Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XVII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 20/07/2016 18:24
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
St 18, 20 – 32 / Col 2, 12 – 14 / Lc 11, 1 - 13

Cầu nguyện là nhu cầu cần thiết và tất yếu của bất cứ một tôn giáo nào. Khi đề cập đến nhu cầu tất yếu đó, các nhà tu đức thường sánh ví về nhu cầu thiết thực của đời sống cầu nguyện này “ như cá với nước ”. Thực vậy! Con người gồm thực thể: xác – hồn. Xác có nhu cầu bao nhiêu thì tinh thần cũng vậy. Đời sống tinh thần hay đời sống nội tâm mà không hít thở những dưỡng khí tinh thần như “ cầu nguyện ” chẳng hạn, có thể nói được như cá rời nước, như cành lìa cây. Thánh Gioan Kim Khẩu xác quyết như vậy: “ Xác không hồn là xác chết. Cũng thế, linh hồn không siêng năng cầu nguyện thì linh hồn cũng chẳng sống được ”. Trong câu chuyện của Thánh Luca kể về việc hai chị em Matta và Maria ở Bêtania đón tiếp Chúa vào nhà mà chúng ta đã được nghe trong Chúa nhật 16 thường niên vừa qua: Chị Matta thì quá bận rộn để lo lắng cho việc phục vụ thượng khách là Chúa Giêsu đến nhà. Nhưng ta không thấy Chúa khen ngợi gì đến chị, mà trái lại dường như Ngài đề cao và khen ngợi cô Maria. Cô Maria là người đã “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. ( Lc 10, 40 – 42 ). Khi đọc câu chuyện đó, ta cảm được Chúa Giêsu là Con Người của cầu nguyện. Và để đáp lại lòng mong mõi thao thức hết sức cần thiết của các môn đệ, khi các ông xin Người chỉ dạy cho việc cầu nguyện: “Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy các môn đệ của ông cầu nguyện ”( Lc 11. 1 ). Chúa Giêsu đã đạy cho các môn đệ của Ngài cầu nguyện “ Kinh Lạy Cha ” và sau đó Ngài dùng dụ ngôn: “ tình bạn hữu vay bánh trong lúc ngặt nghèo ” ( Lc 11, 5 – 8 ) như để khích lệ các ông trong bất cứ mọi công việc, mọi thử thách gian nan, mọi gánh nặng phải đương đầu đối phó…Tất cả phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc “ cầu nguyện ” và phải “ kiên trì trong việc cầu nguyện ”. Muốn có tâm tình cầu nguyện và kiên trì cầu nguyện không ngừng, chúng ta cũng cần khái quát sơ lược về Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy.

1. Kinh Lạy Cha:   

Kinh “ Lạy Cha ” là một lời cầu nguyện tuyệt vời, một lời kinh rất hiện thực và rất sống động về cầu nguyện của chính Chúa Giêsu. Khi dạy cho các môn đệ cầu nguyện, thì Ngài muốn các ông cũng như mỗi chúng ta đến với Cha của Ngài cũng là là Cha của chúng ta một cách gần gũi như người cha trong gia đình. Và còn hơn thế nữa, mọi nhu cầu cần thiết của cuộc sống lữ hành dương thế, tất cả chúng ta đều có Cha lo cho tất cả. Kể cả cơm ăn áo mặc Người cũng lo cho.  “ Anh em hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao. ” ( Mt 6, 26 ). Còn gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng: khi giữa chúng ta và Thiên Chúa quá thật gần gũi, khi giữa chúng ta và Thiên Chúa không còn là xa cách ngàn trùng như trong thời Cựu ước nữa, bởi danh xưng để gọi Thiên Chúa là “ Cha ” cũng chưa được rõ ràng. Mà trái lại trong thời Tân ước qua Đức Giêsu và nhờ Ngài mà tất cả chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Abba! Cha ơi! Thiên Chúa thực sự là Cha chúng ta, vì thực tế chúng ta là con của Ngài. ( 1 Ga 3,1). 
Kinh “ Lạy Cha ” theo Thánh Tôma Aquinô gọi kinh này là “ lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất ”. Còn Tertulianô gọi kinh này là “ Bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng ”. Quả thật là tuyệt hảo! và đúng là bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng trong đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu Kitô -  Đấng cứu Chúa chúng ta. Bởi nội dung của lời kinh như gồm tóm tất cả và hướng về hai chiều kích rõ ràng. Toàn bộ kinh Lạy Cha gồm 7 lời nguyện. Ba lời nguyện đầu tiên hướng về chiều dọc, chiều kích thứ nhất, tức là hướng về ý nguyện tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa là Cha.
Ba lời nguyện đầu mà Chúa Giêsu dạy để chúng ta thân thưa với Thiên Chúa là Cha, cũng là ba điều con cái nài xin Cha ban để con người biết thờ phượng Ngài trong tinh thần và trong chân lý đích thực: Lạy Cha! Chúng con nguyện cho danh Cha cả sáng – Nước Cha trị đến – Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Bốn lời nguyện sau hướng về chiều ngang, chiều kích thứ hai, tức là hướng về cuộc sống con người đang lữ hành ở trần gian với những cơm ăn áo mặc, với những nợ nần, với những khiếm khuyết bất ưng, với những sự dữ và khốn khó cần phải đương đầu: Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày – Và tha nợ chúng con – như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con – Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. 

