Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật Lễ Lá

Đăng lúc: Thứ năm - 26/03/2015 12:46
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1- 15,47




Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp ta cảm nghiệm sâu sắc hơn sự thương khó của Chúa Giêsu phải chịu như một người tôi tớ tín trung đau khổ. Qua đó giúp chúng ta thấy được tình thương bao la của Thiên Chúa đối với con người và cách riêng với mỗi người chúng ta để chúng ta sống xứng đáng hơn với tình thương ấy.

1. Chân dung Người tôi tớ đau khổ theo ngôn sứ Isaia

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia phát họa một vài nét về chân dung của người tôi tớ đau khổ. Trong sách ngôn sứ Isaia có bốn bài ca về “Người tôi tớ”: 42,1-9; 49,1-6; 50,4-11; 52,13-53,12. Theo đó, người ta thấy “Người tôi tớ” được nói ở đây không phải để ám chỉ một tập thể mà để chỉ một cá nhân hành động, giảng dạy và chịu sỉ nhục, đau khổ.

Trước hết, Người tôi tớ như một vị ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn và hướng dẫn; ông giảng dạy sự chính trực và thiết lập sự công bình theo đường lối nhẹ nhàng không bạo lực; ông thực hiện “giao ước” nơi Israel và bảo đảm sự chiếu tỏa vinh quang Israel trên các dân tộc (bài ca thứ nhất, Is 42,1-9).

Được tiền định từ trước khi sinh ra, Người tôi tớ được sai đi rao giảng cho các dân tộc ở những miền xa xăm. Được Thiên Chúa nâng đỡ, ông chấp nhận thất bại bề ngoài, trong khi chờ đợi tiếp nhận sứ vụ tụ họp dân Israel và đem ánh sáng đến tận cùng trái đất (bài ca thứ hai, Is 49,1-6).

Được Thiên Chúa sai đi và nâng đỡ, ông chịu những đau khổ, sỉ nhục cách khiêm tốn dịu dàng đến mức lạ lùng. Tuy nhiên ông không bao giờ thất vọng mà luôn chờ đợi ngày Thiên Chúa sẽ can thiệp giúp ông. Trong khi chờ đợi, ông phải bước đi trong đức tin và tất cả mọi người đều được mời gọi bước theo ông trong đức tin (bài ca thứ ba, Is 50,4-11). Bản văn Isaia trích đọc trong ngày lễ lá hôm nay chính là bài ca thứ ba nầy.

Sau cùng, dù không có tội để đáng bị phạt, Người tôi tớ phải chịu những cực hình đau khổ cho đến chết, trước sự chứng kiến và kinh ngạc của mọi người. Ông chịu đựng tất cả với một sự dịu hiền đáng thán phục: “như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh ... Ngài không mở miệng” (53,7).

Isaia giải thích huyền nhiệm về người tôi tớ đau khổ ấy: “Chính vì các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang; chính các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác” (53,4) Hơn nữa Ngài đã bị đâm vì những sự ngỗ nghịch của chúng tôi ... Và nhờ những vết hằn Ngài chịu, chúng tôi có phương được lành (53,5). “Chính sự ngỗ nghịch của dân Ngài, Ngài đã bị sát phạt” (53,8). Cuối cùng sứ mạng của người tôi tớ hình như không thể chấm dứt bằng thất bại bởi vì “Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên” (53,10)…

2. Chúa Giêsu Kitô, Người tôi tớ đau khổ đích thực

Các môn đệ của Chúa Giêsu khi nhìn lại cuộc thương khó của thầy mình đã phải suy nghĩ về số phận lạ lùng của thầy mình, tức là biến cố phục sinh sau thất bại của thầy trong cuộc thương khó, bị đóng đinh trên Thập Giá. Chúa Giêsu đã nhiều lần áp dụng cho chính mình những lời ngôn sứ nói về người tôi trung chịu đau khổ. Các tông đồ sau nầy hiểu rằng chỉ có Chúa Giêsu mới hoàn tất nơi chính bản thân Người lời tiên báo về Người tôi tớ, vì chỉ Chúa Giêsu mới là Israel đích thực mà cái chết mang lại ơn cứu rỗi cho mọi dân nước.

