LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
HAI SỰ ĐỒNG THUẬN
(St 3,9-15.20. Ep 1,3-6.11-12. Lc 1,26-38)
Câu chuyện sách Sáng thế trình thuật: con người được dựng nên bằng “Tình Yêu” của Thiên Chúa và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy đã bị khép lại khi Adam và Eva phạm tội. Trong ý hướng của con người đầu tiên đã có ý định: không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình. Muốn trở thành Thiên Chúa bằng sức riêng mình và lấy mình làm mẫu mực tối cao, làm thước đo chân lý. Họ chọn tin vào lời của Satan hơn lời của Thiên Chúa – sự lựa chọn đã mở ra cánh cửa cho tội lỗi, chống đối, và chia rẽ với Thiên Chúa. Cái chết đã trở thành một bản án do tội bất trung gây ra. (x. St 3,11).
Sự sa ngã của họ đã gây ra vết thương trầm trọng mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành và phục hồi toàn vẹn. Thiên Chúa với tình yêu thương xót và sự xét xử khôn ngoan, đã kỷ luật vì lợi ích của họ, để dẫn họ tới sự sám hối, thanh tẩy, và phục hồi tình bằng hữu với Thiên Chúa.
Từ cuộc “đỗ vỡ thuở ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ qua lời Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng: chính Thiên Chúa sẽ gởi Đấng Cứu Chuộc tới dân Người, được sinh ra bởi người mẹ đồng trinh từ dòng dõi Đavít (Is 7,14), Đấng sẽ sẵn sàng chịu đau khổ và trừng phạt để độ đỗ máu ra để làm lễ đền tội thay cho họ (Is 53,1-12 và Is 50,4-8; 52,13-15). Sau này Thánh Phaolô đã khẳng quyết trong thư gửi giáo đoàn Gallat: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Người Con đó chính là Đức Giêsu Kitô và Người nữ chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế. Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 08 tháng 12 năm 1854 qua thông điệp “Ineffabilis Deus”: “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.
Như thế, tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của Dân Chúa bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong hành trình đức tin bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai.
Ở thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ái năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Trong bài đọc 1 của ngày lễ hôm nay trình thuật việc ông bà Nguyên tổ nghe lời con rắn xúi giục đã ăn trái cấm, khiến “Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cầy cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. Người trục xuất con người và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh.” Tiếp đến bài Tin Mừng Thánh Luca trình thuật sự kiện “Truyền tin cho Đức Maria”. Nghe lời chào và chúc mừng của sứ thần, Đức Marria rất bối rối và hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” Sau khi được sứ thần giải thích những thắc mắc trước việc thụ thai Chúa Giêsu, Đức Maria đã trả lời sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Như vậy, khởi đi từ dữ liệu của hai bài đọc đã làm nổi bật lên hai cuộc đối thoại mà đối tượng chính là hai người phụ nữ.
Cuộc đối thoại thứ nhất giữa con rắn với bà Eva trong vườn địa đàng đã đưa nhân loại đi tới ngõ cục của sự đau khổ chết chóc, lầm than. Với người đàn bà, “Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”. Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 16-19).
Từ đó, chúng ta có sự nhận thức về tội. Tội không nằm trong vật chất, không nằm trong nguồn gốc vũ trụ, nhưng nằm ngay trong ý thức nội tâm của con người. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do thì Thiên Chúa đã liều mình chấp nhận sự tôn thờ hay phản bội của con người. Do đó, nguồn gốc của sự dữ ở ngay trong ý thức tự do trách nhiệm của con người, chứ không nằm trong nguồn gốc vũ trụ. Nguồn gốc của tội là thái độ tinh thần khi con người dối trá, bất trung.
Cuộc đối thoại thứ hai giữa sứ thần Gáp-ri-en với Đức Maria đã đưa con người tới niềm hy vọng tươi sáng qua lời đáp trả “xin vâng” của thiếu nữ thành Nazareth. Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 28-38). Thế là “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”, và ở cùng chúng ta… Ngài chính là Đấng Thiên Sai, mệnh danh Emmanuel (Is 7,14; Mt 1,23).
Qua hai cuộc đối thoại, chúng ta khám phá ra một bên là sứ giả sự dữ: hình ảnh con rắn đầy ranh ma quỷ quyệt ẩn trong thái độ ngạo mạn coi thường cả Thiên Chúa lẫn lối Eva đồng ý phạm tội. Một bên là sứ giả sự thiện: hình ảnh Thiên thần biểu hiện sự chân thành trong thái độ khiêm cung, kính trọng dẫn đưa Maria đến lời đáp “Xing Vâng”. Hai người phụ nữ đều gật đầu ưng thuận. Cái gật đầu mau mắn của Eva đã làm đảo lộn lịch sử loài người: Từ cuộc sống an vui hạnh phúc giờ đây bị trục xuất ra khỏi vườn Địa Đàng; được đối thoại thân tình với Thiên Chúa, lại trở nên xa lìa Thiên Chúa… Còn cái gật đầu của Đức Maria bằng lời đáp “xin vâng” thì lại thay đổi hẳn cục diện thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người qua ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu.
Thế cho nên, thánh Augustinô nói: “cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa”. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời. Đức Maria đã yêu Chúa, vâng nghe lời Người đã làm thay đổi chính mình và làm cho con người được thay đổi nhờ mầu nhiệm Cứu độ.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhìn vào cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy một Maria trong trắng dịu dàng. Một nữ tỳ Maria được Chúa yêu thương chúc phúc và luôn giữ lòng thanh khiết giữa bùn nhơ tội đời. Giáo Hội nhìn nhận Mẹ được ơn Vô Nhiễm ngay tứ lúc trinh thai, nhưng điều quan yếu là Mẹ đã giữ được vẻ thanh khiết vẹn toàn đó giữa môi trường đầy những cám dỗ tội lỗi, đầy những thói đời xấu xa. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta can đảm khi noi gương Mẹ sống khiêm nhu và tuân phục vô điều kiện. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta biết gìn giữ nét đẹp cao quý nơi phẩm giá làm người và làm con Chúa. Amen.
Tác giả: Lm. Phêrô Lê Hoàng Vinh
Ý kiến bạn đọc