2. Kinh Lạy Cha: tâm tình cầu nguyện

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dạy các môn đệ bắt đầu bằng một tiếng gọi thân mật đến độ sửng sốt: “Abba, lạy Cha”. Thật lạ lùng! Ngoài đời sống thể xác, con người còn có đời sống nội tâm. Con người không chỉ mãi mê bằng đôi chân đạp đất, mà còn có thể ngẩng cao đầu để gọi Trời Cao bằng tiếng gọi thân thương: Lạy Cha. Đó là lời thưa gói ghém tất cả tâm tình của một người con hiếu thảo.
Khi dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu cho thấy tất cả sự chân thành âu yếm, sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con người. Đấng cao cả ngàn trùng bỗng trở nên thật gần, khiến con người có thể dễ dàng tỏ bày tâm can. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng cho thấy chúng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa Cha với tư cách người con “ nhờ Người, với  Người và trong Người ”. Điều đó có nghĩa “ cầu nguyện ” là sống lại cuộc sống của Chúa Giêsu, là đi vào tâm tình của Người. Bởi vì chỉ có Chúa Giêsu mới biết rõ Chúa Cha và chỉ có Ngài mới cho chúng ta biết phải đi vào quan hệ với Thiên Chúa Cha như thế nào cho phải đạo làm con. Khi chú giải “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”, thánh Cyprianô nói: “Khi chúng ta cầu nguyện, ước gì Chúa Cha nhận ra lời của Chúa Con”.
Tuy nhiên, đây không phải là một công thức bó buộc phải đọc y nguyên, cách máy móc. Kinh Lạy Cha dạy cho chúng ta biết đâu là điều cốt yếu khi cầu nguyện, phải bắt đầu từ đâu, cầu theo ý hướng nào và giúp ta có thể tự cầu nguyện. Kinh Lạy Cha tóm lược rõ ràng những điều cần thiết mà người con phải xin cùng cha, đó là mong cho mọi người khác biết và yêu mến Cha; kế đó là xin cho đời sống vật chất và tinh thần của con người được đầy đủ và bình an. Người con nào đến với cha chỉ để xin xỏ những nhu cầu riêng tư mà chẳng màng đến việc “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” thì người con ấy quả là cầu nguyện chưa có tâm tình chút nào. Ấy vậy mà vẫn có rất nhiều người thường làm như thế.
Mong sao cho mọi người nhận biết Cha nói lên tấm lòng hiếu thảo của người con luôn quan tâm, chăm lo đến những công việc thuộc về cha của mình. Một người con hiếu thảo như thế sẽ không ngần ngại bày tỏ với cha những nhu cầu chính đáng về phần xác cũng như phần hồn. Cơm bánh là lương thực nuôi thân xác, ân sủng mới đem lại sức sống tâm linh. Chính những lúc nép mình bên cha để tìm sự ấm áp nâng đỡ, người con mới thấy mình có đủ nghị lực để đối mặt với bao khó khăn trong đời. Chỉ từ nơi Cha, con người mới nhận được sức sống dồi dào, bởi được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưng với Chúa Cha bằng đại từ số nhiều chứ không phải số ít: “ chúng con ”. Điều này cho thấy con người không chỉ có Thiên Chúa là Cha mà còn được mời gọi liên kết với nhau trong mối dây huynh đệ. Được ngẩng cao đầu nhìn trời, con người cũng phải vươn cái nhìn của mình để nhận ra hình ảnh của Cha đang ẩn giấu trong những người chung quanh. Khi thưa “Lạy Cha” mỗi người cần phải ý thức rằng “người trong bốn bể đều là anh em”, vì họ cũng là con cái Thiên Chúa. Trong xã hội phát triển ngày nay, khi cuộc sống được nâng cao thì hình như con người càng xa cách nhau hơn. Ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình hay gia đình mình mà quên đi trách nhiệm liên đới với người khác. Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã mang lấy tất cả tội lỗi chúng ta, Người muốn rằng mỗi người đều cầu nguyện cho tất cả. Dưới cái nhìn của Chúa, mỗi người phải đứng trong mọi người và mọi người ở trong mỗi người.

