Trang mới   https://gpquinhon.org

Hội Các bà mẹ Công giáo trong chương trình mục vụ nữ giới (II)

Đăng lúc: Thứ ba - 08/10/2013 02:57
 
HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO
TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NỮ GIỚI

Lm. Giuse Trương Đình Hiền


(tiếp theo)

II. ĐỊNH HƯỚNG TỔNG QUÁT VỀ ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH NỮ GIỚI

1. Các Định hướng của Công Đồng Vatican II.
  • Công Đồng nhấn mạnh sự bình đẳng nam nữ :
Công đồng đã nhấn mạnh trong hiến Chế “Vui mừng và Hy vọng” (GS) số 9, số 29, và trong Hiến chế  “Giáo hội” (LG) số 32 về sự bình đẳng của mọi người trong xã hội và Giáo hội, mặc dầu “mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ và tinh thần như nhau”, nhưng “phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ thị vì phái tính…, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa” (GS 29). ([1])
  • Công đồng nhấn mạnh các vai trò tích cực dành riêng cho phụ nữ :
Công đồng cũng quan tâm đến vai trò tích cực của người phụ nữ trong việc dạy dỗ con cái, tuy nhiên “vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội” (GS 52). Vì thế, Công đồng khuyến khích người phụ nữ tham gia vào đời sống văn hóa: “bổn phận của tất cả mọi người là thừa nhận và cổ võ sự tham gia đặc biệt và cần thiết của nữ giới trong sinh hoạt văn hóa” (GS 60). Trong phạm vi thuộc về đời sống Giáo hội, Công đồng cũng khuyến khích nên để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào trong những lãnh vực tông đồ của Giáo hội (AA 9). Công đồng cũng chỉ ra rằng, người phụ nữ không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong phạm vi gia đình, nhưng trong các hoạt động xã hội họ cũng đóng một vai trò quan trọng, và ủng hộ việc công nhận cũng như hiện thực yêu cầu chính đáng của phụ nữ về quyền thụ hưởng văn hóa (GS 60). 

Trong thông điệp gởi cho phụ nữ vào ngày 8.12.1965, các nghị phụ  Công đồng đã bày tỏ rõ ràng về chính kiến của mình đối với phụ nữ: “Đã đến giờ, và trong giờ đó, ơn gọi của phụ nữ được thực hiện cách trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ tạo được ảnh hưởng, sự phát triển và sức mạnh trong xã hội, điều mà cho đến bây giờ họ chưa có được. Vì thế nhờ bởi tinh thần Phúc âm người phụ nữ có thể cộng tác cộng tác vào nhiều lãnh vực với ý thức về một sự thay đổi sâu rộng, hầu giúp nhân lọai đạt tới cùng đích của mình”. ([2])

2. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng về nữ giới

a). Đức Cố Giáo Hoàng – Á Thánh Gioan Phaolô II :

Nhân dịp Năm Thánh Mẫu (1988), ĐGH G.P. II đã gởi cho cộng đồng Dân Chúa Tông thư “Mulieris Dgnitatem” (Phẩm giá phụ nữ, ngày 15/8/1988). Đây có thể được coi là giáo huấn nền tảng và những chỉ dẫn mục vụ dành cho về nữ giới. Chúng ta thử điểm qua vài nội dung cốt yếu của văn kiện đặc biệt nầy :

