Trang mới   https://gpquinhon.org

Hội thừa sai Ba Lê

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/09/2015 18:09
logo.jpg



Hội thừa Sai Ba Lê
(Société des Missions Étrangères de Paris - viết tắt  M.E.P.)
 
Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam và Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp.
 
 
Khái quát:  Hội Thừa Sai Ba Lê là “hội” (Society) chứ không là một “dòng tu” (Religious institute). Đó là một tổ chức truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả linh mục triều và giáo dân, tức những người dấn thân cho công việc truyền giáo ở hải ngoại.
 
Hội Thừa Sai Ba Lê được thành lập từ năm 1658-63. Năm 1659, chính Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ở Roma ban hành huấn thị thành lập Hội và qui chế thừa sai độc lập khỏi sự kiểm soát của hình thức thừa sai truyền thống và quyền lực thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
 
Trong vòng 350 năm từ ngày thành lập, hội đã gửi được 4200 linh mục thừa sai đến Á Châu và Bắc Mỹ Châu. Tất cả ra đi truyền giáo với sứ mạng dấn thân vào đời như hội nhập văn hóa, huấn luyện Giáo Sĩ bản xứ và giữ quan hệ chặt chẽ với tòa thánh Rôma.
 
Trong thế kỷ thứ 19, những cuộc bách hại các thừa sai Ba Lê ở những địa phương làm cớ cho Quân Đội Pháp can thiệp vào Á Châu. Ở Việt Nam, cuộc bách hại đạo đã cho chính quyền Pháp lý do chính đáng để dùng quân đội can thiệp vào. Ở Trung Hoa, Cha Auguste Chapdelaine bị giết chết là lý do thiện ý thành biện minh cho Pháp tham dự vào cuộc chiến tranh bạch phiến lần thứ hai năm 1856. Ở Đại Hàn, bách hại đạo làm cho người Pháp có lý do vận động chống Đại Hàn.
 
Nên năm nước Á Châu nhận lãnh ơn truyền đạo của các Thừa Sai Ba Lê là: Thái Lan, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bổn, Đại Hàn thì lại trở thành những nước bách hại đạo vì những xuyên tạc chính trị và những suy diễn sai lầm về đạo ngoại bang hay đạo của những tên bán nước.
 
Cho đến ngày nay, Hội Thừa Sai Ba Lê vẫn duy trì những hoạt động truyền giáo ở Á Châu rất tích cực. Đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam, Hội thừa Sai Ba Lê không ngừng nâng đỡ, cụ thể là bảo lãnh cho các linh mục Việt Nam du học tại Ba Lê. Hàng trăm Linh mục Việt Nam đã đến trú ngụ tại nhà MEP. Số 128 rue du Bac, Paris và tốt nghiệp từ Institute Catholique ở Ba Lê. Chỉ nhỉn vào danh sách 30 Giám Mục Việt Nam đang chăm sóc 26 Giáo Phận (giáo phận Mỹ Tho và Vĩnh Long đang trống ngôi) thì chúng ta cũng đếm được 12 vị  đã tốt nghiệp bên Pháp. Thật nhiều ân nghĩa.
 
2. Trở về quá khứ:

Chính quyền thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ đào nha đã nhận từ Đức Giáo Hoàng đặc quyền để truyền giáo trên những phần đất đã chinh phục theo hệ thống Padroado Real tức bảo hộ trực thuộc hoàng gia dành cho Bồ Đào Nha và bảo hộ thực sự dành cho Tây Ban Nha. Dần dà Rôma bất bình với chế độ bảo hộ trực thuộc hoàng gia, vì việc truyền giáo là của Giáo Hội mà phải tùy thuộc vào thế lực chính trị và quyền quyết định do nơi các vua Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.
 
Cũng trên quan điểm lãnh thổ và quyền lực nầy, Bồ đào Nha mất dần đất đai vào tay những chính quyền thực dân mới như Anh và Hòa Lan, nghĩa là việc truyền bá phúc âm yếu dần nơi những phần đất mới. Trong những phần đất mà Bồ đào Nhà đã từng chiếm lĩnh, giờ đây gặp phải những tai họa như Kitô giáo Nhật đã bị mất gốc từ năm 1620. 
 
