Trang mới   https://gpquinhon.org

Nhìn lại và bước tới II (Hoa Biển 21)

Đăng lúc: Thứ năm - 04/08/2016 18:18
CHÚT SUY TƯ MÙA HẠ
* Maria Ngô Thùy Duyên (Gx.Ngọc Thạnh)
 
Những tia nắng đầu hạ như thắp lửa, khiến cơ thể tôi mất nhiều nước và năng lượng.  Nhưng không vì vậy mà tinh thần vui chơi của tôi cùng các em nhỏ khuyết tật tại cộng đoàn các sơ Tin Yêu Thác Đá Thượng thuyên giảm. Có chút gì đó thu hút tôi qua ánh mắt thơ ngây, cái ôm ấm áp và những nụ hôn ngọt ngào của các em. Vẻ mặt thân thiện, ngây ngô và đáng yêu của các em khiến tôi cảm thấy mình rất may mắn. May mắn vì tôi sinh ra đầy đủ bộ phận trên cơ thể, tôi khỏe mạnh, tôi vui chơi chạy nhảy cười nói như bao người. Tôi may mắn hơn các em, những thiên thần nhỏ của Chúa. Một chút suy tư của tôi về mùa hạ này mang thật nhiều ý nghĩa.
Các em phần lớn bị bệnh đao, điếc, thiểu năng trí tuệ và tự kỷ còn lại là các trẻ bình thường. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc tôi đặt chân đến lớp học tình thương này, từ những giây phút đầu tiên tôi đã bị các em thu hút vào những trò chơi và vẻ mặt vô tư ấy. Ở các em toát lên vẻ đẹp như thiên thần vậy, tuy các em phải chịu những đau đớn về thể xác, nhưng từ khi các em học ở đây đều được các sơ bồi dưỡng về tinh thần. Bản thân khi sinh ra các em đã phải chịu đựng những khiếm khuyết trên cơ thể mình, tôi chắc chắn các em rất mặc cảm với xã hội, với những người xung quanh. Em bị đao và tự kỷ cứ ngồi vào một góc và ít tiếp xúc với mọi người xung quanh. Các em bị câm, điếc thì nói chuyện với nhau qua ngôn ngữ và diễn tả tay chân rất dễ thương, đôi khi phát ra vài ba tiếng ú ớ làm tôi xót lắm. Tôi xót vì tôi biết nói biết nghe nhưng chẳng mấy khi tôi nghe, nói lời hay ý đẹp lòng Chúa cả. Tôi vỗ tay tập trung các em thành vòng tròn và múa hát bên nhau. Tay nắm tay, miệng tươi cười, các em chơi đùa cùng nhau, cùng nhau hát, cùng nhau múa thật dễ thương. Chúa ơi! Các em đáng yêu quá. Tôi như bị cuốn hút vào những ánh mắt vô tư, thánh thiện ấy.
Sau những giờ học vui vẻ là giờ cơm trưa ấm cúng. Khi nghe các sơ vỗ tay, các em tự động chạy đến. Mỗi bạn cầm một cái ghế ngồi vào bàn ăn nhanh nhẹn. Một tổ chức vô cùng trật tự và làm tôi ngạc nhiên. Các em làm dấu, đọc kinh Lạy Cha và dùng bữa trưa. Tuy có một vài bạn không theo đạo nhưng vẫn làm được dấu Thánh Giá và đọc kinh rành mạch. Một vài tiếng ú ớ lạ thường vang lên trong buổi kinh làm tôi nghẹn, đó là những câu kinh không thành lời của các em bị câm, mặc cho hoàn cảnh sức khỏe các em vẫn luôn ca ngợi Chúa trong bữa cơm của mình. Đúng là một điều tuyệt diệu Chúa ơi! Ăn xong các em lau miệng, uống nước và lên giường của mình được định sẵn và nghỉ trưa. Tôi xin phép rời bàn ăn trước và trộm xem các em đang say ngủ. Đây chính là những thiên thần của Chúa, nơi các em toát lên vẻ thánh thiện lạ thường. Tôi lắng lòng mình một chút và chợt nghiệm ra rằng, bằng cách này hay cách khác Chúa luôn giúp đỡ, chở che chúng ta, đấy chính là ân huệ cao cả. Tôi thầm cảm tạ Chúa!
Đồng hồ điểm ba giờ rồi, các em thức giấc, làm vệ sinh sạch sẽ và bắt đầu giờ kinh trưa. Một số cụ già trong xóm đạo tụ họp hằng ngày để đọc kinh Lòng Thương Xót.
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô
Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Cảm xúc của tôi lúc này đạt đỉnh điểm, nước mắt tự động lăn trên má. Hóa ra đâu đó còn rất nhiều nụ hoa bé nhỏ, yếu đuối mong chờ ánh nắng, chính là Chúa soi sáng và nâng dậy để giành lấy sự sống mỏng manh này. Từng phút giây, từng khoảnh khắc trở nên linh thiêng hơn nữa. Tôi thẹn lắm, tôi thẹn vì tôi là một con người sinh ra với đầy đủ các bộ phận, đầu óc đủ thông minh và tỉnh táo để nhận biết thiện ác, nhưng chưa bao giờ tôi có một ý nghĩ nào về Chúa trong đầu cả. Cứ mãi chen chân trong thế giới tội lỗi này, biết ngày nào mới có thể thấy được nước Chúa đây? Không quá khó nhưng do bản thân mãi mê muội lầm lạc đấy thôi!
Tôi ra về nhưng vẫn còn luyến tiếc, những cái vẫy tay chào, những nụ hôn má ấm áp, cái nắm tay chân tình như níu chân tôi lại. Tôi không muốn về, có điều gì đó nơi các thiên thần bé nhỏ đang níu giữ tôi lại. Ngậm ngùi và giữ cảm xúc ấy trong lòng, tôi bước lên xe và nở nụ cười thân thiện nhất chào các em.
Cảm ơn Chúa. Con cảm ơn Ngài vì đã cho con biết thế nào là tình yêu. Bao lâu nay con vẫn cứ than thân trách phận. Chúa đã đưa con đến mái ấm tình thương này, đã tập cho con biết nhìn xuống, nhìn xuống những mảng đời kém may mắn, đau bệnh. Nguyện cầu Chúa luôn dõi theo và nâng đỡ tâm hồn các em nhiều hơn. Mong rằng trong vòng tay ấm áp của Chúa, thể xác của các em sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa. Con bắt đầu trân trọng thần khí con đang nhận lãnh, trân trọng cuộc sống và trân trọng tất cả. Nhờ có Chúa, tháng ngày đời con từ đây sẽ bước sang  một trang mới, một cuộc sống đầy ắp tình thương và ân huệ Ngài. Amen.
 
 
AI CHỞ MÙA HÈ CỦA CON ĐI ĐÂU MẤT?
*Anna Nguyễn Thảo Nhi (Gx.Trường Cửu)
 
