Trang mới   https://gpquinhon.org

Định hướng cần có trong việc đào tạo đức tin cho Dân Chúa

Đăng lúc: Thứ hai - 02/09/2013 01:57
ĐÓNG GÓP CUỐI NĂM ĐỨC TIN
ĐỊNH HƯỚNG CẦN CÓ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO ĐỨC TIN CHO DÂN CHÚA


 

Lm. GP Võ Tá Khánh

Năm Đức Tin mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tạ ơn về đức tin đã nhận được, đào sâu đức tin ấy và loan truyền đức tin ấy. Đó là những việc ta đã làm dựa trên các văn kiện Công đồng Vaticanô II và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

Năm Đức Tin cũng mời gọi các linh mục nhìn lại việc đào tạo đức tin cho Dân Chúa. Tháng trước, cha giám đốc Giuse Huỳnh Văn Sỹ đã trình bày những chỉ dẫn của Giáo quyền, tức là phần nguyên tắc, về “Những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin: Lời Chúa, bí tích và phụng vụ”.

Trong phần chia sẻ ngắn này, xin nói riêng đến khía cạnh thực hành, không phải về mặt kỹ thuật nhưng về một định hướng. Xin khởi đầu theo quyển sách Đức Cha đã tặng chúng ta dịp tĩnh tâm năm, của linh mục tác giả J. Ronald Knott, quyển Thuật lãnh đạo tinh thần của một cha xứ (Bản Việt ngữ của Vĩnh An và Nguyễn Uy Nam, Nxb Tôn Giáo, 2013).

1. GIÚP DÂN CHÚA TIẾN BƯỚC TRÊN ĐƯỜNG TÂM LINH

a. Việc hướng dẫn Dân Chúa về mặt tâm linh: Tựa đề tiếng Anh của quyển sách là “The Spiritual Leadership of the Parish Priest”. Bản Việt ngữ dịch Spiritual thành tinh thần, và thêm chữ thuật thành “thuật lãnh đạo tinh thần”, dễ gây cảm tưởng quyển sách bàn về cách làm cho quần chúng hào hứng để khiến họ làm theo ý ta. Đọc kỹ nội dung, tựa sách phải được hiểu chính xác là: Việc hướng dẫn Dân Chúa về mặt tâm linh để đưa họ tới chỗ nên thánh. Trong quyển này mỗi khi gặp cụm từ lãnh đạo tinh thần đều phải hiểu theo nghĩa ấy, rất phù hợp với ý nghĩa hai từ linh mục trong tiếng Việt: người hướng dẫn dân chúng về mặt tâm linh. Những ý nghĩa ấy soi sáng cho ta biết phải đào tạo đức tin cho Dân Chúa theo hướng nào. Các trang 11-46 trong bản dịch nhấn mạnh cần phải thực hiện việc hướng dẫn tâm linh ấy trong hiệp thông và hiệp nhất với linh mục đoàn và với Đức Giám mục giáo phận.

b. Tận dụng ba chức năng: Từ trang 47 đến 66, tác giả cho thấy linh mục cần biết tận dụng ba chức năng Chúa trao để giúp Dân Chúa tiến bước về mặt tâm linh:

    - Tận dụng tòa giảng
    - Tận dụng việc cử hành bí tích
    - Tận dụng những dịp tiếp xúc, phục vụ và việc điều hành

c. Dạy giáo lý để đào tạo đức tin:

Quyển sách không có chương nào nói về việc dạy giáo lý và việc đào tạo đức tin, thế nhưng nó đủ gợi ý cho ta rằng: cùng với tòa giảng, việc dạy giáo lý phải nhắm đến việc dẫn dắt Dân Chúa tiến bước trên đường tâm linh qua từng lứa tuổi.

Mọi giờ dạy giáo lý đều phải giúp học viên hiểu hơn về Thiên Chúa và tình thương của Ngài để rồi dẫn dắt học viên đến chỗ ngỏ lời với Thiên Chúa và sống thân tình với Ngài, nhờ đó sự sống tâm linh nảy nở và lớn dần. Chính vì thế, cả khi dạy giáo lý dự tòng, ngay cả với những người chỉ muốn đến lớp cho xong thủ tục chứ không có ý định tìm hiểu kỹ và tin theo Kitô giáo, ngay từ buổi học đầu tiên, ta phải dẫn đương sự đến chỗ ngỏ lời với Thiên Chúa bằng Kinh Lạy Cha của người chưa tin.

