Bài giảng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thứ năm - 15/11/2018 19:28

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B
ĐƯỢC KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT
NAM
2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Ga 17,11b-19


Anh chị em thân mến,
Mahatma Gandhi nói một câu nhắc nhở chúng ta như thế này “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là bạn hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác.

Và một tác giả khác nói với chúng ta rằng, “Khi chúng ta bước vào trong thế giới này là chúng ta có sự hiện hữu của mình, và cái hiện hữu của ta là cái hiện hữu thuộc về người khác và cho người khác.”

Thật vậy thưa anh chị em, khi chúng ta bắt đầu sự sống trong cung lòng của mẹ mình, và sự sống đó không thể từ một người mẹ mà có được, mà là từ sự kết hợp yêu thương giữa bố mẹ mà thành, và chúng ta có sự sống đó trong cung lòng của người mẹ chúng ta. Và kể từ giây phút đó, cái hiện hữu của chúng ta xuất hiện đầu tiên đó, nó đã là một hiện hữu thuộc về, và sự hiện hữu thuộc về đó không ngừng được nuôi dưỡng bởi chính bố mẹ của chúng ta. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta bắt đầu ý thức và bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta lại diễn tả sự hiện hữu của chúng ta bằng cách cho đi khi chúng ta hiểu thế nào là yêu.

Cho nên thưa anh chị em, khi chúng ta thuộc về và bắt đầu đi vào sự trao hiến thì chúng ta quên đi chính mình, khi chúng ta quên chính mình để phục vụ người khác thì chúng ta lại gặp được chính con người mình thật sự, như R. Tagore đã cảm nghiệm. “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là thú vui. Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám phá thấy phục vụ chính là hạnh phúc”.

Nếu có dịp vào Sài Gòn, chúng ta không khó để tìm một quán cơm với giá 2.000 đồng dành cho những người lao động nghèo, và chúng ta cũng không khó tìm những tủ bánh mì miễn phí dành cho những người không có cái ăn, và thấp thoáng chúng ta cũng có thể thấy được những bình trà đá miễn phí bày trên vỉa hè, người đi đường có thể ghé vào, tự nhiên uống cốc nước nghĩa tình, mát cổ họng nhưng ấm lòng người....Vâng, những điều ấy thật đẹp, đẹp là vì cái nghĩa cử và tấm lòng của những con người phục vụ người khác một cách vô vị lợi, biết nghĩ đến người khác, biết cho đi như lời bài hát ‘Bài Ca Phục Vụ’ của linh mục nhạc sĩ Mi Trầm với ca từ thật hay và sâu lắng “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ…..”

Cách đây hơn một tháng, có một bạn ở Sài Gòn gọi điện thoại chia sẻ với tôi như thế này. Thưa cha, con cũng muốn cho người nghèo, cho những người ăn xin…. nhưng mà con thấy nghi ngờ quá…Vì thế, khi con gặp họ con đã làm ngơ và bỏ đi.. nghe xong, tôi chia s với bạn trẻ đấy như thế này.

Khi bạn giúp đỡ được gì cho ai thì bạn hãy làm, vì lúc ấy lời mời gọi của Chúa và lương tâm của một con người biết nghĩ, biết chia sẻ và biết sống cho người khác, bạn cứ làm. Còn trách nhiệm về lương tâm, nếu người anh chị em đấy, người tha nhân đấy xin không đúng, hoặc là sử dụng, hoặc là lợi dụng lòng tốt của chúng ta là do chính lương tâm của họ sẽ xét đoán chính họ. Còn chúng ta có cơ hội làm việc tốt, có cơ hội chia sẻ, có cơ hội để hiến dâng, để phục vụ, để sống đẹp thì chúng ta cứ sống và cứ làm.

Điều ấy, ngày hôm nay chúng ta thấy trong bài đọc một, người mẹ đã dạy cho những người con của mình biết giữ lấy sự sống nào là sự sống thật. Vì thật ra trong cuộc sống có những khi chúng ta tham sống sợ chết, và dường như nó là một cái gì đấy tự nhiên của con người, như câu chuyện dưới đây chúng ta vẫn thường được nghe kể như thế này.

