Trang mới   https://gpquinhon.org

Như Chúa hằng thương xót I (Hoa Biển 20)

Đăng lúc: Thứ năm - 09/06/2016 19:10
CHÚA THƯƠNG TA
* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)
 
Rào… rào… rào…
Cơn mưa bất chợt đổ xuống. Thời tiết măm nay thật thất thường, cuối măm trời nắng nóng, đến đầu năm mới lại trở lạnh và đổ mưa. Mỗi khi trời mưa, tôi lại buồn bởi đó cũng là ngày ba tôi vĩnh viễn ra đi.
- Sao buồn vậy nhỏ?
Tôi giật mình quay lại, hóa ra là Viên, nhỏ bạn thân từ thưở bé xíu. Tôi cười:
- Có gi đâu, chỉ đứng ngắm mưa thôi mà. Dạo này Viên sao rồi, vẫn làm trong Sài Gòn chứ?
- Ừ, không đi học tiếp thì chỉ có bám trong đó thôi chứ biết làm gì nữa.
- Chỗ cũ à?
- Vẫn chỗ cũ thôi, chỗ đó lương cao lại dễ đi lễ vào Chủ Nhật nữa, dại gì mà bỏ một nơi tốt như thế chứ.
- Viên thì tốt rồi, có thể kiếm tiền phụ mẹ. Còn tui, chỉ biết báo hại cho gia đình thôi.- Mặt tôi buồn rười rượi.
- Có gì đâu mà buồn, bây giờ mẹ bà  khổ sau này bà học xong đi làm giúp mẹ sau cũng được. Bây giờ bà mệt về đầu óc sau này sẽ sướng thân thôi. Có gì đâu mà cứ than hoài vậy…
- Tui mong sao được suông sẻ như Viên nói thì hay biết mấy. Chỉ sợ không được như thế thôi.
- Hey! Hơi đâu mà lo chi cho mệt, chuyện ngày mai cứ để ngày mai lo, cứ tính chuyện bây giờ trước đã.- Viên thở dài.
Tôi im lăng,Viên cũng im lặng, trời vẫn đỗ những giọt mưa nặng hạt. Có vẻ mưa hơi lâu đây. Tôi cất tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng:
- Chán thật, trời cứ mưa hoài làm sao mà về nhà đây. Trước khi đi nhà thờ mẹ tui đã nói đi nói lại phải đem theo áo mưa vậy mà tui quên mất. Về nhà thế nào cũng bị la một trận nên thân. Tui chán trời mưa quá đi!
- Từ trước tới giờ bà đều quên trước quên sau vậy mà, đâu phải ngày một ngày hai đâu, mười mấy năm rồi đó chứ. Tui nhớ không lầm hình như ai đó đã từng nói với tui rằng: “Tui thích trời mưa, tui yêu trời mưa. Ước gì trời mưa để tui ngồi trước cửa sổ ngắm mưa”. Không biết ai vậy ta?- Viên làm vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Tôi chỉ cúi đầu không nói.
- Này, bà vẫn còn buồn chuyện ba bà sao Duyên?- Tôi cúi đầu, im lặng. Viên ngước mặt lên trời và nói:
- Bà còn may mắn hơn tui nhiều đó. Ít nhất, bà có thể sống cùng ba bà 20 năm trời. Còn tui ngay đến mặt ba mình cũng không biết là ai…-Viên cười: Nhiều khi, tui ghen tị với mấy bà, ai cũng có ba mẹ đầy đủ, tui thì có mẹ mà thôi. Tui ao ước được ba ôm ấp, chở che như bao người và dạy tui biết những điều mà mẹ chưa kịp dạy.
Tôi ngẫng đầu, mặt đầy vẻ kinh ngạc. Là bạn bè mười mấy năm, tôi biết rõ hoàn cảnh gia đình Viên nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu nổi lòng của Viên. Viên quay sang nhình tôi:
- Tui không hiểu nỗi buồn của bà có nhiều hơn tui hay không, nhưng tui chắc rằng đó chỉ là tạm thời thôi. Chúa luôn quang phòng, Ngài lấy đi của ta thứ này sẽ bù lại cho ta thứ khác. Tui biết bà là người mạnh mẽ sẽ vượt qua khó khăn này nhanh thôi. Cố lên, bà còn có mẹ và em bên cạnh, còn có tui nữa chứ.
- Cảm ơn Viên rất nhiều, tui sẽ cố gắng như bà nói. Tui còn có trách nhiệm với mẹ và em nữa nên tui sẽ không dễ buông xuôi vậy đâu. Tuy có buồn thật, nhờ bà tui nhắc nhở tui sẽ cố gắng vượt qua.
- Biết vậy là tốt, thế mới là Duyên mà tui biết chứ. Hì hì hì…
- Dạ, em biết rồi chị! Thôi, không nói chuyện đó nữa, tui phải về đây. Cứ đà này chắc trời sẽ mưa tới khuya luôn rồi.
- Không có áo mưa làm sao mà về?
- Chạy nhanh về chứ biết sao giờ, tui đi xe máy mà bà lo gì.
- Vậy đi cẩn thận nha,  mấy ngày Tết mà có rảnh nhớ ghé nhà tui chơi đó. Bà mà không ra là tui giận à.
- Biết rồi, khi nào rảnh tui ghé. Tui về nha. Bye bye!
- Ừ, bye!
Chúng tôi vẫy tay chào nhau, trời vẫn còn mưa nặng hạt. Giờ đây, tôi biết rằng, Chúa vẫn còn thương tôi nhiều lắm. Tôi vẫn còn may mắn khi có mẹ, em, bạn bè xung quanh ủng hộ cho minh. Còn có biết bao đứa trẻ trên thế giới khi sinh ra đã bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Chúa vẫn thương ta nhiều lắm.
 
 
TRỞ VỀ VỚI YÊU THƯƠNG
* Maria Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx.Cây Rỏi)
 
Con người ta dần dần thay đổi theo guồng quay của xã hội, vòng lẩn quẩn với những cám dỗ ngoài kia mà khi đặt chân vào ta không thể tìm ra lối thoát cho bản thân. Nhiều lúc muốn hít thở chút không khí trong lành, nhẹ nhàng của thiên nhiên thật khó khăn. Và bởi thế ta dần quên đi người luôn song hành bên ta mỗi giây phút cuộc đời. Công việc, học tập, rồi bạn bè này kia, những mối quan hệ… hầu như đã lấy hết thời gian của con, cả tuần cả tháng cả năm chỉ đến với Chúa mỗi ngày Chúa Nhật, nhiều lúc đến chỉ là nghĩa vụ mà thôi. Con đã vô tình lãng quên Ngài từ bao giờ chẳng hay? Để hôm nay vội vã chạy đến trong mớ bộn bề cuộc sống. Khi mọi khó khăn cứ ập đến, cuộc sống như rơi vào bế tắc, từ công việc cho đến cuộc sống xảy ra quá nhiều chuyện, thì người mà con nghĩ cần chạy đến cầu cứu đầu tiên lại là Ngài. Cũng không biết như vậy có được không, chân dù mỏi vẫn muốn bước đến để thầm thỉ, nài xin, để được khóc thoải mái giữa cuồng quay cuộc đời, vì con biết rằng Chúa luôn đón con Ngài lầm lạc trở về. Bên Ngài con thấy mình bình an, xin cho con vượt qua những khó khăn đang diễn ra, cho con biết vững tin tình Chúa, đừng than trách, nhưng hãy mạnh mẽ và khôn ngoan trong cuộc sống. Xin cho con biết đến với Chúa nhiều hơn.
* * *
“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa”(Mc 4,24).
Yêu là cho đi nhé
Góp nụ cười thơ bé
Gắn kết tình bạn bè
Cụ già cùng thỏ thẻ
Trong trái tim Giê su.
 
