Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 3: Đức Ái: Không ghen tương

Đăng lúc: Thứ tư - 26/02/2014 17:54
ĐỀ TÀI THÁNG 3
 
ĐỨC ÁI : KHÔNG GHEN TƯƠNG
 
Lm. Tôma Nguyễn Công Binh
 
Tháng 03 năm 2014 gồm 5 tuần, chúng ta có thể tìm hiểu đề tài “ Đức ái thì không ghen tương” ( x. 1 Cr 13, 4 ) theo dàn bài sau :
 
 
I. Khái niệm về đức ái ; khái niệm về ghen tương.
 
II. Một vài mẫu chuyện về ghen tương.
 
III. Nguyên nhân dẫn đến ghen tương.
 
IV. Hậu quả của sự ghen tương.
 
V. Vài gợi ý giúp hóa giải sự ghen tương.
 
I. Khái niệm về đức ái; khái niệm về ghen tương.
 
1. Khái niệm về đức ái
 
Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1822 thì đức ái ( hay đức mến ) là nhân đức đối thần ( hay hướng thần ), nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người than cận như chính mình.
 
+ Khi nói về sự yêu thương, Francis Quarles viết :
 
“ Đừng khoe khoang rằng mình ngoan đạo chừng nào chưa có lòng thiện tâm đối với những người xung quanh.”
 
+ Cùng đề tài yêu thương, Albert Schweitzer viết :
 
“ Một người chỉ thực sự có đạo đức khi anh ta phục tùng sự thôi thúc muốn giúp tất cả mọi sinh mệnh anh ta có thể giúp được, và lùi lại không làm tổn thương tới bất cứ sinh linh nào.”
 
Tóm lại, nói theo ngôn ngữ bình dân : Người sống đức ái là người không nghĩ xấu, không nói xấu, không làm điều xấu, điều ác cho người khác; người sống đức ái là người có bổn phận nghĩ tốt, nói tốt, làm điều tốt, điều thiện cho người khác theo khả năng của mình.
 
Ví dụ minh họa : Người Sa-ma-ri nhân hậu. ( Xem Lc 10, 29 – 37 )
 
2. Khái niệm về ghen tương
 
Theo Tự điển Tiếng Việt ( 1992 ), ghen tương là một động từ, có hai nghĩa :
 
+ Ghen tương là tức tối, bực bội vì nghi cho chồng, vợ hay người yêu thiếu chung thủy.
 
+ Ghen tương là tức tối, bực bội khi thấy người khác hơn mình.
 
Ví dụ :
 
- Thấy mẹ thương thằng em hơn, tự nhiên khó chịu với mẹ và với nó. Ghen.
 
- Thấy con nhỏ hàng xóm được mấy chàng theo trồng cây si, còn mình thì chả ai thèm ngó tới, thấy bực tức. Ghen.
 
Trong tiếng Việt, khi nói về sự ghen tương trong tình yêu, trong quan hệ vợ chồng người ta dùng những từ ngữ như : ghen tuông, nổi máu Hoạn Thư; trong các mối quan hệ khác người ta dùng những từ ngữ như : ghen tỵ, ganh tỵ, ghen tức, đố kỵ, …
 
Có quan niệm cho rằng : “có yêu mới ghen, không yêu thì có ghen làm gì”. Họ cho rằng một chút hờn ghen cũng có thể tạo ra những thú vị riêng, nó có thể làm cho tình cảm lứa đôi thêm mặn mà đằm thắm. Nhưng nếu không biết cách nêm nếm thứ gia vị “ghen” này sao cho hợp lý, nó sẽ biến món ăn tình yêu trở thành nhạt nhẽo hoặc mặn chát đến độ không chịu nổi. Theo họ, “ độc hay không độc là do liều lượng”. Ghen tương vô lý, quá độ, ngoài sự kiểm soát của lý trí sẽ dẫn đến kết quả xấu cho bản thân, cho người thân … và biến cuộc sống gia đình thành địa ngục.
 
