Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ ba - 27/08/2013 17:36
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giêsu Và Các Bữa Ăn


 
Không biết tự bao giờ, người Việt dùng tiếp đầu ngữ “ăn” để ghép với các từ khác như: ăn tiệc, ăn diện, ăn chơi, ăn đòn, ăn gian, ăn mày… và sau hết là ăn năn – “món ăn” mà không ai muốn ăn. Có thể nói, từ ăn trải khắp tuổi đời con người. “Ăn” mang ý nghĩa bao quát nhất là “ăn ở”, vừa nói lên việc ăn uống để tồn tại và đồng thời nhắm đến tương quan với người khác. “Ăn” như thế không chỉ là một nhu cầu của thân xác, mà còn là một sinh hoạt biểu lộ nhân cách con người.

Tin Mừng đã ghi lại những sự kiện về Chúa Giêsu và các bữa ăn: Ngài dự tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-12), một bữa tiệc do trưởng biệt phái mời (Lc 14,1.7-14), những bữa cơm thân mật tại Bêtania (Lc 10,38-42), đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi tại nhà Lêvi (Lc 5,27-32), bữa cơm với gia đình ông Giakêu (Lc 19,1-10)…
Hơn thế nữa, Ngài đã sánh ví Nước Trời như một Tiệc Cưới (Mt 22,1-14), chính Thiên Chúa là chủ bữa tiệc mời gọi tất cả mọi người tham dự.

Sau khi sống lại, Ngài đã dùng bữa với các môn đệ trên bờ biển (Ga 21,1-12). Và quan trọng hơn cả, Ngài đã thiết lập Giao Ước Mới cũng trong bữa ăn (Ga 13,1-15).

Khi rao giảng, Chúa Giêsu cũng đã dùng các bữa ăn để giảng dạy những bài học thiết thực làm người, đặc biệt đối với những kẻ tự kiêu, tự đại, xem mình hơn người khác như trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

Chủ nhà và CGS

Vì sao thủ lãnh của người biệt phái mời CGS dự tiệc nhà ông?

Luca ghi nhận: “Họ có ý dò xét Người” (14,1). Để dò xét CGS, chủ nhà buộc lòng phải mời những khách không mấy quan trọng xuống khỏi chỗ nhất. Theo văn hóa Do Thái, chỗ nhất, chỗ quan trọng là nơi gần chủ tiệc nhất. Chủ nhà mời Chúa Giêsu lên chỗ nhất, một phần vì uy tín của Người, nhưng cũng để nghe Người nói mà bắt bẻ.

CGS và các thực khách

Lúc vào bàn ăn, CGS bỡ ngỡ trước cảnh những khách mời cứ lo tranh giành chỗ nhất mà ngồi. Nhân cơ hội này, Ngài dạy những kẻ tự xem mình quan trọng hơn người khác một bài học khiêm nhường: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất”.

CGS cũng chỉ là thực khách, Ngài nói với tư cách gì?

Với tư cách một người lịch sự. Ai cũng hiểu điều này, vị trí chỗ ngồi trong bữa tiệc là do chủ tiệc sắp xếp chứ không phải khách mời. Đức Giêsu có giả vờ làm người khiêm nhường? Thánh Phaolô trả lời qua bức thư gửi Phillipphê: Đức Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, mà đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự huỷ trở nên một người phàm (Pl 2,6).

Trong bức tranh Tiệc Ly, người cao trọng nhất là Chúa Giêsu. Thế mà Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại, một sự khiêm tốn thẳm sâu, một Thiên Chúa hạ mình làm người để nâng con người lên với Ngài.

Hạ mình, đó là con đường của Thiên Chúa. Khiêm nhường, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì thế những ai khiêm tốn thật lòng sẽ trở nên giống Thiên Chúa và xứng đáng đồng bàn với Ngài trong Nước Trời.

Thái độ của người khiêm nhường là giỏi không kiêu căng, dở không thất vọng. Người khiêm nhường, là người đề cao Thiên Chúa trong đời mình như Sách Huấn Ca bài đọc I. “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa”.

Thông điệp của CGS qua các bữa ăn là gì?

Đức Kitô đã không giam mình trong một giai cấp nào, tình yêu của Ngài đã trải rộng trên nhân loại. Mặc dù Ngài đã dành ưu tiên cho những người nghèo khổ, nhưng đồng thời cũng không bỏ rơi những kẻ giàu có. Ngài đã đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, nhưng vẫn nhận lời mời đến dự tiệc do một biệt phái khoản đãi. Người không phân biệt đối xử và không loại trừ một ai.

Chúa Giêsu không kết án những người có địa vị cao trong xã hội. Nhưng theo quan điểm của Ngài, càng có quyền thế, càng phải dùng quyền để phục vụ nhiều hơn. Giá trị đích thực của con người chính là phục vụ trong khiêm tốn, vì điều đó đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài nói: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

Tắt một lời. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta được mời đến dự tiệc Thánh Thể. Ở đây không có những chỗ ngồi đặc biệt, ai muốn ngồi đâu, tùy ý. Lúc này, chúng ta là khách, còn Đức Giêsu là chủ, nhưng Ngài lại thích ở vị trí người bồi bàn, chỗ không ai muốn vì nó đòi hỏi sự phục vụ cho các thực khách. Cho chúng ta, Đức Giêsu là “Thực Phẩm”, với chúng ta, Ngài là bồi bàn, ở với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa.

 “Ăn” không chỉ để thỏa mãn cái bụng mà còn thỏa mãn sự đói khát nhu cầu tinh thần, đói khát sự thật. Đức Giêsu là “Bồi Bàn" thực sự cho các thực khách đang đói khát về sự sống thần linh, đói khát lời Thiên Chúa. Ngài đòi hỏi chúng ta một phương thức phục vụ không chỉ ở đôi tay mà còn cả trái tim nữa.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Bá Thành
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 37
  • Khách viếng thăm: 33
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 154720
  • Tổng lượt truy cập: 12444432