Khi phải đào tạo tốc hành cho các giáo lý viên, bày vội cho họ phải lên lớp thế nào, ta thường vẫn nhấn mạnh điểm căn bản, nhắc họ khi dọn bài lên lớp phải lưu ý ba điểm:

    - nắm vững ý chính của giờ dạy
    - tìm cách diễn giải thật dễ hiểu, bắt đầu từ Kinh Thánh và các hình ảnh minh họa
    - luôn nhớ dẫn dắt học viên đến tâm tình cần có, phù hợp với nội dung bài học, và gói ghém tâm tình ấy trong lời cầu nguyện cuối giờ.
Như thế, mỗi giờ giáo lý là một giờ đào tạo đức tin, giúp hiểu và giúp sống nội dung mặc khải, hơn nữa, sống với Chúa qua nội dung mặc khải ấy.

2. NGUY CƠ DỪNG LẠI VÀ THOÁI HÓA

Liền sau khi bàn xong về việc linh mục cần biết tận dụng ba chức năng Chúa trao để giúp Dân Chúa tiến bước về mặt tâm linh, tác giả đặt vấn đề tại sao có những tín hữu lìa bỏ cộng đoàn tìm đến một nhà thờ khác, một hệ phái Kitô giáo khác hoặc thậm chí rời khỏi nhãn quan Kitô giáo. Đàng sau sự thoái hóa của phần đoàn chiên được trao phó cho mỗi cha xứ, còn có cả cuộc khủng hoảng trên toàn cầu của Kitô giáo. Đây là vấn đề mà Năm Đức Tin đặt ra cho chúng ta: Tại sao nhân loại đang mất đức tin? Tại sao việc loan báo Tin mừng của ta không đạt kết quả?

Giữa trang 67, không một lời biện minh hoặc báo trước, cha Ronald Knott tiếp tục câu chuyện theo cái nhìn của một tâm lý gia Tin Lành người Mỹ, Tiến sĩ M. Scott Peck, (1936-2005), trong quyển The Different Drum: Community Making and Peace. Simon & Schuster, 1987.

Ngài lấy lại phân tích của ông để cảnh báo rằng khuôn khổ ổn định của các giáo xứ (giai đoạn 2 trong 4 giai đoạn tâm linh theo bản phân tích này) không đáp ứng được khát vọng của những người muốn tiến xa hơn trên đường tâm linh. Những người này không chấp nhận nội dung đức tin cách dễ dãi nhưng chỉ chấp nhận khi xác tín nó hợp lý. Họ thường đòi kiểm chứng mọi sự cách khoa học. Với quan điểm tâm linh như thế, họ lìa xa giáo lý chính thống và cũng rời bỏ cộng đoàn (giai đoạn 3). Theo Scott Peck, sự phản kháng ở giai đoạn thứ ba là cần thiết để tiến tới giai đoạn bốn: tiếp cận với mầu nhiệm, và quay về với sinh hoạt tôn giáo, không phải với một đức tin ngoan ngoãn hoặc vì sợ hãi, nhưng với đức tin của chính bản thân.

Thật ra, điều tiến sĩ Peck nay mới nói đến, thì cách đây năm thế kỷ, thì khoảng chỉ 20 năm sau khi Martin Luther qua đời, một vị tiến sĩ Hội Thánh Công Giáo là Thánh nữ Têrêxa Avila đã nói rõ. Người ta bỏ đạo chẳng phải vì không được học giáo lý nhiều nhưng vì khi dạy giáo lý họ thường chỉ được hướng tới một mục tiêu nửa vời, hướng tới nửa chặng đường, tức là hướng tới sự ăn ngay ở lành, chứ chưa hướng tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Hầu như người ta chỉ nhắm tới sự ổn định trên thế gian thay vì dấn bước trên đường lữ hành. Thánh nữ Têrêxa Avila chia lộ trình tiến về hiệp nhất với Thiên Chúa thành bảy bước, có thể giản lược như sau