Roma nghi ngờ về hiệu quả truyền giáo nơi các dòng tu như Đa Minh hay Phanxicô. Họ bị tổn thương nặng nề qua những vụ bách hại. Họ không thành công trong việc đào tạo giáo sĩ địa phương để những giáo sĩ bản quốc đảm nhận trách nhiệm truyền giáo và họ sẽ ít bị tổn thương vì bách hại. Rôma quyết định gửi những giám mục, những người sẽ chú tâm phát triển giáo sĩ địa phương coi như một lối thoát cho tương lai.
 
 Cha Alexandre de Rhodes viết “ Chúng tôi có đầy đủ lý do để sợ rằng những gì đã xảy ra ở Giáo Hội Nhật Bổn thì có thể sẽ xảy ra nơi Giáo Hội Annam, vì những vua chúa ở Bắc phần và Nam Kỳ rất có quyền và sành chinh chiến. Tòa Thánh cần gửi những chủ chăn đến những miền Đông Phương nầy nơi mà Kitô hữu gia tăng thật nhanh chóng. Nếu không có Giám mục người ta chết không được lãnh bí tích gì cả, thật là tại hại!”
 
Thế là năm 1622, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV, muốn lấy lại quyền kiểm soát công việc truyền giáo, Ngài đã thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức tin nhằm mang đức tin Công Giáo không chỉ đến anh em ngoài công giáo như Tin lành, nhưng còn đến dân cư ở Châu Mỹ và Á Châu. Để thực hiện điều nầy, Roma thiết lập Đại Diện Tông Tòa, có nhiệm vụ nhận chỉ thị trực tiếp từ Roma, đồng thời dễ thiết lập giáo sĩ địa phương.
 
Những thế kỷ 17 và 18 đã có những gay cấn giữa thuộc địa và truyền giáo. Sự thiết lập Hội Thừa Sai Ba Lê là một cố gắng của Rôma để điều chỉnh và phát huy sứ mạng truyền giáo. Phải nói rằng, Cha dòng Tên người Pháp tên Alexandre de Rhodes là người sáng lập Hội Thừa Sai Ba Lê.  Sự sáng lập Hội Thừa Sai ba Lê diễn ra như thế nầy: Sau chuyến truyền giáo ở Việt Nam về, Cha Alexandre de Rhodes yêu cầu gửi số đông thừa sai đến Viễn Đông, Ngài được Đức Giáo Hoàng Innôcentê đồng ý gửi linh mục triều và giám mục đi làm thừa sai. Đồng thời Cha Alexandre de Rhodes cũng nhận được sự yểm trợ tài chánh từ tổ chức “Bạn đồng hành của Bí Tích Thánh Thể” để thiết lập Hội Thừa Sai Ba Lê. Ngài thu phục được các linh mục triều thiện nguyện ngay tại Ba Lê như Cha Francois Pallu, Cha Pierre Lambert de la Motte và sau nầy Cha Ignace Cotolendi. Đây là những thành viên đầu tiên của Hội và họ được gửi sang Viễn Đông như Đại Diện tông tòa.
 
 Ngày 29 tháng 7 năm 1658, hai vị sáng lập Hội Thừa Sai Ba Lê được tấn phong Giám Mục tại Vatican, Đức Cha Pallu, Giám Mục hiệu tòa Heliopolis, Giám Mục Đại Diện Tông Tòa của Bắc Phần và Đức Cha Lambert de la Motte, Giám Mục hiệu tòa Beirut, Đại diện tông tòa Nam Kỳ. Ngày 9 tháng 9 năm 1659, Đức Giáo Hoàng xác định lãnh thổ trách nhiệm cho Đức Cha Pallu là Bắc Phần, Lào và 5 tỉnh cận Nam Trung Hoa. Còn Đức Cha Lambert de la Motte, chăm sóc lãnh thổ Nam Kỳ và năm tỉnh Đông Nam Trung Hoa. Năm 1660, người sáng lập thứ ba được phong chức giám mục: Đức Cha Cotolendi, Giám Mục hiệu tòa Metellopolis, làm đại diện tông tòa Nanjing và năm tỉnh của Trung Quốc.
 