Thương là cho đi nhé
Đừng giận hờn ghen ghét
Chia cắt tình anh em
Mỉm cười luôn vui vẻ
Như trái tim Giêsu.
Dù đã vô tình giận hờn, trách móc nhau do những điều nhỏ nhặt cuộc sống. Con người chúng ta có trái tim, có suy nghĩ nên đôi lúc cũng giận, cũng đấu đá, cũng tranh cãi nhưng sau mọi chuyện ta hãy biết tha thứ, bỏ qua cho nhau là đẹp lòng Thiên Chúa thôi. Hãy sống bằng trái tim Giêsu để đem Ngài đến với cuộc sống của ta, biết cho đi thật nhiều để nhận lại gấp bội. Xin cho con biết mến yêu, mở rộng trái tim với những người con gặp gỡ.
 
 
CHÚA KHÔNG TỪ CHỐI AI!
* Maria Đoàn Thị Ái Thoa (Gx.Cây Rỏi)
 
Phương Huyền và Thanh Minh là đôi bạn thân từ nhỏ. Chúng sống trong cô nhi viện, nơi mà chúng gọi là gia đình, nơi luôn rộn rã tiếng cười của những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh với chúng nó. Từ nhỏ hai đứa đã tôn thờ một Thiên Chúa. Mỗi buổi tối, chúng đều tới nhà thờ để tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa. Mọi thứ cứ trôi đi, cho đến khi lên mười lăm tuổi, một tai nạn bất ngờ xảy ra với Huyền…
Giờ ra chơi, Phương Huyền lục cặp Minh tìm vở học sử, nó cho rằng hai đứa đã là bạn thân thì không phải giấu diếm điều gì nữa. Bỗng nó phát hiện ra một bức thư được gửi cho Minh. Vì tò mò, nó lén xem thử trong đó viết cái gì. Không ngờ Minh quay vào đúng lúc nó xé phong bì. Hai đứa cãi vả và giận nhau, không chơi với nhau nữa. Tình bạn rạn nứt dần theo năm tháng…
Một buổi tối, như thường lệ, cả hai đều tham dự thánh lễ. Lễ xong, Minh đi trước, Huyền đi sau mải mê với ý nghĩ tìm cách trả thù. Minh không biết tai nạn đang đe dọa nó. Có một chú say rượu phóng thẳng xe vào Minh. Không ngần ngại, Huyền chạy tới đẩy Minh ra chỗ khác. Nhưng chưa kịp tránh thì chiếc xe đã đụng vào Huyền. Một tiếng “ầm” vang lên, xé tan cả không gian yên tĩnh. Minh chạy tới chỗ Huyền hoảng hốt:
- Cậu chờ tớ chút… tớ kêu người tới giúp!
- Không kịp rồi, mình không thể chờ được nữa, cậu nhớ sống tốt nha! Mình… mình xin lỗi!
Nói dứt câu, Huyền đã ra đi, ra đi mãi mãi, bỏ Minh lại đây với nỗi buồn đau…
Sau cái chết của Huyền, Minh trở thành con người khác. Nó rời cô nhi viện, chơi với bạn xấu, bọn trộm cắp. Minh dường như quên lãng đi Thiên Chúa. Một hôm, nó gặp Duyên, cô bé có khuôn mặt tựa như Huyền. Ngay lần đầu gặp Duyên, Minh đã có cảm giác thân thiện với cô ấy. Hai đứa bắt đầu quen nhau và hình như… có một tình bạn đã bắt đầu…
Duyên tập cho nó sống lại con người trước kia, khơi dậy trong tim Minh tình yêu thương và tha thứ. Duyên làm dịu đi vết sẹo còn đó, vốn dĩ không bao giờ lành. Chưa khi nào, kể từ lúc sau khi Huyền mất, Minh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này. Nó dẫn Duyên về cô nhi viện, Duyên vui lắm. Ngước nhìn cây thánh giá, Minh khẽ cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài đã đưa con chiên của Ngài đến nơi cần đến. Con xin Ngài hãy cho con được đầy hồng ân phúc lành, và trong khi lâm tử xin cho linh hồn con cũng được phó thác trong Ngài. Amen!”.
 
 
MỞ LÒNG
* Maria Nguyễn Ngọc Nhã Trân (Gx.Kim Châu)
 
"Tình thương của Chúa, tôi sẽ ca ngợi tình thương của Ngài đến muôn đời ..."
Đúng như vậy, tình thương của Ngài thật là lớn lao, nó giúp cho mọi người biết thương yêu nhau hơn, và cũng giúp cho tôi, một con người lạnh lùng vô cảm, sống tách biệt với mọi người đã trở nên biết yêu thương, quan tâm đến tất cả mọi người.
Tôi còn nhớ như in ngày chủ nhật hôm đó đã thánh hóa tôi thành một con người khác. Vào sáng hôm ấy, cũng như mọi ngày mẹ luôn gọi tôi dậy đi lễ. Tôi chán nản và thầm nghĩ trong đầu: "Hôm nay là chủ nhật được nghỉ học mà mình lại phải dậy sớm, thật là bất công!". Nhưng rồi sau nhiều tiếng gọi của mẹ, tôi mệt mỏi bước ra khỏi giường, bắt đầu chuẩn bị đi đến nhà thờ. Tôi đang đi trên con đường quen thuộc, bất chợt tiếng chuông nhà thờ vang lên làm tôi ngạc nhiên và hốt hoảng . Tôi chạy nhanh vào nhà thờ để chuẩn bị tham dự thánh lễ một cách nghiêm trang. Từ khi bắt đầu thánh lễ đến khi cha đọc xong bài Phúc Âm thì tôi rất chăm chú. Lời giảng về "Lòng thương xót của Chúa" đã giúp tôi cảm nhận về tình thương của Thiên Chúa, giúp tôi mở rộng lòng mình ra.
Kết thúc thánh lễ, trên đường đi về tôi suy ngẫm rất nhiều về lời giảng của cha là phải biết yêu thương mọi người và quan tâm giúp đỡ họ, không đươc bỏ mặc những người khó khăn, tàn tật. Bỗng quay nhìn lại, tôi thấy một cậu bé mồ côi ăn xin thật tội nghiệp. Cậu bé ấy rất là ốm yếu, chìa tay xin tiền mọi người và luôn miệng nói: "Xin cô chú cho cháu chút tiền để chữa bệnh cho mẹ". Trong đầu tôi liền xuất hiện một ý nghĩ rằng: "Chắc mọi người cũng sẽ cho cậu bé chút tiền hay thăm hỏi ủi an…". Nhưng không, ý nghĩ ấy chợt tan biến vì tôi nhìn lại thì thấy mọi người đều làm ngơ trước sự tội nghiệp ấy, họ cứ thế mà đi qua không thèm đếm xỉa gì đến cậu bé. Tôi chạy lại và hỏi cậu bé:
- Mẹ em bị bệnh gì thế?
- Dạ, mẹ em bị bệnh ung thư nhưng vì nhà không có tiền nên chưa chữa bệnh cho mẹ được.
- Vậy hằng ngày em phải ngồi đây ăn xin đúng không?
- Dạ, phải.
Tôi đút tay trong túi rút ra những đồng tiền lẻ đưa cho cậu bé và nói:
- Chị chỉ có bao nhiêu đây thôi nên em cầm đi.
- Dạ, cảm ơn chị nhiều lắm.
- Không có gì đâu…
Đứng dậy, tôi tạm biệt cậu bé và đi về nhà. Trên đường tôi nghĩ lại hành động vừa rồi, không biết tại sao tôi lại thay đổi một cách bất chợt như vậy, từ một con người lạnh lùng rồi trở thành một con người biết quan tâm chia sẻ, tôi nghĩ chắc vì nghe bài giảng của cha sáng nay.
Tôi thầm nghĩ và tạ ơn Chúa rằng: "Cảm ơn Ngài, vì đã cho con nghe được bài giảng của ông cố và giúp con thay đổi con người của con". Nguyện cầu cùng Chúa,  xin Ngài có thể giúp những người ngoài kia cũng biết quan tâm yêu thương mọi người như Chúa đã giúp đỡ con thay đổi . Xin Ngài nghe lời cầu nguyện của con.
 
