Trang mới   https://gpquinhon.org

Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin - Lời nguyện thứ I

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/01/2013 16:40
KINH LẠY CHA CỦA LINH MỤC 
TRONG NĂM ĐỨC TIN
 
Lời mở đầu

Với tự sắc Porta fidei được ban hành vào ngày 11 tháng 10 năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố việc cử hành Năm Đức Tin trong toàn thể Giáo Hội bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng chung Vaticanô II, đồng thời cũng kỷ niệm 20 năm Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo.[1]

“Để hiểu biết một cách hệ thống về nội dung đức tin, tất cả mọi người đều có thể tìm thấy trong Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo một trợ lực quí giá và không thể thiếu được. Sách này là một trong những thành quả quan trọng nhất của công đồng chung Vaticanô II... Năm Đức Tin phải biểu lộ sự dấn thân chung tái khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của đức tin ở trong Sách Giáo lý này, trong đó có một tổng hợp có hệ thống”.[2]

“Vì thế, trong Năm Đức Tin, Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo có thể là một dụng cụ đích thực nâng đỡ đức tin, nhất là những người quan tâm đến việc huấn luyện các tín hữu Kitô, một điều rất quan trọng trong bối cảnh văn hóa ngày nay”.[3]

Tự sắc Porta fidei được mở đầu như sau: “Cửa đức tin (x. Cv 14,27) dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa... Việc bước qua cửa ấy kèm theo sự dấn thân trong một hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu với bí tích rửa tội (x. Rm 6,4), nhờ đó chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha”.[4] Trong thư gửi các tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô đã viết: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,5-6).

Vì thế, thật là thích hợp khi chúng ta bắt đầu Năm Đức Tin bằng việc suy niệm kinh Lạy Cha, lời kinh của mọi Kitô hữu nói chung và của các linh mục nói riêng. Đó chính là lời kinh đi liền với kinh Tin Kính trong suốt Năm Đức Tin này, đặc biệt trong những cử hành phụng vụ và những cuộc hành hương. Cả hai kinh đều bắt đầu bằng lời tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. Thánh Augustinô đã nói: “Dù chúng ta có đọc lời nào khác – những lời do người cầu nguyện đặt ra để khơi dậy lòng sốt sắng – chúng ta cũng chẳng nói gì khác ngoài điều đã có trong kinh Lạy Cha, nếu chúng ta cầu nguyện cho đúng và thích hợp”.[5]

Chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm lời kinh này dưới ánh sáng của công đồng Vaticanô II và Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo là hai nội dung chính của việc học hỏi và đào sâu đức tin trong Năm Đức Tin.

 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
 
 -------------------------------------------------------------------------------------

 
KINH LẠY CHA CỦA LINH MỤC
TRONG NĂM ĐỨC TIN

Lời nguyện thứ I
“Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng”
 
“Lời nguyện đầu tiên này bao gồm tất cả các lời cầu xin khác, được đoái nhận nhờ lời cầu nguyện của Chúa Kitô, cũng như sáu lời cầu xin tiếp theo. Lời kinh dâng lên Chúa Cha là lời cầu nguyện của chúng ta, nếu được cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu (x. Ga 14,13; 15,16; 16,24.26). Chúa Giêsu đã cầu xin trong lời nguyện tư tế của Người: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những người mà Cha đã ban cho con” (Ga 17,11)”.[6]

1. TIN VÀO DANH THIÊN CHÚA

Kinh Lạy Cha mở đầu bằng lời nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng”. “Trong các lời mạc khải, lời mạc khải về danh Thiên Chúa chiếm vị trí hàng đầu. Thiên Chúa bày tỏ danh Người cho những kẻ tin, mạc khải cho họ chính mầu nhiệm bản thân Người”.[7]

Việc Thiên Chúa mạc khải tên của Người là YHWH cho ông Môsê trên núi Khôrép ở bán đảo Xinai  (x. Xh 3,13-15) có thể được coi như thời điểm trang trọng nhất trong toàn bộ lịch sử đức tin của dân Israel, là đỉnh cao của mạc khải Cựu Ước. Trước đó, Thiên Chúa chỉ được biết đến như là Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp.