Tất cả những Giám Mục nầy đều là giám mục hiệu tòa của in partibus infidelium, tức những phần đất của người không có đức tin, hay nói khác đi là rất xa xôi, để tránh sự đố kỵ của những Giám Mục được thiết lập qua hệ thống thuộc địa. Năm 1658 Hội được tổ chức “Bạn Đồng hành của Bí Tích Thánh thể” thành lập chính thức nhằm truyền giáo cho những phần đất không có ảnh hưởng Kitô giáo, cũng như thiết lập giáo hội và hàng giáo sĩ địa phương.
 
Để gửi ba nhà truyền giáo đến Á Châu, tổ chức “Bạn đồng hành của Bí Tích Thánh Thể”  đã thành lập một công ty giao dịch thương mãi năm 1660 gọi là “Công Ty Trung Quốc” Một tàu buôn mang tên Thánh Louis được làm ở Hòa Lan do chính Fermanel, chủ tàu. Nhưng chiếc tàu đã bị chìm sau ngày khai trương không lâu. Đồng thời, công ty giao dịch và chương trình truyền giáo của Pháp ở Á Châu bị dòng Tên, những người Bồ Đào Nha, Hòa Lan và cả hội truyền Giáo chống đối kịch liệt, Hồng Y Mazarin năm 1660 ra lệnh cấm chỉ hoạt động của Bạn Đồng hành Bí Tích Thánh Thể. Dù thế, nhà vua, Hội Giáo Sĩ Pháp, Bạn đồng hành của Bí tích Thánh Thể và những ân nhân vẫn tiếp tục gửi những Giám Mục thừa sai đi, họ phải đi bằng đường bộ.
 
Ba vị Giám Mục được chọn đi truyền giáo ở Á Châu rời Pháp năm 1660-1662 và đi đường bộ băng qua Ba Tư và Ấn Độ, vì người Bồ Đào Nha không cho những thừa sai nầy đi tàu vì  không thuộc Hoàng Gia Bảo Hộ. Còn Hòa Lan và Anh Quốc cũng từ chối những nhà truyền giáo công giáo. Đức Cha Lambert rời Marseilles ngày 26.11.1660 và mãi 18 tháng sáu mới đến Mergui, phần đất cực nam của Thái Land. Pallu gặp Đức Cha Lambert ở thủ đô Ayuthaya, Thái Lan sau 24 tháng đi đường bộ và Đức Cha Cotolendi chết khi vừa đến Ấn Độ ngày 6.8.1662. Như vậy Thái Lan (ngày xưa gọi là Siam hay Xiêm La) được coi là nước đón nhận các Cha Thừa Sai Ba Lê đầu tiên. Phải 40 năm sau, Nam Kỳ, Bắc Kỳ và một phần của Trung Quốc mới có cơ may tiếp đón các Cha Thừa Sai Ba Lê.
 
3. Nguyên tắc nền tảng trong việc truyền giáo
 
Năm 1659, Hội Thừa Sai Ba Lê được Thánh bộ Truyền bá đức tin yêu cầu tuân thủ 3 nguyên tắc nền tảng trong sứ mạng truyền giáo. Đó là: Thích ứng với phong tục tập quán địa phương – Thành lập Giáo sĩ bản xứ và thông tin liên lạc với Roma. Xin trích dẫn một đoạn từ huấn dụ của Thánh Bộ gửi Đức Cha Lambert de la Motte và Pallu: “Lý do chính để Thánh Bộ gửi các Giám Mục đến các miền nầy là để các Giám Mục giáo dục và đào tạo giới trẻ có khả năng lãnh nhận chức linh mục”
 
 
Thánh Bộ ban huấn dụ mạnh mẽ về việc phải tôn trọng tập quán, phong tục của những dân tộc đến truyển giáo: “Xin đừng quá nhiệt tâm thuyết phục dân địa phương từ bỏ tập quán, truyển thống hay thói tục của họ…. nếu không có gì ngược với tín lý hay luân lý Kitô giáo. Đừng mang lể lối của Pháp, Tây Ban Nha, Ý hay bất cứ quốc gia Âu Châu nào áp đặt lên dân địa phương, nhưng là đức tin mà thôi!”
 