 
NỐT NHẠC TRẦM
* Matta Nguyễn Ngọc Thanh Hiền (ĐH Quy Nhơn)
 
Qua một buổi sáng và chiều đến…
Nó nằm im…
Nó cám ơn và hơi lo ngại vì những điều Chúa gửi đến. Với lòng Chúa thương xót trên Thập Giá, nó đến với Ngài cũng gian nan lắm nên nó nghĩ Chúa không muốn nó mất Nước Trời. Bởi ai cũng mơ ước một ngày nào đó sẽ gặp nhau trên Nước Hằng Sống của Ngài để khỏi đau buồn vì cái chết biệt ly hôm nay. Bây giờ trong trí nó hoang hoải về nơi xa xôi ấy, nơi Hằng Sống ấy có lẽ đẹp lắm, đó là Thiên Đàng. Nơi ấy không còn đau khổ vì tất cả là yêu thương. Trên cõi Hằng Sống ấy không còn nước mắt của sự thiếu chung thủy, không còn nỗi đau của người bị phản bội, không còn nỗi tiếc thương của mất mát. Chỉ có hạnh phúc! Thiên Đàng là nơi bình yên mà chim về xây tổ không còn sợ người thợ săn. Cỏ và hoa, bướm và ong, gió và hương quyện lẫn như một mùa trăng ứ mật. Nó tưởng tượng Thiên Đàng rất đẹp. Và, Thiên Đàng phải đẹp! Nó tin và nó mơ ước cõi đi về ấy khi nó như cánh lá khô lìa cành. Nó tin và nó mơ ước cõi đi về ấy khi nó như cánh chim kia sẽ chết ở một nơi nào đó vào một ngày thinh lặng nào đó. Thiên Đàng là nơi không còn người tủi hổ vì người, không còn lo âu về chuyện đời, không còn nỗi sợ hãi. Nơi ấy màu sắc rải xuống đường đi, bước chân nào cũng là dấu vết của thân thiện. Âm nhạc là gió, dòng sông là hòa âm, lá rừng là giai điệu. Thần tiên của những câu chuyện hạnh phúc như cô bé lọ lem mơ hoàng tử. Nó tưởng tượng thiên đàng phải là nơi rất đẹp.Và, Thiên Đàng phải có thật. Nơi đẹp như thế ai mà không muốn về. Lòng xót thương của Chúa dẫn nó về. Chúa muốn nó về? Rồi một ngày kia nó chết. Linh hồn nó như cánh chim kia tìm một cõi đi về. Lòng thương xót của Chúa mở cánh cửa Nước Trời. Nó bước vào. Nơi ấy toàn vẻ đẹp… Nhưng có thể nó sẽ đứng ngỡ ngàng… Khi mà, bản thân nó sống còn bê tha, khi mà nó chưa biết dọn linh hồn mình để hiểu ngôn ngữ Thiên Đàng. Bước đi trên một quãng đường dài ai không một lần gặp phải những ngã rẽ khiến ta phải đắn đo. Những ngã rẽ không ai ngờ kia là những phút bối rối khi ta phải đối diện với hàng loạt những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Liệu rằng sẽ gục ngã? Hay bước tiếp? Hay chọn những lối đi khác? Thật khó khăn để lựa chọn nhưng những lựa chọn ấy sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của nó. Nó vẫn đang đi trên con đường của mình, con đường mang tên cuộc sống. Nó nhận thức được rằng con đường đó có đẹp hay không phần nhiều do bản thân nó. Nhiều lúc nó nghĩ mình phải bước sao, để sau này khi một lần ngoảnh đầu lại nhìn quãng đường năm xưa, vẫn có thể mỉm cười mà tự hào rằng đấy là con đường đẹp nhất trên đời. Bao lần vấp ngã và sẽ còn vấp ngã nhiều lắm. Nhưng có hề gì, nó lại đứng dậy, phủi tay, quay lại nhìn cú ngã ấy lần cuối, mỉm cười và bước tiếp. Nó sẽ chẳng vì những phút yếu lòng mà bỏ cuộc trên con đường dài của chính mình đâu. Nghị lực, kinh nghiệm và lí trí là ba món hành trang mãi mãi theo nó trên suốt cuộc hành trình dài."Cuộc sống giống như một con đường, và không có một con đường nào là luôn luôn thẳng tắp. Để có thể chinh phục được con đường của chính mình, điều quan trọng đầu tiên là ta có biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã trên chính con đường ấy hay không". Nó chợt nhận ra: Cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người.
Nó thấy những ngày đã qua dù làm được nhiều việc nhưng chỉ là một quán tính của cảm nhận cùng lòng say mê chiến thắng và sự tự khẳng định mình. Nó nhận ra sự vô tình của bản thân trước những giá trị khác và những tấm chân tình của những người xung quanh. Nó hời hợt quá! Bao nhiêu năm tháng hiện hữu trên đời nó chẳng biết nghĩ suy về mọi điều trước sau, nó luôn cho mình là đúng, luôn ương ngạnh, cứng đầu, khó bảo. Biết bao lần nó làm phiền những người thân chăm lo cho nó… Những dự cảm xa xôi trong thử thách lần này làm cho nó cảm nhận được qui luật sâu xa của cuộc sống là quá trình cho và nhận. Sự tha thứ, bao dung, nhìn nhận cũng là một sự cho đi và khi đó chúng ta lại nhận được nhiều điều từ cuộc sống. Thấu hiểu và lắng lòng nó mới thực sự thấy chút thanh thản, nhẹ nhàng trước những nỗi đau, lỗi lầm, mất mát của ngày hôm qua, sự mới mẻ tinh khôi của ngày hôm nay, và đó chính là những gì dành cho ngày mai. Lòng nó ấm lại bởi tình yêu thương thầm lặng của những người xung quanh, ấm lại bởi nó đã hiểu ra ý nghĩa của sự chia sẻ và điểm thiêng liêng trong sáng của “ánh mắt ai đó” nhìn nó. Nó cảm nhận được sợi dây kết nối mọi con người, sự trường tồn của cuộc sống và chợt thấy khoảnh khắc của ngày hôm nay ý nghĩa hơn nhiều so với ngày hôm qua. Vậy nên chỉ có sống tốt phút hiện tại theo Thánh Ý Nhiệm Mầu mới là điều quan trọng nhất, nó cảm thấy vui vẻ, bình an và chẳng lo sợ gì nữa. Và rồi nhìn những khổ đau của cuộc đời mà nó đang nhận lấy, nó càng xác tín rằng trong dự định của Chúa luôn có một ý nghĩa riêng, điều quan trọng là nó có sẵn lòng tín thác vào tình yêu thương của Chúa hay không thôi.
