Trang mới   https://gpquinhon.org

Thánh Phaolô và chân dung tự họa

Đăng lúc: Thứ bảy - 12/10/2013 22:19
THÁNH PHAOLÔ VÀ CHÂN DUNG TỰ HỌA



Tượng Thánh Phaolô
trước Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, Roma

 
Lm. Brendan Byrne, SJ

Tạp chí The Bible Today,
số September/October 2013, tr. 281-287

Lucas Khổng Kim Quang
chuyển ngữ
 

Trong những nhân vật được Tân Ước nhắc tới, không kể Đức Giêsu, chúng ta biết khá rõ về thánh Phaolô. Mặc dầu có những thư được cho là của những nhân vật khác như thánh Phêrô, Giacôbê, Giuđa..., nhưng chỉ những lá thư được tận tay thánh Phao lô viết sẽ cho chúng ta biết về tâm tình và trí tuệ của nhân vật kiệt xuất này. Dầu đọc qua bản dịch và trải qua một thời gian khá là dài, Thánh Phaolô vẫn là người mà chúng ta hoàn toàn biết khá rõ.

Thánh Phao lô nghĩ mình là ai? Điều này khác với câu hỏi "Ngài nói gì về mình trong những bức thư Ngài viết ra?" Điều khác biệt này xảy ra vì cách mà chúng ta nghĩ về chính chúng ta không nhất thiết phải giống như cách mà chúng ta tự giới thiệu bản thân với người khác.  Để biết chân dung tự họa của thánh Phao-lô, chúng ta phải tìm hiểu về cách Ngài tự giới thiệu mình - việc làm này có lẽ không khó khi tìm hiểu về những người "thẳng như ruột ngựa".
 
Biến Đổi nhờ Ân Sủng

Trước hết thánh Phao-lô hiểu mình là một người đã trải nghiệm một thay đổi cực lớn trong cuộc đời.  Thời nay, không thích hợp lắm khi gọi cuộc thay đổi này là  "cải đạo".  Vì từ "cải đạo" mang nghĩa một sự thay đổi từ một tôn giáo tới một tôn giáo khác, trong trường hợp của thánh Phaolô là nói ngài  "cải đạo" từ Do Thái giáo tới Kitô giáo.  Tuy nhiên, nói như thế là không đúng về mặt thứ tự thời gian vì Kitô giáo không được coi là một tôn giáo riêng biệt vào thời thánh Phao-lô.  Cho tới hơi thở cuối cùng, thánh Phaolô luôn tự nhận mình là người Do Thái (Rm 11,1) mặc dầu ngài không còn là mẫu người Do Thái như ngài đã là trước khi xảy ra thị kiến trên đường Damas. Thật vậy, thay vì tiếp tục là một con người năng nổ đầy nhiệt huyết, thực ra là kẻ cuồng tín theo cánh Biệt Phái Pharisêu (Gl 1,13-14), ngài đã trở thành một người "Do Thái thiên sai",  là người tin rằng Đức Giêsu Nagiarét, bị quân La Mã đóng đanh, là Đấng Thiên Sai được ngóng trông, và Đấng Thiên Sai này là Đấng Cứu Thế không những cho Israel mà còn cho cả dân nước trên toàn thế giới. Thiên Chúa giờ đây kêu gọi người người từ các dân nước cùng với dân Israel làm thành Dân Thiên Chúa.

Rõ ràng đối với thánh Phaolô, lời mời gọi thay đổi triệt để mà ngài đã nghe là một trải nghiệm cá nhân về ân sủng của Thiên Chúa.  Khi đề cập đến tiếng gọi đó, Ngài viết về ân sủng: "Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên" (Gl 1,15-16). Cảm giác "được dành riêng" trước khi sinh ra gợi nhớ những câu Thánh Kinh mà các tiên tri như Giêrêmia và Isaiah dùng để diễn tả lời Chúa mời gọi họ (Gr 1,4-5, Is 49,1. 5-6).  Trong ý nghĩa nào đó, thánh Phaolô đã coi mình là người kế thừa cho ơn gọi tiên tri.
 