4. Hoạt động đáng ghi nhận của Hội Thừa Sai từ năm 1658-1800
 
1/ Năm 1663 xây dựng trung tâm đầu não của Hội ở số 128 rue du Bac, Paris và Chủng Viện. Cha Vincent de Meur được bổ nhiệm làm Giám Đốc đầu tiên. Đức Giáo Hoàng Alexander VII chuẩn nhận đây là Chủng Viện cho Hội truyền giáo. Chính quyền Pháp và vua Louis XIV cũng nhìn nhận.
 
 
2/ Xuất bản quyển “institutions apostoliques” tạm dịch: Chỉ Nam việc tông đồ. Sách bao gồm những nguyên tắc chính hướng dẫn việc đào tạo chủng sinh ở chủng viện Thánh Giuse ở Penang, Mã Lai; việc truyển giáo ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ Việt Nam, Cao Miên và Thái Lan. Những nơi nầy ghi nhận có 40 ngàn người tòng giáo. Dòng mến Thánh Giá được thành lập ở Việt Nam, qui tụ đông đảo nữ tu phục vụ cho Giáo Hội trong việc dạy giáo lý..và đã có 30 linh mục bản xứ.
 
Xin hồi tưởng lại chuyện xảy ra 350 trước để chúng ta có thể thấy công khó của Hội Thừa Sai Ba Lê lớn lao chừng nào. Một linh mục trẻ như Cha Alexander de Rhodes, sinh năm 1591, làm linh mục năm 1616, lúc 25 tuổi và tình nguyện đi truyền giáo Á Châu. Ngài đến Hà Nội năm 1620 thời Trịnh Tùng, rồi bị Trịnh Tráng trục xuất… Đi một vòng sang Macao. … quay trở lại Việt Nam, dựa trên tiếng latinh, và tiếng Pháp tạo chữ quốc ngữ mà chúng ta xử dụng ngày nay. Ngài soạn quyển Giáo Lý bằng tiếng Việt đầu tiên và quyển tự điển Việt – Bồ - Latin, xuất bản năm 1651 ở Rôma.  Đương nhiên chữ quốc ngữ cách nay 350 năm không thể như bây giờ. Có nhiều từ phải xử dụng tiếng Latin. Thí dụ: Kính mừng Maria đầy ơn phước, chữ “ơn phước, hay ơn phúc” chưa có nên phải đọc là: Kính mừng Maria đầy gratia (gratia tiếng Latinh là ơn phước) Tuy nhiên, một anh Tây da trắng đến Việt Nam cách nay 350 năm, không biết một câu tiếng Việt, không quen một ai, không biết địa hình địa vật, phong tục tập quán gì ráo… vậy mà làm nên chữ viết cho một dân tộc…. thật có một không hai. Hiện nay có gần 3 triệu người Việt Nam định cư trên 20 quốc gia… hỏi xem có ai sánh được với Cha Bá Đa Lộc thời ấy! Nói ra để chúng ta biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây!” chứ đừng như gà “ăn rồi quẹt mỏ!”
 
