Trang mới   https://gpquinhon.org

Ngày lễ Chúa Nhật với giới trẻ

Đăng lúc: Thứ hai - 22/04/2013 19:02
NGÀY LỄ CHÚA NHẬT VỚI GIỚI TRẺ


 
 
Thu Huyền
(Bài do tác giả gởi cho trang web gpquinhon)
 


Trong “Mười điều răn Đức Chúa Trời” thì điều thứ ba là : Giữ ngày Chúa nhật. Còn trong “Sáu điều răn Hội Thánh” thì điều thứ nhất là: Xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc, và điều thứ hai là : Chớ làm việc xác ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc. Điều này xuất phát từ việc Chúa sáng tạo ra muôn loài . Theo bản văn sách Sáng thế (1, 1-26 ; 2, 7-23) thuật cho chúng ta về 6 ngày Chúa đã tạo dựng nên trời đất, muôn vật và con người. Ngày thứ 7, Ngài nghỉ. Việc Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới trong 6 ngày nhằm đề cao ngày thứ 7. Khuân mẫu 1 tuần lễ để trình bày việc tạo dựng như vậy có ý lấy hoạt động của Thiên Chúa làm gương cho công việc của con người. Đồng thời, nhắc nhở cho mỗi người công giáo biết nghỉ mọi công việc xác để dành riêng 1 ngày trong tuần mà tôn vinh Thiên Chúa.
 
QUAN NIỆM “CHÚA Ở TẠI TÂM”

Tuy nhiên, thời đại ngày nay, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hoặc lo làm ăn, hoặc lo tụ tập đàn đúm mà xao nhãng việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật. Hình như họ không còn nhớ câu: “ Dù ai buôn bán trăm nghề. Bỏ ngày lễ cả trở về tay không”. Một số người khác thì đi dự lễ kiểu “chống đối” – tức là có đến nhà thờ dự lễ nhưng lại không để tâm nghe Cha giảng mà chỉ lo làm việc riêng trong Thánh lễ - . Nhiều bạn còn cho rằng đi lễ ngày chủ nhật xưa rồi. Chỉ cần kính Chúa ở trong lòng là đủ, đâu cần phải đến nhà thờ.

Chị Hai Thơ ( Tân Bình, TP.HCM) 26 tuổi, là nhân viên của hãng Bảo hiểm AIA cho biết: “ Chị cũng theo đạo đấy chứ, nhưng có ngày thứ 7, chủ nhật người ta được nghỉ, mình mới tiếp cận được khách hàng để bán bảo hiểm. Chị chỉ đọc kinh ban tối thôi, chứ đi lễ làm sao được. Mà nói thật với em, đi lễ bây giờ có gì mới đâu. Cha hay Chúa cũng dạy ăn ngay ở lành, mình cứ giữ đạo làm người là được. Chúa ở trong tâm em ạ. Đầy người đi lễ, rước lễ mà vẫn đi cặp bồ, buôn gian bán lận đấy thôi. Không phải chị xét đoán người khác đâu nhưng em cứ để ý thì thấy đầy ra ý.”

Cùng chung tâm trạng, em T.Th ( Hóc Môn- Tp.HCM) học sinh trung học e dè  cho biết: “ Em ít khi đi lễ lắm. Nhà em có 6 anh chị em, ở nhà thuê. Bố mẹ làm phụ hồ tiền công chẳng được là bao. Mấy anh chị em phải bỏ học giữa chừng để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có mỗi mình em là được học cấp III nhưng chủ nhật em cũng đi làm thêm kiếm tiền chứ không dám nghỉ. Em toàn đọc kinh bù vào buổi tối thôi. Cũng chẳng cứ đâu chị ạ. Mình cứ ăn ngay ở lành không làm việc gì xấu và ác là được. Như bà chủ nhà em đấy, cũng đạo công giáo, đi lễ suốt vậy mà cho vay nặng lãi từ 5% đến 10% / ngày. Ngày nào bả cũng chơi lô đề với đánh bài ăn tiền với mấy bà bạn. Thi thoảng lại cãi lộn ì xèo cả lên, chưa kể dưới tay bả có mấy tay anh chị sẵn sàng theo lệnh bả đi đánh “dằn mặt”  những người không trả được nợ.…Chị xem, vậy thì đi lễ có ích gì !”.
 
ĐI DỰ LỄ KIỂU “ĐỐI PHÓ”

TP.HCM là nơi dân tứ xứ  nhập cư rất đông đúc, trong đó người theo đạo công giáo cũng không phải là ít. Đi dạo 1 vòng qua một số nhà thờ trong địa phận TP. HCM vào những ngày lễ Chúa nhật, tôi nhận thấy còn quá nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc dự lễ ngày cuối tuần. Bên cạnh đông đảo giáo dân nô nức đi lễ thật sớm để vào nhà thờ, chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý, gần bàn thờ để nghe Cha giảng rõ hơn (thường là các bà, các cụ và một số em nhỏ) thì đó đây vẫn còn những anh chị , cô chú (trong độ tuổi từ khoảng 14 tuổi đến 40 tuổi) chỉ thích ngồi ngoài nhà thờ hóng gió (hay tán chuyện).