Tông Đồ

Đối với thánh Phaolô,  Ngài muốn được nhận dạng trước tiên như là một tông đồ với sứ vụ rõ ràng là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân nước, điều này khởi đi từ thị kiến của Ngài với Chúa Phục Sinh và từ lời mời gọi trở nên tông đồ. Sự kiện Ngài nhận lãnh ơn Chúa là một trải nghiệm thật lớn lao làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời Ngài và khiến Ngài tự coi mình như dụng cụ thông ơn và loan báo tin vui cho Dân Ngoại. Để trở nên thụ tạo mới (2 Cr  5,17) họ phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống cũ, phải từ bỏ việc thờ lạy tà thần và sống vô luân để sống thánh thiện và thờ lạy chỉ một Chúa thật mà thôi (1 Tx 1,9-10; 1 Cr 6,9-10)

Khi nhắc nhở dân thành Côrintô về danh sách các chứng nhân mà qua lời chứng của họ niềm tin Phục Sinh của cộng đoàn được thành lập (1 Cr 15,3-11), thánh Phaolô đặt mình ở vị trí cuối cùng, nhưng dù sao đi nữa ngài vẫn ở trong hàng ngũ các tông đồ:

"Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi."

"Làm việc" là từ kỹ thuật dùng để diễn tả người truyền giáo làm việc phục vụ Tin Mừng.  Thánh Phaolô (người có tự ti mặc cảm) biết rõ là ngài đã làm việc nhiều hơn tất cả những tông đồ trong công việc đó. Tuy nhiên, ngài cẩn thận ghi chú rằng ngài đã làm việc như một dụng cụ của ơn sủng.  Chính ơn Chúa mới là tác nhân chính.

Thánh Phaolô đã cố gắng thật nhiều suốt trong sự nghiệp truyền giáo của mình để có được một vị thế ngang bằng và độc lập như một tông đồ được các nhân vật có tầm cỡ nhìn nhận, đặc biệt là những người có liên hệ gần với giáo hội mẹ tại Giêrusalem, chẳng hạn như thánh Phêrô, Giacôbê, và Gioan (Gl 2,9). Vào thời giáo hội sơ khai, đây đó có những định nghĩa khác nhau về "tông đồ".  Đối với thánh Phaolô, có hai tiêu chuẩn : thứ nhất, tông đồ phải là người đã "thấy" Chúa Phục Sinh,  nghĩa là phải là một nhân chứng cho việc sống lại;  thứ hai, tông đồ là người được Chúa ủy nhiệm ra đi rao giảng Tin Mừng và thành lập các giáo hội.  Nhiều tín hữu khác đã thêm vào tiêu chuẩn thứ ba: tông đồ phải là một trong các môn đệ đã biết và cùng bước đi với Chúa Giêsu khi Ngài còn sống trên dương gian (Cv 1,21-26 [Tuyển chọn tông đồ Matthia])

Dĩ nhiên về điểm trên, thánh Phaolô bị yếu thế. Ngài đã không "biết Đức Kitô trong xác thịt loài người" (hãy đối chiếu với lời nhận xét lạnh nhạt của ngài trong 2 Cr 5,16 " Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người"). Điều này diễn tả tại sao ngài không nói gì đến những giai đoạn trong cuộc đời Chúa Giêsu (nhưng Ngài lại nói về cái chết của Chúa) và họa hoằn lắm mới trích lời Chúa giảng dạy.  Thánh Phaolô rõ ràng tin tưởng rằng "kiến thức" về Đức Kitô mà ngài có được từ thị kiến trên đường đi Đamát và từ tình thân với Chúa qua việc cầu nguyện thật không thua kém chút nào với kiến thức về Chúa khi còn sống trên dương gian của các môn đệ đầu tiên.
 
Được  Đức Kitô Thu Phục

Chúng ta thật xúc động khi biết rằng cảm nhận sâu sắc nhất của một cá nhân được Chúa yêu thương lại đến từ một người không "biết" Chúa "theo xác thịt": "Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 1,19b-20). Ở đây, Thánh Phaolô nói đến cảm nhận được Đức Kitô yêu thương và bất cứ ai trong các tín hữu đều có thể xác nhận mình cũng được Chúa yêu.  Dù sao đi nữa, chúng ta không nên xem sự cảm nhận đó đơn thuần chỉ là một "nét tiêu biểu" của thánh Phaolô. Điều đáng nói ở đây là cảm nhận của thánh Phaolô về chính mình như một người sống trọn vẹn cho tình yêu Con Thiên Chúa, người đã chết vì chúng ta (Rm 5,6-8).