Những địa danh như Penang ở Mã Lai xa xưa, nhưng rất gần với người Miền Nam Việt Nam. Thánh Phêrô Đoàn Công Quí đi học ở Penang “Năm 1848, thày Quý du học tại đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris ở Pénang (Mã Lai)” (Trích tiểu sử các Thánh). Nếu ai đến Lái thiêu, Bình Dương hay cái Nhum, cái Mơn thuộc địa phận Vĩnh Long sẽ thấy cảnh vườn cây ăn trái sum xuê rất ngoạn mục. Nhiều loại trái cây như chôm chôm, mãng cầu xiêm, mãn cầu ta, sầu riêng, Măng cụt, dâu miền dưới, bòn bon….Không ai dám quả quyết trăm phần trăm, nhưng đa số do các nhà truyển giáo mang đền từ Mã Lai như chuyện kể Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm (1813-1847 như sau “Trong chương trình của cha Lợi, quản lý nhà chung Bà Rịa thì thỉnh thoảng ông lại làm một chuyến qua Hạ Châu (Singapore) hay Pénang (Mã Lai) để đón các thừa sai và các chủng sinh Việt Nam du học về nước, hoăc chuyển các đồ thờ tự và sách báo đạo. Một số chuyến đi về êm xuôi, nhưng rồi công việc bại lộ, và các quan địa phương để ý theo dõi ông rất gắt” (Trích tiểu sử các Thánh).
 
Các Nhà Truyền Giáo ngoại quốc đến Việt Nam không chỉ mang quyển Phúc Âm, nhưng còn mang cả những gì có ích như cây ăn trái phù hợp với thổ địa của đất nước đến truyền giáo. Thật quý hóa và đáng khâm phục! Để nói về cây ăn trái và ảnh hưởng đạo Công Giáo ở Miền Nam. Chúng ta có thể đề cập đến một gia đình đạo đức nổi tiếng. Gia đình Công Giáo Miền Nam có 3 linh mục và 3 nữ tu. Ba linh mục có tên: Hồng, Nho, Lựu và ba nữ tu: Nhãn, Thơm, Đào… Tất cả đều là tên trái cây. Tất cả gợi một tri ơn các Cha Thừa Sai mang đạo tới đất nước và những người tòng giáo như những hoa quả thơm ngon mang dâng tận cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Chắc nhiều người nhớ Cha Nho ở nhà thờ Ngã Sáu suốt 50 năm dài và viết quyển : Người vào Đồng Tháp…Nhiều người biết Cha giáo Lựu dạy nhạc ở Tiểu chủng viện Vĩnh Long……
 
5. Công Giáo Việt Nam dưới thời Thừa Sai Ba Lê.
 
Như có đề cập ngắn gọn ở phần trở về quá khứ bên trên là: Ngày 3.7.1645 Cha Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) rời Việt Nam về giáo đô Roma báo cáo cho Tòa Thánh về những tiến triển mau chóng trong việc truyền đạo tại Việt Nam, nhất là xin gửi một số Giám Mục đến cánh đồng phì nhiêu này để củng cố nền móng Giáo Hội. Ngài được Roma cho phép đi khắp đất Pháp đi tìm những ơn kêu gọi, tìm những Linh Mục sẵn sàng xung phong và tiếp tục công việc đã khởi sự với nhiều thành quả may mắn. Đó là lý do có Hội Thừa Sai Ba Lê. Hội ra đời năm 1660 và được chấp nhận năm 1664 đời Ðức Giáo Hoàng Alexandrô VII. Cũng vị Giáo Hoàng này đã ký sắc lệnh ngày 9.7.1659 bổ nhiệm hai Giám Mục đầu tiên cho Viễn Ðông: Ðức Cha Phanxicô Pallu, Giám Mục Giáo Phận Ðàng Trong: từ sông Gianh trở vào Nam, bao gồm Cao Miên và Chiêm Thành. Ðức Cha Lambert de la Motte, cai quản Giáo Phận Ðàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa.
 
Nên việc thành công đầu tiên của Hội Thừa Sai Ba Lê ở Việt Nam là cung cấp hai Giám Mục cho hai giáo phận. Nói khác đi, nhờ có hai vị tiên phong nầy mà Việt Nam có hai giáo phận đầu tiên từ năm 1659. Ngày 14.2.1670 tại Ðình Hiến tỉnh Nam Ðịnh, Ðức Cha Lambert de la Motte đã qui định thể chế Nhà Ðức Chúa Trời, và thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam: các chị em Nữ Tu là những cộng tác viên rất đắc lực của hàng Giáo Phẩm trong việc truyền đạo bên cạnh giáo dân, nhất là trong các vùng thôn quê. Hội Thừa sai Ba Lê Ðã xây dựng Ðại Chủng Viện Penang năm 1870 để đào tạo các linh Mục bản xứ Á Châu và Việt Nam theo nguyên tắc nền của công việc truyền giáo.
 
