Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XVIII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 31/07/2013 18:54
CHÚA NHẬT 18  THƯỜNG NIÊN
(Gv 1,2;2,21-23 ; Cl 3,1-5.9-11 ; Lc 12,13-21)

 
Với Chúa Nhật 18 thường niên hôm nay, chúng ta như vừa bước qua nửa đường của Năm Phụng Vụ. Vì thế, Hội Thánh mời gọi chúng ta lắng nghe một sứ điệp khẩn thiết của Chúa Kitô, đó là hãy khôn ngoan tích trữ kho tàng trên trời khi còn có thể, ngay trong cuộc đời này, “vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng như vậy” (Lc 12,21).

Thật thế, Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ thực tế về cuộc đời của một phú hộ nọ. Ông có nhiều ruộng đất sinh lắm hoa lợi nên suy tính sẽ tích trữ vào những kho lẫm thật lớn, rồi cho phép linh hồn mình nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng thụ, mà quên đi rằng cuộc sống vĩnh hằng không đặt nền tảng trên những thứ đó. Chúa nói nếu như đêm nay phải đột ngột kết thúc cuộc đời, thì chắc chắn ông sẽ phải bỏ lại toàn bộ sản nghiệp mà không đem gì sang cõi bên kia, thậm chí còn mất hẳn hạnh phúc vĩnh viễn vì đã điên dại đặt vận mạng mình vào tay chúng.

Nơi người phú hộ này, Chúa Giêsu muốn lưu ý chúng ta hai điều:

Thứ nhất, ông không hề nhìn xa hơn chính mình, bởi ông không hề nghĩ đến tha nhân mà chỉ nhìn quanh quẩn nơi bản thân mình. “Không có dụ ngôn nào đầy những chữ “tôi”, “của tôi”, “thuộc về tôi”,…như dụ ngôn này. Đó là những chữ rất khó nghe mà người ích kỷ hay dùng đến. Người giàu điên dại chỉ biết tập trung vào mình. Có lời phê bình nổi tiếng về kẻ ích kỷ như sau: “Có nhiều cái tôi trong vũ trụ của họ”. Khi phú hộ này có nhiều của cải dư dật, ông không hề nghĩ đến chuyện chia sớt bao giờ. Tất cả thái độ của ông đi ngược hẳn với tinh thần Kitô giáo: thay vì tìm hạnh phúc bằng cách phục vụ chia sẻ thì ông lại giữ chặt của cải” (Chú Giải Tin Mừng Theo Thánh Luca, W.B). Cứ như vậy, chắc chắn ông sẽ nghe một trong những lời kinh sợ nhất, một lời nguyền rủa thật khủng khiếp: “Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta. Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” (Tv 94,10-11).

Thứ hai, ông không hề nhìn xa hơn thế giới của mình (Sđd). Mọi chương trình, dự tính của ông chỉ lẩn quẩn trong thế giới này. Ông đã đóng khung nó trong cuộc đời hiện tại mà không hề nghĩ còn có một thế giới bên kia. Nói cách khác, ông như một người vô thần thực hành, không tin vào Thiên Chúa, không tin có đời sau, không tin có thưởng phạt, nên chỉ lo làm giàu mà không biết tích trữ kho tàng trên trời, trong khi kinh nghiệm ngàn đời là của cải, giàu có, danh vọng, quyền lực, lạc thú,… chỉ cần “một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (Tv 102,16). Lời sách Giảng Viên trong bài đọc 1 cảnh tỉnh: “Mọi sự đều là hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng rồi phải để lại sự nghiệp của mình cho người ở nhưng không thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian nan, và ban đêm lại không được yên lòng thì chẳng phải là hư không sao?” (Gv 1,2; 2,21-23).

Suy nghĩ về Lời Chúa hôm nay, chúng ta nhận thấy:

1. Chúa không dạy chúng ta coi thường của cải rồi sống lười biếng chẳng biết dấn thân làm việc. Đúng ra Ngài dạy chúng ta đừng quá lo lắng nhưng hãy làm trong tinh thần phó thác vào Ngài. Chúa dạy ta để chu toàn trách nhiệm phải biết lo liệu, vì lo liệu xuất phát từ sự khôn ngoan. Nhưng Ngài không dạy chúng ta lo lắng, vì lo lắng chứa đựng sự sợ hãi, sự thiếu sự tin tưởng vào Chúa quan phòng. Vì thế, trong phần giảng giải tiếp theo, Chúa đã dùng hình ảnh con chim sẻ, cánh hoa huệ tuy không gieo hạt, không kéo sợi mà Chúa còn cho đủ ăn đủ mặc, huống hồ là con người cao quý giống hình ảnh Ngài (x.Lc 12, 22-30). Nhất là Ngài dạy chúng ta trong khi làm việc mưu sinh, hãy hướng tất cả về việc làm vinh danh Chúa và thánh hóa bản thân mình: “Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn các thứ khác, Người sẽ thêm cho” (c.31).