Choàng người dậy, nó bước dọc hành lang vân vê tràng hạt mà mân mê lời kinh Mân Côi với Mẹ. Thoạt, nó nhìn qua cánh cổng khép dưới vườn. Một ánh sáng, một suy tưởng, một điều hay, một cảm nhận, một chút hiểu ùa đến với tâm hồn nó. Ánh sáng của trời hay lòng nó sáng? Nó trầm ngâm lúc lâu và viễn tưởng ra những suy tưởng về cánh cổng ấy trong trí mình.
Thật đơn giản thôi, một cái cổng nhỏ như bao cánh cổng của nhiều ngôi nhà khác. Nhưng có cái nét “rất riêng” của nó, không cánh cổng nào dù là cổng ngôi biệt thự có thể có được cái vẻ riêng ấy. Không hào nhoáng, không sang trọng, không đính kim cương hay đá quý. Rất đơn giản và chỉ được thành hình từ những viên đá màu hơi tối như đen hay nâu gì đó thôi! Giản đơn thế đó mà lại toát lên được cái đẹp chân thành, mộc mạc, hoang sơ và rất thánh thiện. Cái đẹp ấy sao nó hiểu nhưng không biết dùng ngôn từ nào để bộc lộ hết lên được. Nét đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, từ tốn, lặng lẽ… Nét đẹp ấy rõ mồn một trong ánh hoàng hôn hơi dịu và màn đêm buông dần.
Nó không bao giờ mở toang ra hết đâu. Cửa nhỏ đóng chặt, cửa lớn chỉ mở hai phần ba thôi, không bao giờ ban đêm mà cổng mở quá lộ liễu, dường như ấy là nét riêng. Cái màu đêm bao phủ, dưới con đường với vài ba ánh đèn mờ ẩn. Cánh cổng tu viện ấy hiện lên như thiên thần nhỏ giữa chốn phồn hoa náo nhiệt. Ánh đèn trên cánh cổng cũng chẳng có rực rỡ như đèn của những ngôi biệt thự. Ánh đèn ấy nhỏ thôi, chỉ là hình tròn hay vuông nhưng sáng lạ thường. Không phải ánh sáng làm chói lòa mắt người ta mà là thứ ánh sáng trong, thanh giữa bầu khí đêm. Nhìn cổng tu viện ban đêm thánh thiêng và lạ lùng lắm! Nó cứ nhìn hoài, nó thấy bình yên, nhẹ nhàng đến lạ. Cái lặng lẽ, nhẹ nhàng của cổng tu viện ban đêm phải chăng cũng lột tả phần nào cuộc sống những tâm hồn đang ở sau cánh cổng ấy???
Nó nghĩ vậy! Người tu sĩ dù nam hay nữ họ cũng âm thầm như cánh cổng tu viện ban đêm đó. Họ chẳng bao giờ thể hiện mình cách toàn cảnh như một diễn viên nổi tiếng trên sân khấu. Họ cũng khép nép, cũng lặng lẽ, cũng khiêm tốn như cánh cổng tu viện ban đêm. Họ có chút gì đó giữ lại cho riêng mình cho Đấng Tình Quân của họ như cổng tu viện ban đêm không bao giờ mở hết. Bên trong cánh cổng cũng giống những gì mà cánh cổng đã toát hiện là một cuộc sống giản đơn cho đi nhiều điều lắm. Giản đơn từ những điều nhỏ bé, học cho đi như Đấng Tình Quân của họ, cho đi vì yêu thương đến trần trụi trên cây Thập Tự Giá. Và từ bỏ những gì là không cần thiết, có khi phải đau đớn để gột rửa tâm hồn, tôi luyện bản thân họ nên hoàn thiện hơn với những gì mà Đấng Tình Quân của họ mong mỏi, yêu thương. Nhìn cánh cổng tu viện ban đêm chẳng mở hết bao giờ, khác nào người nữ tu? Cũng khép mình một chút xíu để giữ lại cái gì đó cho riêng một Đấng. Những điều đó rất hay, quý giá và thâm trầm trong cõi lòng họ như một nốt trầm trong bản tình ca cuộc đời. Một nốt trầm thôi, nhưng nó lại làm nên giai điệu đặc biệt cho bản tình ca, bản tình ca có hay là hay chỗ nốt trầm ấy. Phải chăng người tu sĩ cũng là những nốt trầm trong Bản Tình Ca Giê-su, chắc phải “yêu” tha thiết và sâu đậm họ mới cảm được. Và nó đã từng như thế, từng mơ ước về cuộc sống âm thầm lặng lẽ như vậy nhưng có hay chăng đó chỉ là phút nông nổi, bồng bột như đứa trẻ mới lớn, háo hức chạy theo hình tượng nào đó? Nó vẫn chưa đủ sức thấu hiểu điều Người muốn nó làm, nó vẫn thao thức đi tìm trong muôn nẻo của dòng đời dòng người, tìm mãi… tìm hoài, tìm lặng lẽ (chắc chỉ Chúa mới nhìn thấy nó như vậy thôi!). Thế nhưng nó luôn tin rằng Chúa luôn có chương trình riêng của Người. Và biết đâu sự lặng lẽ trong liên lỉ của nó mang đến vô vàn điều hay, nhiều vô số kể những sự tốt đẹp. Sự lặng lẽ ấy có thể sẽ tốt đẹp dường bao, ẩn nhiều suy tưởng và ý nghĩa sâu xa. Cũng như cổng tu viện lặng lẽ thế mà gợi lên một nét đẹp, bao nhiêu sự thánh thiêng mà không tài nào dùng ngôn ngữ để diễn tả.
Cổng tu viện lặng lẽ trong màu đêm và ẩn chứa một cái gì đó quá huyền nhiệm. Lạ lùng thay Chúa ạ! Nốt trầm cổng tu viện như tháng năm cuộc đời nó - thâm trầm để làm bước đệm cho nhịp bổng sắp bừng lên khai sáng tâm hồn nó, và giúp nó vượt qua những ngày gian nan u sầu trong bóng đêm mờ tối.
 
