Trang mới   https://gpquinhon.org

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III - Bài 9. Khôn ngoan

Đăng lúc: Thứ hai - 19/01/2015 01:50
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 9. Khôn ngoan
 
TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 9. KHÔN NGOAN
Khôn ngoan được nhắc đến đầu tiên trong các nhân đức. Nhưng lại một lần nữa, thật khó cho chúng ta ngày nay khi bàn đến từ ngữ cũng như nội dung các nhân đức. “Khôn ngoan” thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực, là cẩn trọng quá đáng, có khi còn bị đồng hóa với nhút nhát, sợ sệt, kể cả tráo trở, lừa đảo. Như thế, phải chăng tốt hơn là đừng bàn đến nữa? Ngược lại, chính vì thế mà cần tìm hiểu để nắm được ý nghĩa đích thực của nhân đức này.
Các nhân đức là những “năng lực thực hiện”. Một nghệ nhân làm chủ được cây cọ trên tay hoặc một nghệ sĩ chơi piano tuyệt hảo là những người có “năng lực thực hiện”, nghĩa là thể hiện kỹ năng của họ cách khéo léo, nhẹ nhàng, dù họ phải tập luyện nhiều mới đạt được. Các nhân đức là những năng lực giúp chúng ta mau mắn làm điều đúng, đến độ trở thành tự nhiên và mang lại niềm vui (GLHTCG 1804).
Khôn ngoan là năng lực nắm bắt thực tại cách đúng đắn rồi đưa ra quyết định và thực hiện cách thích hợp. Cả hai khía cạnh này đều là thành phần của nhân đức khôn ngoan. Để có thể hành động cách đúng đắn về mặt luân lý, chúng ta phải nắm bắt thực tại cách đúng đắn.
Ngày nay người ta thường trình bày luân lý khởi đi từ những bó buộc luân lý, từ những điều răn, từ bổn phận. Cách trình bày như thế có thể tách biệt những bó buộc luân lý với chính thực tại, nghĩa là tôi phải làm chu toàn bổn phận vì đó là bổn phận, chứ không phải vì đó là cách hành xử thích hợp với chính thực tại. Luân lý kinh điển của Kitô giáo cống hiến một cách nhìn khác: Để làm điều tốt, chúng ta phải nhận biết thực tại.
Người khôn ngoan trước hết là người nắm bắt thực tại cách chính xác. Do đó, một thành phần của khôn ngoan là việc tìm lời khuyên, nghĩa là lắng nghe những người có hiểu biết và kinh nghiệm. Mở ra với thái độ sẵn sàng lắng nghe – nhất là trân trọng Thiên Chúa và Lời của Ngài – chính là thành tố của khôn ngoan.
Khía cạnh thứ hai của khôn ngoan là đáp ứng thực tại cách đúng đắn và thích hợp. Điều này đòi hỏi trước hết sự xem xét cẩn trọng, suy nghĩ kỹ lưỡng và bàn hỏi với những người có kinh nghiệm. Cũng cần có khả năng phân biệt ý kiến tốt với ý kiến xấu. Do đó, khôn ngoan song hành với lương tâm (số 1806).
Bước cuối cùng và rất quan trọng của khôn ngoan: sau khi đã xem xét kỹ lưỡng thực tại và những đòi hỏi của nó, người khôn ngoan đưa ra quyết định, đồng thời kiên quyết thực hiện quyết định đó bằng phương thế chính đáng. Bởi lẽ, sự khôn ngoan được thể hiện nơi hành động đúng đắn. “Xem, xét, làm”: mọi nhân đức đều đòi hỏi những bước như thế, cách riêng là nhân đức khôn ngoan. Do đó, khôn ngoan dẫn đường cho những nhân đức khác.
 
ĐHY Christoph Schönborn
Tác giả bài viết: ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn tin: hdgmvietnam.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 20
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 12835
  • Tháng hiện tại: 139577
  • Tổng lượt truy cập: 12429289