2. Chúa cũng không dạy chúng ta sống phung phí bừa bãi, tiêu xài xả láng, hoặc ngược lại là bo bo giữ của, ích kỷ hà tiện. Ngài dạy chúng ta phải biết quan tâm chia sẻ. Kẻ nghèo luôn có bên cạnh chúng ta dưới nhiều hình thức: nghèo về vật chất, về thể lý, về học thức, về tài năng, về địa vị, về đức tính… Từ xưa đến nay, Hội Thánh vẫn đứng về phía người nghèo và phục vụ họ. Đặc biệt từ khi lên kế vị Thánh Tông Đồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thể hiện mối quan tâm ấy nhiều lần. Ngài nói với chúng ta: “Hãy sống một cuộc đời như một ân huệ để ban phát, chứ không phải để gìn giữ như kho báu” (ngày 20.5.2013). Một cái ao hồ, nếu không cho chảy nước đi mà chỉ giữ lại, thì nó chỉ là một cái ao tù, rồi nước sẽ đen đục, hôi rình. Nhưng nếu nó chảy đi thì dòng nước sẽ trong tốt, chứa đầy sức sống. Vào giờ trình diện trước mặt Chúa, người sống bác ái vị tha sẽ nghe những lời êm ái này: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã  cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,34-36).

3. Chúa dạy chúng ta hãy sống khôn ngoan, một sự khôn ngoan đích thực. Lời Chúa giảng trong bài Tin Mừng được bắt đầu bằng câu hỏi của một người trong đám đông: “Lạy Thầy, xin bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (c.13). Chúa đã kể câu chuyện ngụ ngôn về người phú hộ điên rồ để dạy sự khôn ngoan đích thực. “Con người điên rồ trong Thánh Kinh là con người khởi đi từ kinh nghiệm về những điều mắt thấy tai nghe, không chịu chấp nhận rằng ở trần gian không có gì là tồn tại mãi, rằng tất cả đều qua đi: tuổi trẻ cũng như sức mạnh thể lý, những lợi điểm cũng như địa vị. Như thế, lệ thuộc đời mình vào những thực tại chóng qua, đó là điên rồ. Còn trái lại, người đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì không sợ những nghịch cảnh của cuộc đời, ngay cả cái chết là thực tế không thể tránh được: đó là con người có một tâm hồn khôn ngoan như các thánh” (ĐTC Bênêdictô 16, ngày 1.8.2010).

4. Chúa dạy chúng ta sự khôn ngoan đích thực chính là tích trữ kho tàng trên trời. Kho tàng dưới đất thì nay còn mai mất, còn kho tàng trên trời thì bền vững, “trộm cắp không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12,33). Có nhiều người tích trữ “kho tàng” dưới đất, đó là những người mà thánh Phaolô gọi là “sống theo tính xác thịt” như “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái” (Gal 5,19). Còn người tìm “kho tàng” trên trời là những người sống theo Thần Khí, tỏa sáng “bác ái, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (c.22). Nhưng để khôn ngoan, chúng ta cần chọn lựa. Muốn chọn lựa đúng, hãy ưu tiên đứng về phía Chúa, hãy “ngước nhìn lên cao”, nghĩa là “hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất, vì anh em đã chết và sự sống của anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,1-2).

Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình tiến về quê trời. Chúa Giêsu dạy chúng ta dấn bước trong tinh thần phó thác, chia sẻ và khôn ngoan tích trữ kho tàng trên trời. Hình ảnh cao đẹp nhất là Đức Maria, Người đã hoàn tất tuyệt vời cuộc hành trình của mình. Gương thánh hảo đó đang chiếu tỏa rạng ngời trên con đường lữ hành của những người được chọn (x. LG 68). Xin Mẹ giúp chúng ta làm giàu và trang điểm bằng những kho báu trên trời, qua đời sống bớt vị kỷ nhiều vị tha, biết mở rộng trái tim, như chính cuộc sống và tấm lòng của Chúa Kitô và Mẹ Maria vậy.
Tác giả bài viết: Lm. Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 20
  • Hôm nay: 13818
  • Tháng hiện tại: 182520
  • Tổng lượt truy cập: 12472232