Mức độ ở lại 1: Vượt thắng tội trọng.
Mức độ ở lại 2: Vượt thắng tội nhẹ.
Mức độ ở lại 3: Vượt thắng các bất toàn (nhưng không dừng lại ở sự hoàn thiện về mặt luân lý).
Mức độ ở lại 4: Làm việc nhỏ với tình yêu lớn.
Mức độ ở lại 5: Hiệp nhất cùng một lòng muốn (Chúa muốn gì, mình muốn nấy và mình muốn gì, Chúa muốn nấy).
Mức độ ở lại 6: Thanh tẩy bằng thử thách.
Mức độ ở lại 7: Hiệp nhất mãi mãi trong tình yêu.

Theo đó, sự hoàn thiện luân lý thuộc bước thứ ba, mới được nửa đường. Thánh nữ ghi nhận: rất nhiều người đạt tới bước thứ ba nhưng rồi đã dừng lại đó và thụt lùi dần.

Cha Knott mở đầu bằng định lý: “Bạn chỉ có thể dẫn dắt người ta nếu bạn tiến xa hơn họ ít nhất một bước”. Tuy nhiên đang bàn tới trách nhiệm các cha xứ là những người hoạt động, ngài đđã trình bày theo nhãn quan một tác giả hoạt động thời nay chứ không liệt kê các bước theo nhãn quan Thánh nữ Têrêxa Avila. Định kiến chia chẻ hai lãnh vực chiêm niệm và hoạt động quá sâu đậm, chỉ cần nhắc đến tên vị thánh sư của đời chiêm niệm, đủ gây dị ứng, khiến người ta gấp sách lại.

Thế nhưng bước cần tiến xa hơn là bước nào? Phải chăng là bước thứ ba của Peck, bước của những người phản kháng? Hay là bước quay về sau thời phản kháng? Không, những bước ấy không phải là bước tiến trên đường đức tin hay đường về hiệp nhất với Thiên Chúa.

Tiến sĩ Peck chỉ là một tâm lý gia chứ không phải là linh mục hay mục sư. Ông có thể phân tích và ghi nhận các sự kiện về mặt xã hội nhưng không có ơn riêng để nhìn thấy đáp án về phương diện mục vụ. Còn Thánh nữ Têrêxa Avila là một Tiến sĩ Hội thánh, các bản văn phụng vụ dành cho ngài là bản văn về các Thánh Mục tử. Ngài được ơn để đưa ra một giáo huấn dạy đường tâm linh cho Dân Chúa. Việc là một nhà thần nhiệm thì chẳng có gì trở ngại khiến ngài không thể chia sẻ kinh nghiệm với những tông đồ hoạt động. Sự kiện chỉ trong hai mươi năm cuối đời ngài thành lập 17 đan viện (vừa lo cơ sở vật chất vừa thành lập cộng đoàn!) cũng đủ để ta phải nhìn ngài như một trong những nhà hoạt động hàng đầu.

3. MẠNH DẠN CHUYỂN SANG GIAI ĐOẠN MỤC VỤ MỚI

Tiến sĩ Peck là một nhà tâm lý xã hội. Ông muốn mô tả các bước linh đạo trên đây như là hiện tượng chung của các tôn giáo, không riêng các nhóm Kitô giáo. Do đó, ông không cung cấp được đáp án cho vấn đề.

Còn Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu nhìn từ mạc khải Kitô giáo, với mục tiêu cuối cùng của đời người là sự hiệp nhất với Thiên Chúa, cho nên bà không dừng ở chỗ phân tích và mô tả sự kiện nhưng còn dẫn đến đáp án. Đáp án đó là mức ở lại thứ năm trên đường vào nội tâm: hiệp nhất một lòng một ý với Thiên Chúa. Cụ thể, có nghĩa là sự từ bỏ ý riêng để thuận theo ý Thiên Chúa một cách triệt để, tức là tuyệt đối tin vào Thiên Chúa.

