Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 12/08/2015 18:54
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
Cn 9,1- 16, Ep 5, 15-20 và Ga 6, 51-58.



Khát vọng sâu xa nhất của con người là sự sống đời đời vì không có sự sống đời đời thì mọi sự ở đời này trở nên vô nghĩa. Địa vị, quyền lực, giàu sang, khoái lạc rồi sẽ theo xuống mộ phần. Con người được sinh ra trong cỏi đời này giống như những người thám hiểm dài ngày được nhảy dù trên cao xuống vùng đất xa lạ. Khi hai chân chạm đất mỗi người phải tìm cho mình một hướng đi. Nơi nào có lương thực, nơi nào có nguồn nước, nơi nào an toàn ... mục tiêu sau cùng là tìm một kho báu và đó là mục đích của chuyến thám hiểm dài ngày. Có những người khi chạm đất đã nhìn thấy quanh mình những chướng ngại và một nổi sợ hãi bao trùm chỉ biết than trách “trẻ Tạo hóa tành hanh quá đáng, chết đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán ngâm khúc), kẻ khác nhìn thấy gì cũng gai gốc chẳng ý nghĩa chi “Đời buồn nôn” (Jean Paul Sartre), kẻ khác nữa nhìn thấy nơi nào cũng giống nơi nào càng đi càng thấy bao la vô định “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” rồi ngồi xuống như một trẻ ăn vạ “đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt”. Sau một lúc nghỉ mệt, một tia hy vọng bừng lên, một sức sống chổi dậy, một ý nghĩa vọng về thấy đời đáng yêu “dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời tạ ơn ai đã đưa tôi vào chốn này”(Trịnh Công Sơn). Tuy nhiên có những người đã tìm thấy một ý nghĩa một chân lý trong thân phận của kiếp nhân sinh bé nhỏ được Thiên Chúa yêu vì. Họ cởi bỏ hết tất cả những hành trang không cần thiết chỉ còn lại những gì là ý Chúa để vượt qua con đường hẹp đầy gai gốc chông chênh. Các thánh của Chúa đã chọn đi con đường ấy.Con đường ấy chính là con đường thập giá là kim chỉ nam sống còn và là con đường ngắn nhất dẫn tới sự sống. Sự sống đời đời là kho báu lớn nhất mà mọi người cần tìm về để mọi sự trong thế gian này có một ý nghĩa và trong thân phận bé nhỏ này có một ý nghĩa không thể thay thế. Kho báu ấy ở đâu và cách nào đến đó được ? Đức khôn ngoan là hành trang còn lại là căn nguyên của sự sống đời đời.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, sách Châm ngôn cho ta thấy “Đức khôn ngoan là xây nhà trên bảy cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tì ra đi”. Nhà bảy cột là một loại nhà lều của dân du mục. luôn luôn có một cột ở giữa. Nắng thì không nóng mưa thì không dột trong nhà thoáng mát. Thịt và rượu là lương thực không thể thiếu, đời sống cộng đoàn được đề cao. Nữ tì được sai đi là niềm tự hào. Đàn súc vật ngoài đồng chính họ canh giữ và chăm sóc. Khi có tiệc tùng chính họ là người thắt đai lưng cho ông chủ như những đày tớ chuyên cần. Hình ảnh này báo trước cho bữa tiệc sau cùng là hy tế trên thập giá. Chính Chúa Giêsu là chủ lễ, bánh và rượu cũng chính là Chúa Giêsu. Mình và máu thánh Chúa là lương thực chính Chúa Giêsu pha chế ban tặng cho con người. Bảy cột chính là bảy ơn Thần khí luôn che chở và gìn giữ họ khỏi mọi nguy biến. Nơi đó các môn đệ quay quần dự phần và được sai đi như những đày tớ chuyên cần. Họ ra đi mang trong mình một mệnh lệnh kêu gọi mọi người đến với bữa tiệc vĩnh cữu phong nhiêu “hỡi những người ngây thơ khờ dại lại đây hãy ăn bánh của ta và uống rượu ta pha chế đừng ngay thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống”.