Nói tóm lại, ghen tương là tức tối, bực bội vì nghi cho chồng, vợ hay người yêu thiếu chung thủy; ghen tương là tức tối, bực bội khi thấy người khác hơn mình.
 
Ví dụ minh họa : Người anh cả trong Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu đã ganh tỵ trước tình thương của người cha dành cho đứa em hoang đàng của mình. ( x. Lc 15, 11 – 32 )
 
II. Một vài mẫu chuyện về ghen tương.
 
1. Một vài mẫu chuyện trong văn chương và trong đời thường.
 
- Cổ tích Việt Nam có câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Vì ghen không lấy được Mỵ Nương nên Thủy Tinh hằng năm vẫn nổi ghen làm sấm chớp, làm bão lụt để hại Sơn Tinh, mong giành lại công chúa Mỵ Nương.
 
- Truyện “ Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn” cho chúng ta thấy mụ phù thủy chỉ vì đố kỵ, ganh tỵ về sắc đẹp mà mụ tìm đủ cách hại nàng Bạch Tuyết.
 
- Trong truyện “Tấm Cám”, mẹ con Cám chỉ vì đố kỵ, ghen tức mà hại nàng Tấm đủ cách.
 
- Truyện “ Chiếc máy hát” : Một buổi chiều mùa hạ oi ả, gia đình nọ hai vợ chồng đã luống tuổi cùng với đàn con đem máy hát ra ngoài hiên vặn chơi. Khi nghe bài Tỳ bà cô Bốn Khâm Thiên hát, ông cụ gật gù khen : hay, hay, …một lát lại : Hay … Bà cụ đứng phắt dậy, bằng cả hai tay hắt cái máy hát xuống sân : “ Hay này,…hay này…”. Điều đáng suy nghĩ là ông cụ không hề bước chân “xuống xóm” bao giờ, không biết chị em cô Bốn, cô Năm già trẻ thế nào. Vì ghen mà cụ bà đã đập tan cái máy hát.
 
2. Một vài mẫu chuyện trong Kinh Thánh
 
- Chuyện Cain và Abel : Vì ganh tỵ với em mình mà Cain đã hủy mạng sống của em mình. ( xem St, 4 )
 
- Chuyện Anh em con của Giacop bán em là Giuse ( x. St 37 – 43 )
 
Vì ganh tỵ, ghen tức mà các anh của Giuse đã tìm cách sát hại Giuse.
 
- Chuyện Dụ ngôn thợ làm vườn nho ( x.Mt 20, 1 - 16 ) : Những người thợ làm giờ trước nhất ganh tỵ với những người thợ làm giờ thứ 11. Họ ganh tỵ vì những người thợ làm ít giờ nhưng được ông chủ trả tiền ngang bằng họ.
 
- Chuyện mười môn đệ và anh em Giacôbê ( x. Mt 20, 20 – 24; Mc 10, 35 – 41 ) : Mười  môn đệ ghen tức với Giacôbê và Gioan khi hai anh em ông này muốn ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu.
 
III. Nguyên nhân dẫn đến ghen tương.
 
1. Nguyên nhân khách quan
 
- Sự thiếu chung tình, thói trăng hoa của người yêu, của vợ hoặc chồng là nguyên nhân dẫn đến sự ghen tuông trong tình yêu đôi lứa, trong đời sống vợ chồng.
 
- Sự bất bình đẳng thiếu công bằng, sự thiên vị trong cách đối xử giữa những thành viên trong gia đình như : lạnh nhạt, ưu ái, cưng chiều có phân biệt một cách quá mức là nguyên nhân dẫn đến sự ganh tỵ.
 
Ví dụ :
 
+ Thấy mẹ thương thằng em hơn, tự nhiên khó chịu với mẹ và với nó. Ghen.
 