Bốn vị linh mục tiên khởi của Việt Nam: Cha Giuse Trang và Luca Bền, thuộc giáo phận Ðàng Trong; cha Gioan Huệ và Benedictô Hiền, thuộc giáo phận Ðàng Ngoài được Đức Cha Lambert de la Motte phong chức linh mục ngày 31.1.1668 tại Juthia, thủ đô Thái Lan lúc bấy giờ. Năm 1669 Đức Cha Lambert de la Motte phong thêm 7 linh mục Việt Nam. Chuyện khó tin nhưng có thật là ngay từ năm 1678, Ðức Cha Pallu từ Thái Lan về Rome, đề nghị cho Việt Nam có Giám Mục bản xứ người Việt Nam. Nhưng đề nghị không được chấp thuận. Đề nghị nầy bị ém nhẹm suốt 255 năm mãi cho cho tới ngày 11.6.1933 Việt Nam mới có Giám Mục tiên khởi: Ðức Cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
 
Số Giáo Phận được thành lập khá nhanh để đáp ứng với nhu cầu truyền giáo và số đông người tòng giáo thời bấy giờ. Chỉ từ năm 1844 cho đến 1850, số địa phận đã tăng từ hai lên chín: Đàng Trong là Tây Đàng Trong (Sài Gòn), Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), Bắc Đàng Trong (Huế), Nam Vang (Cần Thơ). Ở Đàng Ngoài là Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), Nam Đàng Ngoài (Vinh), Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng), Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) và Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh).
 
Hội thừa sai Ba Lê còn có hai Giám Mục và 8 linh mục, đã hòa chung máu đào làm chứng đức tin cho Giáo Hội Việt Nam trong thời gian cấm đạo của các vua Chúa Việt Nam. Đó là: François-Isidore Gagelin (1833) - Joseph Marchand (1835) - Jean-Charles Cornay (1837) - François Jaccard (1838) - Bishop Pierre Borie, vicar apostolic of Western Tonking (1838) - Augustin Schoeffler (1851) - Jean-Louis Bonnard (1852) - Pierre-François Néron (1860) - Théophane Vénard (1861) - Bishop Étienne-Théodore Cuenot, vicar apostolic of Eastern Cochinchina (1861)
 
6.  Địa phận Nam Vang – liên quan lịch sử với Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp.
 
Giáo sử Việt Nam nói: Năm 1850, Tòa Thánh lại chia địa phận Tây Đàng Trong thành hai: Tây Đàng Trong (các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long) do Giám mục Lefèbvre cai quản và Nam Vang (phần đất các tỉnh phía nam Hậu Giang của Việt Nam và cả nước Cao Miên) do Giám mục J.C. Miche Mịch cai quản.
 
Tiểu sử Cha Px. Trương bửu Diệp nói: Năm 1904, mẹ mất, theo cha đến Battambang, Campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Năm 1909, Cha Sở Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho vào Tiểu Chủng Viện Cù lao Giêng. Sau đó theo học ở Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia (Thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Phnom Penh tức Nam Vang, Campuchia). Năm 1924, thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Đức Cha Jean-Claude Bouchut, M.E.P. làm đại diện tông tòa từ 23.7.1902 đến khi chết ngày 17.12.1928. Năm 1924-1927, Cha phó họ đạo Hố Trư, tại Kandal, Campuchia.            
 
Lịch sử địa phận Nam Vang ghi: Đại Diện Tông Tòa Nam Vang thành lập ngày 30.8.1950 bao gồm các phần đất: Phsar Dek, Châu Đốc and Sóc Trăng thuộc Thủy Chân Lạp, bây giờ là phần đất của Việt Nam.  Ngày 20. 9. 1955, Đại Diện Tông Tòa Nam Vang bao trùm cả Campuchia. Nhưng đến năm 1968 chia thêm thành Phủ Doãn Tông Tòa Battambang và Phủ Doãn Tông Tòa Kompong Cham.
 