Trong Bài thương khó hôm nay, chúng ta thấy những lời ngôn sứ về người Tôi tớ đau khổ được ứng nghiệm nơi Đức Kitô Giêsu. Quả thực Người là một ngôn sứ với một sứ mạng nhất định, Người là một vị vua xây dựng hòa bình, không ưa bạo lực; Người sẵn lòng chịu đau khổ và sỉ nhục một cách lạ lùng đồng thời chịu thử thách như đi trong đêm tối của đức tin khi kề cận cái chết trên thập giá, và cái chết của Người đã gây ra kinh ngạc cho những người chứng kiến; cái chết trên thập giá của Người không phải là sự thất bại mà là chiến thắng trên sự chết và đau khổ…

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô đã chết và sống lại theo lời Thánh Kinh, điều nầy có nghĩa là ứng nghiệm với điều loan báo về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Trong Bài đọc 2, thư gởi giáo đoàn Philipphê chương 2, Thánh Phaolô đã trình bày Đức Kitô chính là Người tôi tớ bị sỉ nhục và được tôn lên. Mầu nhiệm về Người tôi tớ đau khổ nơi Chúa Giêsu được sáng tỏ bằng cái chết ô nhục và sự phục sinh của Người. Thánh Phaolô khẳng định rằng nhờ sự sống lại, Chúa Giêsu đã được mọi người nhìn nhận tư cách mà từ đầu Người đã có nhưng bị ẩn dấu: «Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa».

3. Kitô hữu sống “sự thương khó” của Chúa Giêsu chứ đừng “khó thương”

Chắc hẳn khi nghe Bài thương khó của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta có những tâm trạng khác nhau. Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm nhận tình yêu thương vô bờ Người đã chịu vì tội lỗi chúng ta và vì muốn chúng ta được ơn cứu rỗi.

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc thương khó chứ không phải chỉ trong cuộc khổ nạn mà thôi. Trong sách kinh giáo phận Qui Nhơn có kinh “Chúng con là vật mọn”, chúng ta đọc thấy rằng “Chúng con nhớ đến những sự thương khó Đức Giêsu xưa chịu ba mươi ba năm vì chúng con”. Ý nghĩa của lời kinh nầy cho ta thấy rằng Chúa Giêsu không phải chỉ chịu sự thương khó trong cuộc khổ nạn mà thôi nhưng cả cuộc đời của Người là “chịu thương chịu khó”. Thương khó ở đây muốn nhấn mạnh sự chịu đựng những lao nhọc và khốn khổ của Chúa Giêsu vì chúng ta[1].

Chúa Giêsu đã chịu thương chịu khó như vậy để nêu gương cho chúng ta và vì ơn ích cho mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống nhiều khi thay vì “chịu thương chịu khó” như Chúa Giêsu, lắm lúc chúng ta lại “khó chịu khó thương” và do đó đẩy xa chính mình ra khỏi tình yêu của Chúa và ra khỏi anh em đồng loại. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội hôm nay đầy những bạo lực, đầy sự gian ác và gian dối, sống chịu thương chịu khó như Chúa Giêsu có thể nói có sức thuyết phục, cải hóa và lôi kéo người khác đến với Chúa một cách chân thành.

Nguyện xin Chúa ban sức mạnh cho mỗi người Kitô hữu chúng ta trong mỗi cảnh huống của cuộc đời biết sống chịu thương chịu khó như Chúa Giêsu để đem chính bản thân chúng ta lại gần với Chúa và với anh em đồng loại, đồng thời qua đó bắt nhịp cầu dẫn đưa người khác đến với Chúa mỗi ngày một nhiều hơn.
 

[1] Xem Marie Thérése Bùi Thị Minh Thúy, OP, Lời kinh và ý nghĩa, giải thích các từ cổ trong sách kinh, NXB Antôn và Đuốc sáng 2014, trang 113.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127721
  • Tổng lượt truy cập: 12271981