2. Nguyên nhân chủ quan
 
- Ghen là do yêu chính bản thân mình chứ không yêu người khác. Ghen là do tự ái, không muốn cho ai hơn mình. Ai hơn mình thì khó chịu và tìm cách hạ người ta xuống : Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly.
 
Ví dụ : Vua Sa-un bực tức Đa-vít vì Đa-vít được dân chúng sủng ái hơn mình. Từ ghen tức Sa-un tìm cách hạ Đa-vít.
 
- Những người có tính mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân của mình, thiếu tự tin vào quan hệ của hai người thì thường hay ghen.
 
- Những người có thói trăng hoa, từ bụng ta suy ra bụng người dẫn đến quy kết xét nét người bạn tình hoặc vợ hoặc chồng của mình.
 
- Những người có chứng bệnh hoan tưởng thường hay ghen.
 
- Những người ghen tuông do tác động của rượu.
 
- Những người có chứng bệnh tâm thần phân liệt thường ghen tuông hoang tưởng hay ghen bóng, ghen gió.
 
Từ những nguyên nhân trên, ngoài những trường hợp ghen do bệnh lý, chúng ta thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến ghen tương, ganh tỵ liên quan đến hai mối tội đầu đó là : Kiêu ngạo và không yêu người.
 
Vì kiêu ngạo muốn được hơn người khác về mọi phương diện nên không chịu người khác hơn mình, vì kiêu ngạo nên bực tức khi người khác hơn mình.
 
Vì không yêu người nên ghen ghét người khác. Vì không yêu người nên bực tức khi thấy người khác hơn mình, vì không yêu người nên tìm mọi cách để làm hại người khác.  
 
IV. Hậu quả của sự ghen tương.
 
Các chuyên gia tâm lý nói rằng, ghen tuông đúng đắng mang đến một chút gia vị cho cuộc sống lứa đôi. Trái lại, khi ghen tương, ganh tỵ một cách vô lý, quá độ, ngoài sự kiểm soát của lý trí sẽ dẫn đến kết quả xấu là hại mình, hại người … và biến cuộc sống gia đình hoặc cuộc sống cộng đoàn thành địa ngục.
 
Khi nói về hậu quả của ghen tương, thánh Giacôbê tông đồ viết :  “Ở đâu có ghen tương, ở đấy có xáo trộn và đủ thứ mọi thứ việc xấu xa” ( Gc 3, 16 )
 
1. Ghen tương, ganh tỵ dẫn đến hại mình.
 
Ghen thường kéo theo là tức, là ghét, … mà một người tức ai, ghét ai thì ăn không ngon, ngủ không yên,… Dân gian có câu : “Ăn được ngủ được là tiên, ăn không được ngủ không được thì tiền nó ra”. Vì ăn không ngon, ngủ không yên nên dẫn đến bệnh…
 
Sách Châm Ngôn dạy : “Tâm hồn bình an là nguồn sống cho thể xác, nhưng lòng ghen ghét tựa chứng bệnh mục xương” ( Cn 14, 30 )
 
Ghen ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thể lý, tâm lý và tình cảm của một người.
 
a. Tâm lý : Ghen xuất phát từ tâm lý và có thể dẫn đến tâm bệnh.
 
Về tâm bệnh, ghen tương quá cũng là lý do đưa đến một số những hội chứng tâm thần. Ví dụ, tâm thần phân liệt, hoang tưởng, nghi ngờ, buồn bực, bẳn gắt hoặc nuôi ý tự tử. Câu chuyện bà Ra-khen trong Cựu Ước : Khi bà Ra-khen thấy mình không sinh con cho ông Gia-cóp, thì ghen với chị và nói với ông Gia-cóp : “Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất”. ( x. St 30, 1 ).
 
b. Sinh lý : Hậu quả tất yếu của ghen tương là lạnh nhạt trong đời sống ân ái vợ chồng. Khi ghen người vợ sẽ lãnh cảm, sẽ chán chường, sẽ bế quan tỏa cảng, và trở thành vô duyên trên giường ngủ. Khi ghen, người chồng sẽ có thể trở nên bất lực, hoặc yếu kém về sinh lý.
 