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, để trở về với giấc mơ ngày xưa..”
Đài phát thanh của thành phố mở đầu bằng bài hát này, phá tan bầu không khí ngột ngạt của phòng nó với bốn bức tường vây kín chẳng khác nào nhà tù. Đã từ rất lâu rồi nó chưa nghe lại bài hát này, chắc vì tuổi thơ chỉ là quá khứ của nó, còn hiện tại trước mắt là chú dế điện tử lúc nào cũng cầm khư khư trên tay. Nó tự tách biệt với thế giới bên ngoài từ lúc nào cũng không hay nữa…
Lúc trước nó là một con bé rất hòa đồng, luôn là quản trò của những trò chơi dân gian cho lũ nhỏ trong xóm. Chiều chiều, đi học về là lũ nhóc con cứ quấn quít bên nó như kiến bu đường vậy. Nó yêu lũ tiểu quỷ đó lắm! Nghịch ngợm lắm nhưng tuyệt đối nghe lời nó. Nó có thể gọi là cô Tấm của người lớn mà cũng có thể gọi là “chị Đại” của lũ nhỏ. Nó sống hòa hợp, yêu thương mọi người. Nó sốt sắng việc Chúa. Có hôm lũ nhỏ hỏi nó:
- Lớn lên “đại ca tỷ tỷ” muốn làm gì vậy ạ?- Một nhóc con hồn nhiên hỏi.
- Ta ý hả? Ta sẽ đi làm linh mục như ông cố vậy đó.- Nó bông đùa.
- Ẹc ẹc…Tỷ mà làm linh mục à? Có mà giáo dân bỏ đạo hết á! Em nói thiệt tỷ nên làm bà sơ đi!
Nó mỉm cười hạnh phúc khi nghe những lời ngây thơ đó. Lúc đó nó cũng có nguyện vọng đi tu nhưng còn bé quá.
Mùa hè ở quê nó rộn ràng lắm. Nó dẫn cả bầy nhỏ đi ra đồng, nào là thả diều, bắt ếch, “mót” lúa rụng, kéo co…Tối lại thì “rồng rắn lên mây”, bay vào nhà người ta gõ cửa phá phách. Vui lắm cơ! Nó thích tham gia trại hè của giáo phận, giáo xứ tổ chức. Nó thích được gặp gỡ và vui chơi với mọi người. Nó thích khoe rằng lớn lên nó sẽ đi tu. Mẹ nó bảo: “Con phải sống tốt với mọi người thì sau này Chúa mới gọi con đi tu được”. Nó dạ, vâng theo lời mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng nó rất hăng hái giúp đỡ người ta. Nhà gần nhà thờ nên cũng hay qua lại phụ các sơ làm việc trong nhà thờ. Tiêu chí của nó là: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
Thế là tuổi thơ nó trôi qua đôi lúc rất dữ dội nhưng cũng êm đẹp và đáng nhớ…
Từ lúc chuyển nhà lên thành phố, ở xung quanh chỉ nhà với nhà, mà ra khỏi nhà thì gặp đường lớn. Nó chẳng thấy thoải mái khi ở đây. Nó không còn thấy lũ tiểu quỷ của nó nữa, không gặp được những người hàng xóm thân thiện nữa, không thường xuyên đến nhà thờ viếng Chúa nữa… Phải làm sao đây? Ở thành phố nó lại muốn đi học hơn ở nhà, vì đi học sẽ quen được bạn bè, nhưng bây giờ đang trong hè không có đi học. Muốn có hàng xóm nhưng cửa, cổng lúc nào cũng đóng kín hết làm sao quen được? Ba mẹ nó cũng đi làm miết thôi, chỉ để lại chiếc smartphone cho nó giải trí. Nó đành làm quen với chú dế không di động này. Thế là dần dần chỉ có “dế” là bạn của nó. Ba mẹ để nó ở nhà một mình nên giờ nó cũng ít nói hẳn và trầm tính. Những bài đồng dao nó thuộc nằm lòng khi nào cũng hát, bây giờ muốn đọc lại mà cũng lười. Suốt ngày cầm dế, nó sắp thành thanh niên sống ảo rồi…
Nhờ bài hát “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” làm nó thức tỉnh. Nó chịu buông chiếc điện thoại và bật đi bật lại bài hát đó. Nó thèm được quay trở lại, nó muốn phá tan bức tường kín này để về quê. Hôm sau, một chị hàng xóm có dẫn đứa bé tầm 6 tuổi qua nhờ trông hộ một buổi. Mới có bé tí à mà cũng dán mắt vào điện thoại suốt buổi. Nó hỏi nhẹ:
- Nghỉ hè con không đi chơi với bạn con sao? Hè đi chơi vui lắm!
- Ai chở mùa hè con đi đâu mất rồi? Mà dì cũng ở nhà đó thôi!
- Lúc trước, vào hè là dì đi chơi vui lắm, do dì lớn rồi á! Hì…- Nó cứng họng, cười trừ.
- Con cũng muốn đi chơi nhưng chơi điện thoại vui hơn dì à! Dì xem đi…
Nó dõng dạc:
-  Dì sẽ cho con thấy mùa hè đi chơi vui hơn hay chơi điện thoại vui hơn…
Nó xin ba mẹ nó dẫn cô bé đó về quê chơi vài hôm cho biết cái gì gọi là hội hè. Ba mẹ nó lo lắng, nhưng nó nói nó đủ lớn để chăm sóc cô bé. Ba mẹ nó chấp thuận. Về quê, đúng là mở ra một chân trời mới cho cô bé. Nó ước rằng cô bé cũng sẽ tìm thấy một bầu trời tuổi thơ giống nó tại quê hương thân yêu này. Cô bé có lần nói với nó sau khi gặp sơ: “Dì ơi! Con cũng muốn mặc bộ đồ đẹp đẹp đó của cô đó đó á dì!”. Nó chợt thấy bất ngờ rằng cô bé hơi giống mình lúc nhỏ.
Nó dẫn cô bé về lại thành phố nhưng cả hai đều luyến tiếc. Nó hỏi: “Vui không con?”. Cô bé hồn nhiên: “Dì kéo mùa hè con về rồi đấy!”. Thật hạnh phúc khi kéo được tuổi thơ của một cô bé thành thị về với chủ. Sau đợt đi chơi này nó lại nhớ đến nguyện vọng của mình là đi tu, và nó sẽ giữ nguyên ước muốn đó.
 
 
VỀ QUÊ VUI HÈ
* Anê Lê Thị Thanh Hà (Gx.Vườn Vông)
 
Cái tiết trời ấm áp của mùa xuân đã không còn, thay vào đó là nắng nóng báo hiệu hè đến. Mùa hè là mùa quyến luyến chia tay của lũ học trò cuối cấp, mùa của phượng khoe sắc thắm góc sân trường, mùa hội hoan ca của nhà ve... và mùa của vui chơi. Khép lại những trang sách, trang vở sau tháng ngày miệt mài, học sinh được nghỉ ngơi thư giản... Và ai cũng có một mùa hè riêng của mình...
Sau bữa cơm tối, một mình nơi phòng trọ, nó leo lên giường cầm lấy điện thoại và lên facebook. Ngồi lướt face được một lúc, nó thấy chán rồi lại quăng điện thoại sang một bên và nằm thừ ra đó. Một mình trong phòng trọ nó thấy buồn, chẳng ai trò chuyện. Nó nghĩ chắc giờ này lũ bạn sinh viên cùng trang lứa đang lo tất bật với việc làm thêm, đứa khác thì lo đi chơi... Và nó nằm trong số ở không ngồi chơi. Nó thấy không khí ở nhà ngột ngạt, và nó xỏ vội đôi giày, khóa cửa đi bộ ra ngoài phố. Khắp phố đã lên đèn, các quán ăn dần đông khách... Nó bước từng bước chậm dưới không khí buổi tối của mùa hè ở nơi đất Sài thành này.
Nó chợt nhận ra mình có vẻ lẻ loi giữa chốn đông người tấp nập trên phố, một nhịp sống ồn ào... Nó đang nghĩ thì…
- Mẹ ơi, mua cho con que kem ăn đi mẹ!
- Ừ… Mẹ sẽ mua cho con nhưng để mai đi nha, giờ hai mẹ con mình phải đi bán hết chỗ bắp, khoai luộc đã.
Cuộc trò chuyện của mẹ con cô bán bắp làm nó giật mình trong mớ suy nghĩ. Nó nhớ ba mẹ, nhớ tiếng cười nói của thằng em, nhớ xóm làng... Như có cái gì đó thôi thúc, nó quyết định đặt vé xe về quê.
...
Sau một đêm dài ngủ trên xe, cuối cùng sáng hôm sau nó đã có mặt ở quê. Lần này, nó không gọi về gia đình trước để ba ra đón, mà lại lững thững đi bộ về. Nó rảo bước trên con đường quen thuộc. Nắng vàng soi trên từng hạt sương còn đọng trên chiếc lá non, long lanh như giọt nước. Một làn gió nhẹ thoảng qua nhưng đủ làm nó thấy se lạnh.Về đến ngõ, thằng út thấy chị về, chạy ùa ra ôm lấy và hét to:
- Chị Ngọc về, vui quá!
- Ngoan quá, chị Ngọc mua kẹo cho út nè!- Vừa nói nó kéo túi xách ra lấy bì kẹo cho thằng út.
- Dạ, cảm ơn chị. Để em kéo vali vô phòng cho nha! Chị ra chào ba mẹ đi, hai người ở sau vườn á.
Ngọc chạy vội ra sau vườn, kia rồi vần hai bóng hình quen thuộc của ba mẹ tần tảo hồi giờ. Ba lo tưới rau, mẹ lom khom nhổ cỏ...
- Ba mẹ, con về rồi nè!- Nó hét to.
- Ngọc về rồi na, sao ba mẹ không nghe con nói trước vậy? Nói cho ba mẹ biết ra đón chứ.- Mẹ nó nói.
- Gần mà mẹ, con đi bộ tới liền à. Con muốn gây bất ngờ cho cả nhà.
- Thôi đi vô, hai mẹ con mà cứ hỏi qua hỏi lại một hồi chắc tôi đói chết mất!- Ba nó nói đùa.
- Thôi đi vô, để mẹ dọn đồ ăn sáng cho cả nhà ăn.
....
Ngọc theo mẹ đi chợ, chợ ở quê vẫn nhộn nhịp như ở phố. Nó phụ mẹ nấu cơm, theo ba với thằng út đi cắt cỏ cho bò…
Mỗi chiều Ngọc và thằng út đèo nhau trên chiếc xe đạp để đi dự lễ. Khuôn viên nhà thờ vẫn như vậy, mấy đứa nhóc lâu không gặp thấy đứa nào cũng lớn. Ngồi trong nhà thờ nghe cha giảng, nó thấy nhẹ lòng đến lạ thường. Lễ xong thằng út ở lại họp ban giúp lễ, nó đi lòng vòng nhà thờ đợi để hai chị em về chung. Rảo mắt nhìn khắp nơi, nó chợt thấy bé Nhi gần nhà đang ngồi khóc thút thít.
- Hù… Nhi ngồi đây làm gì thế? Chị Ngọc méc mẹ em cho coi.
- Chị làm em mất hồn! Em không muốn về nhà, chán lắm!
- Sao thế, nói chị nghe chị giúp được gì thì giúp.
- Chị Ngọc sướng rồi, nghỉ hè được về quê chơi. Nhi nè, hè muốn được đi chơi với mấy đứa trong xóm như thả diều, rượt bắt... mà mẹ không cho. Mẹ bắt em phải lên trên bà ngoại ờ Sài Gòn để dẫn đi công viên, sở thú...
- Sướng quá mà la lối gì nhỏ ơi! Lên phố có nhiều thú vui lắm nha.
- Xí, em chẳng thích ồn ào, phức tạp. Ở quê mình yên bình, vui hơn nhiều. Thôi em về trước không mẹ lại la nữa. “Bye” chị nha!
Nó chợt thấy nghẹn với sở thích của bé Nhi. Ngọc đặt ra nhiều câu hỏi: "Ở quê mình có nhiều niềm vui đến thế sao? Mình xấu hổ với mấy đứa nhỏ, mình chỉ muốn vui đùa trên thành phố mà quên cái nơi sinh ra...".
......
Ngày hôm sau nó rủ thằng út, bé Nhi với mấy nhỏ trong xóm chơi thả diều, trốn tìm... Nó theo mấy nhỏ vào phụ sơ cắm hoa, tập hát, tập múa... Trong lòng nó thấy vui, kí ức tuổi thơ như ùa về. Ngày xưa cách đây 10 năm nó cũng là cô bé hay theo sơ cắt lá, chạy nhảy trong nhà thờ đó mà…
Thoáng đó mùa hè trôi qua... Nó lại thu xếp hành trang lên đường để tiếp tục việc học, đôi mắt đỏ hoe, miệng nghẹn ngào chẳng nên lời. Nó ôm lấy ba mẹ, thằng út và mấy nhỏ đã “đồng hành”  với nó mùa hè qua. Chào tạm biệt, nó chỉ nói được một câu: "Ba mẹ con đi, mấy đứa ở nhà tết chị Ngọc về nha...". Rồi nó vội lên xe, nó chẳng dám ngoảnh lại sợ thấy những giọt nước mắtcủa họ. Chiếc xe chuyển bánh, chạy rảo ngang qua cánh đồng, từng ngôi nhà... làm lòng nó càng luyến tiếc nơi quê nhà này.
Nó gạt nước mắt, khẽ làm dấu đọc kinh và thầm dâng quê hương, giáo xứ, gia đình nó trong tay Chúa. Cuộc sống vẫn còn đó nhiều điều bất ngờ, niềm vui đơn giản. Nó thấy đây là mùa hè vui nhất trong những năm nó lên học ở Sài Gòn, một mùa hè bên gia đinh, giáo xứ. Cảm ơn Chúa cho con nhận ra một điều: "Quê hương vẫn là nơi bình yên, hạnh phúc nhất dù đó có là một chốn nông thôn nghèo khó, xa xôi"…
 