Danh xưng YHWH, “Ta là Đấng Ta là”, hàm chứa một mầu nhiệm và tự nó nói lên một cái gì con người không thể đạt tới được bằng lý trí và mời gọi con người đón nhận bằng đức tin. Tính cách huyền nhiệm của danh xưng này nói lên sự thánh thiện của Thiên Chúa, tức là siêu việt tính của Người. Thiên Chúa là Thánh (x. Is 6,3) và danh Người là thánh (x. Am 2,7; Lv 20,3; Is 57,15t). Nhưng danh xưng ấy cũng nói lên một sự hiện diện đầy ân cần, gần gũi và vô cùng sống động, vì theo cú pháp Hi-pri, “Ta là Đấng Ta là” cũng có nghĩa là “Ta là Đấng đang là”, hay “Ta là Đấng Hiện Hữu”, không phải hiện hữu cách đơn độc, nhưng hiện hữu giữa dân Người. Và do đó, “Ta là Đấng Hiện Hữu” cũng có nghĩa là “Ta là Đấng Hiện Diện”.

Mạc khải danh Thiên Chúa “Ta là Đấng Hiện Hữu” tại bụi gai bốc cháy trên núi Khôrép đã được lặp lại trong bụi gai bốc cháy của thập giá trên núi Sọ, như Chúa Giêsu đã nói với người Do thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). 

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết tiếng diễn đạt hữu thể Thiên Chúa sâu sắc nhất là tiếng “Cha”. Người Cha ấy mà Chúa Giêsu là con (x. Mt 11,25-27) cũng rộng mở tình phụ tử của Người trên tất cả những ai tin vào Con của Người (x. Ga 20,17), như lời Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: “Con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha” (x. Ga 17,6). Như thế, danh xưng “Ta là Đấng Hiện Diện” đã tìm thấy lối diễn tả vừa gọn gàng vừa dễ hiểu trong danh xưng Cha. Đó là đỉnh cao và mức độ hoàn hảo nhất của mạc khải về danh Thiên Chúa.

Bởi vì “Cha” là danh xưng của Thiên Chúa được mạc khải cuối cùng, nên tất cả những tên gọi khác chỉ có thể được dùng và được tôn kính trong mức độ chúng gợi hứng cho những tâm tình có liên quan đến danh xưng “Cha”, tức là tâm tình tôn kính và yêu mến. Danh thánh của Thiên Chúa được mạc khải cuối cùng và trọn vẹn nhất bởi chính Con của Người là danh “Cha”. Vì thế câu xưng hô đầu tiên của kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” gắn liền với cả 7 lời nguyện, nhưng cách đặc biệt với lời cầu nguyện đầu tiên: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng”.

Mạc khải danh Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước là việc Thiên Chúa tự trao ban chính Người cho con người và Người muốn con người đáp trả bằng đức tin. Tin vào danh Thiên Chúa tức là tin vào chính Người, vì tên chính là người. Khi mạc khải thánh danh YHWH, “Ta là Đấng Hiện Hữu”, “Ta là Đấng Hiện Diện”, Thiên Chúa muốn mời gọi ông Môsê tin vào danh Người là Đấng đang hiện diện với dân Người trong cơn đau khổ, để ông có thể nâng đỡ đức tin của dân và lãnh đạo dân. Ông đã tin và đã nhận lãnh sứ mạng. Đó cũng là niềm tin mà các linh mục phải có để lãnh đạo dân Chúa. Là những con người yếu đuối như Môsê, các linh mục cũng được mời gọi đặt trọn vẹn niềm tin vào danh Thiên Chúa và tin vào sự hiện diện gần gũi của Người, để có thể vững vàng trong việc lãnh đạo dân Người vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Hình ảnh Đavit trong trận chiến chống lại Gôliat (x. 1Sm 17,32-54) cũng phải được tìm thấy nơi các linh mục, những người không cậy dựa vào sức mạnh nào khác ngoài thánh danh Thiên Chúa để lãnh đạo cuộc chiến chống lại tên thù địch khổng lồ là ma quỉ.

2. TÔN VINH DANH THIÊN CHÚA

Tên là để giúp chúng ta có thể gọi một ai đó. Như thế tên đóng vai trò quan trọng để tạo nên mối tương quan. Khi Ađam đặt tên cho thú vật thì không chỉ có nghĩa là để nói lên bản chất của chúng, mà còn để đưa chúng vào tương quan với con người.