c. Thể lý : Hình ảnh những người đàn bà ghen tuông rất bơ phờ, lôi thôi, rất thiếu hấp dẫn. Đó là chưa kể đến một số phụ nữ khi ghen lại ăn nhiều nên trở thành mập phì. Đàn ông có thể trở nên bơ phờ, bệ rạc do rượu hoặc thuốc.
 
d. Tan vỡ hạnh phúc gia đình : Từ ghen dẫn đến cãi vã, chửi bới, giận hờn. Hậu quả cuối là ly dị mà những nạn nhân đáng thương nhất là những đứa con vô tội.
 
( Tham khảo : Ghen : Làm sao ghen cho nghệ thuật – Trần Mỹ Duyệt ) 
 
 
2. Ghen tương, ganh tỵ dẫn đến hại người.
 
Từ những câu chuyện về ghen tương, ganh tỵ, chúng ta thấy ghen tương, ganh tỵ là liều thuốc độc giết chết các mối quan hệ : Vì ganh tỵ dẫn đến việc anh loại trừ em ( xem Lc 15, 11 - 32 ; St 4 ); vì ganh tỵ dẫn đến việc vua giết bề tôi : Vua Sa-un hai lần giết Đa-vít nhưng không thành,…
 
Trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân chúng ta thấy vì ghen tương mà dẫn đến việc đập phá tài sản như cụ bà trong chuyện “ Chiếc máy hát” vì ghen bóng, ghen gió mà sẵn sàng đập tan chiếc máy hát nhà mình. Vì ghen tương dẫn đến kình cãi, đánh nhau, làm hại nhau với tình địch hay người yêu của mình…
 
Ghen tương là đặc tính của người đàn bà. Họ không thể chấp nhận được tình yêu chia sẻ. Họ sẽ có những hành động quyết liệt trong những hoàn cảnh đó :
 
Cái cò trắng bệch như vôi,
Có ai lấy lẽ chú tôi thì về.
Chú tôi chẳng đánh chẳng chê,
Thím tôi móc ruột, lôi mề, ăn gan.
 
Gần đây trên thông tin đại chúng, chúng ta thấy vì ghen tương mà đánh nhau, lột quần lột áo làm nhục nhau, vì ghen tương mà thuê người tạt axít vào tình địch, vì ghen tương mà có người đã biến chồng mình thành “hoạn quan”, thành thái giám bất đắc dĩ…
Đàn ông cũng không thoát khỏi được tính ghen tương. Khi họ đã ghen thì cái ghen ấy rất thâm trầm, độc ác cho đối tượng phải lao đao khổ sở :
 
Cô kia mà hát đa đoan
Anh cầm con dao lá trúc,
Anh rạch lá gan cô mày,
Ruột non anh quấn trên cây,
Ruột già anh quấn làm dây kéo thuyền.
 
Khi người đàn ông ghen mù quáng họ có thể giết tình địch, giết vợ và giết cả bản thân mình.
 
Tóm lại, ghen tương mù quáng vừa làm tổn hại đến tinh thần, sức khỏe của bản thân; vừa tổn hại kẻ khác, có khi lại rơi vào con đường tù tội nếu gây thương tích hay tổn hại tính mệnh kẻ khác. Sự ghen tương giữ người ghen tương, ganh tỵ xa anh chị em mình, xa gia đình, xa cộng đoàn của họ, dù họ đang ở ngay trong gia đình, trong cộng đoàn.
 
V. Vài gợi ý giúp hóa giải sự ghen tương.
 
Trên bình diện y học, để kê đơn thuốc cho bệnh nhân, người thầy thuốc tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh rồi mới kê đơn cho thuốc. Ở đây để kê “đơn thuốc” giúp hóa giải sự ghen tương, ganh tỵ, chúng ta cũng có thể dựa vào những nguyên nhân gây nên ghen tương, ganh tỵ.
 