 
BẠN CÙNG BÀN
* Anna Nguyễn Thị Lan Phương (Gx.Trường Cửu)
 
Lại một mùa hè nữa trôi qua, năm nay là tôi bước vào năm cuối cấp rồi. Mới thế mà đã sắp hết quãng thời cấp 3 rồi, nhanh thật! Không biết năm học này sẽ như thế nào, nhưng tôi tự hứa là sẽ cố gắng để đạt được ước mơ của mình. Xin Chúa hãy giúp con và ban cho con thật nhiều sức mạnh.
Buổi đến lớp đầu tiên…
- Năm nay lớp ta sẽ có tí thay đổi, các em sẽ thay đổi chỗ ngồi nha!- Cô chủ nhiệm nói.
Cả lớp đều rất ngạc nhiên, tôi cũng vậy. Tôi đã ngồi ở đây với những gương mặt này quá thân quen rồi, giờ thay đổi, không biết ai sẽ ngồi với tôi đây?
Tôi tò mò chờ sự thay đổi của cô giáo.
- Và cuối cùng, Như sẽ chuyển đến ngồi với Hạnh. Chúc hai em có một năm học thành công!
Hả? Như? Cái người mà cả lớp ai cũng không ưa và không muốn tiếp xúc. Ôi trời! Tại sao lại là nó? Làm sao tôi có thể ngồi cùng bàn với người như thế mà không phải là ai khác! Những câu hỏi này cứ xuất hiện trong đầu tôi… Tôi thở dài. “Lần này con Hạnh trúng đậm rồi! Tội cho nó quá, phải ngồi cùng với con kia, cả lớp đâu ai muốn đến gần con đó đâu!”. Ai cũng nói như vậy… Chắc lần này tôi “trúng đậm”thật rồi, năm cuối cấp kiểu này chắc không ổn rồi.
Tôi cố mỉm cười với Như và vô chỗ ngồi. Tôi nhìn ánh mắt Như hình như có gì đó, đây là ánh mắt chào đón hay là cười nhạo đây? Thôi kệ bỏ qua hết đi, lo tập trung học thôi, chỉ có một năm thôi mà, không sao đâu! Tôi tự trấn an mình.
Mỗi lần đến lớp tôi đều vui vẻ nói chuyện với mọi người, và cứ xem như là không có sự tồn tại của Như. Tôi ngồi cách xa nó, kẽ đường thẳng phân cách. Dường như nó hiểu và cũng không làm gì tôi phật lòng, chỉ im im vậy thôi. Tôi chẳng thể hiểu con người này được nữa.  Đôi lúc tôi lại tự nghĩ sao cả lớp lại ghét nó? Nó là người không tốt sao? Tôi cũng không tiện hỏi làm gì, cứ quan sát thử xem.
Hôm nay đi học mà tôi quên đem theo hộp bút, thế là không có bút để ghi bài. Tôi mượn bạn bè phía trên, phía dưới, bên cạnh tất cả đều không có, nhưng tôi không dám hỏi nó, tôi hơi sợ. Thật bất ngờ… Tôi đang định quay sang mượn bút nó thì nó đã đặt sẵn cây bút mới tinh trên bàn rồi.
- Bạn cầm lấy mà viết bài nha!
Tôi vừa hơi hổ thẹn, vừa hơi ngại nhưng cũng thầm cảm ơn nó. Cả buổi học tôi đều lén nhìn sang nó thử, có điều gì mà tôi và cả lớp đều không ưa nó nhỉ? Chắc có lí do gì đó…
Trên đường đi học về…
- Cô ơi…- Như vừa chạy theo vừa kêu lớn.
- Có chuyện gì vậy?- Cô đó nói.
- Hình như cô bị rới cái túi phải không ạ? Cháu vừa nhặt được chỗ kia, không biết phải của cô không ạ?
Cô ấy nhìn xuống chỗ để thì không thấy cái túi đâu nữa cả.
- Ừ… Đúng rồi cháu.! Cô cảm ơn cháu nhiều nha. Cháu tốt bụng quá.
- Dạ. không có gì đâu cô.
Một lần khác…
- Bà đưa cái túi cháu xách giúp cho nha, trông nó nặng quá!- Như cười nhẹ.
- Ừ… Cháu tốt quá!- Bà vừa vui mừng vừa đưa nó xách giúp.
Đến nơi nó đưa cho bà cụ, bà hỏi nó một câu mà tôi thấy ngạc nhiên.
- À mà cháu là người Công giáo phải không? Bà nhìn thấy sợi dây chuyền hình Thánh giá trên cổ cháu.
Nó e thẹn gật đầu… Bây giờ nó trông cứ như là thiên thần vậy.
Thì ra Như cũng là người Công giáo mà sao trước giờ tôi không biết nhỉ? Lạ quá! Hay nó ở giáo xứ khác? Tôi phải đến tìm hiểu mới được.
- Ê Như…
- Sao đó Hạnh, có chuyện gì cần tìm mình vậy?
- Ừa thì…
- Có gì bạn cứ nói đi… Không sao đâu!
- Thật ra bạn là người Công giáo sao? Sao trước giờ mình không hay biết gì hết vậy, mình cũng là người Công giáo nè.
- À… Mình biết bạn là người Công giáo mà… Nhưng…- Bỗng nó ngập ngừng.
- Sao thế, nói mình nghe được không?- Tôi gặng hỏi.
- Ba mình không có đạo, còn mẹ mình là người Công giáo, mình cũng theo đạo nhưng rất ít người biết. Nhà mình và cả mình đều bị mọi người không ưa cho lắm… Mỗi lần đi lễ mình đều cố tình ngồi ở hàng ghế cuối cùng để các bạn không nhìn thấy. Thật ra mình không muốn gia đình mình vậy đâu, mình cũng muốn ba mình theo đạo và yêu Chúa lắm nhưng ba mình thì không như vậy được.
Tôi gật đầu thấu hiểu, đúng thật mỗi  người mỗi cảnh, không thể nào đánh giá ai qua những gì bạn nghe người khác nói được.
- Mình nghĩ đây là thập giá mà Chúa đã trao cho bạn, bạn nên mạnh mẽ hơn để đón nhận. Chúng ta đều là những người Ki-tô hữu, bạn đừng rụt rè che giấu điều ấy nha! Mình sẽ luôn bên cạnh bạn.
- Cảm ơn Hạnh nha! Bạn hết ghét mình rồi à?
Tôi ngại ngại vì mình là một người con của Chúa mà lại đi ghét người khác và kì thị người khác như vậy. Thật không đáng!
- Hihi…Chúng ta là bạn mà!
Cả hai đứa cười thật tươi và cùng nhau đi về nhà.
Tôi sẽ cầu nguyện cho ba của Như sớm nhận ra tình yêu của Chúa, đừng chống đối Chúa nữa, và gia đình Như sẽ được hạnh phúc vui vẻ. Tôi quyết định mình cần phải làm gì đó cho cả lớp hiểu và thương hoàn cảnh của Như hơn, đừng ghét Như nữa. Thật sự thì Như là người tốt, luôn luôn im lặng, mặc dù bị nhiều tổn thương vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không suy nghĩ gì. Bây giờ tôi lại hết trách tại sao tôi phải ngồi cùng bàn với Như, tôi thấy mừng vì mình được ngồi cạnh một người Ki-tô hữu như Như. Thật tuyệt vời!
Ngày hôm sau tôi sang rủ Như đi học luôn cho vui. Sang nhà Như thì tôi mới hiểu được những gì mà Như chịu đựng. Ba của Như luôn luôn la mắng Như vì giữ những tấm hình Chúa Thương xót trong nhà, Như vội giấu đi trong phòng. Chúa ơi, xin Chúa hãy nâng đỡ cho Như.
Tôi chỉ biết im lặng không dám nói gì vì sợ Như buồn. Khi đến lớp ai cũng ngạc nhiên vì tôi với Như đi học chung và tôi với Như cùng nhau trực lớp, cười cười nói nói cứ như là bạn thân vậy. Tôi hi vọng mình có thể giúp các bạn trong lớp thân thiết với Như hơn, không xa lánh và ghét bỏ Như nữa. Không bao lâu nữa thì Như sẽ có thật nhiều bạn tốt, sẽ có những ngày tháng cuối cấp thật hạnh phúc và ý nghĩa khi được mọi người quan tâm và đón nhận.
Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình, đừng đánh giá ai khi mình chưa bao giờ đặt vào vị trí của họ để thấu hiểu…
 
