Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Đăng lúc: Thứ năm - 02/10/2014 19:15
ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến.

Hôm nay, hiệp cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.

Chúng ta biết rằng, chữ MÂN CÔI là một từ Hán – Việt. Đặc điểm của tiếng Hán là “nhất tự lục nghì” (một từ sáu nghĩa). Chữ MÂN cũng vậy, cũng có đến 6 nghĩa, trong đó, nghĩa chính yếu là chỉ về “một thứ đá đẹp”[1]. Còn chữ CÔI cũng vậy, cũng có nghĩa là : “một thứ đá đẹp kém ngọc” ; nó còn có nghĩa là “quý lạ” nữa[2].

Như vậy, MÂN CÔI có thể được hiểu là 1 xâu chuỗi, kết hợp từ những viên đá đẹp, rất quý báu lạ lùng, mà chính Đức Mẹ đã ban cho loài người chúng ta, qua trung gian là thánh Đaminh, linh mục.

Vì theo truyền thuyết, vào năm 1208, thánh Đaminh sau nhiều cố gắng để dẫn đưa những người lạc giáo Abigensê trở về mà chẳng đạt được bao nhiêu kết quả, thì một hôm, trong khi than thở với Đức Mẹ về sự luống công phí sức này, ngài đã được Đức Mẹ trả lời rằng : "Không lạ gì mà con đạt được quá ít thành quả, vì con đã lao công phí sức trên một mảnh đất khô cằn, chưa được tưới gội bằng ân sủng của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa muốn canh tân bộ mặt trái đất, Ngài đã bắt đầu bằng một cơn mưa mầu mỡ của Lời Chào Thiên Thần. Vậy con hãy giảng dạy việc cầu nguyện gồm 150 Lời Chào của Thiên Thần và 15 kinh Lạy Cha ; con sẽ gặt hái được nhiều thành quả".

Quả thật, kính thưa quý ông bà và anh chị em, với lời truyền dạy này của Đức Mẹ, thì thánh Đaminh đã bắt đầu đi vào các làng mạc để giảng dạy việc cầu nguyện ấy, và kết quả thật nhãn tiền : không bao lâu sau, nhiều người lạc giáo đã trở về với Giáo Hội.

Cho nên, có thể khẳng định rằng, lời kinh Lạy Cha cũng như lời kinh Kính Mừng mà chúng ta đọc mỗi ngày khi lẫn chuỗi, tựa như những giọt mưa, rớt xuống, rớt xuống... và cứ như thế, làm cho mảnh đất của nhiều tâm hồn phải... «mềm» ra và «tươi tốt» lên !

Không ai trong chúng ta lại muốn tâm hồn của mình trở nên khô cằn, sỏi đá, nhưng hết thảy đều muốn mảnh đất linh hồn mình được thường xuyên tưới gội bởi ân sủng của Chúa. Vì chưng, vốn bản tính con người của chúng ta là muốn hướng đến điều tốt, điều đẹp ; «nhân chi sơ tính bản thiện», không ai muốn điều xấu bao giờ. Và, có thể nói, kinh Mân Côi là lời kinh sẽ đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp nhất.

Chúng ta thấy, trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, và đặc biệt là tại Fatima, Đức Mẹ vẫn hằng khuyên nhủ chúng ta là hãy dùng Kinh Mân Côi như là một vũ khí sắc bén để chống lại tà thần, và để đem bình an đến cho thế giới. Tại Fatima, Đức Mẹ đã dạy : "Hãy cầu nguyện Kinh Mân Côi mỗi ngày, để cầu cho hòa bình thế giới... Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều và dâng nhiều hy sinh để cầu cho các tội nhân... Chỉ có Mẹ mới có thể cứu giúp các con".

 Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Qua các thời đại, đặc biệt là từ thời Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V, nhiều Đức Thánh Cha cũng đã khuyến khích việc cầu nguyện Kinh Mân Côi này.

 a. Trước hết, chúng ta thấy, chính Đức Thánh Cha Piô IX đã nói rằng : "Trong các việc sùng kính được Giáo Hội chấp nhận, không việc nào đưa đến nhiều phép lạ cho bằng việc cầu nguyện Kinh Mân Côi". Quả thật, như lời của Đức Thánh Cha Piô IX đã nói, thực tế là đã có rất nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ Kinh Mân Côi.

 b. Tiếp đến, vào ngày 7 tháng 10 năm 1571, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V cùng với một số giáo dân đã tổ chức một cuộc cung nghinh Đức Mẹ và cầu nguyện Kinh Mân Côi thật trọng thể qua các đường phố của thành Rôma, với mục đích cầu xin Đức Mẹ phù trì cho đoàn thủy quân Công giáo đang chiến đấu với quân Hồi giáo ở vịnh Lêpantô. Và kết quả là cuộc chiến đấu ở vịnh Lêpantô đã chiến thắng, và đã ngăn chặn được sự làn tràn của quân Hồi giáo đến các nước Âu châu.

 c. Bên cạnh đó, việc cầu nguyện Kinh Mân Côi trong gia đình cũng đã được nhiều Đức Thánh Cha khuyến khích. Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói : "Nếu có một triệu gia đình cầu nguyện Kinh Mân Côi hằng ngày, thì cả thế giới sẽ được cứu thoát", và Đức Thánh Cha Piô XII còn thêm rằng : "Không có phương thế nào chắc chắn để cầu xin ơn Chúa trào đổ xuống trên các gia đình cho bằng việc cầu nguyện Kinh Mân Côi hằng ngày".

 d. Hơn nữa, để kỷ niệm 400 năm từ ngày Kinh Mân Côi được Giáo Hội chấp nhận, Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Thông điệp «Marialis Cultus», ban hành năm 1969, cũng đã nhiệt liệt cổ võ việc cầu nguyện Kinh Mân Côi này, và kêu gọi mọi người hãy canh tân việc cầu nguyện đó, để có thể gặt hái được nhiều hoa quả thiêng liêng.

 e. Sau cùng, chúng ta thấy, hơn ai hết, thì chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần nói rằng : Kinh Mân Côi là kinh nguyện ngài ưa thích nhất.

 Thật vậy, kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến, trong 50 năm qua, một trong những người hăng say nhất trong việc cổ động cầu nguyện Kinh Mân Côi là Cha Patrick Peyton. Nhờ Phong Trào Kinh Mân Côi Gia Đình do ngài thành lập, nhiều gia đình đã bắt đầu việc cầu nguyện Kinh Mân Côi. Với khẩu hiệu "Gia đình cầu nguyện với nhau, sẽ bền vững với nhau", ngài kêu gọi các gia đình hãy cầu nguyện Kinh Mân Côi với nhau. Ngài còn đoan chắc rằng : "Nếu gia đình nào dâng cho Đức Mẹ 15 phút mỗi ngày để cầu nguyện Kinh Mân Côi, thì với ơn Chúa, gia đình đó sẽ trở nên một nơi an bình".

 Ước chi, qua ngày lễ ĐỨC MẸ MÂN CÔI mà chúng long trọng mừng kính hôm nay, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Đức Mẹ, của các Đức Thánh Cha, để mỗi ngày biết dâng lên Mẹ những lời Kinh Mân Côi, để thế giới sớm có được hòa bình thực sự, cũng như để cho chính gia đình của chúng ta được hạnh phúc, và tâm hồn mỗi người chúng ta tìm được bình an. Có như thế, thì sứ điệp Lời Chúa hôm nay mới thực sự sinh hoa kết trái trong lòng mỗi chúng ta.
  ________________________________________

[1] x. THIỀU CHỬU, Hán – Việt tự điển, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 266, 390, 396, 397, 486, 720. (nghĩa thứ nhất : mùa thu ; chỗ trời không (như : thương mân : trời xanh). Nghĩa thứ hai : một thứ đá đẹp. Nghĩa thứ ba và thứ tư : giống với nghĩa thứ hai. Nghĩa thứ năm : dây câu ; dây xâu quan tiền, thời xưa. Nghĩa thứ sáu : họ Mân ; tỉnh Phúc Kiến gọi là tỉnh Mân)
[2] như : côi kì hay côi vĩ, đều được gọi là quý báu lạ lùng cả (x. nt, tr. 394).
 
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Văn Hay
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131055
  • Tổng lượt truy cập: 12275315