1. Dựa trên nguyên nhân khách quan
 
Lời Chúa dạy, đừng làm cớ cho người ta sa ngã ( x. Mt 18, 5 – 11 ); hay chúng ta quen nói đừng làm cớ dịp tội cho người khác.
 
- Trong lĩnh vực tình yêu hôn nhân, tình yêu có tính độc chiếm, không chia sẻ. Khi yêu, người ta ích kỷ, chỉ muốn tất cả là của ta, không được nghĩ tới ai, không muốn ai nhìn người yêu của mình. Khi có đối tượng “thứ ba” xuất hiện thì sẽ có “sóng thần” đe dọa mối quan hệ giữa hai người. Do đó, khi đã yêu rồi, đã là vợ là chồng của nhau rồi thì nên giữ gìn đôi mắt, giữ gìn lời nói và mọi biểu hiện để khỏi trở thành duyên cớ cho người yêu của mình ghen tương. Tâm trạng này, chúng ta thấy diễn tả trong lời bài hát “Ghen tương” của tác giả Phạm Khải Tuấn :
 
Một khi đã yêu em đừng tán ai
Một khi đã yêu em đừng ngó ai
Một khi có em người ơi, đừng có ngó ngang làm chi,
Lòng em bỗng ghen tương tức tối.
… … … … … … … … … …
Người ơi đừng nháy mắt với bất cứ ai kia
Chớ có giỡn hớt với ai kia
Sẽ khiến đám cháy trong em bừng lên … ghen tương.
 
Nếu không biết giữ gìn mà tạo cớ vấp phạm cho người khác dễ dẫn đến ghen tương và khi ghen mù quáng dễ dẫn đến những hậu quả tai hại.
 
Trong lĩnh vực tình yêu, để tránh ghen tương thì hai bên phải thành thật với nhau, tin tưởng lẫn nhau, phải có lòng vị tha, quảng đại đối với nhau.
 
- Trong tương quan giữa các thành viên trong gia đình, nơi cơ quan hay nơi cộng đoàn. Chuyện hợp tình hợp tính thích người này hơn thích người kia là một tình cảm rất tự nhiên. Nhưng để tránh dịp tội cho người khác, khi ở “khung trời riêng” thì muốn diễn tả tình cảm của mình với người mình thích như thế nào tùy sở trường, sở đoản của mỗi người; nhưng khi ở “khung trời chung” nên giữ thái độ trung dung. Nếu ở khung trời chung không giữ được thái độ trung dung mà còn sỗ sàng tỏ sự thích của mình ra thì không tránh khỏi sự ganh tỵ, đố kỵ xảy ra nơi con cái của mình, nơi bạn bè của mình. Câu chuyện anh em con của Giacop âm mưu giết Giuse em mình là một bài học cho các bậc làm cha làm mẹ khi tỏ tình thương đối với con cái.
 
2. Dựa trên nguyên nhân chủ quan
 
Trên bình diện chủ quan, trừ những trường hợp ghen tương, ganh tỵ do bệnh lý gây ra, chúng ta thấy nguyên nhân sâu sa dẫn đến ghen tương, ganh tỵ liên quan đến hai mối tội đầu thứ nhất và thứ sáu đó là : Kiêu ngạo và ghen ghét. Bài thuốc để diệt trừ kiêu ngạo đó là khiêm nhường; bài thuốc để diệt trừ ghen ghét đó là yêu thương.
 
a. Muốn diệt lòng ghen phải biết khiêm nhường, tôn trọng kẻ khác.
 