 
“TIA NẮNG NHỎ”
 * Maria Đoàn Thị Ái Thoa (Gx.Cây Rỏi)
 
Mùa hè trời nắng gay gắt, cây cỏ khô héo, ruộng đất thì cằn khô, nhưng nó và mấy đứa bạn vẫn đội nắng đi “lượm đào”. Tất nhiên là do “ham tiền” nên nó mới giang nắng như vậy.
Nó, một đứa con gái mười bốn tuổi, đang ở tuổi rong chơi và quậy phá. Nhưng nó khác với mấy đứa bạn cùng trang lứa, nó là con ngoan, trò giỏi, là một “ca sĩ nhí” của giáo xứ. Hằng ngày nó rủ Trà (bạn thân của nó) tới nhà thờ giúp các sơ cắm hoa. Và thứ năm hàng tuần, nó lại đến sinh hoạt cùng lớp dự tu. Thời gian cứ thế trôi qua…
Mùa hè năm nay sơ Uyên lập đội “tia nắng nhỏ” để trồng hoa, trồng cây phục vụ giáo xứ. Đương nhiên là nó cũng tham gia. Mỗi ngày, các bạn gia nhập đội càng nhiều. Nam thì cuốc đất, nhổ cỏ. Nữ thì gieo hạt, tưới nước. Mọi việc như thế là hoàn tất. Nó thầm nghĩ: “Chỉ vài tháng nữa thôi giáo xứ sẽ có một vườn hoa tuyệt đẹp”. Nó quay sang nhìn thấy nụ cười nở trên môi sơ Uyên, nó cũng cười theo. Rồi một tuần… hai tuần… ba tuần… các bạn ít tới đây hơn. Đặc biệt là Trà. Không những không tới chăm sóc cây và hoa, Trà còn rủ các bạn trong nhóm đi chơi nữa. Nó buồn lắm.  Một hôm nó tới nói với Trà:
- Trà ơi, đi nhà thờ!
- Mệt! Đi làm gì, tối nay đâu có lễ.- Trà trả lời cộc lốc.
- Thì đi xem mấy giống hoa nó nảy mầm chưa. Mà sao dạo này không thấy Trà tới nhóm nữa?
- Thích không đi thì sao? Hỏi nhiều! Thôi Thoa đi đi, mình bận rồi.
Nói xong, Trà quay vào nhà, nó cũng chắc lưỡi rồi đi luôn. Trên đường đi, nó thấy một bà cụ lom khom qua đường, trông cụ đi rất khó khăn. Nó dắt xe tới, nói:
- Cụ ạ! Cụ đi đâu, lên xe con đưa cụ về.
- Ừ! Cảm ơn cháu gái.- Cụ trả lời.
Rồi nó đạp xe theo đúng đường cụ chỉ. Dừng ngay trước cổng nhà thờ, nó ngạc nhiên:
- Nhà cụ đây ạ?
- Phải, cháu vào nhà chơi.- Cụ nói nhẹ nhàng.
- Dạ không cần đâu! Cháu…
- Bà nội, bà nội về rồi!- Tiếng gọi của Trà cắt ngang cuộc nói chuyện giữa nó và bà cụ.
- Nội nói năm giờ mới về sao giờ đã về vậy?
- Xe ít khách nên nội về sớm. May là có cô bé này đưa nội về, nếu không thì chưa biết chừng nào nội mới về tới nhà.
- Cảm ơn cậu nha Thoa!- Trà nói ngượng ngùng.
- Không có gì đâu! Thôi mình về đây.- Nó đáp lại.
Đạp xe đi, lòng nó vui mừng nhưng cũng xen lẫn chút buồn. Vui vì nó đã giúp bà cụ, buồn vì không thể tới nhà thờ tưới hoa với sơ Uyên…
Rồi một ngày nữa trôi qua. Hôm nay nó tới nhà thờ như mọi khi. Từ xa nó đã thấy bóng Trà đứng trước cổng. Tới nơi Trà réo lên:
- Nhanh lên, lề mề quá, sắp trễ rồi kìa!
- Trễ? Mà trễ cái gì?- Nó ngạc nhiên.
- Thì trễ việc tưới hoa chứ gì. Thôi nhanh lên hỏi hoài mệt quá!
Nó không khỏi bỡ ngỡ nên hỏi Trà:
- Sao tự nhiên hôm nay Trà đi tưới hoa với mình vậy?
- Mình muốn cảm ơn cậu vì hôm qua đã đưa nội mình về.- Trà đáp.
- Cậu chỉ đi một hôm nay thôi sao?
- Không, mình sẽ đi mãi, đi tới khi nào hoa lớn mới thôi.
Tự nhiên nó cảm thấy vui khi nghe Trà nói. Tới nhà thờ vừa xách bình nước ra thì sơ Uyên kêu lên:
- Sao hôm nay hai đứa lên sớm quá vậy?
- Mới tới thôi sơ ạ!- Hai đứa nó đồng thanh đáp rồi nhìn nhau cười.
Thế là nó, Trà và sơ Uyên làm việc, chẳng mấy chốc đã tưới hết vườn hoa. Nó và Trà chào sơ rồi ra về. Trên đường đi Trà nói:
- Mấy giống hoa nảy mầm trông xinh quá nhỉ!
- Xinh giống mình phải không?- Nó nói hài hước.
- Xí, mặt xấu như ma!
Nó im lặng rồi lát sau cất tiếng:
- Mà nói thật, tụi mình giống mấy tia nắng sưởi ấm cho mầm hoa quá nhỉ?
- Ừ! Nhưng soi rọi cho đúng mức độ, chứ soi rọi quá cháy hoa luôn đó.
Hai đứa cười rộ. Trên mặt đường, phượng rơi dày, ve ngừng kêu…
Và “nàng” thu đã tới!
 