 
NHƯ MỘT TÌNH YÊU
* Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha (Gx.Cây Rỏi)
 
Anh dạo một vòng, kiểm tra các chốt cửa nhà nguyện Tiểu chủng viện, chợt có tiếng người gọi:
- Có ai giúp tôi không?
Anh mở cửa, bước ra ngoài, ở cuối hành lang một người phụ nữ đang lúi húi với hai chiếc va-li to kềnh. Anh tiến tới:
- Cô cần cháu giúp gì không?
- Hành lý nặng quá, thầy có thể giúp tôi mang xuống lầu được không?
Anh cúi xuống, nhấc chiếc va-li lên. Nặng thật! Anh đi trước, người phụ nữ theo sau, vừa đi anh vừa cười thầm về cách xưng hô của người phụ nữ. Tới tầng trệt, anh đặt chiếc va-li xuống. Người phụ nữ tươi cười:
- Cảm ơn thầy! Thầy cố gắng tu nhé!
- Dạ, không có gì nhưng con chưa phải là…
Đột nhiên anh im lặng, “cố gắng tu nhé” sao giống câu nói của một người, chỉ khác là nó nhẹ nhàng chứ không miên man từng tiếng…
*  *  *
Anh, 24 tuổi, con trai duy nhất của một gia đình khá giả, vừa tốt nghiệp đại học, loại giỏi. Anh được các công ty chào mời, tương lai rộng mở trước mắt.
Cô, nhỏ hơn anh một tuổi, khuôn mặt ưa nhìn, là người hướng nội, suy nghĩ sâu sắc, có cá tính riêng. Cô không quá nổi bật giữa đám đông nhưng luôn biết cách để lại ấn tượng cho người khác.
Cô và anh tình cờ quen nhau tại một bến xe buýt. Ấn tượng đầu tiên của anh về cô là sự khác biệt: Rõ ràng anh thấy cô đợi xe buýt, vậy mà khi chiếc xe buýt màu vàng tiến tới cô lại không đi. Thấy lạ, anh hỏi:
- Này bạn, bạn đợi xe buýt à?
- Ừm!- Cô đáp gọn, vẻ đề phòng.
- Tại sao lúc nãy có xe buýt mà bạn không đi?- Anh hỏi thêm.
- Mình thích xe buýt màu xanh!- Cô cười, để lộ chiếc răng khểnh.
Tim anh trật nhịp. Cô cười duyên quá. Anh vừa định làm quen thì từ phía xa chiếc xe buýt màu xanh bấm còi ầm ĩ rồi từ từ tiến đến. Anh tưởng mình đã hết cơ hội nhưng có vẻ số phận đang ủng hộ anh, trên xe còn đúng hai ghế cạnh nhau. Anh nhường cô ngồi trong, cạnh cửa sổ. Sau vài phút im lặng, anh mở lời làm quen:
- Chào bạn! Bạn cho mình làm quen nhé! Mình tên Minh! Bạn tên gì?
- Mình tên Quỳnh.- Cô vẫn còn chút đề phòng.
Cuộc làm quen kết thúc ngắn gọn. Anh ngồi im chẳng biết nói gì thêm, còn cô đưa tay vén chiếc rèm cửa màu xanh, nhìn về phía xa. Chợt  nhìn thấy chuỗi Mân Côi trên tay cô, anh mạnh dạn hỏi:
- Bạn là người Công giáo?
Cô quay lại, thấy anh đang nhìn vòng chuỗi của mình, bình tĩnh đáp:
- Ừm! Tại sao bạn hỏi vậy?
- Mình cũng là người Công giáo!- Anh vui ra mặt, chưa bao giờ anh thấy việc theo đạo lại có ý nghĩa như vậy.
Sau câu nói ấy, dường như giữa cô và anh có một mối dây vô hình liên kết nhau. Anh hỏi về giáo xứ của cô, rồi về ngành cô đang học. Cô vui vẻ trả lời. Anh xin Facebook và gởi lời mời kết bạn. Cô đồng ý. Từ hôm đó, anh và cô thường xuyên trò chuyện. Nhà cô cách nhà anh vài cây nên cuối tuần anh thường mời cô đi cà phê hoặc xem phim, còn cô thì hay rủ anh đi tham dự thánh lễ Chủ nhật. Và cứ thế, anh và cô yêu nhau lúc nào không biết. Một tình yêu thuần khiết cứ lớn lên từng ngày. Anh bắt đầu mơ tưởng đến một ngày sẽ được nắm tay cô bước vào nhà thờ để Thiên Chúa chúc phúc.
Nghĩ là làm, một ngày đẹp trời, anh ngỏ ý muốn đưa cô về ra mắt hai gia đình. Cô đồng ý. Hai gia đình đồng ý. Vậy là cứ cuối tuần, anh đưa cô đến nhà thờ cùng học giáo lý. Có một điều rất lạ là cô học rất nhanh còn anh cứ mông lung nghĩ về một điều gì đó. Chẳng lẽ là hình ảnh đó: Hình ảnh vị linh mục già tranh thủ chợp mắt trên chiếc ghế mây cũ kĩ giữa buổi dạy giáo lý Hôn nhân. Một dáng người mệt mỏi của một con người cô độc đang ở cái khoảng xế chiều của cuộc đời. Thế nhưng trên khuôn mặt nhăn nheo ấy, anh thấy tỏa ra một sự bình an kỳ lạ. Điều nghịch lý đó cứ ám ảnh anh. Anh kể với cô, cô lặng nghe rồi dõi ánh nhìn về hướng xa, giọng cô chùng xuống:
- Đời tu… khổ quá phải không anh?
Anh không hiểu sao giọng cô lại buồn như vậy. Có lẽ là cô thấy thương cho vị linh mục già. Thời gian trôi qua, cái ám ảnh ngày nào dần lu mờ, chỉ còn hơn tháng nữa là anh và cô kết thúc chương trình giáo lý. Anh nghĩ đến cảnh cùng cô tiến vào nhà thờ để cử hành bí tích Tình Yêu, lòng anh lâng lâng. Và để chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy, anh và cô có một dự định: Tết này, anh và cô sẽ chọn một câu Lời Chúa và hai người sẽ cùng sống câu Lời Chúa ấy để tình yêu của họ trọn vẹn hơn.
Sáng mồng một tết, anh đến đón cô. Cô đẹp dịu dàng trong tà áo dài tím. Và giờ phút anh chờ đợi đã đến, cô chọn một câu Lời Chúa, trao cho anh:
- Anh mở đi.
Anh cầm câu Lời Chúa, thầm ước câu ấy sẽ là: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly.” Anh cẩn thận tháo sợi ruy băng đỏ, cuộn giấy mở ra, những con chữ từ từ xuất hiện:
“Ngài là Chúa con thờ
Ngoài Ngài ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 15)
Anh sững người, tay anh lạnh ngắt. Kí ức ùa về, trong đầu anh là hình ảnh một cậu bé trắng trẻo, mập mạp ước mơ trở thành linh mục, cậu tự hào mặc chiếc áo dòng đen dẫn đầu đoàn rước, trong ngày lễ Chúa Chiên Lành. Cậu bé ấy chính là anh.
- Minh, anh sao vậy?- Cô gọi anh.
- À, không có gì… Anh nhớ lại vài chuyện lúc nhỏ…
- Hồi đó… anh muốn đi tu phải không?- Cô ngập ngừng
- Sao…Sao…em…biết?- Anh lúng túng.
- Em thấy tấm ảnh anh chụp lúc nhỏ… trong nhà thờ.- Giọng cô buồn man mác, dường như cô đang nghĩ về điều gì đó.