“Phụ nữ đứng ngay ở trọng tâm của biến cố cứu độ” (số 3). “Hẳn là nữ giới không kém về khả năng so với nam giới, chỉ có điều là khác nhau thôi” (số 10). Và khi muốn ám chỉ về cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu, văn kiện viết: “Có thể thấy được rằng trong cuộc thử thách ghê gớm nhất đối với niềm tin và lòng trung thành, phụ nữ đã tỏ ra kiên cường hơn các tông đồ; trong những giây hiểm nguy, có ‘yêu mến nhiều’ thì mới vượt thắng được sợ hãi” (số 15). “Thái độ của Ðức Kitô đối với các phụ nữ củng cố và nêu rõ hơn thêm trong Thánh Thần, chân lý về sự bình đẳng giữa nam nữ. Phải nói đó là một ‘sự bình đẳng’ căn bản, bởi vì cả hai, nữ cũng như nam, đều đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa,và vì thế cả hai, trong những mức độ như nhau, đều có khả năng đón nhận ân huệ của Thiên Chúa là chân lý và tình yêu của Thánh Thần: cả hai đều có khả năng cảm nghiệm như nhau về những tác động của Thiên Chúa cứu độ và thánh hóa” (số 16), v.v. ([3])
  • Phụ nữ trong vai trò thông ban và giữ gìn sự sống :
 “Vai trò làm mẹ có một liên hệ thông hiệp đặc biệt với mầu nhiệm sự sống, khi mà sự sống ấy phát triển trong cung lòng bà….” ([4])
  • Phụ nữ, chứng nhân kiên cường :
 “Quí bà và chị em đang đứng thẳng dưới chân Thánh Giá như Đức Maria, biết bao lần trong lịch sử, quí bà và chị em đã mang lại cho người đàn ông sức mạnh để chiến đấu tới cùng, đã giúp họ làm chứng nhân ngay cả tử vì đạo. Một lần nữa xin hãy giúp họ can đảm làm những công việc lớn, đồng thời biết kiên nhẫn và biết bắt đầu bằng những công việc nhỏ” ([5])

Rồi đến năm 1995, nhân cuộc Đại hội hội phụ nữ tại Bắc Kinh trong dịp cử hành ngày quốc tế phụ nữ, Đức Thánh Cha lại viết một bức thư gởi cho Đại hội nầy.
Ở đây, xin ghi nhận điểm nhấn quan trọng của ĐTC về sự đóng góp của người phụ nữ trong các môi trường xã hội bên ngoài gia đình :

“Về vấn đề ấy, tôi muốn tỏ lòng cảm ơn cách riêng đối với những người nữ dấn thân trong các lãnh vực rất khác biệt của việc giáo dục bên ngoài gia đình: vườn trẻ, trường học, đại học, những phục vụ xã hội, những giáo xứ, những hội họp và những phong trào. Bất cứ nơi nào cần có một công trình đào tạo, người ta có thể chứng nhận sự sẵn sàng vô tận của những người nữ nỗ lực trong những quan hệ nhân bản, cách riêng vì những kẻ yếu kém nhất và những kẻ không được bảo vệ. Trong hành động này, những người nữ hoàn thành một hình thức mẫu tính yêu đương, văn hoá và thiêng liêng, có một giá trị thật vô giá do những hiệu quả trên sự phát triễn con người và tương lai xã hội. và làm sao không nhắc tới ở đây chứng từ của nhiều người nữ công giáo và của nhiều Hội Dòng nữ tu mà, trong nhiều vùng khác biệt, đã lấy việc giáo dục, nhất là giáo dục những thanh niên và thiếu nữ trẻ, làm sinh hoạt chính của mình. ([6])

b). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI :
  • Vai trò giáo dục không thể thay thế :
“Những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa. Ðặc biệt, các ngài có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin Kitô” ([7])

c). Đức Giáo Hoàng Phanxicô
  • Đức Maria mẫu gương và điểm quy chiếu cho mọi người nữ :
« Tôi muốn nhắc đến ngày kỷ niệm 25 năm Tông Thư Mulieris Dignitatem, của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ. Tài liệu này rất phong phú các nhận xét đáng được nhắc lại và triển khai; và ở nơi nguồn gốc của tất cả điều này, có hình ảnh Đức Mẹ Maria; quả vậy, tài liệu này được đưa ra nhân dịp Năm Thánh Đức Mẹ. Chúng ta hãy coi lời nguyện cuối văn kiện này như lời khẩn cầu của chúng ta (x. Md, số 31), để khi chiêm niệm mầu nhiệm Thánh Kinh về người phụ nữ, cô đọng trong Đức Maria, tất cả mọi người phụ nữ thấy được chính mình trong đó, và tìm thấy được sự vẹn toàn của ơn gọi của họ và để đào sâu và hiểu thấu ngày càng nhiều hơn, trong toàn Giáo Hội, vai trò to lớn và quan trọng của người phụ nữ ! » ([8])