Biên Niên Sử nói về địa phận Cần Thơ: Ngày 20.9.1955, Đức Thánh Cha Pi-ô XII, do Sắc chỉ “Quod Christus”, lập Giáo phận Cần thơ, tách ra từ Giáo phận Nam vang. Ngày 21.12.1955 Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Giám Mục tiên khởi nhậm chức.Ngày 24.11.1960, thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo phận Cần thơ được nâng lên hàng Giáo phận “Chánh Tòa”, thuộc Tổng Giáo Phận Sài-gòn. Như vậy Giáo phận Cần Thơ được thành lập ngày 21.12.1955 tức 3 tháng sau ngày thành lập Đại diện Tông Tòa Nam Vang 20.9.1955.
 
 
Danh sách các Giám Mục Đại diện Tông Tòa Nam Vang từ ngày thành lập năm 1850:
 
•           Jean-Claude Miche, M.E.P.: 1850 - 1869 (từ nhiệm)
•           Marie-Laurent-François-Xavier Cordier, M.E.P.: June 18, 1882 - August 14, 1895 (chết)
•           Jean-Baptiste Grosgeorge, M.E.P. January 28, 1896 - March 1 Mar 1902 (chết)
•           Jean-Claude Bouchut, M.E.P.: July 23 1902 - December 17, 1928 (chết)
•           Valentin Herrgott, M.E.P. December 17, 1928 - March 23, 1936 (chết)
•           Jean-Baptiste-Maximilien Chabalier, M.E.P.: December 2, 1937 - June 11 Jun 1955 (chết)
•           Gustave-André-Ferdinand Raballand, M.E.P.: February 29, 1956 - April 1962 (từ nhiệm)
•           Yves-Georges-René Ramousse, M.E.P.: 12 November 1962 - 1976 (từ nhiệm)
•           Joseph Chhmar Salas: 30 April 1976 – September 1977 (bị giết chết)
•           Yves-Georges-René Ramousse, M.E.P.: 1992 - April 14, 2001 (từ nhiệm)
•           Émile Destombes, M.E.P.: April 14, 2001 - October 1st, 2010 (từ nhiệm)
•           Olivier Schmitthaeusler, M.E.P.: October 1st, 2010 cho đến nay….
 
Tiểu sử Cha Px. Diệp đáng tin khi nói: Năm 1924, thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Đức Cha Jean-Claude Bouchut, M.E.P. làm đại diện tông tòa từ 23.7.1902 đến khi chết ngày 17.12.1928.
 
Hồ sơ của Đức Cha Jean-Baptiste-Maximilien Chabalier, M.E.P.: December 2, 1937 - June 11 Jun 1955 (chết) nói về Cha Px. TBD là linh mục của Ngài cũng rất đáng tin:
 
•           Thư viết tay từ Nam Vang đề ngày 18 tháng10, năm 1938:    Mặc dù có những trở ngại vừa nêu, nhưng hoạt động truyền giáo vẫn vươn lên và tiến bộ, chứ không thụt lùi, đó là nhờ lòng nhiệt thành với sứ mạng truyền giáo của những linh mục và những người cộng sự của các Ngài. Số người có đạo gia tăng và tôi tin con số nầy nhiều hơn chúng ta thường nói (…) Trong tỉnh Bạc Liêu, Cha Diệp lo phát triển trong địa hạt của Ngài.
 
•           Báo cáo được đánh máy gửi từ Nam Vang đề ngày 1 tháng 9 năm 1939(trang 3) Một ít lâu trước kia, tôi có dịp đi từ Cái Trầu đến Cà Mau – đoạn đường dài chừng 70 cây số, nhưng không thấy một nhà thờ nào. Cha Diệp đã bắt đầu thiết lập hai cộng đoàn công giáo nhỏ dọc theo kinh đào dài vô tận nầy. Tôi hy vọng và ước muốn cho những cơ sở nền tảng nầy được tiếp tục.
 
