Trang mới   https://gpquinhon.org

Adam, người tình lãng mạn

Đăng lúc: Thứ bảy - 11/01/2014 18:04
       


Trước tiền đường nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn trong những ngày chuẩn bị Lễ Giáng sinh, làm nền cho hang đá, tôi thấy ba trái tim kích thước lớn nhỏ khác nhau xếp thứ tự trước sau và chúng tôi nhận ra ngay ý nghĩa biểu tượng của những trái tim này: Gia Đình. Nghệ nhân không xếp các trái tim theo vòng tròn hay hàng ngang để hiểu được tính độc lập của mỗi cá vị nhưng là hòa quyện vào nhau để người xem biết rằng: Trái tim nhỏ được che chở bởi hai trái tim lớn phía sau; hai trái tim lớn chấp nhận bị che khuất để trái tim nhỏ  được lớn lên và vì là hình ảnh biểu tượng chứ nếu diễn tả một gia đình Việt Nam chắc phải thêm vài ba trái tim nhỏ nữa, lúc đó người xem sẽ khó nhận ra hai trái tim lớn phía sau dẫu biết rằng hai trái tim kia đang nhảy múa vì hạnh phúc về những trái tim nhỏ phía trước.

Nhìn hai trái tim lớn, tôi nhớ đến những câu đầu của sách sáng thế :  “Đây là xương bởi xương tôi, đây là thịt bởi thịt tôi…và cả hai nên một thân thể” (St 2,24)  của anh chàng Adam đa tình. Câu tuyên bố dõng dạc của chàng thanh niên đầu tiên của nhân loại với bạn đời của mình quả thật lãng mạn hơn cả lãng mạn, một cặp đôi hoàn hảo thời hồng hoang của địa cầu, phải chăng vì cảm nhận được tất cả  tính thơ của cặp đôi này mà linh mục Ronald Rhohheeser OMI đã viết: “Mất giấc mơ lứa đôi là mất sức sống, bị kiệt sức hay bi quan về lãng mạn là bị tước đi một trong những món quà đẹp nhất của Chúa” (Giấc mơ thân thiết – tủ sách tôi biết tôi tin). Qua Lm. Ronald Rhohheeser, chúng ta nhận ra Thiên Chúa lãng mạn hơn chúng ta quá nhiều khi Ngài chúc lành cho cặp đôi và nói với họ rằng : “Hãy sinh sôi nẩy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất” (St 2, 28).

Vâng, với giấc mơ lứa đôi, gia đình được hình thành, giấc mơ lứa đôi là tình yêu Nam Nữ  và cũng chính Tình yêu khởi nguồn từ những gặp gỡ lứa đôi này mà sự sống được vun đắp, giữ gìn. Không tình yêu, không  sự sống đồng nghĩa không có gia đình hay nói đúng hơn gia đình đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Xem quả biết cây, nhìn vào cách ứng xử đối với sự sống để biết mức độ tình yêu. Nhìn vào bãi rác Nam Sơn rộng 80 hectares ở Sóc Sơn Hà Nội để  run rẩy với nhiều thai nhi bị vứt bỏ, nhìn vào nghĩa trang Đồi Cốc với 50.000 thai nhi không gia đình cũng như nhiều tỉnh thành khác như nghĩa trang Quần Vinh (Nam Định). Nghĩa trang Anh Hài (Thừa thiên –Huế), nghĩa trang ở Pleiku – Nha trang… chúng ta hiểu được phần nào  sự mong manh của gia đình vốn là một định chế cần sự vững bền hơn hết.

Sự sống bị từ chối thì làm sao có đượcTình yêu đích thật dẫu cho hình ảnh  yêu đương ngập đầy đường phố: Nhiều lắm, nhiều đến độ lạm phát yêu, yêu đến độ  nghiện yêu, cuồng yêu, yêu mà người được yêu phát hoảng, yêu đến độ đốt cháy người mình yêu (Trần Thị Triều Tiên – Đà Nẵng  19/12/2013). Đâm xuyên tim bạn gái, chị Trần Thị Quỳnh, hôm 25/12/2013 ở Nghệ An… và nhiều cảnh đốt chồng, giết vợ  vì yêu ở nhiều nơi khác.