3. Các hướng dẫn mục vụ khác…
  • Những quy định của giáo luật liên quan đến nữ giới :
Bộ luật CIC / 1983 đã thay đổi quan niệm cũ, cho phép người phụ nữ tham dự tích cực vào công việc phuc vụ Phụng vụ. Người phụ nữ được nhận nhiệm vụ đọc sách, chú giải hay ca trưởng hoặc các công tác khác (c. 230 § 2).Người phụ nữ cũng có thể hướng dẫn giờ kinh Phụng vụ, trao ban Bí tích Thánh Tẩy và trao ban Thánh Thể như thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường (c. 230 § 3). Có thể được Hội Đồng Giám Mục chấp thuận và Tòa Thánh ban phép chứng hôn khi nhu cầu cần (c. 1112) và có thể ban một số Á bí tích (1168). Nếu thiếu linh mục, người phụ nữ cũng có thể được phép đảm nhiệm một số công tác mục vụ (c 517 § 2).Ngoài ra người phụ nữ cón có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán trong các Tòa án Giáo hội (c. 1421 § 2) hoặc là làm phụ thẩm hay dự thẩm (cc. 1424, 1428). ([9])
  • Giáo huấn của Chủ chăn giáo phận Qui Nhơn :
“Các chị em thân mến, theo lời dạy của Giáo Hội là mẹ hiền của chúng ta, các chị em hãy cố gắng đáp lại ơn gọi làm mẹ mà Thiên Chúa đã gởi đến các chị em trong ngày thành hôn. Nhơ ân sủng của bí tích hôn phối, các chị em đã nhận được đặc ân và sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con cái. Để tạo được bầu khí ấm áp cho hạt giống đức tin có thể đâm chồi nẩy lộc nơi con cái, các chị em hãy luôn luôn là vợ hiền đối với chồng và mẹ hiền đối với con cái. Hãy thể hiện những đức tính cao quí của người phụ nữ như hoa trái của đức tin nơi chính bản thân mình và như phương tiện hữu hiệu để thông truyền đức tin ấy cho con cai.” ([10])

III. CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ NỮ GIỚI.

Sau khi đã có một cái nhìn tổng thể về thực trạng và vai trò của nữ giới trong cuộc sống xã hội cũng như Giáo Hội, giờ đây chúng ta thử phác họa đôi nét cho chương trình mục vụ nữ giới.

1. Nữ giới tham gia vào các sinh hoạt mục vụ giáo xứ, giáo phận :

- Trong cơ cấu tổ chức và điều hành mục vụ (HĐGX, BHG…)
- Trong các loại hình sinh hoạt mục vụ : Phụng vụ, huấn giáo, truyền giáo, bác ái…

2. Kế hoạch mục vụ thường xuyên dành cho nữ giới :

- Tĩnh tâm, tĩnh huấn, huấn luyện chuyên đề…
- Các sinh hoạt truyền thống (Monica, ngày Mother’ Day, quốc tế phụ nữ 8/3…)

3. Hình thành hội đoàn chuyên về nữ giới : HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO

- Kế hoạch thực hiện : Lựa chọn các thành viên hạt nhân
- Chuẩn bị tư liệu và chọn thời điểm thích hợp.
- Chính thức thành lập và đưa vào sinh hoạt mục vụ giáo xứ.

IV. GIỚI THIỆU HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO :

A. LỊCH SỬ THÀNH LẬP :

Hội các bà mẹ Công Giáo được thành lập tại Lille, miền bắc nước Pháp vào tháng 5-1850, sau đến Paris và lan rộng khắp năm châu. Năm 1955 hội bám rễ sâu vào miền nam Việt Nam. Và cho đến ngày 18/12/1958 Hội Các Bà Mẹ Công Giáo được chính thức sát nhập vào Trung Ương tại BaLê.

Các Đức Giáo Hoàng gần đây rất thiết tha và cổ vũ cho hội Các Bà Mẹ phát triển. Đức Giáo Hoàng Piô IX ra chiếu thư cho phép thành lập tổng hội, có quyền sát nhập các hội viên cùng tên và cùng mục đích (11-3-1856). Đức Léo XIII chấp nhận cho các Giám mục tự do lập hội CBMCG trong các thôn xóm, phố phường (26-5-1898). Và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chấp nhận ban phép lành Tòa thánh và ơn toàn xá trong giờ lâm tử (26-8-1960).

Buổi họp đầu tiên, một số bà mẹ Công giáo ở Lille đã quì dưới chân Đức Mẹ phó dâng những đứa con hư hỏng và xin nâng đỡ, ủi an giáo dục. Sau một thời gian, các bà rất vui mừng gặp nhau loan báo tin vui về sự tiến bộ và thay đổi con mình. Sự kiên trì đọc kinh cầu nguyện của thánh Monica, đă là gương sáng cho các bà mẹ. Người con là thánh Augustino, vị Giám mục đã trỡ nên nhiệt thành trong Giáo Hội.

