Trang mới   https://gpquinhon.org

Hoa Biển 19 (Chào 2016 - Nhìn lại và bước tới - III)

Đăng lúc: Thứ ba - 16/02/2016 17:08
CÓ MỘT NƠI TÔI THUỘC VỀ
* Phaolô Nguyễn Phúc Hoàng Anh (Gx.Đa Lộc)
 
Người ta thường nói: “Niềm vui thì chóng qua, còn nỗi buồn thì khó xóa”. Ấy mà có một niềm vui bấy lâu vẫn là một phần trong cuộc sống của tôi: “Niềm vui Đặng Đức Tuấn”- Giải sáng tác văn thơ Công giáo thiết thực nhất mà tôi được biết và được tham gia.
Ngoài giải thưởng và những suất học bổng đầy hấp dẫn, chúng tôi còn được tham gia sinh hoạt trại hè qua mỗi lần đạt giải, được cùng nhau giao lưu học hỏi thêm thật nhiều kinh nghiệm trong sáng tác thơ văn. Và hơn thế nữa, là sự chia sẻ cảm thông với nhau trong cuộc sống, để từ đó mà mỗi thành viên có cơ hội được trải lòng mình với nhau và sống xứng đáng với tư cách “người Kitô hữu”.
Nhớ lại lúc đầu nhập trại, tôi thường tìm cho mình một góc nào đó để tránh xa những tiếng hò reo, cười đùa của mọi người. Mãi cho đến khi nghe tiếng còi thì tôi mới lẳng lặng về nơi tập hợp. Chắc mọi người không ưa gì tôi, tôi nghĩ vậy. Sự đơn độc ấy không kéo dài như tôi tưởng tượng. Mọi thứ thay đổi thật bất ngờ. Chính những con người xa lạ đầy nhiệt huyết đã kéo tôi ra khỏi cái vỏ của bản thân mình, khiến tôi “nổi loạn” từ lúc nào không hay. Tinh thần nhiệt huyết ấy chính là động lực để tôi phấn đấu. Ngay cả bây giờ, khi không có điều kiện để gửi bài tham gia, nhưng khi nghe biết có tên mình trong danh sách được mời tham dự cuộc hành hương hội trại, tim tôi lại như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cảm giác rạo rực, nhớ nhung cứ dâng trào một cách khó tả, kiểu như sắp gặp lại người yêu sau bao năm xa cách vậy.
“Ra đời” sớm, tôi không tránh khỏi những bon chen, lam lũ mà cuộc sống mang lại. Không ít khi bản thân cảm thấy mệt mỏi, rã rời. Nhưng khi nghĩ đến gia đình Đặng Đức Tuấn, tôi lại cảm thấy có động lực hơn. “Gia đình” đặc biệt này đã mang đến sự nâng đỡ, mang đến niềm tin và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi. Thứ tình cảm ấy thật sự rất đặc biệt. Dù có trở thành con người như thế nào dưới cái nhìn của xã hội bên ngoài, thì khi trở về với mái nhà Đặng Đức Tuấn, tôi tin chắc rằng mình vẫn luôn được đón nhận một cách chân thành. Chính nơi đây tôi được sống thật với bản thân, không chút e ngại.
Yêu lắm, thương lắm, quí lắm… nên khi nghĩ về tôi lại mỉm cười. Mỉm cười trong niềm hạnh phúc.
 
 
 
"CHA TRONG CON"
(Gửi tặng Cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc, cựu chánh xứ Châu Me)
* Maria Huỳnh Thị Dạ Thảo (Gx. Châu Me)
 