Gọi là mối tội đầu là từ những tội ấy sẽ sinh ra những tội khác. Từ kiêu ngạo dẫn đến không chịu ai hơn mình, ai hơn mình thì mình ghét, ai hơn mình thì mình triệt hạ… Từ kiêu ngạo dẫn đến ghen ghét, từ kiêu ngạo dẫn đến giết người… Để tránh ghen ghét cần tôn trọng người khác, tôn trọng những gì người khác đang có, coi người khác hơn mình. Để giúp hóa giải sự ghen tương, ganh tỵ do kiêu ngạo gây nên, kinh nghiệm của dân gian mọi gọi chúng ta sống tinh thần “ Duyên ai nấy hưởng”
 
Rõ ràng giấy trắng mực đen,
Duyên ai phận nấy chớ ghen mà già.
                                              ( Ca dao )
 
Để tránh sự hiềm thù ganh tỵ, thánh Phaolô đã kêu gọi ăn ở khiêm nhường, tôn trọng lẫn nhau : “ Đừng làm vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác hơn mình”. ( Pl 2, 3 )
 
Để tránh ghen tương, ganh tỵ do kiêu ngạo gây nên, chúng ta hãy chạy đến Chúa Giêsu để học hỏi sự hiền lành và khiêm nhường : “Anh em  hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. ( Mt 11, 29 ).
 
Để tránh ghen tương, ganh tỵ do kiêu ngạo gây nên, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria với lời cầu nguyện : “ Xin Mẹ làm cho lòng con hiền hậu và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình để nhường chỗ cho Con Mẹ trong một trái tim khác” ( Lời Kinh Dâng Mẹ )
 
b. Muốn diệt lòng ghen phải biết yêu thương.
 
Khi tìm hiểu về hậu quả do ghen tương, ganh tỵ gây nên, chúng ta thấy những người ghen tương, ganh tỵ mù quáng dẫn đến gây hại cho người khác rất là khủng khiếp. Để tránh gây hại cho người khác chúng ta cần tập nhân đức yêu thương.
 
Như vậy để hóa giải phá bỏ ghen tương, ganh tỵ ngoài việc tập sống khiêm nhường, mỗi người chúng ta cần tập sống yêu thương.
 
Khi ghen tương, ganh tỵ,  người ta coi người mình đang ganh tỵ hay coi “tình địch” như kẻ thù, để biết yêu thương chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy : “ Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. ( Lc 6, 27 – 28 )
 
Để tập sống giới răn yêu thương trong gia đình, trong cộng đoàn, chúng ta nhớ lời thánh Phaolô dạy : “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” ( Cl 3, 12 – 14 )
 
* Lời kết :
 
Khi tìm hiểu về khái niệm, nguyên nhân, hậu quả của ghen tương, ganh tỵ và qua một vài mẫu chuyện ghen tương, ganh tỵ chúng ta thấy ghen tương, ganh tỵ đem lại hậu quả hại mình, hại người rất là thảm khốc. Hành vi hại người là hành vi đi ngược với đức ái. Để hóa giải ghen tương, ganh tỵ, chúng ta cần tập sống yêu thương. Thánh Phaolô đã có lý khi nói : “ Đức ái thì không ghen tương” ( 1 Cr 13, 4 ).
 
Năm 2014, theo lời mời gọi của Đức Giám Mục giáo phận, toàn thể giáo phận Qui Nhơn sống chủ đề “ Gia tăng Đức Ái”. Ước gì mọi người chúng ta loại trừ những nguy hại gây tổn thương đến đức ái, đồng thời tận dụng mọi phương tiện để gia tăng đức ái. Ghen tương, ganh tỵ chẳng khác nào một con vi-rút nguy hại cho đức ái. Mọi người chúng ta cần sống khiêm nhường, yêu thương để loại trừ con vi-rút nguy hại này ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ngoài việc loại trừ những con vi-rút ngụy hại cho đức ái, chúng ta cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta gia tăng đức ái. Nhờ ơn Chúa giúp, xin cho bông hoa bác ái kết trái nơi tư tưởng, lời nói và việc làm của mỗi người chúng con.
Tác giả bài viết: Lm. Tôma Nguyễn Công Binh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 25
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 6269
  • Tháng hiện tại: 140730
  • Tổng lượt truy cập: 12284990