B. MỤC ĐÍCH:

Mục đích của hội là thánh hóa bản thân bằng lời cầu nguyện, hun đúc đức tin vững mạnh, kết hợp với Chúa và trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Tự rèn luyện đức tính siêng năng, dịu hiền, nhẫn nại và quảng đại. Thánh hóa gia đình qua đời sống gương mẫu, đạo đức và giáo dục. Chồng con và cả gia đình sống hòa thuận hạnh phúc và yêu thương. Cùng nhau sống đạo thật tốt. Cải hóa xã hội nhờ công tác xã hội và thực hiện bác ái. Đời sống đạo của bà mẹ Công Giáo là "đèn sáng, và muối men" giữa đời, dẫn lối người khác về với ánh sáng Tin Mừng.

C. TỔ CHỨC – SINH HOẠT :

Hội CBMCG Việt Nam chọn thánh Monica làm quan thầy (đ.18,2). Cờ đoàn thêu một bên ảnh Đức Mẹ Sion, một bên có hình thánh Monica và thánh Augustino. Biểu dương sự nhẫn nại hy sinh, lòng ưu ái của mẹ với con. Phù hiệu của hội viên đeo ảnh Đức Mẹ Ban Ơn bằng giây vải xanh da trời, thường đeo cổ bên ngoài áo dài trắng. Khăn quàng màu xanh tươi. Màu xanh chỉ đức nết na của người mẹ Việt Nam đạo hạnh và thuần thục (đ. 20).

Trong khuôn khổ giáo xứ, một năm hội tổ chức tĩnh tâm một lần (đ. 18,3). Hàng tháng, hội viên họp nhau một lần vào Chúa nhật đầu tháng, dưới sự hướng dẫn của Cha Tuyên úy. Nội dung gồm các mục chính: cầu nguyện, phúc trình công tác, chia sẻ Phúc âm, nghe huấn từ và kết thúc bằng chầu Mình Thánh Chúa. Trong ngày, hội viên đọc kinh theo thủ bản (đ. 17).

Trong tuần, tùy theo khả năng và điều kiện, các bà giúp điều hành văn phòng giáo xứ, phát hành báo chí, thăm viếng bệnh nhân, mời các Linh mục đi kẻ liệt. ([1])

D. MỘT SỐ ĐIỀU CỐT YẾU CỦA THỦ BẢN ([2]):

1. Mục đích của hội

Điều I. Mục đích của Hội là gia tăng các ân sủng cho CBMCG.Để đạt mục đích ấy,lòng các bà mẹ phải hợp với Trái Tim Vẹn sạch Đức Bà Maria,phải cùng nhau chung hiệp các nguyện vọng,các âu lo,các lời cầu khẩn để xin Chúa phước lành cho con cháu và gia đình.
Điều III : Mỗi tháng họp ít nhất một lần trong những ngày lễ ĐGH ban đại xá. Những ngày ấy, các bà dự lễ dâng theo ý xin. Nghe giảng trong hoặc sau lễ. Trong các buổi họp ấy, khuyên mọi người chung lời cầu nguyện theo ý những ai đặc biệt xin Hội đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính mừng.
Điều IV : Điều kiện gia nhập để nhờ ơn ích :
  - Ghi tên thánh, tên gọi vào sổ CBMCG
  - Mỗi ngày đọc kinh riêng của Hội.
  - Mỗi tháng rước lễ 1 lần theo ý CBM Hội viên.
  - Đi Hội hàng tháng.
Điều V: Ngày gia nhập, yêu cầu Hội viên tự nguyện tặng một số tiền để xin lễ theo ý CBM xin và làm việc bác ái.