Đây xem như là lời tâm sự của tôi trong một năm qua, từ khi tôi được làm con của Thiên Chúa. Nếu ai hỏi tôi sao tôi biết Đạo, và ai là người dẫn dắt tôi quay trở lại Đạo, hay tôi quay trở lại Đạo vì mục đích gì?... Tất cả các câu hỏi đó tôi đều không biết tại sao. Nhưng điều duy nhất tôi biết đó là nhờ ơn Chúa kêu gọi, Chúa yêu tôi, và tất cả mọi việc tôi làm chỉ với một mục đích đó là tôi yêu Chúa, chỉ vậy thôi.
Từ nhỏ hình ảnh Chúa đã in sâu ở trong tâm trí tôi. Lúc đó tôi không hề biết Người là ai, vì sao mà mọi người tôn thờ Người đến vậy. Thời gian trôi qua, tôi lớn lên và dần am hiểu hơn về Chúa và lịch sử cứu rỗi của Người thông qua những người bạn có đạo trong lớp. Nhờ ơn Chúa kêu gọi, tháng 9 năm 2014 tôi được học giáo lí vỡ lòng để rửa tội và được rước  Mình Thánh Chúa. Chính Cha Phêrô Hà Đức Ngọc là người đã hướng dẫn tôi, giúp đỡ tôi để tôi hoàn thành việc học đạo và được rửa tội trong thời gian sớm nhất. Cha đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng đẹp trong những buổi đầu gặp Cha: Nụ cười trìu mến, đôi mắt hiền hòa. Thời gian cứ thế trôi qua, mỗi ngày là một niềm vui, mỗi ngày tăng thêm tình thương tôi dành cho Cha.
Tôi nhớ như in cái ngày mà tôi được chọn tập múa tháng hoa Mân Côi. Một hôm cha vào xem chúng tôi tập như thế nào, nhưng thấy tay tôi cứng đơ, cha mới nhắc nhở tôi: “Múa là phải thả lỏng tay ra cho nó dẽo chứ sao cứng đơ vậy con". Lúc ấy vừa nói cha vừa uốn bàn tay của mình cho chúng tôi xem, chúng tôi cười ồ lên vì trông cha thật "dễ thương". Cha hòa đồng, thương yêu chúng tôi như nhau. Mỗi buổi tập múa cha đều vào xem chúng tôi múa như thế nào, thể hiện sự quan tâm của cha với chúng tôi. Tới mùa Giáng Sinh, cha tổ chức cuộc thi "VUI CA TIN YÊU BÊN MÁNG CỎ GIÊSU" giữa mười lăm ca đoàn của các giáo họ. Và cũng kể từ đó Cha phát hiện giọng hát của tôi và cho tôi dẫn chương trình đêm diễn nguyện Giáng Sinh, cho tôi được hát solo. Chính vì thế tôi được gặp cha nhiều hơn, khoảng cách giữa con chiên mới với cha cũng rút ngắn lại. Những buổi tập hát, ca đoàn hát sai cha la dữ lắm ai cũng sợ, nhưng rồi tập hát xong cha lại tươi cười như không có gì xảy ra. Có thể cha để lại trong tôi khá nhiều kỉ niệm mà tôi chắc chắn không bao giờ quên. Những câu nói của cha như đã "xăm" vào trong tâm trí tôi không thể xóa nhòa. Tôi nhớ lần tập hát lễ mồng một tết, tôi hát sai một cách không tưởng, cha đã phải ngỡ ngàng. Hôm ấy đã là 30 tết rồi, cha đã sửa đi sửa lại nhiều lần mà tôi vẫn hát không được. Cha giận quá la tôi, và nói chiều duyệt lại mà hát không được thì cha cắt luôn. Tôi về mà lòng buồn vời vợi, càng buồn tôi càng cố gắng tập. Thế rồi chiều tôi lại hát được, cha lại cười thật tươi còn nói: “Nhờ cha la mới hát được như vậy đó!", tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn. Sáng hôm sau, lễ xong có một sơ nói với cha rằng: "Hai đứa nhỏ hát hay quá mà hôm qua cha la nó quá vậy?". Lúc ấy cha cười và tự tin trả lời rằng: "Tui la vậy mà nó cũng thương tui á tề!". Câu nói ấy làm tôi sung sướng biết bao!