Có một vận động viên đang tập luyện leo núi để tham dự cuộc thi Olympic. Trong khi tập luyện, bỗng nhiên anh bị tuột tay anh ta rơi xuống trên vách núi cheo leo. Trong lúc anh chới với thì anh ta vớ được một rễ cây nó chọc ra bên ngoài phía vách núi, và đó như là một tấm phao cứu sinh cho anh. Anh ta là một người không có đức tin, trong lúc tuyệt vọng như vậy anh mới hô lên, nói rất lớn “Lạy Thượng Đế, Ngài có thật không xin cứu tôi với”.
 
Lần thứ nhất không có ai trả lời, tiếng của anh ta hô lên nó vọng vào vách núi và nó trở ngược lại với anh.

Lần thứ hai, anh dùng hết sức mạnh mà mình có để nói to hơn nữa “Lạy Thượng Đế, nếu Ngài có thật xin cứu tôi với” cũng là một tiếng vọng lại từ chính câu nói của anh.

Và lần thứ ba, sau khi anh hô lên “Lạy Thượng Đế, nếu Ngài có thật xin cứu tôi với” bỗng anh nghe một tiếng thì thầm bên tai của mình “Có Ta đây, con có tin vào Ta không ?” chàng vận động viên lin nói rất rõ “Con tin chứ, lúc này là lúc nào mà con còn không tin vào Ngài” bỗng nhiên tiếng nói ấy vang lên “Nếu con tin Ta thì con hãy buông tay con ra”. Chàng vận động viên nói ngay và trả lời một cách dứt khoát “Ngu à...

Kính thưa anh chị em,
Đối với anh ta lúc này đức tin không còn ý nghĩa gì nữa, dù ba lần trước đấy anh thốt lên “Lạy Thượng Đế, nếu Ngài có thật xin cứu tôi với để tôi tin vào Ngài” Nhưng khi Thượng Đế mời gọi anh hãy buông tay ra, thì anh không buông, vì đây là cái chết mà anh ta thấy trước mắt nếu anh buông tay ra. Cũng như người mẹ trong bài đọc một đã dạy những người con của mình rằng “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." (2 Mcb 7, 22-23).

Sự sống mà chúng ta đang có, chúng ta đang cầm giữ, chúng ta đang sở hữu, nếu chúng ta nghĩ nó là do chúng ta, nó thuộc về quyền của chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ giữ lấy sự sống ấy. Còn nếu chúng ta hiểu được rằng, sự sống ấy là do bởi Thiên Chúa trao gửi cho chúng ta, do bởi Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, thì chúng ta cứ nghĩ đi, Ngài đã ban cho chúng ta sự sống như thế này thì chắc chắn Ngài sẽ ban một sự sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, vĩnh cửu hơn. Đó là một cách giáo dục đức tin của người mẹ thật tuyệt vời phải không thưa anh chị em ?

Sang bài đọc hai, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rô-ma đã mời gọi chúng ta hãy nhìn cách mà Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài luôn luôn là Đấng đi bước trước trong tình nghĩa với con người, ngay như Con Một của mình Thiên Chúa còn chẳng tha để trao ban cho nhân loại, ngay như hành trình Thập Giá đầy gian khổ, đầy sự cô đơn mà Con Thiên Chúa vẫn cứ bước vào. “Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,31b-32).

Thiên Chúa có thể làm nhiều phép lạ với Người, nhưng mà tôi nghĩ Thiên Chúa có một phép lạ duy nhất Ngài làm, đó chính là Ngài chấp nhận chết để con người được sống và sống dồi dào, đấy là cách mà Thiên Chúa sống cho người khác, sống vì người khác và sống cho người khác.