2. ÂN HUỆ HỘI VIÊN ĐƯỢC NHỜ

  • 12 ngày Lễ Đức Giáo Hoàng ban Đại Xá cho Hội viên:
Tháng 1: Lễ Hiển Linh
Tháng 2: Lễ Đức Mẹ dâng Con vào đền thánh
Tháng 3: Lễ Thánh cả Giuse
Tháng 4: Lễ cảm thương Đức Mẹ
Tháng 5: Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth
Tháng 6: Lễ Thánh Luy Gonzaga
Tháng 7: Lễ Thánh Anna thân mẫu Đức Bà.
Tháng 8: Lễ Thánh Monica và Augustino
Tháng 9: Lễ Bảy sự thương khó Đức Mẹ
Tháng 10: Lễ các Thánh Thiên thần hộ thủ
Tháng 11: Tuần lễ Chư Thánh và các Linh Hồn.
Tháng 12: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
 

  • Ngày 30.12.1921 ĐGH còn ban ơn Đại Xá cho CBM ngày vào Hội và giờ dọn tới tòa Chúa phán xét.
 
  • Ơn Tiểu Xá
 -Nhờ Tiểu xá 7 năm 7 mùa mỗi lần dự Hội hàng tháng và mỗi lần viếng bàn thờ của Hội đặt tại Họ mình.
  -Nhờ 300 ngày Tiểu Xá mỗi ngày một lần đọc kinh riêng của Hội.

3 .  HỘI VIÊN GIA NHẬP

Điều XV. – Các Bà đã lập gia đình, đặc biệt là các Bà Mẹ trẻ và quý chị chuẩn bị hôn nhân nên sốt sắng ghi tên vào Hội với một niềm tin tưởng :
1/ Để cùng nhau học hỏi, chung lời cầu nguyện xin ơn thánh hóa bản thân, trở nên những người mẹ đảm đương gương mẫu mà tất cả gia đình đều hướng về.
2/ Để cùng chung sức đắp xây những tòa nhà tinh thần hùng mạnh, mà xã hội cần nương tựa vào đấy.
3/ Để góp công gây một lực lượng đạo đức sâu rộng, toàn những người mẹ hiền đi tiên phong điều khiển bắt nguồn từ trung tâm gia đình.
4/ Để quyết một lòng củng cố và duy trì nền tảng gia đình là nơi mẹ hát con, mẹ khóc con cùng đào tạo những phần tử hữu ích.
5/ Để bảo tồn con tim của người mẹ thánh, dù đi phương trời nào, dù ở địa vị nào, con cháu chẳng hề lãng quên công ơn cao cả của người mẹ.

4 . SINH HOẠT CỦA HỘI

Đấng Bản quyền dạy chọn Thánh nữ Mônica làm quan thầy, vì nhận thấy đời sống quá đau khổ của Thánh nữ này rất am hạp với thảm cảnh bà mẹ gia đìnhViệt Nam, một phần không nhỏ.
Điều XVI : Ngoài vấn đề tu thân và giáo dục con cháu theo tinh thần phúc âm, Hội CBMCG còn chú tâm đến hai điểm chính yếu này.
a. Hoạt động tông đồ :
Mỗi Hội viên tuỳ khả năng và hoàn cảnh gia đình,tận tuỵ giúp linh mục dạy giáo lý, rửa tội cần kíp cho trẻ con hoặc người lớn gần chết,rước cha đi kẻ liệt và giúp họ trong giờ sau hết.
Nuôi chủng sinh nghèo, phục vụ họ đạo,thêu may đồ lễ và vui lòng phụng sự tùy bề trên định đoạt.
b. Hoạt động xã hội.
Ai ai cũng công nhận nơi nào vắng bóng người mẹ nơi ấy còn âu sầu đau khổ.Vì thế Các bà còn tuỳ sức giúp đỡ cô nhi quả phụ, gia đình đông con túng thiếu, các viện dưỡng lão,thương binh .Tóm lại,nơi nào lâm nạn đau khổ thì các bà đến thăm viếng với của ít lòng nhiều.
5/. CBMCG VIỆT NAM- THÁNH MÔNICA QUAN THẦY.
Đấng Bản quyền dạy chọn Thánh nữ Mônica  làm quan Thầy, vì nhận thấy đời sống quá đau khổ của Thánh Nữ rất am hạp với thảm cảnh bà mẹ gia đình Việt Nam, một phần không nhỏ.
Thường niên, để chuẩn bị sốt sắng mừng lễ Quan Thầy, Hội tổ chức Tĩnh Tâm 3 ngày, đoạn bầu BCH mới 

6/.CHƯƠNG TRÌNH BCH TUYÊN THỆ.