3. Kinh Lạy Cha: cầu nguyện kiên trì: “ Cứ xin thì sẽ được… ”

Khi hiểu được nội dung và khái quát của Kinh lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ và mỗi người chúng ta cầu nguyện. Với tư cách là con thảo đối với cha mẹ giàu lòng mến yêu, với tình phụ tử Cha – Con, trong một tương quan gắn liền mật thiết và gần gũi: “ cần điều gì, xin điều ấy ” “ Lòng trí nghĩ gì miệng cứ nói ra ” , miễn là điều chúng ta cầu xin một cách chính đáng và theo thánh ý của Người. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở cho chúng ta điều đó “ Cứ xin thì sẽ được ”. Điển hình, sau kinh Lạy Cha trong đoạn Tin Mừng hôm nay, người nêu lên cho chúng ta một ví dụ: “ …một người bạn vào lúc nửa đêm lại đến gõ cửa nhà của bạn mình để vay cho được 3 chiếc bánh… ”. ( Lc 11, 5 – 8 ). Dù rầy rà, khó chịu và mất ngủ của người bạn mình, nhưng anh bạn vay bánh tin chắc rằng, anh sẽ nhận được như điều anh mong ước. Điều anh mong ước là cho bạn của mình đã lỡ đường xa ghé lại nhà, đồng thời nhu cầu vay bánh của anh vì tình bạn chứ không vì mình. Song song với câu chuyện này, Người còn kể tiếp tiếp cho chúng ta nghe về hình ảnh của người Cha sẳn lòng và bằng mọi cách để đáp ứng những nhu cầu chính đáng khi con cái đang cần và tha thiết năn nỉ kêu xin. Sau đó thì có lời kết luân: “ Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ” ( Lc 11, 13 ). Những kẻ kêu xin Người là ai?
Abraham, vị tổ phụ của chúng ta được ghi lại trong bài đọc 1 của sách sáng thể hôm nay: Vì muốn cứu hai thành phố đồi trụy Sôđôma và Gômôra, Abraham đã nài nỉ liên tục van xin. Và như lời van xin của ông như có tính “ lý luận và quấy rầy ” với Chúa. Mục đích cầu khẩn và nài van của ông là cho người tội lỗi. Song, để cứu được người tội lỗi lại cần phải có người lành. Ông bắt đầu lý luận với Chúa: “Chẳng lẽ Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó hay sao? ” Những con số trong đối thoại lý luận như được giảm xuống dần dần và một loạt các câu hỏi như liên tục được nêu ra, đề rồi cuối cùng đúc kết bằng một lời thỉnh cầu : “Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ ! Xin đừng làm thế!!”. Ông Áp-ra-ham có thể chuyển cầu cho hai thành đồi trụy, vì ông biết Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót và rất mục yêu thuơng con người. Ngài yêu thương chính ông và yêu thương con người. Qua lời chuyển cầu của ông, chúng ta được biết sự hiện diện của những người lành thánh, đưa lại ơn Chúa cho mọi người xung quanh. ( St 18, 20 – 32).