 
MỘT CHUYẾN ĐI
* Maria Huỳnh Thị Diễm Quỳnh (Gx.Cây Rỏi)
 
Tiếng róc rách từ con suối phía trước như có ma lực cuốn hút tôi trước cái thời tiết oi bức như thế này. Tôi bước nhanh chân đến, mong được đón lấy chút tươi mát từ con suối kia. Ôi chao… Thật là đẹp quá! Đập vào mắt tôi là hàng ngàn con bướm xanh dập dờn như đang hòa mình vào ngày hội gì đó. Chưa kịp chìm đắm trong khung cảnh thơ mộng thì hai anh chị đi chung với tôi đã kéo tôi về với hiện thực, là chúng tôi phải mau chóng đến nơi cắm trại của mấy anh chị lớp anh Ba.
Cuộc hành trình lại được tiếp tục. Phía trước tôi bây giờ là những tán cây rừng đang đua nhau vươn cao sừng sững đón ánh nắng, những bông hoa rừng giấu mình nơi kẽ lá nhẹ nhàng tỏa ra một mùi hương nhẹ dịu. Còn kia, một tổ chim với ba chú chim con chốc chốc lại hả mỏ chờ mẹ mớm trông mới đáng yêu làm sao. Sau một hồi yên tĩnh, anh Nhân lên tiếng:
- Hai nàng mệt chưa? Nghỉ xíu rồi đi tiếp không lại xỉu thì tui không biết người ở đâu mà giao cho “ông già” đó nha.
“Ông già” là cái tên mọi người dùng để gọi anh Ba tôi, vì anh ấy ăn mặc cũng như nói chuyện giống như một ông già tám mươi tuổi vậy đó.
- Nghỉ xíu đi anh em, sắp chảy mỡ rồi nè.- Tôi đưa cái mặt nhăn nhúm nói.
- Chảy mỡ cho nó ốm bớt đi. Nhìn em cứ như con “heo” í!
- Anh… Mẹ ơi, anh Nhân bảo con giúng con “heo” kìa!
- “Heo” thì dễ thương chứ sao đâu! Thôi thôi, đừng chọc em nó nữa đi chớ trưa rồi đó, mắc công “ông già” lo nữa á!- Chị Ý lên tiếng giúp tôi.
- Vâng, tui biết rồi thưa nàng!- Anh Nhân cười đáp.
Qua con dốc cao thẳng đứng rồi lại tới những con đường hầm bằng cành cây đan xen nhau, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi cắm trại của lớp anh Ba. Khi tôi đến, mấy anh chị đang loay hoay nấu cháo vịt. Vừa cất đồ xong tôi liền nghĩ đến món cua nướng, nên việc đầu tiên tôi làm là sẽ đi bắt cua đá. Cua đá ở đây rất nhiều, lại còn bự nữa chứ, nghĩ tới thôi là thấy thèm rồi. Mới đầu tôi chỉ đi có một mình, vì tôi nghĩ một mình mình bắt sẽ yên tĩnh hơn, bắt sẽ được nhiều hơn, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng nếu chỉ có một mình thì thật sự rất khó khăn. Vả lại, có lẽ tôi còn ngại, còn cảm thấy xa lạ với mấy anh chị nên không dám nói, chỉ lặng lẽ đứng quan sát thôi. Thế nhưng những cái xa lạ cái ngại ngùng ấy đã biến mất ngay từ phút giây tôi bắt được một chú cua đá, và nó đang trong trạng thái kẹp tay tôi. Vừa vui lại vừa đau tôi la lên làm cho mọi người giật mình, chẳng mấy chốc mọi người ùa tới giúp tôi gỡ cái càng của chú cua đá kia ra. Tôi có phần hơi ngại, nhưng mấy anh chị động viên tôi rằng bắt cua mà bị cua kẹp là chuyện bình thường, nên tôi đỡ ngại được phần nào. Từ lúc đó tôi cảm thấy mấy anh chị lớp anh Ba thật là thân thiện, dễ thương, lại vui vẻ nữa chứ. Tôi bắt đầu nói chuyện nhiều hơn và tôi cảm nhận mọi người đối với tôi như anh chị em ruột trong nhà, lòng tôi chợt ấm áp và hạnh phúc lắm.
Sau khi đã được ăn no nê thì mọi người như muốn tìm cho mình một không gian riêng, để chìm đắm với cỏ cây hoa lá ở đây. Người thì nghỉ ngơi lấy sức chiều về, người thì “tự sướng” này nọ, một bộ phận lại chơi đánh bài “quẹt lọ”, mặt ai cũng tèm nhem trông như con mèo í. Còn tôi đi từ hòn đá này đến hòn đá khác, từ lỗ nước này đến lỗ nước khác. Đi với tôi còn có chị Ý, chúng tôi đung đưa trên chiếc dây leo trong rừng được một lúc thì chị Ý nói:
- Ở đây mát mẻ quá em nhỉ, phong cảnh lại đẹp nữa, khác xa với môi trường xe cộ ồn ào tấp nập mà chị sống.
- Dạ chị, ở vùng núi non này mà! Để khi nào em giàu em sẽ mở khu du lịch ở đây để cho mọi người được tham quan, chừng đó em sẽ cho chị tham quan miễn phí luôn.
- Ừ, chị sẽ chờ. Nhớ giàu mau mau không chị già mất đi không nổi đó nhe!
- Hi… Chắc chị phải chờ lâu rồi.- Tôi nhe răng cười, chị cũng cười.
Thế rồi chiều cũng đến, tôi sắp xếp lại đồ đạc rồi chuẩn bị lên đường về. Chị Ý lại cạnh tôi:
- Em theo đạo hả Quỳnh?
- Dạ, sao vậy chị?- Tôi ngạc nhiên.
- Hi… Em có thể tặng chị chiếc vòng tay đó không?- Chị nhìn tôi tỏ vẻ bối rối.
- Một chiếc y chang vầy được không chị?
Chị vẫn nhìn tôi, nhưng có lẽ chị không hiểu ý của tôi. Tôi giải thích:
- Chiếc vòng này là của một sơ em rất yêu mến tặng, nên em không thể tặng chị chiếc này. Nhưng em hứa là em sẽ tặng chị một chiếc y chang như vầy luôn. Được chứ chị?
- Ừ, em… Chị cảm ơn em trước nha. Đó sẽ là bí mật của chị em mình nhé!
Tôi gật đầu rồi đưa tay lên miệng: “Bí mật”. Hai chị em cười khúc khích. Anh Ba quay lại: “Hai chị em còn làm gì đó sao không đi mau? Nói xấu anh Ba, đúng không?” - “Hi… Bí mật!”. Thế rồi tôi dắt tay chị Ý đi trong sự tò mò của anh Ba.
“Ba ba na… ba ba na na…”. Tiếng chuông báo thức kéo tôi thức dậy sau một giấc ngủ dài. Ôi, lại sắp tới giờ đi học giáo lý rồi. Tôi mau chóng ăn cơm, thay đồ rồi đến nhà thờ. Trước khi đi tôi không quên nhờ anh Ba đưa cho chị Ý chiếc hộp nhỏ màu hồng có món đồ “bí mật” của tôi và chị Ý. Mặc dù anh Ba không biết là gì nhưng cũng đã hứa với tôi là sẽ đưa cho chị Ý. Trên đường đến nhà thờ, lòng tôi cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ lạ thường, chốc chốc lại lẩm bẩm bài hát:
“Từ đây đời con sẽ thành bài thơ
Từ đây miệng con chúc tụng danh cha
Tạ ơn Cha, tạ ơn trời dẫn đưa con về quê hương, dẫn đưa con về thiên đường…”.
 