Cha phụ trách: Chiếu theo điều lệ và Hội Đồng Bầu Cử, các bà sau đây đắc cử các chức vụ trong BCH nhiệm kỳ : ………………
(đọc danh sách, các bà có tên lên xếp hàng trước cờ Đoàn)
Cha Giám Đốc : Trước khi nhận chị em vào BCH Hội CBMCG, chị em hãy long trọng tuyên thệ trung thành với chức vụ :
-Bà Hội Trưởng có quyền điều khiển Hội, lo lắng cho Hội hưng thịnh và sốt sắng, phải ăn ở đạo dức thánh thiện, hiền lành nhưng cương quyết, sốt sắng nhưng khôn ngoan.
-Bà Phó Hội trưởng phải thực tình cộng tác với Hội trưởng, ăn ở mẫu mực gương sáng, tận tụy giúp đỡ Hội.
  -Các Bà cố vấn có trách nhiệm giúp đỡ ban trị sự điều khiển Hội, phải nêu cao gương thánh thiện, đức khôn ngoan.
  -Bà thư ký phải cộng tác chặt chẽ với chánh phó Hội trưởng, giữ gìn sổ sách giấy tờ cho cẩn thận, sang suốt và trung tín, kín dạ mực thước và thánh thiện.
-Bà thủ quỹ có nhiệm vụ giữ gìn quỹ của Hội , phải trung thành công tâm, chăm chỉ làm việc lợi ích cho Hội.
-Tất cả các chị em có hứa trung thành với chức vụ không?
(Chánh phó quỳ cầm cờ Đoàn, các bà khác quỳ đọc chung lời tuyên thệ):
-Nhờ ơn Chúa giúp, Mẹ Maria phù hộ, vì danh dự lá cờ Hội CBMCG, chúng con toàn thể tân Ban chấp hành xin thề hứa trung thành với chức vụ.
-Cha Giám Đốc : Cha nhân danh Tổng Hội CBMCG chúng nhận lời tuyên thệ của Tân BCH và trao cho chị em lá cờ đoàn tiêu biểu việc trao quyền bính điều khiển đoàn trọn niên khóa. Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phước lành cho chị em.

7/. TUYÊN HỨA - NGHI LỄ NHẬN HỘI (Sau Phúc Âm nếu có Thánh lễ)

1. Sau một thời gian tập sự để am hiểu mục đích và tôn chỉ của Hội, hôm nay chị em hãy vui mừng vì đã tĩnh tâm, dọn mình xưng tội chịu lễ sốt sắng, có ý hưởng nhờ Đại xá ĐGH ban ngày vào Hội, thông công việc nhà Dòng của Đức Mẹ Sion, Trung ương Hội CBMCG và lời cầu nguyện CBMCG trong giáo phận cũng như trên thế giới.
2. Bà Hội trưởng điểm danh gọi chị em xếp hàng cùng quỳ trên cung thánh, một đại diện cầm cờ đoàn đứng giữa. Trong khi làm phép cờ đoàn và phù hiệu, hát một bài ca ngợi về Đức Mẹ. BCH lo giúp chị em giữ trật tự, trang nghiêm.
3. Trước khi làm phép cờ đoàn, trao phù hiệu và nhận Hội, Cha Giám đốc có mấy lời với Hội viên, đoạn hỏi :
Cha GĐ : Chị em thân mến, chị em đến đây để xin ơn gì?
HV : Thưa cha, chúng con đến đây để xin gia nhập Hội CBMCG, chính Đức Giáo Hoàng Pio IX chúc lành : Xin Thiên Chúa khấng ban cho Giáo Hội có nhiều người Mẹ Thánh.
Cha GĐ : Chị em có nhận định rõ ràng mục đích và tôn chỉ của Hội chưa?
HV: Chúng con đã nhận định rõ rằng, Hội lành này sẽ đào tạo chúng con nên những người Mẹ Thánh, gia đình chúng con sẽ nên trung tâm của sự Thánh, để cung cấp cho Giáo Hội nhiều đứa con ngoan ngùy đức hạnh.
Cha GĐ: Chị em có công nhận người mẹ là phản ảnh của Thiên Chúa không ?
HV: Chúng con thảy đều công nhận, vì thế từ nay chúng con cố gắng thánh hóa bản thân, để truyền thông lòng mến Chúa cho con cái và phổ biến sự tốt lành của Chúa vào trong các tâm hồn.
Cha GĐ: chị em thân mến, Cha khuyên chị em hãy nhớ : người mẹ là linh mục trong gia đình, hàng ngày phải cầu nguyện cho chồng con, hằng ngày hiến tế cho Chúa những nỗi vui buồn. Ngoài xã hội, người mẹ cũng đóng vai trò tông đồ mở mang Nước Chúa, góp phần vinh quang cho Giáo Hội như những bà mẹ thánh xưa.
Vậy cha vui lòng nhận chị em vào sổ Đoàn viên Hội CBMCG. Cha cũng noi gương ĐGH Pio IX cầu chúc cho giáo xứ có nhiều bà mẹ Thánh.