Cả hai im lặng. Cô đã nói đúng cái điều mà lâu nay anh luôn trăn trở, ngày trước anh rất thích đi tu, cho đến khi gặp cô. Anh nghĩ anh đã dành trọn tình yêu của mình cho cô nhưng trong lòng anh luôn có một khoảng trống, khoảng trống của ước mơ ngày bé. Anh không nghĩ cái ước mơ thời con nít ấy lại in dấu trong anh lâu như vậy. Nhất là trong lúc này, tiếng gọi ấy càng trỗi dậy mãnh liệt và da diết hơn. Anh rùng mình: Chẳng lẽ Chúa muốn anh đi tu? Không được! Anh không thể đi tu. Anh là con một, anh phải chăm sóc ba mẹ. Và anh cứ lấy lý do đó biện minh cho mình dù rằng chính ba mẹ cũng muốn anh đi tu. Thực ra anh đang tự dối mình, bởi vì sâu thẳm trong tim anh, anh rất yêu cô, anh không thể xa cô.
Anh suy nghĩ, nhiều đêm trằn trọc không yên. Đến khi thiếp đi, anh lại thấy cô, cô một bên và Chúa một bên. Anh giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầm. Anh rối bời. Anh muốn đi tu nhưng anh sợ không đủ mạnh mẽ để xa cô. Anh tránh mặt cô. Anh sợ cô biết những điều anh đang nghĩ. Dường như đoán hiểu lòng anh, nhiều lần gặp nhau cô cũng chẳng nói gì, chỉ im lặng nhìn về một khoảng trời xa xôi. Sáng nay, anh nhận được tin nhắn của cô: “9 giờ, anh chở em xuống nhà thờ Chính Tòa dự lễ phong chức Linh Mục nhé!”. Anh trả lời ngắn gọi: “Ừ, anh sẽ qua”. Thêm một tin nhắn mới: “À, hôm nay là bổn mạng anh!”.
Anh giật mình, tới lễ thánh Giuse rồi sao? Chợt anh nghĩ về thánh quan thầy của mình: Không phải thánh Giuse đã từng phân vân giữa việc lấy Đức Maria hay bỏ người cách kín đáo sao? Và cuối cùng Ngài đã nhận Đức Maria làm vợ. Vậy có nghĩa là Chúa muốn anh noi gương quan thầy của mình, nên thánh trong đời sống gia đình. Anh thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ rằng mình đã tìm ra đáp án.
Đồng hồ điểm 9 giờ. Anh qua đón cô. Thánh lễ long trọng. Mọi người cùng hiệp dâng lời cầu nguyện cho các vị tân linh mục. Nhìn hình ảnh đó, trong lòng anh dậy sóng, cái ước mơ mong manh thuở nhỏ bùng lên. Anh lại khao khát được tận hiến cho Chúa. Và giây phút các vị tân linh mục đặt tay mình trong tay của Đức Giám Mục để thể hiện sự vâng phục, anh giật mình nhận ra: Không phải thánh Giuse phải chọn lựa như thế nào mà là Thiên Chúa muốn thánh Giuse lựa chọn như thế nào. Ánh mắt anh vô định ngước nhìn lên cây thập tự, tâm trí mơ hồ:
- Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?
Không một ai có thể cho anh câu trả lời, trừ Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa lại không trực tiếp cho anh biết điều gì. Anh chán nản, anh lang thang trên Facebook, anh buồn bã đăng một dòng trạng thái không đầu không cuối: “Tôi phải chọn lựa gì đây?”. Facebook xuất hiện thông báo. Anh mở ra xem. Vài lượt thích và bình luận. Lan Anh bình luận: “Cậu nên chọn điều gì đúng và tốt nhất với mình”. Anh biết điều đó nhưng điều gì mới là đúng và tốt nhất bây giờ? Nick Facebook Luôn Yêu Đời bình luận: “Chọn gì cũng được, miễn là bạn hạnh phúc”. Nhiều người “thích” câu bình luận đó. Thêm vài bình luận khác, hỏi han có, khuyên nhủ cũng có nhưng tuyệt nhiên không ai cho anh câu trả lời thỏa mãn. Anh thất vọng, vừa định tắt máy thì có bình luận mới: “Đi tu đi anh…”. Anh như chết lặng, là bình luận của cô, là cô bảo anh đi tu. Môi anh lắp bắp, khuôn mặt tái nhợt. Anh vội vã đăng xuất khỏi Facebook. Cả ngày hôm đó anh như người mất hồn. Tại sao cô bảo anh đi tu? Chẳng lẽ cô đọc được suy nghĩ của anh. Mà nếu đọc được suy nghĩ của anh tại sao cô lại nói như vậy. Lẽ nào cô đã hết yêu anh? Lẽ nào cô đã quên những hạnh phúc bên nhau? Hay là cô đã có người khác…Hay là…Hay là…Hay là… Chuông điện thoại reo lên cắt ngang dòng suy nghĩ rối rắm, một tin nhắn mới, là tin nhắn của cô, anh hồi hộp mở ra xem: “7 giờ tối nay, hẹn anh ở quán cà phê cũ!”.
Thật sự lúc này anh không muốn gặp cô. Anh sợ. Anh sợ khi gặp cô, cô sẽ nói cô không còn yêu anh hoặc cô sẽ chất vấn anh. Đầu óc anh như lạc vào mê cung. Anh rối bời. Chợt anh tỉnh ra: Cô là một người sâu sắc, cô quyết định điều gì đều có lí do. Vậy đó không phải là câu nói vô tình. Có lẽ cô đang muốn nói với anh điều gì đó. Cách duy nhất để biết là gặp cô.
7 giờ kém 5, anh có mặt tại nơi hẹn nhưng đã thấy cô ở đó. Trên bàn, phía anh ngồi, phin cà phê đen vừa kịp nhỏ những giọt cuối cùng. Cô trước giờ luôn chu đáo như vậy. Anh kéo ghế ngồi xuống:
- Em đến lúc nào?
- Em vừa tới…
Sau câu đối thoại ngắn gọn ấy cả hai chẳng nói với nhau lời nào. Anh nhấc chiếc phin hãy còn nóng xuống, nhấp một ngụm cà phê. Còn cô cứ nhìn về phía ô cửa sổ nhỏ, ánh mắt xa xăm. Cả hai cứ im lặng như vậy, không khí dường như bị rút cạn. Anh không thể chịu được cái ngột ngạt ấy, anh bật ra thành tiếng:
- Em … có gì… muốn nói với anh à?
- Anh nói trước đi.- Cô nhìn anh, nhẹ nhàng đáp.
Câu nói của cô càng làm anh khó xử, anh phải bắt đầu như thế nào. Lát sau anh mới bật ra thành tiếng:
- Tại… sao… em… bảo… anh… đi… tu…?
- Không phải anh muốn đi tu sao?- Lời cô nói như xuyên thấu tim anh.
- Nhưng…Tại sao… - Anh ngập ngừng.
- Mọi người đều có một ơn gọi riêng của mình… Chỉ khi nào sống đúng với ơn gọi đó, người ta mới hạnh phúc…
- Nhưng… Còn em…?
Cô hiểu anh muốn nói gì, cô chậm rãi mở cuốn sách Giáo lý Hôn nhân đã đặt sẵn trên bàn, lấy ra một tấm ảnh đưa cho anh. Anh cầm tấm ảnh, trong ảnh là một cô bé mặc tu phục dòng Mến Thánh Giá, trông rất thánh thiện, điều đặc biệt là cô bé cười rất duyên nhờ chiếc răng khểnh. Cô bé đó rất giống cô. Chẳng lẽ là cô? Chẳng lẽ lúc nhỏ cô cũng muốn đi tu, giống anh. Anh ngước nhìn cô, chạm phải ánh mắt cô, anh muốn né tránh ánh nhìn ấy nhưng có điều gì đó ngăn anh lại. Cô nhìn anh, chậm rãi nói:
- Em cũng giống anh... nhưng em không thuộc về ơn gọi ấy… Ơn gọi của em là giúp anh nhận ra ơn gọi của mình...
Cô nhìn anh dịu dàng, cười buồn như một khoảng lặng rồi buông từng tiếng miên man…
- Cố gắng tu nhé anh…
 