 
MÙA HÈ YÊU THƯƠNG
* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)
 
Mùa hè, mùa của sự vui tươi, được nghỉ ngơi sau một năm học miệt mài. Mùa hè, mùa yêu thương, mùa chia sẻ, mùa của sự cảm thông.
Đạp chiếc xe đạp cũ kĩ trên con đường Nguyễn Thái Học, lòng tôi  bồi  hồi đầy xúc động. Không biết những con người sắp tới tôi sẽ gặp như thế nào.
- Đây rồi! 54/7 Nguyễn Thái Học, Phường 5, TP Tuy Hòa… Cuối cùng cũng đến nơi.
Vội dắt xe vào trong để cùng họp mặt với Diễm, cô bạn thân cùng lớp. Tôi biết nơi này, một phần nhờ Diễm giới thiệu. Đây là Trung tâm Công tác Xã hội&Trẻ em tỉnh Phú Yên, nơi đang dạy học cho 100 trẻ em khiếm thính. Điều tôi cảm nhận được từ nơi đây đó là sự ấm cúng. Ngôi trường không rộng lắm, nhỏ nhắn với 06 phòng học, phòng làm việc của hiệu trưởng và hội trường sinh hoạt. Đội ngũ giáo viên tuy ít ỏi nhưng nhiệt tình, đầy tình yêu thương đối với các em. Đây là một thế giới hoàn toàn khác, nơi của những người khác biệt với thế giới bên ngoài. Diễm rũ tôi đóng góp cho các em những cuốn truyện tranh thiếu nhi, số truyện mà tôi đã thu góp của cá nhân và xin các em trong cộng đoàn Phaolô Tuy Hòa. Hôm nay chúng tôi sẽ tham gia chương trình “Đèn đom đóm trao tặng yêu thương”, trao học bổng khuyến học nhằm giúp các em vượt khó học giỏi. Khi chúng tôi vừa vào hội trường, vài ba em chạy lại quấn quýt bên chân chúng tôi. Trên khuôn mặt non nớt đầy tiếng cười vui vẻ, các em vỗ tay, chạy theo chúng tôi, làm những cử chỉ bằng tay để nói chuyện với nhau. Tôi không hiểu các em nói gì, tôi hỏi, Diễm cũng lắc đầu. Diễm tham gia CLB “Đèn đom đóm” không lâu lắm nên chưa học được các thủ ngữ như các anh chị đi trước. Hội trường nhộn nhịp không phải vì tiếng vui vẻ cười nói từ mọi người mà từ những cử chỉ đùa vui với nhau của các em. Dù mang trên mình những thiếu sót, các em vẫn vui tươi, cười đùa. Dù chỉ là những tiếng “A… a… a…”, hay những cử chỉ tay chân, cách nói chuyện chỉ có các em hiểu, nhưng tôi biết rằng các em rất vui mừng vì mình sắp nhận được phần thưởng xứng đáng do cố gắng trong năm học vừa qua.
Chương trình diễn ra trong không khí yên lặng nhưng vui vẻ, các tiết mục văn nghệ được các bạn trog CLB “Đèn đom đóm” thể hiện làm không khí trở nên sinh động hơn. Các em nhỏ cũng lắc lư theo những cử chỉ của các anh chị, tuy không nghe, không hiểu nhưng các em có thể cảm nhận được tình yêu thương mà các anh chị muốn gửi qua tiết mục. Tôi rất ấn tượng với tiết mục múa “Trống cơm” được 2 em trong lớp khiếm thính thể hiện, các em múa theo sự hướng dẫn của cô giáo ngồi bên dưới. Không thể tin vào mắt mình, tôi cứ ngỡ 2 con người trên kia là những người lành lặn, bình thường. Các em múa quá chuẩn, đúng nhạc, khuôn mặt đầy cảm xúc. Nếu là tôi, chưa chắc đã được như vậy, quá tuyệ vời! Quả thật, bàn tay của Thiên Chúa đã chạm đến các em, cho các em những khả năng khác thay cho những thứ đã mất đi. Tôi thật sự rất khâm phục những con người này, không tự ti mặc cảm, dám bước lên sân khấu để thể hiện chính mình dù các em không thể cảm thụ âm nhạc. Chương trình diễn ra trong vòng 1 tiếng rưỡi, những suất quà từ các nhà hảo tâm được trao tận tay cho các em. Những tiếng cảm ơn bằng thủ ngữ phần nào nói lên sự biết ơn của các em đối với các vị ân nhân. Nụ cười không hề tắt trên môi, những cử chỉ vui đùa ngộ nghĩnh ấy làm tôi không thể nào rời mắt khỏi các em, những con người của niềm tin.
Kết thúc chương trình, tôi ra về mà lòng đầy suy nghĩ: Tôi lành lặn, tôi may mắn được Thiên Chúa xót thương mở đôi tai để tôi lắng nghe lời Chúa, mở môi miệng mà ca tụng Ngài. Vậy mà đôi khi tôi đóng vai ngậm miệng khước từ ơn Chúa. Hôm nay, tôi đã nhận được một bài học từ những con người khuyết tật, đầy nghị lực và niềm tin trong cuộc sống. Dù thiếu thốn nhưng vẫn tin rằng ơn trên sẽ trả cho mình những thứ khác xứng đáng hơn. Tôi đã hẹn với Diễm vào công tác từ thiện đợt sau tôi sẽ tham gia và vận động nhiều bạn hơn cùng tham gia. Chuyến đi là một trãi nghiệm đầy thú vị không thể nào quên trong mùa hè này.
 
 
NHỮNG ĐỨA TRẺ
* Anna Trần Phương Sanh (Gx.Vườn Vông)
 
Xa lắm… Xa lâu lắm!
Xa nhà lâu ngày, nghe hè tới trong tiếng ve, lòng nó háo hức được về nhà, về quê, xõa mình như những ngày tháng chưa đủ lông chưa đủ cánh, còn trong vòng tay gia đình… Đó là nỗi lòng của những đứa sinh viên xa nhà. Nó thèm nghe cái mùi tanh của bùn, ước được thấy những tiếng ếch nhái chí choé mỗi buổi chập chờn tối... Và cả tiếng khóc quấy của mấy đứa trẻ con biếng ăn...
Ngồi ngay công viên trước trường, nó chợt  thấy những đứa trẻ... trong bộ quần áo xộc xệch, chấp vá nham nhở, mặt mũi lem luốc lang thang nơi công viên. Chúng tìm nhặt những cái lon, cái chai mà khách qua đường vung tay ném. Trong cái thành phố tấp nập người qua lại, chẳng ai để ý đến các em. Nó chợt nghĩ đến những đứa trẻ con ở nơi thôn quê nó sống. Trong ký ức nó, những buổi chiều tiếng chuông nhà thờ vang lên, lũ trẻ trên đồng đang mải mê với bóng đá, những đứa bé gái bồng em, những đứa nghịch ngợm leo trèo hái quả... chúng vội vã về nhà. Khoảng một lát sau, cũng là chúng nhưng thay đổi hoàn toàn, quần áo chỉnh tề, khuôn mặt và mắt ánh lên niềm tin sáng ngời. Lũ trẻ đến nhà thờ ...
*  *  *
Chiều mát rượi, nó ngồi thả hồn mình trong làn gió quê. Một mùi hương nồng của đất ruộng, bầu trời trong xanh, những  chim trời vừa nô đùa vừa bay hướng về phía cuối trời. Nó nhìn lên trời, mỉm cười một cái. Cái không khí này có lẽ sẽ chẳng có nơi thành thị đầy khói bụi, đầy tiếng ồn ào bon chen, đầy những dòng người tấp nập... làm con người ta dễ chán ngấy.
Ngồi mãi chẳng để ý gì đến giờ giấc, bà Bảy nhà bên vỗ vai nó:
- Lâu quá quá hén! Về khi nào đó con?
- Dạ, con mới tới nhà hồi 4giờ đó Bảy.
Chuông nhà thờ vang… Thật thân thuộc biết mấy, nghe như tiếng Chúa đang mời gọi ta đến với Ngài sau ngày dài mệt mỏi, bương chải.
Nhưng kìa... lũ trẻ đâu rồi? Nó chợt băn khoăn.
- Bảy ơi, mấy hôm con nhớ tầm giờ này mấy đứa nhỏ hay chơi trên đồng chạy về sắm sửa đi lễ mà Bảy? Sao giờ không thấy nữa?
- Thôi con ơi, lũ trẻ bây giờ không giống ngày trước đâu, nhà thờ mỗi chiều lễ vắng lắm con à!
Có lẽ vậy, thời gian trôi qua, lòng người cũng thay đổi, thời qian mang đi tất cả, kể cả những thứ không tốt và những thứ tốt. Cuộc sống con người được công nghệ hóa, hiện đại hóa, chất lượng cuộc sống tuy có tăng lên nhưng kèm theo đó là những khuyết tật tâm hồn cũng từ đó mà hình thành. Với những đứa trẻ nơi khác nó không được biết, nhưng trẻ nơi quê nó, nơi nó sinh sống bấy lâu chúng thay đổi quá. Mỗi buổi chiều chúng dần thưa đến nhà thờ, thay vào đó là các em dán mắt vào những chiếc điện thoại, máy tính. Cuộc sống công nghệ... Nó chợt chạnh lòng... Nó quay vô nhà sửa đồ đi lễ
Sau thánh lễ... Nó đứng lặng một góc trong sân nhà thờ nhìn ra phía cổng. Kìa, phần đa số những người tham dự thánh lễ ra về là những ông cụ, những bà già, một số ít những người trung niên và vài đứa trẻ con.
Nó thoáng nghĩ, có thể khi còn trẻ con người ít quan tâm đến việc thánh, bê tha trễ nãi để bôn ba trên đường đời. Để rồi khi tuổi đã sắp về chiều, con người ta sẽ nhận ra những gì mình theo đuổi chỉ là thứ những thứ phù phiếm, chóng tới mau tàn. Quay về với Chúa là chưa bao giờ muộn, nhưng đừng để "kẻ trộm đến bất ngờ ", để rồi phải ân hận "khóc lóc nghiến răng"!
Nó chợt nhớ đến “Lộc đầu năm” nó được ban: "Hãy lo tìm kiếm nước của Người, còn những thứ khác Người sẽ ban thêm cho".
 