8/. BẢN TUYÊN NGÔN : MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

Điều 1 – Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, chúng con tình nguyện gia nhập vào Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, để kết hợp tâm hồn chúng con với Trái Tim vẹn sạch của Mẹ, hầu kéo muôn ơn phước cho con cháu và cho gia đình chúng con.
Điều 2 – Chúng con hứa trung thành yêu mến Hội lành này, vì Hội có tôn chỉ và mục đích đào tạo chúng con trở thành những người mẹ gương mẫu.
Điều 3 – Chúng con hứa noi gương Mẹ khiêm nhường, kính trọng nhau và tương thân tương ái như những đứa con cùng một đại gia đình.
Điều 4 – Chúng con siêng năng dự Hội hằng tháng, Để nghe Cha Giám Đốc chỉ giáo và thọ lãnh phước lành Chúa ban.
Điều 5 – Chúng con hứa trung tín vâng giữ lời phụ huấn, với thiện chí trở nên những Bà Mẹ Công Giáo thánh thiện.
Điều 6 – Chúng con hứa sốt sắng nguyện cầu trước ngai ân sủng, để chu toàn nhiệm vụ làm vợ và làm mẹ gia đình.
Điều 7 – Chúng con hứa noi gương Thánh Monica, dùng lời cầu nguyện và nước mắt đưa chồng con xiêu lạc trở về cùng Chúa, và noi gương Thánh Anê Lê Thị Thành dùng của cải, công sức và cả mạng sống phục vụ Giáo Hội.
Điều 8 – Chúng con hứa sẽ nên Tông đồ đắc lực trong gia đình chúng con, gia đình chị em chúng con và khắp vùng lân cận.
Điều 9 – Chúng con hứa hoạt động cho Hội tiến triển mạnh về mặt tinh thần hầu góp phần vinh quang cho Giáo Hội Công giáo.
Điều 10 – Là người Mẹ Công giáo, phải có những đức tính cao quý của Đức Bà Maria, là Mẹ của các Bà Mẹ. Chúng con hứa luôn vui sống dưới mệnh lệnh của Đấng Bản Quyền và Ban Giám đốc lãnh đạo chúng con, để hành động đúng theo tinh thần của Hội. Trông ơn Thánh Mẫu phù trì, chúng con biết điều khiển con thuyền gia đình đến chốn bình an.
Chú ý : Đọc bản Tuyên ngôn :  ngày vào Hội + Ngày Tĩnh Tâm thường niên.



[1] Nguồn : Sưu tầm tổng hợp
[2] [2] Được ĐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình thị thực ngày 11.09.1968.
 


(còn tiếp)
 

[1] Lm Hà văn Minh (Gp. Phú Cường) : VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH, trang www.ubmvgiadinh.org.
[2] SĐD
[3] SĐD
[4] ĐGH G.P. II, Tông thư “Mulieris Dignitatem” số 18
[5] ĐGH G.P. II, Tông thư “Mulieris Dignitatem” số 21
[6] THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLO II GỞI PHỤ NỮ TOÀN THẾ GIỚI Ngày 29/06/1995 nhân dịp Năm Quốc Tế Người Nữ
[7] Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).
[8] Bài giáo lý trước kinh Truyền Tin của ĐGH Phanxicô ngày 15.8.2013
[9] Lm Hà văn Minh (Gp. Phú Cường) : VAI TRÒ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH, trang www.ubmvgiadinh.org.
[10] Thư mục vụ của Đức Cha giáo phận nhân ngày cử hành Năm Đức Tin cho giới Hiền Mẫu (27.8.2013)
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 65
  • Khách viếng thăm: 58
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 20238
  • Tháng hiện tại: 70498
  • Tổng lượt truy cập: 12360210