Thiên Chúa là một ông chủ rất khoán đại và độ lượng. Chính Ngài đứng ra tổ chức tiệc và đích thân đi mời thực khách không phân biệt ai và cũng chính tay Ngài pha chế rượu ngon cho thực khách dùng. Xem ra Ngài đã cố tình thay đổi vị trí trong trật tự xã hội. Một ông chủ phục vụ cho thực khách. Đến khi Chúa Giêsu làm người hình ảnh một tôi tớ đau khổ được thể hiện rõ nơi chính bản thân Ngài “tôi đến không phải để được phục vụ nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người”. Đức khôn ngoan là hãy đến với bữa tiệc Thiên Chúa thếch đãi. Chỉ có Mình và Máu Chúa Kitô là lương thực trường sinh “tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời…thật tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 56). Lời khẳng định của Chúa Giêsu có một chút khó nghe và vô lý trong cái gọi là hiểu biết trật tự luân lý và quan niệm sống vùng miền của con người, nhưng thực ra đó là lẽ sống. Chẳng hạn, Ngài nói “ai cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất và ai dám mất mạng sống mình vì ta thì sẽ tìm được nó”. Nhìn vào hình ảnh của các chiến sĩ ngoài trận chiến chúng ta thấy rõ điều đó. Chiến đấu không có lý tưởng sẽ thất bại. Ngoài chiến trường là nơi khốc liệt, người lính nào sợ chết không ôm súng sẽ chết. Sợ gai gốc nắng mưa sợ những con đường hẹp trên triền dốc sợ nằm gai nếm mật tất sẽ chết. Còn việc ăn thịt và uống máu Chúa Kitô có sự sống đời đời cũng dễ hiểu thôi. Lương thực trần thế chỉ có giá trị trong trần thế này. Lương thực thiêng liêng sẽ có giá trị thiêng liêng không mất. Chúa Giêsu là Thiên Chúa khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu của Ngài thì nơi chúng ta có sự sống của Chúa Kitô “tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Phaolô) Làm sao một em bé có thể lớn lên mà không vắt cạn những giọt sữa nơi mẹ nó. Những giọt sữa ấy không phải là những gì tinh tuế nhất được chắc lọc từ cơ thể sống của mẹ nó sao. Một người con làm sao có thể trưởng thành nếu không uống cạn những giọt mồ hôi và nỗi nhọc nhằn vóc cạn trong cơ thể hao gầy của cha nó. Một cậu học trò làm sao sở hữu được kiến thức và sự hiểu biết nếu không nuốt chửng kiến thức và kinh nghiệm mà thầy nó chắc lọc đêm đêm dưới ngọn đèn dầu và mái đầu chóng bạc. Phải ăn sự sống đời đời để có sự sống đời đời nơi chúng ta “ăn gì  bổ nấy”. Ăn lương thực trường tồn là khôn ngoan nhưng Đức khôn ngoan còn bao gồm cả lời Chúa thắm đượm trong đời sống nữa.

Cụ thể hóa về Đức khôn ngoan, thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô của mình “năn xem lại cách ăn nếp ở của mình” để điều chỉnh cuộc sống ấy trước khi quá muộn. Tòa giải tội là nơi mà chúng ta nhìn lại một cách nghiêm túc về những lỗi phạm để điều chỉnh. Đêm đêm ngồi trước bàn thờ Chúa dâng mình và suy gẫm là thời gian tổng kết trong ngày những ưu khuyết điểm tốt nhất. Mỗi người là một tác phẩm độc nhất vô nhị và một thời khắc nhất định không thể thay thế, nên chi mỗi người phải biết “tận dụng thời buổi hiện tại”. Tôi được sinh ra trong thời buổi này là tôi phải chu toàn bổn phận tôi lúc này, thực tế đừng viễn vông và cụ thể đừng lý thuyết và trong mọi sự phải tìm hiểu ý Chúa để hành động. “đừng say sưa rượu chè” là một lối sống lành mạnh và đẹp lòng Chúa cũng được thánh Phaolô khuyên bảo vì chưng kẻ say sưa thì mất khôn ngoan. Nhờ lời Chúa và siêng năng dự tiệc Mình và Máu Chúa Kitô mà mỗi người được thấm nhuần thần khí. Sau cùng ngài khuyên tin hữu của mình phải “cùng nhau đối đáp thánh vịnh, đem cả tâm hồn chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh… nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta mà cảm tạ Chúa là Cha”. Hội họp chúc tụng Chúa là đặc tính của người Kitô hữu và tính cộng đoàn luôn đẹp lòng Chúa “ở đâu có hai ba người hội họp vì danh Ta có Ta ở giữa họ”

Vậy sự sống đời đời là ở Chúa và đức khôn ngoan là hành trang duy nhất cần thiết bao gồm cả hành trình đến với Mình và Máu Chúa Kitô và cả một đời sống được soi sáng bởi Lời Chúa. Ngoài ra, phải biết đặt mình trong lều bảy cột để Thần Khí Chúa thôi thúc chúng ta ca tụng Chúa, gìn giữ khi hiểm nguy, ban ơn khi lên đường rao giảng và yên hàn khi ngã lưng sau một ngày mệt nhọc. Amen.


 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đình Bút
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 42
  • Khách viếng thăm: 27
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 12389
  • Tháng hiện tại: 20020
  • Tổng lượt truy cập: 12309732