Trang mới   https://gpquinhon.org

Thần học về tội lỗi

Đăng lúc: Thứ ba - 20/08/2013 18:52
THẦN HỌC VỀ TỘI LỖI


 
William Doino Jr.
 
 
Cuộc họp báo bất ngờ của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Brazil trở về đã được phân tích kỹ lưỡng trên toàn thế giới. Thế nhưng người ta nói rất ít về một hàng từ khóa quan trọng trong cuộc trao đổi này. Đức Phanxicô nói với các ký giả: “Điều quan trọng chính là thần học về tội lỗi”.
 
Đó chính là điều phải nằm ở tiêu đề các bài báo chứ không phải từ “gay” (đồng tính) mà Đức Phanxicô sử dụng hay thái độ đầy lòng xót thương của ngài đối với những người đang tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa.
 
“Điều quan trọng chính là thần học về tội lỗi”
 
Từ ngữ thật đáng chú ý, đặc biệt đối với một thế giới thường xuyên chối từ tội lỗi; thế nhưng nhiều nhà bình luận đã bỏ qua chúng và thay vào đó lại nhắm vào câu nói bây giờ đã trở nên nổi tiếng của Đức Phanxicô: “Tôi là ai mà lại đi xét đoán chứ?”
 
Từ khi được cất nhắc làm giám mục, và đặc biệt làm Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã mạnh mẽ và loan báo rõ ràng một “thần học về tội lỗi”. Ngài thường quay về chủ đề này khi nói rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, cần phải xét mình và sửa đổi đời sống cho thích hợp. Ngài thường ví mình như tội nhân và xin mọi người cầu nguyện cho mình. Khi được hỏi rằng tại sao ngài “cứ nằng nặc” mời gọi cầu nguyện, ngài đã trả lời như một chủ chăn thật sự:
 
Tôi luôn cầu xin điều đó. Khi làm linh mục, tôi đã xin điều đó … Tôi bắt đầu cầu xin với tần suất cao hơn khi làm giám mục, vì nếu không có Chúa giúp sức để đưa Dân Chúa tiến lên thì mình tôi chẳng  làm được gì. Tôi có nhiều hạn chế, nhiều vấn đề, và là một tội nhân – và như anh biết đó! – tôi phải cầu xin cầu nguyện cho tôi … Nó xuất phát từ bên trong. Tôi cũng cầu xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa cho tôi. Đây là một thói quen, nhưng là một thói quen xuất phát từ trong thâm tâm tôi và là một nhu cầu thật sự của tôi để làm việc.
 
 Ngày 29 Tháng Tư vừa qua, trong bài giảng tại nhà Santa Marta cho Ban quản lý di sản Tòa Thánh (APSA) Đức Phanxicô đã miêu tả thần học về tội lỗi của ngài như một tiến trình gồm 3 phần. Phần đầu là sự nhận ra điều tối tăm dẫn đến chệch hướng trong cuộc sống hiện đại:
 
Đi trong tối tăm có nghĩa là quá tự mãn, tin rằng mình không cần ơn cứu rỗi. Đó là sự tối tăm! Khi bước đi trong tối tăm này thì không dễ gì có đường quay lại. Vì thế, Thánh Gioan đã nói: “Nếu nói mình không có tội là ta tự lừa dối và chân lý không hiện diện trong ta.” Hãy nhìn thấy tội lỗi của anh, của chúng ta, tất cả chúng ta đều là những tội nhân … Đây là điểm khởi đầu.
 
Giai đoạn thứ hai là nhận biết rằng đi xưng tội không phải là cách để xóa những vết bẩn trong tâm hồn – làm như tòa giải tội là “cái máy giặt khô” theo nghĩa thần học – đúng ra, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi và biến đổi đời sống. Nhưng để nhận lãnh ơn chữa lành, chúng ta không chỉ nhận ra tội lỗi mình nhưng còn phải biết xấu hổ vì đã làm trái ý Chúa. Phải luôn nói được như Thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, hãy xem này … con là như thế đó”. Chúng ta thường xấu hổ khi nói thật rằng: “Tôi đã làm điều đó … Tôi đã nghĩ điều đó.” Thế nhưng xấu hổ là nhân đức Kitô giáo thật sự và còn là một nhân đức nhân bản … Bạn cần đứng trước mặt Chúa với “con người tội lỗi thật sự của mình” … Không cần phải che đậy gì trước Thiên Chúa … Đây là nhân đức mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta: hiền lành và khiêm nhường.
 