Câu thơ được nhắc nhiều về tình yêu trong bài Ngập Ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh: “Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở” phải chăng là biểu hiện cho sự kiệt quệ  về bản năng đời sống gia đình của ai đó  trong thế giới hưởng thụ hôm nay. Dang dở là không chấp nhận sự ràng buộc bằng sợi dây tình yêu  trong khi đó sợi dây này là quà tặng vô giá của Thượng Đế. Một số người cứ tưởng rằng: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề”, không lẽ chồng hồ sơ ly thân, ly dị nơi các tòa án ngày càng cao là dấu hiệu cho một xã hội đầy niềm vui hay sao? Khi đã sống trọn vẹn lời cam kết  yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời là buồn lắm sao?  Không lẽ chúng ta lại được sinh ra trong thế bắt buộc, trong nỗi sầu buồn của các đấng sinh thành?  Và như thế như, những ai cổ xúy cho sự dở dang chính là những người thuộc nhóm  Đức Kitô cho là lòng chai dạ đá (Mc 10, 5)  

Chai đá, cứng lòng là tác phong  của kẻ mất lòng tin, không còn cảm xúc, chẳng còn rung động như tổ tiên của họ, họ chẳng còn xem bạn đời của mình là xương mình, là thịt mình nữa… Chai đá  là thái độ của  những ai coi nhẹ lòng chung thủy, không đón nhận quy luật yêu thương của Thượng Đế: Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly (Mc 10, 9)

Hiện trạng xã hội  cho ta thấy nhiều người mệt mỏi trong đời sống gia đình, nhiều người không còn tin sự bền vững của hôn nhân, không ít những lời bình đầy tính nghi ngờ sau những đám cưới đình đám: “Để coi hạnh phúc được bao lâu?”…

Khi gặp bất hòa, sóng gió, thay vì nhớ lại lời dạy của Phaolô: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia...” ( Cl 3,12-13). Họ tự hỏi: Tại sao phải nhường nhịn, tại sao phải hy sinh, tại sao phải chịu đựng khi họ không còn muốn chung một con đường, chung một lối đi…   
  
Để cứu vớt gia đình, cần lắm một giải pháp về tình yêu như một bài báo  trên Thanh niên online mới đây đề nghị, xin trích: “ Tình yêu thương đồng loại vốn là tinh hoa văn hóa của loài người nay đang bị biến dạng trở thành hiểm họa khôn lường của xã hội. Tôn giáo có vai trò hướng con người tới một tình yêu vĩnh hằng và bất diệt nhằm cứu rỗi linh hồn và xua đuổi quỷ dữ. Nên có những buổi ngoại khóa để các bạn trẻ tìm hiểu và lựa chọn một đức tin tôn giáo để thức tỉnh lý trí tránh ngộ nhận trong tình yêu. (Yêu gì mà kinh thế của Da Ban Mai – Thanh niên online 28/12/2013)
 
Yêu em dài lâu”, một nhạc phẩm của Đức Huy tưởng như sáo ngữ  thường được dùng trong các bức thư tình  hoặc là ngôn ngữ của các đôi tình nhân nhưng nay trở thành hiện thực qua hình ảnh hai bé song sinh được sinh ra từ người cha đã qua đời hơn bốn năm trước vì tình yêu dài lâu, khi ong đã thôi làm mật, chim đã quên lối bay, họ vẫn còn yêu với một phần sự sống còn giữ lại nơi  nhà nghỉ đông lạnh (Sinh đôi từ tinh trùng của chồng quá cố  - vnexpress 29/12/2013) an ủi phần nào thay cho tờ đơn ly dị được ký ngay trong đêm tân hôn (trang Đời sống – vnn 6/1/2014), cho những đổ vỡ gia đình, cho những cạn yêu trong đời đôi lứa và như thế không phải tình mất vui khi đã vẹn câu thề nhưng là: Tình rất vui khi câu thề đã vẹn!


 
Tác giả bài viết: Trần Tuy Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

sinh ra, như thế

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 165
  • Khách viếng thăm: 70
  • Máy chủ tìm kiếm: 95
  • Hôm nay: 23291
  • Tháng hiện tại: 73551
  • Tổng lượt truy cập: 12363263