Trong thư gửi các tín hữu Philipphê đoạn 3, thánh Phaolô đề cập đến cảm nhận được Chúa thương yêu vừa trên bình diện cá nhân lẫn trên bình diện "tiêu biểu".  Bằng những lời mạnh mẽ, thánh Phaolô cảnh giác cộng đoàn đừng chịu khuất phục trước áp lực của những thầy dạy Kitô bảo thủ chỉ muốn mọi người tuân theo Lề Luật Đạo Do Thái. Vì lợi ích của cộng đoàn, ngài đã thuật lại kinh nghiệm của cuộc đời ngài, khi mà sự gắn bó sâu đậm của ngài với Luật cũ và những việc Ngài làm như một người Do Thái toàn tòng đã bị cuốn trôi và được thay thế trọn vẹn bởi con người của Đức Kitô.

 "Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn:  tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ítraen, họ Bengiamin, là người Hípri, con của người Híppri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu;  nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.  Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.  Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Kitô và được kết hợp với Người. Ðược như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Ðức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.  Vấn đề là được biết chính Ðức Kitô, nhất là biết quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,  với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.  Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được đức Kitô Giêsu chiếm đoạt.  thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Ðức Kitô Giêsu". (Pl 3,4b-14)

Ngoài ý tưởng rằng Đức Kitô đã hoàn toàn thay thế cho việc giữ Lề Luật (Torah), điều còn lại ở đoạn trên đây chính là cảm giác về mối tương quan với Đức Giêsu. “Kiến thức” của Thánh Phaolô về Đức Kitô và “quyền năng về sự phục sinh của Ngài” vẫn chưa hoàn hảo. Giống như người lực sĩ (một hình ảnh yêu thích của Thánh Phaolô:  xem Gl 2,2; 1 Cr 9,24-26; Rm 9,16.30-33) ngài vẫn còn đang chạy trên đường đua, và vẫn chưa tới đích. Nhưng không có chuyện quay về với Lề Luật. Ngài đã hoàn toàn bị Đức Kitô “bắt giữ” và đó là điều mà các tín hữu Philipphê nên xem mình như vậy.
 
Yếu và Mạnh

Vào những năm đầu của trào lưu Kitô giáo, khi cơ cấu tổ chức của Giáo Hội chưa định hình, thánh Phaolô đã phải cố gắng nắm giữ ảnh hưởng của mình trên các giáo hội địa phương mà ngài đã thành lập, đặc biệt khi ngài phải rời xa họ, và những nhà truyền giáo cùng những thầy dạy cạnh tranh với ngài vào thế chỗ. Thật vậy giáo hội tại Côrintô đã gây nhiều khó khăn cho ngài (xem chứng cứ trong thư 1 Cr 1-4).  Lọc lựa giữa các bức thư ngài viết, đoạn (11,21 -12,10) của thư 2 Cr là đoạn ngài viết về mình rõ nét nhất,  trong đó ngài cố gắng năn nỉ kèo nài lòng trung thành của họ. Dù không muốn, ngài đã bị bó buộc phải phô trương mình ra như một tên "khùng". Ngài tán dương những hoạt động và khổ đau phải chịu của người làm môn đệ (chịu phạt đòn, chịu những khó khăn, nguy hiểm trên đường, cuộc vượt thoát trong gang tấc tại Đamát (11,32-33). Ngài đã khoe ra những kinh nghiệm thần bí (12,1-7a), và về những yếu đuối của mình ( xem câu 7b , "thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào" có lẽ ngài muốn nói về nỗi đau đớn thể xác phải chịu). " Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,10).  Qua lời kể ở trên, chúng ta nghe được lời trần tình của một người biết mình rất rõ, đã chân thành chia sẻ tất cả những kinh nghiệm siêu nhiên và đời thường của mình vì lợi ích của việc tông đồ.
 
Kết luận

Thánh Phaolô có một cảm nhận rõ ràng về vai trò độc đáo của mình trong kế hoạch cứu độ, như ngài viết ở phần cuối lá thư gửi tín hữu thánh Rôma:  "Trong thư này, đôi chỗ tôi đã nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc lại cho anh em điều anh em đã biết. Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Ðức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa. Vậy, trong Ðức Kitô Giêsu, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa.  Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Ðức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm,  bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần. Như vậy, từ Giêrusalem, đi vòng đến tận miền Ilyri, tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Ðức Kitô"(Rm 15,15-19).

Như thế, ngài có thể tự nhận mình là một kiểu mẫu hay nguyên mẫu của những điều mà ơn Thiên Chúa có thể thực hiện nơi mọi người. Chính vì lý do này mà những lá thư của ngài vẫn còn rất hấp dẫn và truyền cảm hứng cho đến mãi ngày hôm nay.

 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 150
  • Khách viếng thăm: 82
  • Máy chủ tìm kiếm: 68
  • Hôm nay: 28074
  • Tháng hiện tại: 66765
  • Tổng lượt truy cập: 12356477