối kinh Lạy Cha hiển nhiên là để giúp người tín hữu khi gặp bất cứ cơn khốn khó nào, cũng biết dùng câu này mà than thở, mà khóc lóc; biết bắt đầu cầu nguyện từ câu đó, dừng lại trong đó và kết thúc ở đó”.[4]

Chắc chắn mỗi người trong hàng linh mục chúng ta cũng đã nhiều lần cảm thấy thấm thía sự kém cỏi và bất lực của mình trước nhiệm vụ cao cả mà Chúa giao phó. Trước hết, linh mục vẫn mang thân phận con người yếu đuối, hậu quả của việc nguyên tổ nghe theo thần dữ. Chúng ta được thánh hiến trong chức linh mục, nhưng chúng ta chẳng phải là những siêu nhân, những thánh sống, mà chỉ là những con người bình thường, những con người mà người ta có thể gặp thấy trong đám đông quần chúng, nghĩa là vừa tốt vừa xấu.

Ngày xưa, do hoàn cảnh xã hội, chúng ta có thể vượt xa đám đông người đời. Ngày nay số người vượt trội chúng ta ngày càng nhiều trên nhiều lãnh vực: chẳng những lãnh vực văn hóa, khoa học, kỹ thuật, mà cả về đạo đức và nhiệt tình tông đồ. Ngay như kiến thức về thần học và kinh thánh, chúng ta cũng không còn độc quyền nữa, một số giáo dân ngày nay còn hơn chúng ta. Ở Tây phương, các linh mục thường cảm thấy thừa thãi, vô ích, lạc lõng, vì ít ai cần tới mình.

Ngày xưa Chúa đã không chọn những người xuất sắc để làm tông đồ. Chúa đã chọn những người tầm thường về học thức, ngay cả về đạo đức nữa. Chúa thường chọn những cái yếu hèn trước mặt thế gian. Chính thánh Phaolô đã rút ra qui luật này từ kinh nghiệm bản thân của Người (x. 1Cr 1,28; 2Cr 11,30; 12,5).

Khi ta cảm nghiệm sự bất lực của mình cách chân thành và thấm thía nhất, thì lòng tin của ta nơi Chúa và sức mạnh của Người sẽ được nên tinh tuyền hơn. Chính trong nỗi thất bại và yếu đuối mà chúng ta được mời gọi sống khiêm tốn hơn. Trái lại, khi mọi sự đều được như ý, khi chúng ta gặp nhiều thành công, thì có lẽ chúng ta sẽ lấy làm hài lòng mà nghĩ rằng mình đã làm việc nhiều cho Chúa, trong lúc thực ra có lẽ chúng ta chỉ làm việc cho mình, chỉ tìm kiếm vinh quang cho mình.

Sự bất cân đối giữa thực lực của chúng ta và sứ mạng cứu thế mà Chúa giao phó được bù đắp bởi lòng nhân từ và quyền năng vô hạn của Chúa, nhưng nó được bù đắp nhiều hay ít tùy theo mức độ lòng tin của chúng ta. Hãy nhìn vào Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, hơn là nhìn vào sức riêng hay cậy dựa vào cái gì khác, chúng ta sẽ giữ được niềm tin và nghị lực để tiến bước.

Giáo Hội chúng ta hiện nay có lẽ gần với Giáo Hội thời các tông đồ, và đó là một điều may mắn cho chúng ta. Chúng ta như bị đẩy dần vào thế phải tin cậy vào Chúa Thánh Thần hơn. Sách Công vụ Tông đồ cho thấy Thánh Thần luôn có mặt trong những lúc khó khăn và vào những thời điểm quyết định.

 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
CÁC ĐỂ TÀI THẢO LUẬN

1. Hiện nay tại Việt Nam có nhiều hiện tượng “quỉ nhập”. Chúng ta phải lý giải như thế nào và làm cách nào để giúp các tín hữu khỏi lo sợ và nao núng đức tin?

2. Ngày nay sự ác đang lan tràn trong xã hội và len lỏi vào đời sống các tín hữu. Các linh mục phải có những biện pháp nào để giúp họ nhận ra và chống lại các sự ác ấy?

3. Một trong những sự ác đang hoành hành tại Việt Nam là nạn phá thai. Chúng ta phải làm cách nào để giúp giáo dân ý thức về tính nghiêm trọng của nó và tìm được những phương thế khả thi để chống lại nó?

4. Linh mục vừa cao cả vừa yếu hèn, vừa là cha vừa là tôi tớ phục vụ mọi người. Từ đó các linh mục phải cư xử thế nào cho thích hợp với giáo dân thuộc mọi lứa tuổi và với những người ngoài công giáo?
 
 
 
KINH LẠY CHA CỦA LINH MỤC
TRONG NĂM ĐỨC TIN

Thay lời kết
 
Kinh Lạy Cha chẳng những là một lời cầu nguyện, mà còn là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa Cha vừa là nguồn gốc mọi sự, vừa là cùng đích mọi loài. Đó là niềm tin căn bản nhất, bao trùm cả lộ trình đi và về của con người. Vì vậy kinh Lạy Cha vừa có thể đọc xuôi, vừa có thể đọc ngược. Chúng ta đã cùng nhau đọc xuôi, bắt đầu từ việc tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, cầu xin cho danh Người cả sáng, cho Nước Người trị đến, cho thánh ý Người được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tiếp đến chúng ta xin Người những ơn cần thiết cho cuộc đời kitô hữu của chúng ta, như được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của cuộc sống, được ơn tha thứ những lỗi lầm thiếu sót, được gìn giữ khỏi sa chước cám dỗ và được giải thoát khỏi quyền lực của ác thần.