Có thể cha đã để lại trong lòng tôi nhiều kỉ niệm đẹp và sâu đậm. Nhưng có lẽ nó sẽ không là gì so với ngày 9-10-2015, ngày mà tôi dường như cạn đi nước mắt... Đó là ngày cha phải chuyển xứ khác. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều để tôi mạnh mẽ lên, không khóc, không làm cha buồn vào ngày cuối cha còn ở lại giáo xứ Châu Me chúng tôi. Nhưng không, tôi không làm được, sự yếu đuối của tôi đã được bộc lộ. Tôi đã cố kìm nén để hát mừng lễ. Khi tôi ngước mặt lên thì nhìn thấy cha, và những giọt mắt như đã được cài đặt sẵn chẳng cần kích hoạt nó vẫn rơi. Mỗi khi tôi cố trấn an lại bản thân và cầm cự được với nước mắt, thì lại trùng hợp là những lúc đó cha đều xoay về phía tôi nhìn tôi với ánh mắt hiền từ. Phải nói tôi đã cố tình tránh né cha để cha không nhìn thấy mình yếu đuối, nhưng rồi tôi thật "hư" khi hát tặng cha mà tôi lại khóc. Tôi biết rằng nhiều lúc cha mệt mỏi lắm, nhưng cha vẫn phải cầu nguyện xin Chúa để cha phục vụ giáo dân, cha luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho giáo dân. Nên lúc cha đi hầu như cộng đoàn ai cũng khóc, khóc vì thương cha, khóc vì tiếc. Không biết với mọi người cha là người như thế nào, với riêng tôi, cha là người cha quá tuyệt vời và không có gì so sánh được với những gì cha đã dành cho tôi.
Cha à! Cha đã dạy cho con nhiều điều bổ ích, động viên và cổ vũ tinh thần cho con trong việc học tập. Giờ đây con cũng như mọi người ước được nghe cha la mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày. Hình ảnh Cha đi mà chẳng nhìn mặt chúng con, hình ảnh đó làm con đau lắm. Con biết cha cũng vậy, cũng như cha từng nói rằng: "Không phải trái tim cha làm bằng sắt đá, nhưng cha cầu nguyện xin Chúa cho cha mạnh mẽ. Cha đi rồi, thật sự cha rất nhớ chúng con… ". Nghe xong câu đó nước mắt con chảy giàn dụa, nhưng cha không hề biết vì con cũng như cha, cũng cầu nguyện Chúa cho con mạnh mẽ để cha không phải nghe con khóc lần nào nữa. Con cảm ơn Cha vì tất cả những gì cha đã dành cho con. Cảm ơn cha đã cảm thấy tự hào vì con. Cảm ơn về những lời dạy dỗ khuyên răn, mỗi lời "hăm dọa" dành cho con! Và con hứa con sẽ không cảm ơn bằng lời nói, mà con sẽ làm bằng hành động, sẽ làm cho cha cảm thấy cha đã đặt niềm tin và hy vọng nơi con không hề sai lầm.
Cầu Chúa luôn che chở, nâng đỡ cha, cho cha sức khỏe để cha hoàn thành trách nhiệm Chúa giao phó. Cầu Đức Mẹ ở bên cha mọi lúc mọi nơi, vì con biết  lúc nào Cha cũng cần có Mẹ bên cạnh. Gửi tới cha ngàn lời yêu thương của con và ba chữ "KÍNH": KÍNH TRỌNG, KÍNH MẾN, KÍNH YÊU.
 