Em Tươi ( Củ Chi- Tp HCM) thì cho biết: “Em là Giáo lý viên của nhà xứ Tân Thông Hội, em thấy có rất nhiều bạn trẻ khi đi dự lễ toàn ngồi ở ngoài nhà thờ. Cha kêu gọi mấy lần, thậm chí các ông , bà Quản, và các giáo lý viên phải đến tận nơi mời mọi người vào nhà thờ dự lễ vì nhà thờ còn trống nhiều chỗ . Thế nhưng, đáp lại, nhiều người vẫn khăng khăng ngồi ở ngoài cho “thoáng”, vào nhà thờ “bí bức”.

Bà Q ( nhà thờ Lạc Quang, Q.12- TP.HCM) thì bức xúc nói: “Nhiều anh chị thanh niên hiện nay coi việc đi lễ kính Chúa như là đi chơi. Đến dự lễ nhưng ngồi ở ngoài túm năm tụm ba khoe điện thoại mới, rồi nói chuyện điện thoại, nhắn tin … cứ như ở nơi công cộng. Tới lúc cộng đoàn đứng hay quỳ thì cũng làm theo nhưng cứ ngồi xuống là lại cắm mặt vào điện thoại, ngứa mắt không chịu được. Không biết con cái nhà ai mà vô ý thức thế không biết. Rất may, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi. Tới khi một vài người lớn tuổi ngồi gần đó bị chia lòng chia trí mới gọi mấy cô cậu đó chỉ lên tấm bảng khá lớn treo phía trong cửa nhà thờ viết dòng chữ  “ XIN QUÝ VỊ VUI LÒNG TẮT CHUÔNG ĐT KHI THAM DỰ THÁNH LỄ” và hỏi nhỏ : Con có đọc được dòng chữ trên tấm bảng trên kia viết gì không ? chúng nó mới im lặng dự lễ đấy.”

Theo ông Trần Văn H ( giữ xe nhà thờ Hạnh Thông Tây – Gò Vấp- TP.HCM) thì: “Hiện nay, có một số người đi lễ chủ nhật kiểu “đối phó”, kiểu đi cho có chứ thực chất họ chẳng để ý ngày hôm ấy đến nhà thờ nghe, đọc được những gì. Hầu như lễ Chúa nhật nào cũng có người đi muộn. Đến nỗi có khi được nửa lễ, thậm chí gần hết lễ, hay tệ hơn là cả khi Cha đang ban phép lành vẫn còn người dắt xe vào dự lễ.  Tới được chỗ ngồi thì mọi người đã ra về. Có lần tôi bảo một chú : hết lễ rồi chú ơi, dắt xe vào làm gì cho mệt. Anh ta cứ xin tấm vé và trả lời rằng: “Có đi có được mà bác. Chúa đãi kẻ có lòng”. Nói thực, tôi chẳng biết những người đó nghĩ sao nữa. Bó tay.com.”

Bản thân tôi một số lần đi lễ muộn, bất đắc dĩ phải ngồi ngoài nhà thờ, gặp toàn chuyện oái oăm nên những lần sau, dù bận đến mấy cũng cố gắng sắp xếp đi lễ đúng giờ. Bởi ngồi ngoài phải chứng kiến những cảnh tượng mình không muốn như : nhiều anh chị em mang theo con nhỏ đi dự lễ . Tuy không đưa các cháu quá bé vào nhà thờ nhưng họ lại coi sân nhà thờ như sân chơi công viên. Họ dắt các cháu đi lòng dòng, mua bánh, kẹo, đồ chơi điện tử bấm nhạc “bin bin”, rồi mang cả đồ chơi xe điều khiển cho xe chạy loạn cả lên khiến chia lòng chia trí những người có lòng thành tâm dự lễ. Các ông bà quản có nhắc nhở thì họ chống chế rằng phải cho các cháu chơi, nó mới không quấy phá, để cho cha mẹ được dự lễ . Tuy nhiên họ lại không nghĩ đến việc các cháu làm ảnh hưởng lớn tới những người xung quanh. Cuối buổi lễ, các bậc cha mẹ , các em nhỏ sau khi đã xả rác đầy sân nhà thờ, họ vô tư bước chân ra về mà không hề để tâm. Thật là thiếu ý thức.