4. Lời kết

Nói tóm lại, qua giáo huấn về việc cầu nguyện  và “ tâm tình cầu nguyện ” cũng như “ kiên trì trong việc cầu nguyện ” của Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ và cho mỗi một chúng ta trong kinh Lạy Cha. Giờ này đây, chúng ta cùng nhau cảm tạ ơn Chúa, vì tất cả chúng ta có người anh cả là Đức Giêsu Kitô. Đấng từ Thiên Chúa mà đến, Đấng cho ta được đồng thừa tự và kế thừa gia sản của Người. Như lời Thánh Phaolô gởi tín hữu Cô-lô-sê  trong bài đọc thứ 2 hôm nay đã nói: “ Đức Giê-su Ki-tô, người công chính đích thực với lời chuyển cầu rất thế giá. Bằng cái chết trên thập giá, Người đã trở thành Vị Trung Gian duy nhất đưa lại ơn tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta ”( Cl 2, 12 – 14 ). Với công nghiệp cao cả, Người chuyển cầu cho tất cả chúng ta mọi sự. Từ nơi Ngài, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Abba! Cha ơi! Tự nơi Ngài, chúng ta được mời gọi cầu nguyện và không ngừng cầu nguyện. Hãy cầu nguyện luôn luôn, miễn là chúng ta biết vâng phuc, khiêm tốn và lắng nghe thánh ý Chúa trong đời sống cá nhân cũng như trong bối cảnh xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay. Chớ gì chúng ta đừng để Ngài qưở trách vì thiếu lòng tin hay thiếu kiên trì cầu nguyện như các môn đệ trong việc trừ quỷ: “ Quỷ này muốn trị được chỉ có ăn chay và cầu nguyên ”( Mc 9, 29 ). Hôm nay một lần nữa sứ điệp giáo huấn của Chúa trong kinh “ Lạy Cha ” lại vang lên như nhắc nhở ta về đời sống kiên tâm cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Chúng ta hãy học cầu nguyện như Maria ở Bêtania, Khi cả hai chị em đón Chúa đến nhà. Hay như tổ phụ Abbraham kiên trì kêu xin cho hai thành phố đồi trụy Sôđôma và Gômôra tội lỗi để được Chúa thương mà sớm trở về.
Hãy kiên tâm cầu nguyện và kiên trì cầu nguyện, vì: “ Thiên Chúa ưa thích ta quấy rầy Ngài ”( Thánh Gioan Maria Vianney ). Trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót Chúa đang mở ra. Tất cả chúng ta là “ con ” hãy kiên tâm gõ cửa nhà “ Cha ”, để Cha rộng tay ban phát ơn lành cho những người khao khát chân lý đích thực và cho những người nguội lạnh trễ tràng trong trong đời sống cầu nguyện mà họ phải khập khiểng què quặt trong đời sống nội tâm.
Lạy Cha! Abba! Cha ơi! Xin cho con hằng biết cầu nguyện mỗi ngày, để đời con không bao giờ khập khiểng giữa một xã hội mà con đang sống với bao trào lưu quá thực dụng. Xin cho con hằng kiên tâm cầu nguyện để con cùng nhiều người tìm thấy thánh ý và hạnh phúc nơi Con Cha đã dạy.  Và xin cho lời nói – cử chỉ - hành động và mọi việc con làm đều làm cho “ Danh Cha cả sáng ” và “ Nước Cha trị đến ”. Amen
Tác giả bài viết: Lm.Grêgôriô Lê Văn Hiếu
Từ khóa:

Chúa Nhật XVII

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 23
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 7219
  • Tháng hiện tại: 143309
  • Tổng lượt truy cập: 12287569