Thiên Chúa cũng muốn xây dựng mối tương quan với chúng ta, khi ban cho chúng ta danh thánh Người. Người cho phép chúng ta bước vào tương quan với Người. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa sẵn sàng trao ban chính mình cho nhân loại. Khi chấp nhận bước vào tương quan với con người, Thiên Chúa sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu.

Thiên Chúa càng trao ban chính mình cho con người, thì con người càng có thể làm cho ánh sáng Chúa bị lu mờ đi. Thiên Chúa càng gần con người chừng nào, thì những hành động xấu xa của con người càng dễ làm cho khuôn mặt của Chúa mờ nhạt đi, và càng dễ xúc phạm đến danh thánh của Chúa.

Từ đó chúng ta có thể hiểu “nguyện danh Cha cả sáng” có nghĩa là gì. Bây giờ danh Thiên Chúa có thể bị lạm dụng và chính Thiên Chúa cũng có thể bị bôi nhọ. Vì tội lỗi của dân Israel mà danh thánh Chúa bị dân ngoại xúc phạm. Vì thế Người đã phán: “Ta sẽ làm cho danh thánh Ta được nhận biết giữa dân Ta và sẽ không để cho danh thánh của Ta bị xúc phạm nữa. Bấy giờ các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng Thánh của Israel” (Ed 39,7).

Chúa Giêsu nguyện xin Chúa Cha tôn vinh danh Người (x. Ga 12,18) và mời gọi các môn đệ xin Người thánh hóa tên ấy: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng”. Đây là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người dâng lên giữa lòng một thế giới đen tối, độc ác, xấu xa. Trong bóng đêm của cuộc đời, lời cầu xin cho chúng ta thấy rằng chỉ có Thiên Chúa là công chính, chỉ có Cha trên trời là thánh và là nguồn ánh sáng chiếu soi và sưởi ấm cuộc đời này.

Qua lời cầu xin này chúng ta xin Thiên Chúa tái lập căn tính đích thực của Người khỏi những méo mó do chúng ta gây nên. Lời cầu xin này đòi hỏi chúng ta phải tự vấn lương tâm: tôi đã sống với danh Thiên Chúa như thế nào?

Chúng ta có thể góp phần làm cho danh Cha trên trời được vinh hiển, khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Người. Hơn nữa, danh thánh của Thiên Chúa đặc biệt được vinh hiển qua chính cuộc sống thánh thiện của chúng ta.

3. LINH MỤC VÀ SỰ THÁNH THIỆN

“Chúng ta cầu xin để danh Thiên Chúa được thánh hóa trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành thì danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại thì danh Người bị phỉ báng...Vì vậy chúng ta cầu xin để danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Người bấy nhiêu”.[8] Thánh thiện trước hết là ơn gọi của mọi Kitô hữu là những người đã được thánh hiến cho Chúa qua bí tích rửa tội.

Trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta, trong đó có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người nam nữ để làm tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng tá cuộc sống của họ”.[9]

Nếu sự thánh thiện nơi các Kitô hữu là điều cần thiết để cho danh Cha cả sáng trước mặt mọi người, thì các linh mục càng phải sống thánh thiện hơn nữa. Công đồng Vaticanô đã dạy: “Các chủ chăn coi sóc đoàn chiên Chúa Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ của mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Thượng Tế vĩnh cửu, vị Chủ Chăn và Giám Mục chăm sóc linh hồn chúng ta: làm như thế các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ của mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hóa”.[10]

“Đành rằng ngay từ khi được thánh hiến nhờ phép rửa tội, như mọi Kitô hữu, các ngài đã lãnh nhận dấu tích và ân huệ của cả ơn gọi lẫn ơn sủng, để các ngài có thể và phải theo đuổi sự hoàn thiện. Nhưng các linh mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi lãnh nhận chức thánh là các ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới”.[11]

Sự thánh thiện là cốt lõi của đời sống linh mục. Linh mục được chọn để hành động nhân danh Chúa Kitô. Do đó, sự thánh thiện thuộc về căn tính của chức linh mục, và vì vậy linh mục chỉ có thể thi hành thánh chức cách hiệu quả trong chính sự thánh thiện mà thánh chức đòi hỏi. Hơn ai hết, linh mục phải là nơi mà sự thánh thiện của Thiên Chúa được biểu lộ một cách rõ nét nhất, hoàn hảo nhất, bởi chức linh mục bắt nguồn từ Chúa Kitô.