Ngoài ra, sân nhà thờ còn là nơi để một số anh chị , cô chú son rỗi nhân lúc Cha đang giảng  tranh thủ sẻ chia , tâm sự chuyện gia đình, con cái kiểu như: “Con chị học lớp mấy, có phải cho tiền cô giáo hàng tháng không, có cho đi học thêm không? Tuần này chị có đi spa không? Có một cái mới mở đang có chương trình khuyến mãi đông khách lắm..”  đến những câu chuyện của các bạn học sinh như : Thằng Th bị con V “đá” thật rồi phải không? Nghe nói con V “bắt cá 2 tay”, một lúc yêu mấy thằng. Rồi chuyện con Ph toàn xài hàng giả, mấy thứ nó nói hàng hiệu là “dóc” đó, con đó được thằng T “bao” nhưng nó lại dùng tiền làm việc khác, mua toàn là hàng nhái…”. Khi Cha chưa kịp ban phép lành, vừa mới cho rước lễ thì đám người ấy đã nhanh chân ra nhà để xe leo lên xe phóng thẳng không quên hẹn nhau chủ nhật tuần tới đi lễ mấy giờ nhớ điện thoại gọi nhé! Với họ, như thế là đã hoàn thành nhiệm vụ đi lễ ngày Chúa nhật, chẳng cần biết hôm ấy Cha giảng điều gì, sách Phúc âm đoạn nào…

SỨC MẠNH CỦA “HIỆP Ý CẦU NGUYỆN”

Mặc dù tất cả chúng ta đều biết, đi dự lễ là để hiệp ý cầu nguyện cùng với Cha và cộng đoàn dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho các linh hồn và những người có ý nguyện xin. Cụm từ “hiệp ý cầu nguyện” có một ý nghĩa rất quan trọng mà không phải ai ai cũng hiểu thông suốt. Tin mừng Thánh Mát thêu có đoạn: Chúa Giêsu nói rằng: “Ở đâu có hai ba người hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy - Đấng ngự trên trời sẽ ban cho và ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.

 Như vậy, lời Chúa dạy chúng ta : là con trong gia đình Hội Thánh, khi cầu nguyện ngoài những tâm tình riêng, chúng ta còn hiệp ý với toàn thể Hội Thánh mà dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chung. Lời cầu nguyện chung đó nằm trong Phụng vụ như Thánh lễ, khi cử hành các Bí tích, các Giờ kinh Phụng vụ. Khi chúng ta dự lễ ngày Chúa nhật nói chung và các ngày khác, lễ trọng, lễ buộc, nói riêng tức là chúng ta phải hiệp ý cầu nguyện chứ đừng nên vì việc riêng mà sao nhãng việc nhà Chúa. Chúa nói : “hãy gõ cửa, cửa sẽ mở, hãy xin thì sẽ được cho …vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi cha anh em , Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin người sao?”( MT 7,11). Thật vậy, còn nhớ trong nhật ký của một người lính thuỷ Đức vào thời chiến tranh thế giới thứ II có kể lại một câu truyện như sau :

“Hôm ấy, trên mặt biển lặng gió, không có dấu hiệu gì là có bão hay có quân địch. Thình lình còi báo động hú vang. Vị thuyền trưởng ra lệnh cho tàu lặn xuống, chỉ trong tích tắc bom dội xuống trên đầu chúng tôi như mưa, tất cả lính trên tàu ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng ai cũng tái mặt, tim đập mạnh vì biết rằng tất cả đều sẽ chết nếu tàu trúng đạn.

Tất cả mọi người đều nghe rõ tiếng bom nổ. Khi con tàu đang chạy trốn thì một người bất ngờ rút trong túi ra chuỗi tràng hạt và anh bắt đầu đọc kinh. Đây là lần đầu tiên một chiến binh cầu nguyện trước mặt đồng đội. Bình thường thì mọi người sẽ chế nhạo hành động này, nhưng lúc này không ai có thái độ gì. Vài phút trôi qua bỗng có người lên tiếng : “Anh bứt cho tôi 10 hạt đi, tôi cũng là người Công Giáo”, rồi anh đưa bàn tay run run ra nhận lấy 10 hạt từ người đồng đội. Bên ngoài bom vẫn nỗ rền vang làm rung cả tầu. Lát sau lại có tiếng nói vang lên trong bầu khí ngột ngạt: “Cho tôi xin”, rồi người khác lại: “Cho tôi xin một chục đi.” Cuối cùng trong tay người lính chỉ còn một cây Thánh Giá. Lại có tiếng nói khác : “Anh cho tôi xin cây Thánh Giá đi vì tôi là người Tin Lành.” Cây Thánh Giá được trao vào tay người ấy. Tất cả tàu chìm đắm trong bầu không khí cầu nguyện quên hẳn tiếng bom nổ bên ngoài, chừng sau một giờ con tàu được thoát nạn.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói : "Ở đâu có hai ba người họp nhau cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”, xin cho mỗi người chúng con nhất là giới trẻ biết siêng năng và yêu thích những giờ cầu nguyện, nhất là những giờ cầu nguyện chung với cộng đoàn khi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật. Xin Chúa mở cánh cửa tâm hồn những người khô khan nguội lạnh giúp họ sốt sắng hơn trong mỗi Thánh lễ ngày Chúa nhật. Xin Người cất bớt những lo toan thường nhật để mọi người hiệp ý cầu nguyện, không bị những lo lắng trong các công việc làm ăn xen vào giữa những lời kinh. Xin cho tất cả những ý nguyện của chúng con được Thiên Chúa nhận lời. Chúng con cùng dâng lời cầu xin.

                                                                                     
Tác giả bài viết: Thu Huyền (TGP SG)
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 5988
  • Tháng hiện tại: 140449
  • Tổng lượt truy cập: 12284709