 
 
I LOVE "BLACK FATHER"
* Anê Nguyễn Thị Nữ (Gx.Châu Me)
 
Thấm thoát đã 12 năm trôi qua kể từ ngày Bố về. Biết bắt đầu nói từ đâu về công sức của Bố trong bao nhiêu năm qua. Một khoảng thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng đó là khoảng đời đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời này của con.
Con không biết lúc Bố về đây con và Bố gặp gỡ như thế nào? Con chỉ biết lúc đó con chỉ mới lên 3, cái tuổi lúc nào cũng làm mọi người xung quanh tươi cười vì sự hồn nhiên và ngây thơ. Nội con vẫn hay kể về Bố: “Lúc trước ông Cố đẹp trai lắm con, trắng mà múp nữa chứ!”. Quả thật, lúc trước con vẫn nghe giáo dân hay trầm trồ khen Bố thế này: "Oh! Cha mình trắng quá nhỉ, ổng đẹp trai quá ta, lại có tài nữa chứ!". Con không hình dung chính xác được, nhưng con có thể cảm nhận rằng giáo dân thương yêu Bố nhiều lắm.
Ngày 3-3-2003, cái ngày ấy Bố về. Sau 30 năm giáo xứ không có linh mục, không có nhà thờ, thì Chúa đã đưa Bố về đây. Có lẽ Bố rất hụt hẫng, hoang mang vào khoảng thời gian đầu. Với một ngôi nhà thờ bị sụp đổ hoàn toàn vì chiến tranh, cảnh tượng hoang tàn, Bố không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng tình yêu Chúa tha thiết trong Bố đã giúp Bố có nghị lực để bắt tay vào công việc. Chỉ có hai bàn tay trắng, Bố chưa thể tiến hành xây dựng nhà thờ ngay vì Bố còn phải tìm một khoản tiền lớn để trang trải. Rất may mắn là Chúa đã gửi đến rất nhiều vị ân nhân để giúp Bố. Bố không thuê thợ xây nhiều không phải vì Bố tiết kiệm tiền, nhưng vì Bố muốn toàn bộ giáo dân phải cộng tác với nhau, và còn để qui tụ giáo dân ngay từ phút ban đầu. Thế là già trẻ, lớn bé đều bên nhau làm việc thật vui vẻ.
Sau một thời gian dài vất vả xây dựng, một ngôi nhà thờ uy nghiêm đã mọc lên giữa vùng quê nhỏ bé. Bố vui, mà con chiên bố cũng vui vì đã xây dựng được một công trình của Chúa. Ngôi nhà thờ mang tên: "Nhà Thờ Đức Mẹ Kỳ Thọ". Bố giải thích chữ "Kỳ Thọ" ở đây có nghĩa là kì diệu, kì công mà Chúa và Đức Mẹ ban tặng, chứ không phải là kỳ cục, kì dị. Giáo dân ai nấy cũng bật cười và ghi nhớ câu nói của Bố. Bố mở lớp học giáo lý, Bố thành lập ca đoàn, ban giúp lễ, ban múa... Vào mỗi tối thứ 7 và thứ 6 hàng tuần, sau mỗi thánh lễ Bố lại tập hát cho ca đoàn. Làm sao giấu kín được sự mệt mỏi trong mắt Bố, nhưng Bố vẫn luôn hăng say không để cho ca đoàn bị mất chỗ dựa. Bố hát hay và rất truyền cảm, làm sâu lắng lại trong tâm hồn của mỗi người một chút gì đó rất thiêng liêng. Tập hát xong, Bố luôn có phần thưởng cho chúng con, lúc thì nước mía, túi chè, khi thì lại sữa chua, bánh ngọt,.. Tuy đơn sơ nhưng chứa đựng tất cả tình yêu thương của Bố ở trong đó.
Bố đến từng lớp giáo lý để xem các con mình đi học đầy đủ không? Có chăm học, có hiểu bài hay không? Bố tổ chức cho chúng con những buổi sinh hoạt và chơi những trò chơi rất bổ ích vào Chúa Nhật hàng tuần, rồi sau đó phát thưởng cho các lớp. Bố ghi nhớ từng tên của các học viên giáo lý vì Bố nói: “Chúa Giê-su đã nói rằng ai yêu mến và tiếp đón một em nhỏ chính là tiếp đón Thầy”. Thánh lễ chiều, Bố đặc biệt dâng lễ cầu nguyện cho thiếu nhi. Ngay cả trong lúc giảng, Bố luôn đặt câu hỏi và mời từng em một trả lời để hiểu hơn về các con của mình. Có những câu hỏi thật dễ, mà cũng có những câu Bố hỏi thật oái oăm. Sở dĩ Bố làm như vậy là còn để tập cho chúng con cái tính dạn dĩ và cách phát biểu trước mặt nhiều người, để sau này vững vàng hơn trong cuộc sống.
Phải nói là Bố rất tuyệt vời, nhưng Bố lại bệnh suốt, sức khoẻ Bố không tốt. Đã có lúc Bố nằm liệt giường cả ngày, ăn không nổi, nói không ra tiếng vì chứng đau dạ dày, tiểu đường. Nhưng đến giờ lễ, Bố vẫn cố gắng để dâng lễ. Bố không ngại đường xa, sức khoẻ yếu mà đi hàng chục cây số để giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho những người đau bệnh, già yếu không đến nhà thờ được. Dù sức yếu, nhưng Bố vẫn tổ chức rất nhiều cuộc thi "không đụng hàng", "có một không hai". Vào dịp lễ Giáng Sinh, Bố cho các lớp giáo lý thi hang đá với nhau, rồi đem trưng bày dọc bên nhà xứ. Bố cũng cho các giáo họ thi hang đá cùng nhau, Bố trao cho mỗi họ những dụng cụ cần thiết, với yêu cầu của Bố đặt ra là hang đá phải làm tại nơi mang tính truyền giáo. Các giáo họ phải luôn đọc kinh bên máng cỏ và tính số lượng chuỗi Mân Côi lần được để làm "bó hoa thiêng liêng" dâng lên Chúa Hài Nhi. Đặc biệt, Bố còn tổ chức cuộc thi hát thánh ca với chủ đề: "Vui ca bên máng cỏ Giê-su". Có Cha hạt trưởng và Cha xứ giáo xứ bạn, cùng ban chức việc của 15 giáo họ làm giám khảo. Vậy là dù già hay trẻ, đều tham gia cùng với giáo họ của mình. Nhờ có Bố, mà Giáng Sinh trở nên vô cùng ý nghĩa đối với mỗi người chúng con hơn.