 
CÁI CHĂN VÀ ĐÔI KÍNH
* Giuse Nguyễn Mậu Linh Vũ (Gx.Kỳ Tân)
 
- Hình như năm trước bạn cũng tham gia đợt tĩnh tâm dự tu của giáo hạt?- Tôi mĩm cười hỏi nó.
Một cái gật đầu thay cho câu trả lời.
- Lúc đó vì bận đi học nên bạn vào trễ đúng không?
Lại một cái gật đầu nữa thay cho câu trả lời. Tôi tức lộn gan lên đầu nhưng vẫn cười để bản thân bớt hụt hẫng. Chắc nó nghĩ tôi như một con lừa bị thần kinh nên đứng nói chuyện một mình hay sao mà ngậm như hến thế không biết! Tôi hỏi hai lần và thu lại được hai cái gật đầu. Tính ra tôi thu nhập cũng “kha khá” đó chứ. Được lắm! Nếu không thích nói chuyện thì đây cũng im luôn cho đẹp trời...
- Tao hứa danh dự với mày: Không có lần sau đâu! Nếu như nó vẫn tiếp tục kiểu đó thì đừng có mơ rằng tao hé răng nói chuyện trước. Đúng là con nhà đại gia. Chảnh kiểu đó thì đây chả coi ra gì. Thứ đó bỏ không!- Tôi đập bàn miệng quát lớn.
Cả quán ăn nhìn hai đứa như sinh vật lạ. Thằng Trung làm hiệu cho tôi nhỏ tiếng rồi nói:
- Tính nó ít nói từ hồi giờ. Mày phải thông cảm cho nó chứ. Dù gì sau này hai đứa cũng chung lớp đại học, lại cùng quê. Ba mẹ cũng là chỗ quen biết nữa. Bất hòa thì không hay.
- Mày nói như anh Hai tao vậy.
- Ủa, chứ không phải vậy hả?
- Tao đánh cho bầm mắt bây giờ!
- Thôi! Thôi! Tao đùa. Làm gì nóng thế. Lo về chứ tối rồi.
Trả tiền hai tô hủ tiếu xong, hai đứa lại đèo nhau về. Trên đường, gió thổi mát rượi. Thế nhưng cứ nghĩ đến mấy cái gật đầu của thằng Lâm lúc nãy, mặt tôi lại nóng ran. Lúc ra về tôi chẳng thèm chào lại, mặc cho thằng Lâm có tiễn chúng tôi ra tận cổng. Tôi tự xem đó là hành động lấy lại danh dự của mình, nhưng thật sự thì tôi vẫn chưa thỏa mãn.
Mấy tháng nghỉ hè cũng hết. Mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy. Tôi lên xe vào Sài Gòn để bắt đầu một môi trường học tập mới. Tôi nhất quyết đi một mình, dù cho ba mẹ có khuyên bảo như thế nào đi nữa. Bởi tôi lớn rồi mà.
Sau gần một ngày vật vã trên xe khách, cuối cùng tôi cũng đã đến nhà thờ giáo xứ Hiển Linh. Vào gặp cha xứ, tôi trình giấy giới thiệu của tôi cho ngài. Vui vẻ chào đón rồi lại đích thân dẫn tôi đến phòng ở, cha cho tôi một cảm giác thật gần gũi, thân tình tựa như đã quen biết từ lâu.
- Đây là phòng ở của con. Con sẽ ở chung với một người bạn. Bạn ấy cùng quê với con đấy.
- Thế thì hay quá! Con cảm ơn cha nhiều.
Cha mỉm cười nói tiếp:
- Con gọi điện về cho cha xứ và gia đình biết là con đã đến nơi đi, rồi tắm rửa nghỉ ngơi cho khỏe. Chắc cả ngày hôm nay con mệt lắm rồi. Giờ giấc sinh hoạt như thế nào thì con có thể hỏi bạn cùng phòng hoặc trực tiếp gặp cha. Con ngủ ngon nhé!
- Con cảm ơn cha nhiều ạ. Chúc cha ngủ ngon!
Tôi thở một hơi thật dài, mệt mõi quá sức, vào phòng rồi tính tiếp…
Sau vài tiếng gõ, cánh cửa trước mặt đã mở ra. Mắt, mũi, miệng của tôi biến dạng, tất cả đều hình chữ O. Tay tôi thả luôn chiếc vali ngã lăn đùng xuống đất.
- Vũ! Cậu sao thế? Vào phòng đi! Để mình mang đồ vào giúp cho.
Tôi bước theo nhưng đầu thì cứ rỗng tuếch. Miệng tôi cứ đơ ra như bị trúng gió, đầu óc loạn cả lên. Trước mắt tôi chính là thằng Lâm, người đồng hương “đầy thiện cảm” (!?). Lại còn là bạn cùng phòng đấy. “Hạnh phúc” chưa!
Bức màn do hơi nước bốc lên trắng đục, mờ ảo.  Dòng nước ấm từ đỉnh đầu chạy dọc theo cơ thể, len lỏi qua từng chân tơ kẻ tóc, đến tận những tế bào cũng có thể cảm nhận được sự di chuyển của những giọt nước li ti. Một sự thư giản tuyệt vời. Cảm giác lúc này chắc không khác thiên đàng là bao. Thoải mái thật!
- Vũ ơi! Sao lâu quá vậy? Xong chưa?
Giật mình! Không biết có cần thêm câu “mình lại thương mình bấy nhiêu” (Truyện Kiều- Nguyễn Du) phía sau cái cảm giác đó không nữa. Giờ tôi chẳng khác gì kẻ vừa đi được mấy bước trên thiên đàng rồi lại bị tống cổ ra khỏi nơi đó. Giờ đây, tôi phải sống chung với một kẻ mà tôi đã có cả “đống thiện cảm” ngay lần gặp đâu tiên, chung lớp đại học, ngụ chung một giáo xứ, lại còn chung phòng nữa. Sống sao đây?!
- Vũ ơi! Xong chưa?
- Rồi. Tôi ra ngay.
Suốt bữa cơm, tôi phải đấu tranh tư tưởng một cách dữ dội. Cả ngày nay đi xe ăn được gì cũng đã cho ra ngoài hết rồi, không ăn thì tối đói chịu không nổi. Mà ngồi ăn thì chẳng biết nói gì với nó. Còn cái bụng cứ kêu lên như thét gào, lại thêm mấy món ăn cám dỗ liên hồi. Tôi chuyển sang phương án hai: cứ ăn rồi tính tiếp. Giờ mình chịu thiệt, lần sau trả cả vốn lẫn lời luôn. Còn giáp mặt nó dài dài mà. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Tôi tranh thủ ăn, thỉnh thoảng lại gật đầu và “à, ừm, ừ, ờ...” cho qua chuyện. Còn thằng Lâm thì cứ nói tía lia. Chẳng hiểu hôm nay nó ăn phải gì nữa, hay tính đóng kịch trước mặt tôi? Làm bộ quan tâm hỏi han nữa chứ. Nhìn là tôi biết chả tốt đẹp gì. Tôi tinh mắt lắm, nhìn là biết ngay: Giả tạo!
Khi cái dạ dày đã thôi cái điệp khúc kêu la, tôi làm dấu tạ ơn rồi xếp chén đũa lại. Thằng Lâm để chén cơm đang ăn xuống bàn, rồi đứng lên, đi vào bếp cầm ly nước ra bàn cơm, tay đưa  ly nước cho tôi, còn miệng thì mĩm cười:
- Cậu uống nước rồi đi nghỉ sớm đi. Để đó mình dọn cho. Chắc cả ngày nay đi xe mệt mỏi lắm rồi.
Hắn quả nhiên cao tay, đẩy tôi vào thế khó xử. Nếu đi nghỉ trước thì hóa ra mình là kẻ không biết điều, được người ta nấu cho ăn giờ còn để người ta dọn dẹp. Nhưng nếu ở lại dọn dẹp cùng hắn thì biết nói gì đây? Không lẽ cứ “ừ, à, ừm, ờ”? Nhưng nếu hắn đã chơi tôi như thế thì tôi mặc kệ, muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi chả thèm quan tâm. Tôi đứng lên và nói với giọng không chút cảm xúc:
- Cảm ơn! Mai đến lượt tôi dọn dẹp.
Hắn cười:
- Không có gì. Ngủ ngon nhé!
- Cảm ơn! Chúc ngủ ngon!
Nói rồi tôi về phòng. Lên giường, tôi dâng kinh cảm ơn Chúa rồi ngủ luôn một giấc đến sáng. Mở mắt ra đã thấy đồng hồ chỉ năm giờ kém.
Sài Gòn buổi sáng không nóng nực nhưng đâu đó vẫn mang chút hơi lạnh của khí trời. Ngoài kia không nghe thấy tiếng xe cộ hay tiếng người đông đúc, chỉ có tiếng chim hót trong nắng sớm cùng mùi hương dễ chịu của vài loài hoa phảng phất bay trong gió. Tuy còn ngái ngủ nhưng tôi vẫn cảm nhận một cách rõ ràng những thứ ấy. Buổi sáng Sài Gòn bình yên thật.
Tôi kéo chiếc chăn phủ kín vai. Bên kia là thằng Lâm đang co người lại ngủ. Chắc do nó lạnh. Chợt tôi khựng lại trong suy nghĩ: Lúc tối mình đâu có đắp chăn? Không lẽ nó... Tôi xuống khỏi giường, lấy chiếc chăn mình đang dùng phủ cho nó. Mặt nó hơi nhợt nhạt, mắt hơi thâm quầng. Chắc đêm qua nó ngủ không được. Đến gần hơn tôi chợt nhận ra rằng: Khi không mang kính nhìn mặt thằng Lâm vẫn hiền lành thật.
 