Trong tháng ba và tháng tư năm 1946, những vụ tàn sát đã xảy ra rất nhiều và ghê rợn. Tôi đã đề cập đến sự sát hại Cha Davít *. Ngày 6 tháng 3 năm 1946, hai nữ tu người Pháp từ bệnh viện Bạc Liêu đã được áp giải đến vùng Cà Mau và bị giết chết chung với tám người đàn bà khác và khoản sáu chục người đàn ông. Ngày 12 tháng Ba, Linh mục người Annam, Cha Diệp đã bị giết chết vì đã ở lại với giáo dân…
 
 
7. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam – Niềm tự hào.
 
Thống kê: cho đến năm 2005, Công giáo tại Việt Nam hiện có 5,7 triệu tín hữu (chiếm 6,95%) trong tổng số dân 82 triệu, với 3.100 linh mục, 14.400 tu sĩ, 1.249 đại chủng sinh và 53.800 giáo lý viên. Tới năm 2008, theo thống kê của Giáo hội, số lượng tín hữu Công giáo Việt Nam là hơn 6,18 triệu người, chiếm tỉ lệ 7,18% tổng dân số (Theo Bách Khoa Toàn Thư)
 
Từng người Việt Nam nên tự hào về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Chúng ta tự hào chứ không tự mãn. Tự hào là hãnh diện với quyết tâm cầu tiến để làm tốt hơn. Tự hào bao hàm hãnh diện và tri ân những người đã có công ban cho chúng ta niềm tự hào. Thể chế nào ở Việt Nam mà chối bỏ công khó của Cha Đắc Lộ, người có công thành lập chữ quốc ngữ thì thật là vong ân và mang lấy sự nguyền rủa của cả một dân tộc. Riêng bản thân tôi, tôi hãnh diện về toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ở 26 Giáo Phận, nhưng tôi cũng rất hãnh diện về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nói gì thì nói, nhưng Giám Mục Việt Nam rất trung thành với Đức Tin truyền thống, với tông tòa Rôma, cũng như luôn sống trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta khó tìm được ưu điểm nầy nơi các Giáo Hội sống dưới những thể chế có nhiều bất đồng với Công Giáo. Thí dụ: Trung quốc có 1.4 tỷ người. Công Giáo La Mã chỉ có 14 triệu và Giáo Hội thầm lặng hay hầm trú chỉ có 6 triệu. Số còn lại thuộc Giáo Hội Quốc Gia hay không có  sự hiệp thông với Roma
 
Tôi rất hãnh diện về ơn gọi người Việt Nam. Nhiều và rất nhiều người trẻ muốn hy sinh phục vụ trong ơn gọi làm linh mục và làm tu sĩ. Những dòng tu bên nầy về Việt Nam tìm ơn gọi nhằm kéo dài sự tồn tại của mình. Nhiều Giám Mục mang chủng sinh Việt Nam sang tu học. Những chủng sinh, những tu sĩ nầy đã chứng minh được khả năng về đức hạnh và học vấn của họ. Tôi luôn chia sẻ với anh em chủng sinh Việt Nam đang tu học làm linh mục ở hải ngoại rằng: Ơn gọi làm linh mục không xin xỏ, không đầu lụy hay nịnh bợ để được Giám Mục ngoại quốc thấy tội nghiệp mà cho. Không! Chính Chúa gọi chúng ta làm linh mục! Chúng ta đáp lại bằng khả năng tu luyện học hành chu đáo và thành đạt. Không cần để có “tí chức cho dễ làm việc!” nhưng cần có khả năng và thực lực về ngôn ngữ về kiến thức thần học, mục vụ để thành người cần cho Giáo Hội bên nầy. Chúng ta phải đào tạo chính mình thành người mà Giám Mục không thể không cần hay có thể cho hưu trí cách dễ dàng.
 
 
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên J.C.L.
Chưởng ấn địa phận St. Paul, Canada.
Cáo thỉnh Viên cho tiến trình phong thánh Cha Px. TBD.

Nguồn tin: gpcantho.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 14
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130880
  • Tổng lượt truy cập: 12275140