Vậy thì thưa anh chị em, một khi chúng ta dám sống điều ấy, thì không có một thế lực nào của trần gian này có thể tách chúng ta ra khỏi tình nghĩa với Thiên Chúa và với tha nhân, đó là điều mà thánh Phaolô đã xác tín. “Tôi tin chắc rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Và bài tin mừng hôm nay nằm trong mạch văn lời cầu nguyện Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, “Lạy Cha chí thánh…, Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”(Ga 17,15-19)

 Cái sự thật ấy là sự thật của những con người biết sống cho đi, những con người biết sống hiến dâng cho một ý nghĩa lớn hơn, cho một mục đích cao đẹp hơn và biết hy sinh bản thân mình để cho người khác được sống và sống dồi dào. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã hướng dẫn, đã dạy bảo, đã tâm tình với các môn đệ, và cũng là điều mà Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và cũng là con đường mà Ngài đã đi trọn cho đến cùng để yêu thương nhân loại này cho đến cùng, ngay cả khi chúng ta đang còn là những tội nhân. Họa chăng, chỉ có một người chết thay cho một người lương thiện hay là một người chết thay cho người công chính. Còn đây, Thiên Chúa lại sẵn sàng chết thay cho nhân loại chúng ta ngay cả khi chúng ta đang còn là những tội nhân, và ngay trong giờ phút thập tử nhất sinh ấy, Chúa Giêsu không nghĩ cho bản thân mình mà Ngài vẫn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).

Đó là những cách sống đẹp, và đó là những cái chết đẹp mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm các bậc tiền nhân đã sống đẹp như thế, và cũng đã chết đẹp như thế trong việc tuyên xưng đức tin và làm chứng tình yêu cho Thiên Chúa ngay trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này.

Năm nay, Giáo hội Việt Nam đã công bố mở Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 30 năm biến cố lịch sử trọng đại này (19.6.1988 và đến năm nay 2018). Năm thánh khai mạc vào ngày 19.6.2018 (ngày tuyên phong 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam) và Bế mạc vào ngày 24.11.2018, ngày Lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong năm lịch phụng vụ. Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài là ai ?

Xin thưa, các ngài là những con người giống như chúng ta, với những yếu đuối và bất toàn, cũng tham sống sợ chết. Thế nhưng, các ngài xác định rằng, cuộc sống trần gian này rồi sẽ qua đi, thiên đàng mới là sự sống vĩnh cửu, là quê hương, là cùng đích. Cho nên, khi cần bảo vệ đức tin, khi cần bảo vệ danh thánh Chúa, là các ngài sẵn sàng hy sinh cho đến giọt máu cuối cùng, và các ngài biết rằng khi các ngài nằm xuống, những giọt máu của các ngài đổ xuống trên mảnh đất Việt Nam này sẽ sinh nhiều bông lúa đức tin mọc lên. Các Ngài chỉ cho chúng ta thấy một con đường, con đường đấy là con đường thuộc về Thiên Chúa, con đường đấy là con đường dành cho những con người sẵn sàng biết hiến dâng cuộc đời để trở nên một lễ vật tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa, cho tha nhân, cho bạn hữu, cho những người thân yêu của các ngài, đó là một của lễ đẹp, đó là một cuộc đời đẹp, và đó là những cách làm chứng đẹp trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chiêm ngắm các ngài, chúng ta tôn vinh các ngài, nhưng đồng thời chúng ta cũng được mời gọi, được sống một cuộc đời giống như thế trong đời sống đức tin của chúng ta mỗi ngày.

Có lẽ ngày hôm nay sẽ không có nhiều cuộc tử đạo đổ máu như các anh hùng tử đạo ngày xưa, nhưng là những chọn lựa để sống tốt, những chọn lựa để sống một cách hiến dâng, chia sẻ và phục vụ cho người khác, đó là những lời mời gọi để chúng ta dám chấp nhận những cuộc tử đạo nhỏ mỗi ngày, trong mỗi suy nghĩ, trong mỗi chọn lựa của chúng ta. Một khi chúng ta dám sống điều ấy, là một lời tạ ơn, là một lời tri ân thật đẹp mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, và cũng là một lời cảm ơn chân thành đến các bậc tiền nhân mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng ta mừng kính hôm nay, giúp cho chúng ta biết sống đức tin mỗi ngày một ý nghĩa hơn, biết sống một cuộc đời đẹp, biết sống một đời sống hiến dâng đẹp trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận những cái chết đẹp trong cuộc sống chúng ta, chết cho Thiên Chúa và chết cho tha nhân, như Đức Giêsu đã yêu thương và chết vì chúng ta. Amen.

Tác giả: Lm. Matthia Võ Nhân Thọ 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây