Trang mới   https://gpquinhon.org

Người Samari

Đăng lúc: Thứ ba - 21/02/2017 17:07
 
Người Samari hiện nay



Jürgen K. Zangenberg

Khi Chúa Giêsu đến bên bờ giếng ở Xykha và xin người phụ nữ Samari nước uống, cô ngạc nhiên vì “người Do Thái không được giao thiệp với người Samari” (Ga 4,9). Thời xưa, mối liên lạc giữa người Do Thái và người Samari rất căng thẳng. Sử gia Josephus thuật lại một số biến cố đau buồn: người Samari tấn công khách hành hương Do Thái đi ngang qua vùng Samari giữa Galilê và Giuđêa, người Samari rải xương người trong thánh điện ở Giêrusalem, và người Do Thái đốt làng mạc của người Samari. Ý niệm về “người Samari nhân hậu” (Lc 10,25-37) thật có ý nghĩa trong bối cảnh người Samari bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ và thù địch bởi những người Do Thái sống trong và chung quanh Giêrusalem.

Thật khó biết sự thù nghịch này bắt đầu từ khi nào trong lịch sử - khi nào người Do Thái và người Samari bắt đầu xem nhau như là những cộng đồng ly khai. Vào khoảng thời gian Đền thờ thứ hai, 2 V 17,24-41 đã giải thích về nguồn gốc của người Samari: họ là hậu duệ của các bộ tộc ngoại giáo do người Assyri đưa đến định cư tại vương quốc phía bắc của Israel, miền đất mà hầu hết người Samari sinh sống cho đến ngày nay. Nhưng những văn bản như thế này thật sự không giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn về nguồn gốc lịch sử của người Samari.

Người Samari không chấp nhận bất kỳ bản văn kinh thánh nào ngoài Ngũ Kinh. Các học giả từ lâu đã biết đến bản văn Ngũ Kinh cổ xưa và riêng biệt của người Samari – là một nguồn quan trọng cho khoa phê bình văn bản kinh thánh trong nhiều thế kỷ. Thật sự, nhiều chỉ dẫn quan trọng về lòng tự phụ đang lớn mạnh của người Samari vào thời cổ  được đưa vào trong bản văn Ngũ Kinh này, chẳng hạn như Thập Điều truyền xây dựng một bàn thờ trên núi Garidim mà người Samari xem như “nơi chúc phúc” duy nhất (xem Đnl 11,29; 27,12). Họ khẳng khái chối từ Giêrusalem – nơi không được nêu tên trong Ngũ Kinh – và những truyền thống cũng như các thể chế liên quan đến Giêrusalem như vương quyền và quan niệm cánh chung cứu thế.

Sự bành trướng xâm lược của vương triều Hasmônê của người Do Thái và việc phá hủy thánh điện cũng như thành phố trên núi Garidim vào năm 110 trước công nguyên đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người Samari và người Do Thái. Phản đối lời tự nhận của “những kẻ ly giáo Do Thái tại Giêrusalem”, người Samari coi mình như là những người Israel đích thực và là “ những người giữ giao ước” (shomronim hay shomrim trong tiếng Hípri, và do đó tên tiếng Hípri của miền Samari là Shomron).

Tuy nhiên, mặc cho những truyền thống luận chiến, người Samari và người Do Thái có nhiều điểm chung hơn ta tưởng. Cả hai đều đặt nền tảng đức tin của mình vào Ngũ Kinh.  Dù có sự ngăn cách ở một thời điểm nào đó, mối tương quan giữa người Samari và người Do Thái là họ đều chịu ảnh hưởng bởi tiến trình vong thân lâu dài và sự phát triển song song giữa các thế kỷ IV – III trước Công nguyên và thế kỷ IV của Công nguyên. Vì người Samari chỉ chấp nhận Ngũ Kinh,  tôn giáo của họ là độc thần Giavê và đặc biệt tôn kính Môisê và Giosua. Giống như người Do Thái ở Giêrusalem, người Samari chấp nhận chức tư tế cha truyền con nối và một đền thờ trung tâm duy nhất. Dù có nguồn gốc lịch sử như là một nhóm riêng biệt, người Samari được xếp vào một trong những cộng đồng tôn giáo khác nhau của Do Thái giáo thời hậu lưu đày.

Các bản văn Tân Ước thường chia sẻ lập trường chống người Samari của người Do Thái (Mt 10,5; Lc 9,51-55) hoặc chỉ quan tâm đến những cư dân không phải là người Samari sống trong miền đất ấy, như thầy phù thủy Simôn chẳng hạn (Cv 8,9-13, 18-24). Trong khoảng các thế kỷ IV – VI của Công nguyên, nhiều cuộc bàn luận trong giới rabbi về người Samari đã khẳng định lòng đạo đức của họ song cũng nhấn mạnh nhiều điều khác biệt trong việc tuân giữ một vài luật lệ, chẳng hạn như các luật về hôn nhân và chức tư tế Lêvi.

Bị những người đồng hương Do Thái xem thường và chính quyền Byzantine  áp bức cách tàn bạo (đặc biệt dưới thời Justinian), những người Samari chia sẻ nhiều đặc điểm của nền văn hóa chung của thời hậu cổ đại. Từ thời Hy Lạp cho đến thời Byzantine, người Samari nói tiếng Hy Lạp đã phân tán (diaspora) khắp vùng (đặc biệt là Delos, Ai Cập, Tiểu Á, và Ý). Tình trạng của người Samari được cải thiện dưới thời người Hồi giáo cai trị, nhưng theo dòng thời gian, dân số của họ bị suy giảm. Ngày nay, chỉ có vài trăm người Samari sống trên núi Garidim và ở Holon, gần Tel Aviv.


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 2096
  • Tháng hiện tại: 128618
  • Tổng lượt truy cập: 12272878