Theo lộ trình bảy bước của Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu, những người đạt tới mức ở lại thứ ba muốn được Chúa đưa vào những mức ở lại sâu hơn, cần phải đi qua đêm khô khan, tức là đi qua kinh nghiệm về sự bất lực của chính mình. Nếu họ nuối tiếc những thành tựu của giai đoạn ba, cứ loay hoay mãi ở đó thì sẽ bị dừng lại và có thể bị thụt lùi. Chỉ khi nào biết thú nhận nỗi khốn cùng của mình, người ta mới có thể được cất khỏi gánh nặng múc nước từng gàu để thảnh thơi đón nhận nguồn nước từ mương thủy lợi hoặc từ những cơn mưa tầm tã.

Cũng thế, trong lãnh vực mục vụ, khi những khuôn khổ có vẻ ổn định đã thành cằn cỗi, chẳng còn sinh hoa kết quả gì, thì tại sao cứ phải khư khư bám lấy mãi? Giáo hội đã kiên trì nhả tơ biết bao đời để dệt nên cái kén giáo xứ – những tổ kén đáng quý thật nhưng đã đến lúc trở thành chật chội và tù túng, con bướm có nhu cầu phải xé rách tổ kén và thoát ra để tung tăng bay lượn. Đã đến lúc cần can đảm xin Chúa Giêsu tha thứ cho sự cằn cỗi của ta, thẳng thắn nhìn nhận trước mặt Ngài là ta đã thất bại, và sẵn sàng nhường chỗ cho Ngài thành công. “Ngài quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10).

Tại sao cứ nhất định phải bám lấy những cái vô bổ? Phải chăng là ta có nhu cầu phải lập thành tích riêng cho bằng được? Phải chăng vinh danh riêng, quyền thống trị riêng và ý riêng nhất định phải thắng vượt hơn Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha? Hay phải chăng ta không dám nhận mình đã thất bại?

Mẻ cá lạ chỉ xảy ra khi Phêrô thú nhận: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (Lc 5,4-7). Suốt ba năm rao giảng, bài học được nhắc lại mấy lần dưới những dạng khác, nhưng các môn đệ vẫn không hiểu. Chính vì thế, sau khi từ cõi chết phục sinh, Chúa đã phải dạy lại bài học cũ ấy, không sót một chi tiết nào (x. Ga 21,1-8).

Sau đó, khi Phêrô thưa lại lần thứ ba: “Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21,17-18). Tác giả sách Tin mừng ghi chú: “Ngài nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (c. 19). Tuy nhiên ta cũng có thể hiểu Chúa muốn nói rằng trên bước đường chăn chiên của Phêrô, sau giai đoạn đầu chủ động, sẽ là giai đoạn thụ động, biết để cho Chúa làm.

4. ĐÁP ÁN: ĐỨC TIN

Phương thế: Luôn sống sự hiện diện của Thiên Chúa, tức là tin. Nhưng thế nào là tin? Đây là điều đáng suy nghĩ, vì đang khi chúng ta tự an ủi rằng dù sao hiện nay vẫn còn một số lượng tương đối những người tin vào Chúa Kitô, thì chính Ngài lại đặc biệt bi quan báo trước: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn tìm thấy đức tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8)

Thế nào là tin?

Thánh Gioan Thánh Giá mượn hình ảnh đường lên một ngọn núi để diễn tả hành trình tiến về hiệp nhất với Thiên Chúa. Trong cái nhìn của ngài, đường lên này rất đặc biệt. Theo bản phác họa do chính ngài vẽ, đó không phải là triền dốc men theo sườn núi nhưng là một đường thẳng đứng, không phải từ chân núi mà hệt như là một đường ống từ dưới lòng đất chui lên, chẳng biết bám vào đâu và được liên tục đánh dấu bằng cụm từ “không gì cả” (cũng có thể nói là “không đáng gì cả”) hằng chục lần, rồi lên tới đích thì gặp ngay Thiên Chúa là Tất Cả nơi bàn tiệc của Ngài.

Cách nhìn của Thánh Gioan Thánh Giá là một đóng góp kỳ diệu về sư phạm cho việc đào tạo đời sống tâm linh Kitô giáo. Nó hứa hẹn giúp bạn vượt thoát kinh nghiệm buồn nản của một công cuộc nhân loại, mệt mỏi trong chuyện sa đi ngã lại triền miên với những cái chẳng đáng gì, dường như cả đời cứ ì à ì ạch ở bước khởi đầu. Cái nhìn của Thánh Gioan Thánh Giá vẽ nên con đường tắt, ngược với cách nghĩ thường tình của nhân thế. Theo lẽ thường thì phải xây cái siêu nhiên trên cái tự nhiên, phải hoàn tất cuộc hoán cải luân lý rồi mới bắt đầu bồi đắp các nhân đức hướng thần. Cách nhìn này dĩ nhiên có cái lý của nó và hẳn cũng đã có một số người nào đó đi trọn, nhưng kinh nghiệm cho thấy nó hết sức vất vả.