 
CON ĐÃ HIỂU
* Têrêxa Nguyễn Thị Mận (Gx.Cây Rỏi)
 
“Ở tuổi 16 này, các con nghĩ rằng mình thấu hiểu được bao nhiêu phần trăm nỗi vất vả của ba mẹ để mình có được ngày hôm nay?”.
Đó là câu hỏi đầu giờ học giáo lý Cha Phó đã đặt ra cho lớp tôi vào tuần trước. Một câu hỏi gần gũi với cuộc sống nhưng sao lại khiến tôi chột dạ. “Phần trăm cho sự thấu hiểu của tôi là bao nhiêu?”- Tôi tự hỏi. Chắc có lẽ là 0 phần trăm. Ở tuổi này, tôi chỉ muốn mình phải ăn ngon, mặc đẹp hơn các bạn đồng trang lứa, không nghĩ đến những thứ mình đang sở hữu từ đâu có được, chỉ biết đến bản thân mà không nghĩ đến nỗi vất vả của ba mẹ. Ba mẹ cả đời lam lũ một nắng hai sương để tôi không phải thiệt thòi.Vậy mà có lúc tôi lại trách ba mẹ tại sao lại có những thứ tôi thua thiệt hơn các bạn. Tôi thật là một đứa con hư. Tôi bắt đầu tập nghĩ về ba mẹ mỗi khi mình muốn sở hữu một món đồ đắt tiền nào đó. Nghĩ đến số tiền ít ỏi ba mẹ vất vả kiếm được trong một ngày, nó chỉ là một phần nhỏ so với giá món đồ mà tôi muốn.
Bao lâu nay ba mẹ phải cực nhọc dãi nắng dầm mưa mới có tiền để đáp ứng những mong muốn của tôi, vậy mà tôi chẳng hề hay biết. Trong những ngày qua tôi đã cố gắng giúp ba mẹ những việc nhỏ nhặt trong nhà mặc dù còn vụng về lắm. Những buổi sáng không đi học thêm, tôi phụ mẹ quét nhà, rửa chén… Đây là những công việc thường ngày mẹ tôi vẫn làm một mình. Có hôm tôi còn theo mẹ ra đồng, những lúc như thế này tôi mới thấu hiểu bao mồ hôi công sức ba mẹ đã đổ ra, nuôi tôi khôn lớn để tôi có được ngày hôm nay. Công ơn cao cả của ba mẹ, tôi sẽ khắc ghi trong tim và sẽ đền đáp xứng đáng. Giờ đây tôi có thể tự tin nói rằng: “Tôi có thể thấu hiểu được hơn 60% nỗi vất vả của ba mẹ”.
Cảm ơn Cha Phó đã đặt ra câu hỏi để thức tỉnh con người tôi, tránh ham chơi đua đòi làm ba mẹ cực khổ. “Tạ ơn Chúa vì Ngài vẫn luôn ban ơn xuống che chở, gìn giữ ba mẹ con, ban thêm sức mạnh để ba mẹ vượt qua bao khó nhọc trong cuộc sống. Xin Chúa cho ba mẹ con luôn được an vui và tràn đầy hồng ân của Ngài. Amen”.
 
Tác giả bài viết: Hoa Biển 20
Từ khóa:

Hoa Biển 20

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 30
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 7343
  • Tháng hiện tại: 125441
  • Tổng lượt truy cập: 12269701