Giờ đây chúng ta cùng đọc ngược kinh Lạy Cha, để đi lại lộ trình đức tin của dân Do-thái ngày xưa và để bày tỏ niềm xác tín mới đối với Thiên Chúa vì những gì Người ban cho chúng ta qua kinh Lạy Cha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng:

1. Thiên Chúa là Cha quyền năng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

Cũng như ngày xưa Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ bên Ai-cập, thì nay qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa cứu khỏi quyền lực của Satan là đầu mối của mọi sự dữ.

2. Thiên Chúa là Cha yêu thương không để chúng ta sa chước cám dỗ.

Sau khi được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, dân Do-thái đã đi qua hoang địa tiến về đất hứa, đã gặp rất nhiều cám dỗ và thử thách. Sau khi chịu phép rửa tội, cuộc đời chúng ta cũng là một hành trình xuyên qua hoang địa trần gian để tiến về đất hứa đích thực là thiên đàng. Chúng ta cũng gặp phải những chước cám dỗ như người Do-thái ngày xưa. Nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta tha thiết khẩn cầu Chúa gìn giữ và Người đã gìn giữ chúng ta.

3. Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn sẵn sàng tha thứ mọi  tội lỗi của chúng ta.

Mặc dù đã nhiều lần phản bội, quay lưng lại với Thiên Chúa, thử thách Thiên Chúa, cứng đầu cứng cổ bất tuân lệnh Chúa, nhưng dân Do-thái đã được Chúa tha thứ, nhờ lời chuyển cầu của ông Môsê. Cũng vậy, nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chúng ta luôn được Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm thiếu sót và những xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em là hình ảnh của Người. Được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cũng tha thứ cho nhau, để cùng nhau tiến bước trên con đường của Chúa.

4. Thiên Chúa là Cha quan phòng luôn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta.

Trong suốt hành trình 40 năm trước khi tiến vào đất hứa là nơi chảy sữa và mật, mỗi ngày dân Do-thái đã được Thiên Chúa ân cần ưu ái ban cho manna, thịt chim cút và nước sạch từ tảng đá chảy ra. Ngày nay Thiên Chúa quan phòng cũng luôn lo liệu cho chúng ta mọi nhu cầu vật chất, để chúng ta có thể sống xứng đáng và phát triển các khả năng. Hơn nữa Người còn ban cho chúng ta bánh hằng sống là Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cùng với dòng nước ơn thánh vọt ra từ tảng đá là Đức Kitô đang hoạt động qua các bí tích, giúp chúng ta có sức đạt đến đất hứa đích thực là nước thiên đàng, nơi tràn trề sữa và mật thiêng liêng, khiến cho chúng ta không bao giờ đói khát.

5. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan đã mạc khải cho chúng ta thánh ý của Người và giúp chúng ta thực hiện.

Cùng với manna, chim cút và nước từ tảng đá vọt ra, Thiên Chúa còn ban cho dân Do-thái các huấn lệnh bày tỏ ý muốn của Người, để họ tuân giữ và được sống. Ngày nay, chúng ta cũng nhận được thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo Hội. Đời sống của mỗi người chúng ta hệ tại việc thực thi ý Chúa. Khi kết hiệp sự vâng phục của chúng ta với sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý Cha, tức là chúng ta làm cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

6. Thiên Chúa là Vua uy quyền đã làm cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta.

Sau khi hoàn tất cuộc hành trình xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa đã ban cho dân Israel đất hứa làm gia nghiệp, ở đó họ sống hạnh phúc dưới quyền cai trị của Người. Sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế, chúng ta cũng sẽ được đưa vào Nước Trời, nơi Thiên Chúa hiển trị, để Người mãi mãi là Vua của chúng ta và chúng ta sẽ là dân của Người đến thiên thu vạn đại, và trong Nước Người không còn đau khổ, khóc than và tang tóc, nhưng chỉ có sự sống dồi dào trong hạnh phúc vô biên.

7. Thiên Chúa là Cha, đó là thánh danh mà chúng ta ca tụng đến muôn ngàn đời.

Sống trong đất hứa Thiên Chúa đã ban, những người Do-thái đạo đức không ngừng tôn vinh danh Chúa, vì chính nhờ danh Người họ đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, được giúp đỡ để vượt qua các chước cám dỗ, được tha thứ mọi tội lỗi, được nuôi dưỡng chăm sóc, được biết thánh ý của Thiên Chúa, được sống dưới quyền cai trị của Chúa. Mai ngày trên thiên đàng, chúng ta cũng sẽ không ngừng ca tụng thánh danh Thiên Chúa và chúng ta có thể khởi đầu kinh Lạy Cha như sau: “Lạy Cha, giờ đây chúng con được ở với Cha trên trời”.
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 

[1] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2851.
[2] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 15.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Gaudium et spes, số 37.
[4] Trích thư thánh Augustinô giám mục gửi cho Pơ-rô-ba về kinh Lạy Cha, trong Kinh Sách, IV, tr. 335.

Tác giả bài viết: + ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 36
  • Khách viếng thăm: 32
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 4125
  • Tháng hiện tại: 149102
  • Tổng lượt truy cập: 12438814