Bố quan tâm chúng con về việc học giáo lý cũng như văn hoá ở trường. Vậy là sau mỗi năm học, nào là phần thưởng giáo lý, phần thưởng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến được Bố chuẩn bị rất chu đáo và kĩ lưỡng. Mỗi lúc chúng con cắm hoa, Bố luôn chăm sóc chúng con bằng những hủ sữa chua và lon nước yến. Bố bảo phải ăn uống mới có sức mà phục vụ. Còn nhớ những lần được đếm tiền cho Bố. Những đồng tiền nhỏ mà giáo dân đóng góp hàng tuần. Vừa xếp tiền vừa nghe Bố kể biết bao câu chuyện cười, nghe xong mà con tưởng tượng như có khi về nhà đang ngủ mà bật dậy cười cũng có. Bố khen chúng con những khi chúng con múa đẹp, hát hay, cắm hoa sắc sảo... Nhưng với cái tuổi 15 đang lớn, đã không ít lần con để Bố buồn lòng về những chuyện không đáng có. Bố không la rầy mà ân cần cho con những lời khuyên răn, Bố góp ý cho con từng li từng tí một. Nhìn khuôn mặt và đôi mắt thoáng vẻ buồn của Bố, con thật sự hối hận biết bao. Con như muốn mình trở về lúc 3 tuổi, lúc đó con sẽ làm Bố vui chứ không phải buồn như lúc này. Nhưng Bố nói chỉ cần con biết lỗi và sửa sai là được.
Cuộc đời thật đẹp khi được làm con của Bố, con cảm ơn Chúa rất nhiều. Nhưng bỗng Đức Giám Mục ra quyết định bổ nhiệm Bố về một xứ khác. Cái tin mà Bố thông báo cho chúng con làm con choáng váng cả mặt mày. Giáo dân ai cũng buồn, vài giọt nước mắt rơi dài trên khuôn mặt một vài em bé làm Bố không khỏi xúc động. Nhiều lúc con thật hoang mang vì không hiểu sao Đức Cha lại làm như vậy? Hội đồng giáo xứ vào tận Toà Giám Mục để gặp Đức Cha, xin cho Bố ở lại với giáo xứ. Bố cũng buồn lắm khi sắp phải rời xa nơi này. Nhưng Bố nói: “Cuộc đời linh mục không có gì mãi mãi. Nay nơi này, mai nơi kia, có thế mới trau dồi khả năng được. Làm con cái thì không được cải lời cha mẹ, cha mẹ muốn thế nào thì con cái phải vâng lời. Vì cha mẹ mới biết những gì là tốt cho chúng ta”.
Nhưng rồi Trung Thu sắp đến, cái Tết dành cho con cái của Bố. Bố xin Đức Cha ở lại một thời gian để vui Trung Thu cùng các con của mình. Bố tổ chức một cuộc thi múa lân cho các lớp giáo lý. Chỉ vài ngày sau... Chuyện gì đến cũng sẽ đến, ngày mai là Bố đi rồi. Tối hôm ấy Bố có tặng cho con một chiếc nhẫn có hình tràng chuỗi Mân Côi. Bố nói: “Đeo cái này vô rồi nhớ siêng năng lần chuỗi nghen con!”. Có lẽ cái nhẫn này giúp con liên lạc với Đức Mẹ, cũng là một sự liên kết tình cha con.
Sáng ngày 9-10, giáo dân Châu Me cùng đi tiễn Bố về xứ mới. Giờ đây Bố đã mang trong người thân phận là “Cha chánh xứ giáo xứ Phú Hoà", nhưng Bố vẫn còn là Cha xứ Châu Me vì Bố vẫn chưa bàn giao cho Cha mới. Nhưng rồi một ngày trôi qua, giây phút con không muốn nó cũng đã tới trong sự có mặt của đông đảo giáo dân để tiễn Bố, đồng thời đón Cha mới. Thánh lễ sáng ngày 10-10 đã chính thức bổ nhiệm một cha mới. Giờ đây Bố giờ chỉ còn mang thân phận là "Cha cựu chánh xứ" của chúng con, và cho dù sau này Bố có về thăm giáo xứ, thì Bố cũng chỉ là khách. Thế nhưng Bố đừng buồn, dù Bố có đi thì Bố vẫn còn hiện diện sâu trong tim con. Bố mãi mãi là người tốt nhất, đẹp nhất, tuyệt vời nhất,.. và rất nhiều chữ “nhất” nữa. Bố là "number one"!
Cầu xin Chúa ban cho Bố nơi xứ mới được thật nhiều sức khoẻ, cho Bố sự minh mẫn. Mong Chúa luôn bên cạnh để giúp cho Bố về thể xác cũng như tinh thần. Và cho Bố một tình yêu Chúa nồng nàn để luôn hăng say trong công việc truyền giáo.
I LOVE "BLACK FATHER"!
Tác giả bài viết: Hoa Biển 19
Từ khóa:

Hoa Biển 19

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Hôm nay: 6949
  • Tháng hiện tại: 141410
  • Tổng lượt truy cập: 12285670