Theo Pastores dabo vobis, số 47, linh mục là người của Thiên Chúa, là người thuộc về Thiên Chúa và làm cho người ta suy nghĩ về Thiên Chúa. Các Kitô hữu hy vọng gặp được nơi linh mục chẳng những một con người đón tiếp họ, bằng lòng lắng nghe họ, bày tỏ cho họ một mối thiện cảm nào đó, nhưng còn là và nhất là một con người giúp đỡ họ ngắm nhìn Thiên Chúa, tiến lên về phía Thiên Chúa.

Chính việc cử hành bí tích đòi hỏi linh mục phải có sự thánh thiện. Quả thế, mặc dù hiệu quả của bí tích phát sinh do hành động của Thiên Chúa, nhưng việc cử hành bí tích cũng đòi hỏi thừa tác viên phải mặc lấy sự thánh thiện, vì đây là hành vi thuộc lãnh vực thánh thiêng.

Sự thánh thiện của linh mục phát xuất từ việc các ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, thánh hiến có nghĩa là để dành riêng như của lễ dâng lên Thiên Chúa. Như thế, thánh hiến đồng nghĩa với của lễ hy sinh, được thực hiện bằng sự hy sinh. Gương linh mục hy sinh làm phát sinh Giáo Hội thánh thiện. Vì thế Chúa đã phải đóng ấn sức truyền bá của Người bằng thánh giá. Những linh mục nặng óc thế tục làm cản trở bước tiến của Giáo Hội. Khi linh mục sống thua kém giáo dân, Giáo Hội sẽ bị thoái hóa.

Các linh mục là những kẻ bầu cử thế lực, là muối đất, là ánh sáng trần gian. Thiếu những tâm hồn thánh thiện, thế gian sẽ bị hư thối và sống trong tối tăm. Các linh mục nên thánh cho toàn thể dân Chúa chứ không phải chỉ cho riêng mình.

 
CÁC ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

1. Giữa một thế giới đầy đau khổ, thiếu vắng tình thương như hiện nay, làm thế nào để mọi người có thể khám phá khuôn mặt và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa là Cha và tin vào danh Người?

2. Những hành vi, cách sống nào của chúng ta có thể làm cho danh thánh Chúa bị phủ nhận hoặc bị xúc phạm bởi những người không có đức tin?

3. Thiên Chúa Cha là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất. Danh xưng “cha”của linh mục cũng phát xuất từ đó. Ngày nay có nhiều người đặt lại vấn đề về cách gọi này đối với các linh mục. Chúng ta nghĩ sao và phải làm gì?

4. Tại nhiều nước Âu Mỹ, linh mục được coi như một công chức làm việc ăn lương. Dân chúng không cần biết đến đời sống thánh thiện cá nhân của linh mục, miễn là ngài chu toàn những nhiệm vụ mục vụ đối với họ. Đâu là những lý do đưa đến tình trạng này và Giáo Hội tại Việt Nam phải làm gì để khỏi rơi vào tình trạng đó?
 

[1] Xem BÊNÊĐICTÔ XVI, Tự sắc Porta fidei về Năm Đức Tin (11-10-2011), số 4.
[2] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 11.
[3] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 12.
[4] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 1.
[5] Trích thư thánh Augustinô giám mục gửi cho Pơ-rô-ba về kinh Lạy Cha, trong Kinh Sách, IV, tr. 335.
[6] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2010, số 2815.
[7] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2143.
[8] Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, số 2814.
[9] BÊNÊĐICTÔ XVI, Porta fidei, số 13.
[10] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Lumen gentium, số 41.
[11] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Presbyterorum ordinis, số 12.

Tác giả bài viết: + GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 50
  • Khách viếng thăm: 48
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 21111
  • Tháng hiện tại: 106706
  • Tổng lượt truy cập: 12396418