 
CHIẾC MẶT NẠ
* Têrêxa Trần Nguyễn Vy Xuyên (Gx.Cây Rỏi)
 
Từ khi cha sở mới về giáo xứ, người đã mở lớp dự tu. Lúc đó tôi tỏ vẻ khinh thường với ý nghĩ vào đó chẳng lợi lộc gì. Bị cha mẹ ép buộc, tôi phải miễn cưỡng tham gia. Bước chân vào lớp dự tu tôi như bị một sợi dây ràng buộc khó gỡ. Tôi ghét Cha sở tại sao lại tạo ra lớp dự tu để làm khổ tôi, ghét luôn cả mấy đứa trong lớp đó. Không hiểu có cái gì mà tụi nó thích đến thế? Nhưng tôi đã lầm, Cha sở dạy cho tôi nhiều điều bổ ích, ngài giúp tôi hòa đồng hơn với mọi người, dạy tôi cách cư xử, nói chuyện đúng mực, tôn trọng mọi người.
Cánh cửa khép kín bấy lâu trong lòng tôi như được mở ra, khi tôi cùng Cha và mọi người đi giúp đỡ, tặng quà cho những người già yếu, nghèo khổ trong giáo xứ.  Nhìn Cha ân cần hỏi thăm sức khỏe, mà tôi chạnh lòng. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn, Cha mới về giáo xứ mà đã biết được những người nghèo khổ cần giúp đỡ. Biết bà cụ đang sống một mình trong ngôi nhà lụp xụp, biết được em bé thiếu đi tình thương của người mẹ… Còn tôi, tôi sinh ra từ nơi này, lớn lên từ nơi này, sống trên mảnh đất này 13 năm mà hình như tôi đã quá vô tâm, chỉ biết nghĩ cho mình mà chưa hề quan tâm đến mọi người xung quanh.
Tôi đã sống tốt với ý Chúa muốn hay chưa? Ắt hẳn là chưa.Tôi thường xuyên tham dự thánh lễ cho người ta thấy mình là người đạo đức, chứ chưa hề thực hành lời Chúa dạy. Thường xuyên đọc kinh, nhưng đó chỉ là làm lấy lệ cho mẹ khỏi la mắng .
Tôi đã sai thật rồi, giờ tôi mới thấy chiếc mặt nạ trên người tôi thật kinh tởm! Tôi tự nhủ: “Mình phải tháo chiếc mặt nạ đấy xuống thôi, phải trở thành một con người khác, phải sống thật với chính mình, làm những việc tốt từ chính tình yêu, xuất phát từ trái tim chứ không phải để cho người khác khen ngợi”. Như lời Chúa nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em hãy coi chừng, chớ phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1-6).
 
 
MẸ KẾ
* Anê Nguyễn Thị Son (Gx.Phú Hòa)
 
Nó đạp xe một cách chậm rãi, thong thả về nhà sau một buổi sáng dự lễ tổng kết ở trường. Dưới cái nắng như cháy da cháy thịt mà ai cũng muốn tránh thì nó lại cảm thấy thoải mái hơn ở nhà gấp mấy lần, vì nó dường như đoán được thái độ của mọi người trong nhà đối với nó sẽ như thế nào lúc nó về...
Đã bao nhiêu năm nay, kể từ ngày mẹ nó mất, cuộc sống của nó dường như không có lấy một ngày hạnh phúc, bởi trong nhà xuất hiện hai con người lạ lẫm mà nó phải quen dần với tư cách là “gia đình”. Cái tuổi lên năm “ăn chưa đủ no, lo chưa đủ tới” chỉ có bố mẹ là chỗ dựa duy nhất, thì giờ đây mọi thứ đã sụp đỗ hoàn toàn. Mẹ nó biết bố đã phản bội mình và còn có hai đứa con riêng bên ngoài, nên đã gửi nó cho ông bà để đi làm ăn xa vì muốn tự mình nuôi con. Ai ngờ đâu “người tính không bằng trời tính”, mẹ nó bị tai nạn và qua đời. Mọi người vẫn nghĩ cuộc sống của nó nay sẽ tốt hơn, vì bố sẽ bù đắp những mất mát mà nó gặp phải khi còn quá nhỏ. Nó cũng đã hi vọng như vậy nhưng mọi người ai cũng đã sai lầm. Tình yêu của bố dành cho nó đã sớm vơi đi vì ông còn phải san sẻ tình yêu với những đứa trẻ kia. Đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không ai ngờ người như bố nó lại có “gia đình” riêng bên ngoài. Từ ngày về nhà này, người “mẹ” ấy luôn làm mọi cách để bố dành tình yêu cho mẹ con bà nhiều hơn, luôn tìm cách la mắng và lớn tiếng với nó mỗi khi bố không có ở nhà. Những lúc như thế nó chỉ biết khóc, nó lại nhớ mẹ và sự quan tâm mà trước đây bố mẹ dành cho mình, nhưng biết làm gì đây khi đó chỉ là ước muốn và đâu phải điều ước nào cũng có thể trở thành hiện thực...
Người mẹ kế đó thì luôn lạnh nhạt, quở trách và xem nó như cái gai trong mắt. Mọi việc của cá nhân hầu hết nó đều tự làm lấy, không có ai giúp đỡ và nó đã quen với công việc ấy từ lúc còn nhỏ. Nó vốn dĩ là một con nhỏ thông minh nên kết quả học tập của nó luôn làm bố nó rất tự hào. Người mẹ kế thì không như vậy, vì kết quả của nó tốt hơn con bà nên bà luôn tức giận và la mắng nó. Tuổi thơ của nó giờ đây không còn là những tiếng cười mà là những lời nói cay độc của một người mà nó phải gọi là “mẹ”. Ông bà ta nói quả không sai: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”...
Hôm nay tổng kết, nó lại được nhận danh hiệu học sinh giỏi trong khi em nó chỉ nhận được học sinh tiên tiến. Nó đang nghĩ về ánh mắt hạnh phúc của bố mẹ nó nhưng đâu đấy vẫn có những âm thanh của người mẹ kế. Nó biết mình không làm gì sai nhưng không muốn cãi lại hay nói cho bố biết, vì nó không muốn bố nó lại mất đi cái mà ông cho là “gia đình” một lần nữa. Giờ đây, nó chỉ biết đọc kinh cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ để sự trong sáng và thành tâm của nó có thể cảm hóa được bà ấy. Nó chỉ mơ ước như vậy thôi...
Một lễ tổng kết nữa lại đến. Người ta nhìn thấy ở hai bên ghế ngồi trong nhà thờ có một cặp vợ chồng đang cười hạnh phúc nhìn hai cô bé đang trên bục nhận thưởng...
 
 
TẤM LÒNG NGƯỜI CON
* Maria Nguyễn Thị Hồng Diệu (Gx.Cù Lâm)
 
- Vé số đây, vé số chiều xổ đây… Nhanh tay hốt lẹ đi… Rước thần tài “độc đắc” về nhà nè mấy cô, mấy chú, mấy anh, mấy chị ơi!
- Bao nhiêu một tờ vậy con?
- Dạ 10 nghìn ạ! Chú mua giùm đi. Số đẹp lắm chú.
- Để chú coi… Rồi, chú mua tờ này.
- Dạ, cảm ơn chú ạ!
- Vé số đây, vé số chiều xổ đây!- Tiếng con nhỏ lảnh lót vang lên dạo hết quầy nước này đến quầy nước khác.