Các vị tiến sĩ Hội thánh của dòng Cát Minh cho rằng bước đường tâm linh cũng như nhân cách siêu nhiên của chúng ta trước hết là công cuộc của Thiên Chúa, cho nên phải bắt đầu từ Thiên Chúa. Bạn cứ thử, sẽ thấy hiệu quả đến mức nào. Bạn hãy cứ bắt đầu thật sự tin Chúa, thật sự trông cậy và thật sự mến Chúa, lập tức sẽ thấy mọi vướng mắc về luân lý tự động bật rễ. Bỗng dưng, bạn thấy mình hoàn toàn tự do, bạn đã chiến thắng tự lúc nào không hay. Nếu bạn chưa chiến thắng, thì đơn giản có nghĩa là bạn chưa thật sự tin, cậy, mến, tức là chưa thật sự để cho Chúa Kitô làm chủ đời bạn. Bạn hãy nhìn những anh chị em tân tòng đầy đức tin thì rõ. Không còn thấy dấu vết của giả dối, ích kỷ, gian tham, rượu chè, ghen tị, tà dâm… những thứ mà mới tháng trước hoặc tuần trước đây họ còn lệ thuộc. Nếu bạn hiếm thấy điều này nơi các tân tòng Công giáo – vì thông thường thì các giáo lý viên không thể nào cho người khác cái mình không có, thì hãy nhìn nơi các tân tòng bên Hội thánh Tin lành. Tôi không phải là nhà truyền đạo Tin lành, tôi là linh mục Công giáọ, nhưng tôi không ngại nói như thế, bởi lẽ tôi biết các nhà cải cách Tin lành và hai vị thánh cải tổ dòng Cát Minh đều cùng đối diện với tình cảnh suy đồi của Hội thánh thế kỷ XVI, một bên lìa bỏ Hội thánh Công giáo và một bên kiên vững ở lại trong Hội thánh ấy nhưng cả hai bên có cùng một đáp án sư phạm cho việc đào tạo Dân Chúa. Công cuộc của Thiên Chúa cần được để cho Thiên Chúa bắt đầu từ chính Ngài, đừng loay hoay mãi với sự xoàng xĩnh của những cấu trúc nhân loại, cho dù có vẻ ổn định tới đâu. Những người cải cách Tin lành và các nhà cải tổ dòng Cát Minh đều thấy cần phải chọn gì giữa một bên là sự yên ổn của kẻ muốn định cư luôn ở đời này và có nguy cơ lún sâu vào bùn lầy của nó, và bên kia là những đấu tranh gian khổ của sa mạc với con đường tiến không ngừng theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Đi theo lộ trình của lý trí tự nhiên, bạn sẽ thấy chỉ nguyên việc làm chủ giác quan đã nghìn khó vạn khó. Còn một khi đã bước theo con đường đức tin, đã tập trung chính mình vào Thiên Chúa là Tất Cả rồi, cả những hấp lực ghê gớm nhất của thụ tạo đều không đáng gì cả.

Nếu chúng ta chỉ có thể dẫn dắt người khác khi tiến xa hơn họ ít nhất một bước, thì đặt vấn đề đào tạo đức tin cho Dân Chúa cũng là đặt câu hỏi về đức tin của chính mình. “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: rời khỏi đây, qua bên kia! nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20).

Lạy Chúa, trước khi kết thúc Năm Đức Tin, xin cho đức tin chúng con được lớn gần bằng hạt cải. Amen.

Lm. GP Võ Tá Khánh

 
Tác giả bài viết: Lm. GP Võ Tá Khánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 42
  • Khách viếng thăm: 25
  • Máy chủ tìm kiếm: 17
  • Hôm nay: 12327
  • Tháng hiện tại: 19958
  • Tổng lượt truy cập: 12309670