Giai đoạn thứ ba là phải có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa:
 
Chúng ta phải tin tưởng, vì khi phạm tội chúng ta đã có một trạng sư bênh vực bên cạnh Chúa Cha là “Chúa Giêsu công chính”. Ngài sẽ “nâng đỡ chúng ta trước Chúa Cha” và bênh vực cho sự yếu đuối của chúng ta.
 
Trong diễn từ với các đồng môn Dòng Tên nhân ngày lễ Thánh Ignatiô, Đức Phanxicô đã tóm tắt nhãn quan của ngài về đời sống Công giáo: “Hãy đặt Chúa Kitô và Giáo Hội làm trung tâm; chịu Ngài chinh phục mình để phục vụ; hãy hổ thẹn vì những hạn chế và tội lỗi của mình để trở nên khiêm nhường trước mặt Ngài
 
Nhãn quan của Đức Giáo Hoàng tương phản với thế giới thế tục. Đức Phanxicô cho rằng tính dục ngoài hôn nhân là tội trọng trong khi thế gian cho rằng không – và họ ngày càng không tin vào định nghĩa đặc thù của hôn nhân. Đức Giáo Hoàng cho rằng ai sống trong tình trạng đó thì phải gấp rút đi xưng tội còn thế gian thì tôn vinh và ủng hộ chúng. Đức Giáo Hoàng cổ vũ một quan niệm xấu hổ Kitô giáo lành mạnh còn thế gian thì diễu cợt mọi ý tưởng về sự xấu hổ. Chính vì thế mà trong diễn từ vào tháng Tư, Đức Phanxicô đã dùng những từ mạnh mẽ nhất dành cho “người chai mặt”
 
Tôi chẳng biết có từ tiếng Ý nào tương tự, nhưng trong nước Argentina của tôi, người không bao giờ xấu hổ được gọi “sin verguenza”, “người không biết xấu hổ”, vì họ là người mất khả năng xấu hổ và biết xấu hổ là nhân đức của người khiêm  nhượng.
 
Trong bài báo gần đây, John Allen đã đề nghị gọi Đức Phanxicô là “Giáo hoàng của lòng thương xót” bởi vì “ý tưởng đặc trưng của ngài là lòng thương xót. Lúc nào cũng vậy, ngài luôn nhấn mạnh đến khả năng tha thứ vô tận của Thiên Chúa. Điều mà thế giới cần nghe từ Giáo Hội hôm nay là sứ điệp của lòng thương xót.”
 
Đó là điều chắc chắn và còn chắc hơn nữa là cách hiểu về lòng thương xót của Đức Phanxicô không phải là loại mà những người ly khai giáo hội hay người theo thế tục chủ nghĩa vẫn tin, càng không phải là lòng thương xót giả dối mà Đấng đáng kính Fulton Sheen mạnh mẽ kết án.
 
Giáo huấn của Đức Phanxicô về lòng thương xót thật đáng để suy nghĩ nhưng rõ ràng cần phải được suy tư trong thần học về tội lỗi của ngài. Nó bao gồm sự xấu hổ về những tội trầm trọng của chúng ta, và sự từ bỏ nó nhờ ơn Chúa giúp. Chỉ khi đó ta mới kinh nghiệm được niềm vui và sự chữa lành trọn vẹn mà Chúa Con hay thương xót dành cho chúng ta.
 
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 94
  • Khách viếng thăm: 73
  • Máy chủ tìm kiếm: 21
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 50367
  • Tổng lượt truy cập: 12340079