- À, anh Bảy! Thôi về đi, nghỉ cho khỏe rồi mai làm tiếp. Sức đâu mà làm quá vậy.
- Hì… Thôi mấy anh em cứ về trước đi… Tôi tranh thủ làm thêm 2 chuyến nữa. Sắp đóng tiền viện phí cho bà nhà và tiền học phí của con bé Ngân rồi.
- Trời! Anh phải lo toan cho cả gia đình, số anh khổ thật! Thôi anh coi làm cẩn thận rồi nghỉ ngơi xíu chớ làm quá rồi đâm ra bệnh nữa… Tụi tui về đây.
- Ừ, mấy anh về.
Từng bao xi măng nặng trịch đè lên đôi vai xương xương của ông. Dưới cái nắng chói chang của trưa hè, từng giọt mồ hôi rơi lã chã xuống con đường đất. Hất bao lên, ông nhanh tay quệt khô giọt mồ hôi lăn xuống. Ngồi vào bóng cây bên đường, ông rút trong túi ra một ổ “bánh mì không” dai nhách và một chai nước suối.
- Không biết giờ này con Ngân nó ăn uống sao rồi… Có ăn không? Không ăn lấy sức đâu chiều học tiếp đây!- Ông nói một mình…
- Vé số đây, vé số chiều xổ đây…
Ông nghe tiếng ai quen quen, quay mặt nhìn lại.
- Ngân! Con…
- Á, ba…- Nó quay mặt định bỏ chạy.
- Đứng lại đấy!- Ổ bánh mì rơi xuống…
Nó quay nhìn lại, cố gắng giấu tập vé số vào trong túi xách.
- Con đi đâu đây! Đáng lẽ giờ này con phải trong trường học chứ? Con trốn học à?
- Con… con…
- Ba khổ cực đi làm mong con thành tài. Vậy mà… Con làm gì thế này hả Ngân? Con độc ác với ba lắm con biết không? Đi đi… Đừng về nhà nữa. Đi đi… Đồ đứa con bất hiếu, đứa con hư hỏng… Đi đi!- Ông vung tay chỉ thẳng vào mặt con gái của mình. Dòng nước mắt của một người đàn ông rỉ xuống.
- Ba, con xin lỗi mà ba, con, con…
Đứa con gái quỳ xuống ôm lấy chân ba. Ông hất chân, đây là lần đầu tiên trong đời ông đối xử với con gái “cưng” của ông như vậy. Đứa con gái ngã ra, tập vé số trong ngăn túi cũng là là bay trong gió… Nó lổm cổm bò dậy nhặt từng tờ vé số để giấu đi tang chứng. Nước mắt nó chảy. Nó khóc…
- Nhặt gì đấy? Đưa tao coi!- Ông giật đống vé số trên tay nó.
- Ba…
- Mầy… mầy làm gì đây hả? Mầy cần tiền để làm gì? Tiền tao chu cấp chẳng thấm vào đâu cho thói ăn chơi hư hỏng của mầy hả?
- Con cần tiền để đóng học phí, rồi còn trang trải tiền cho gia đình nữa… Ba à! Con biết rằng ba khổ lắm! Người ta làm theo ca, ba còn làm tăng thêm. Bữa trưa của ba chỉ vẻn vẹn ổ bánh mì không và một chai nước suối. Làm sao mà ba chịu nổi hả ba? Gia đình mình nghèo, mẹ thì nhập viện cả tháng nay. Rồi tiền ăn, tiền nước, tiền điện… bao nhiêu thứ tiền, mình ba sao kham nổi?... Chiều về, ba lại mua đồ ăn ngon, ba lại cười cười, nói nói. Ba làm vậy để chứng tỏ cho con thấy ba khỏe, ba đủ sức nuôi gia đình này. Nhưng con biết, mỗi tối ba lại trăn trở ngủ không được vì cái bệnh đau lưng của ba chưa khỏi mà ba còn bốc vác nặng nề… Nhiều lần, con thấy như thế, nước mắt con lại cứ chảy ròng ròng… Con thấy mình đã lớn mà chẳng giúp được gì cho ba hết… Nên con tự nhủ sẽ cố gắng học thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và ba… Hằng tháng kết quả học tập ở trường của con luôn đứng đầu lớp… Nhìn nụ cười của ba, con hiểu rằng ba đang rất vui, rất tự hào, nhưng ba cũng trăn trở một nỗi lo âu: “Liệu rằng mình có đủ sức để lo cho con học thành tài không ?”. Con đọc được suy ngĩ của ba mà… Con không có trốn học, con chỉ học chính khóa trên trường còn phụ đạo con không học. Vì thế, con đi bán vé số để phụ ba mà! Con không phải là đứa con ăn chơi, đứa con hư hỏng đâu ba…
- Con gái ngoan của ba, ba đã trách lầm con rồi… Ba xin lỗi con! Nhưng chuyện quan trọng hơn là con phải lo học cho thật giỏi. Còn chuyện tiền bạc cứ để ba lo mà.
- Không ba ơi, con sẽ phụ với ba lo cho gia đình. Con lớn rồi mà… Với lại chuyện này nhẹ mà ba. Buổi sáng con đi học còn buổi chiều con đi bán vé số. Tối lại con tranh thủ đi lễ về rồi học bài được mà ba.
- Con của ba, con lớn thật rồi…
“Con cảm ơn Chúa, Ngài đã ban tặng cho gia đình con một cô con gái ngoan, một vị thiên thần nhỏ… Con tạ on Ngài…”.
 

GIỌT NƯỚC MẮT
* Catarina Cao Thị Tường Vy (Gx.Mằng Lăng)
 
- Cô có tiền lẻ cho con xin ít ngàn đi, con đói quá!
- Đi chỗ khác, tao không có tiền…
“Rầm!”… Nó bị đẩy ngã xuống đất. Nó tên Nga, lúc trước nhà nó giàu lắm, sau cái vụ ấy, cái vụ ba nó cờ bạc, đầu tư vào bất động sản bị thua lỗ, thế chấp căn nhà như cung điện ấy rồi bị bắt, mẹ nó lên cơn đau tim rồi qua đời. Giờ đây chỉ có mình nó bơ vơ, lang thang đi ăn xin để sống qua ngày. Lúc trước nó như một tiểu thư kiêu căng, bắt người khác phải phục tùng cho nó. Nhưng giờ đây nó phải trả một cái giá thật đắt cho những gì mà nó đã làm với những đứa đó. Tụi nó hất hủi, chê cười nó… làm nó không dám ngẩng mặt lên.
- Chú cho con ít tiền lẻ với…
- Đây con…
- Dạ… Cảm ơn chú!
Nó cầm tiền chạy vội đi mua bánh mì ăn lấy ăn để. Đang ăn bỗng… “phực”, một đứa lớn hơn giật lấy bánh mì trên tay nó.
- Trả đây cho tôi…
“Rầm…”! Nó bị đã ngã.
- Trả đây…
Lần này tôi chạy vụt ra nắm kéo tay nó. Tôi không thể kiềm chế được.
- Này chị, chị đừng ỉ lớn rồi bắt nạt nó!
Lần này chị ta mới mở miệng nói:
- Rồi sao? Có liên quan gì đến mày?... Mà mày là đứa nào, đi chỗ khác chơi đừng xía vào chuyện của tao!
- Em là bạn của nó, và em không thể để nó một mình ở đây, nhất là để chị bắt nạt nó.
Chị ta giơ tay định đánh tôi, nhưng thật may chú giữ trật tự đến, chị ấy bỏ chạy.
- Sao mày đến đây? Mày đi đi, tao không cần mày thương hại…
- Mày đi theo tao!
Tôi kéo nó đi, đến một quán phở.
- Mày ngồi xuống!... Cô ơi, cho con hai tô phở, một tô bỏ thịt nhiều vào nha cô! À, mà tô thịt nhiều đừng bỏ hành.
- Mày còn nhớ tao không thích ăn hành?
- Nhớ chứ, dù gì tao và mày từng là bạn.
Cô bán phở bê hai tô phở lên, vừa đặt lên bàn nó đã vội ăn. Hình như nó không ăn đã hai ngày rồi. Tôi đẩy luôn tô của tôi cho nó, nó nhìn tôi rưng rưng nước mắt.
- Mày… mày không còn giận tao vì lúc trước đối xử với mày quá tệ sao?
- Còn, còn giận chứ, nhưng… giận thì giận nhưng không thể bỏ mặc mày.
Ăn xong tôi và nó rời quán phở vừa đi vừa nói chuyện.
- Tao xin lỗi mày… vì lúc trước… tao…
- Thôi, mày đừng nói nữa, tao tha lỗi cho mày lâu rồi… Nhưng mày phải hứa không được như ngày xưa nữa.
- Mày nghĩ sao vậy? Giờ tao hối hận rồi, tao ước được trở lại những ngày đó để tao có thể làm lại từ đầu.
- Vậy mày có muốn một gia đình mới không?
- Mày đùa với tao à!
- Thật, dì và dượng tao không có con, hai người cũng lớn tuổi rồi muốn nhận một đứa con nuôi để có người chăm sóc.
- Nhưng… Tao sợ dì dượng mày chê tao và…
- Không, tao đã kể cho dì và dượng tao nghe tất cả về mày rồi, dì còn bảo tao dẫn mày về nữa đó.
Nó lặng lẽ đi theo tôi. Về đến nhà nó khá run, nhưng khi gặp dì và dượng cảm giác sợ và run của nó đã biến mất.
Và giờ đây, tôi và nó đã trở thành chị em họ, và cũng là người bạn khá thân.
Từ khóa:

Hoa Biển 21

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Khách viếng thăm: 11
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 2281
  • Tháng hiện tại: 132403
  • Tổng lượt truy cập: 12276663