Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật II Mùa Vọng C

Đăng lúc: Thứ năm - 03/12/2015 16:55
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C



Một lần nữa chúng ta lại bước vào thời gian của những ngày mùa Vọng. Chúng ta thường nói mùa Vọng là mùa đợi chờ nhưng có lẽ từ “đợi chờ” không diễn tả được hết ý nghĩa của Mùa Vọng. Đợi chờ có thể mang ý nghĩa tích cực và đôi khi lại mang sự tiêu cực nhưng mùa Vọng luôn tốt đẹp. Bao lâu còn sống con người còn hy vọng. Và chỉ với niềm hy vọng con người mới có thể sống được. Thiên Chúa chính là sự sống và là niềm hy vọng của chúng ta. Ngài chính là điểm đến để con người quy tụ. Ngài chính là hạnh phục mà con người đang mong chờ. Cuộc đời mỗi chúng ta là một cuộc hành trình, mở ra những con đường với những cách ăn, thói ở cho xứng hợp để đến với Thiên Chúa, đến với hạnh phúc đó.

Trong những ngày mùa Vọng, tại các giáo xứ, ai cũng muốn đóng góp phần của mình để chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh. Các ngả đường đều được dọn dẹp sạch sẽ như muốn nói lên lòng thành của mình. Những biểu ngữ, cổng chào được dựng nên như muốn báo trước một biến cố trọng đại. Đèn điện được trang hoàng rực rỡ như muốn soi thấu niềm vui rạng rỡ nơi mỗi người. Và những hang đá công phu, tỉ mỉ được xây nên là đỉnh điểm muốn cho mọi người thấy ý nghĩa của ngày lễ chúng ta sắp mừng và những công việc chúng ta sắp thực hiện.

Thế nhưng những chuẩn bị đó thực sự xuất phát từ đâu và hướng về mục đích nào? Phải chăng chúng ta đang lắng nghe tiếng mời gọi của ai đó, lắng nghe tiếng gọi của truyền thống đôi khi máy móc, vô hồn. Có vẻ như chúng ta đang hướng về cái tôi của chính mình với sự tự mãn, khoe khoang xuất phát từ bản tính yếu hèn mà đáng lý ra phải được chỉnh sửa bởi những tiếng vọng từ Trời cao để thực sự được gặp Chúa bằng niềm tin, lòng cậy và lòng mến

Con đường của lòng cậy

Đọc lại bài đọc I, tiếng của tiên tri Barúc không úp mở, không vòng vo nhưng đi thẳng vào lòng người, lay động những tấm lòng tan vỡ, chiếu sáng những trái tim chán chường trong hoàn cảnh lưu đày của dân Israel lúc bấy giờ: Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Theo dân gian, hướng đông là hướng của mặt trời mọc, nơi có ánh sáng chiếu soi để con người có thể phân biệt được vật này vật khác. Thiên Chúa chính là ánh sáng thật. Ngài chính là điểm qui chiếu để mọi người nhận ra lẽ sống. Hỡi những tâm hồn bấy lâu nay còn chìm trong bóng tối, hãy hướng ra ánh sáng. Những tâm hồn giả tạo hãy hướng về chân lý. Với lòng trông cậy, những tâm hồn đang rời rã, thất vọng, hãy hăng hái ra đón Thiên Chúa, niềm hy vọng của Israel năm xưa và cũng là niềm hy vọng của chúng ta.

Con đường của niềm tin

Tiếp nối âm vang của tiên tri Barúc là một tiếng kêu khác, tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả. Tiếng kêu đó xé tan sự im lặng, sự tĩnh mịch nơi hoang địa. Tiếng gọi đó như ngọn lửa đốt nóng những tâm hồn băng giá, những tâm hồn chẳng khác gì hoang mạc, không có lối đi cho Thiên Chúa và tha nhân. Sức nóng của nó có thể phá tan mọi ngăn cách, mọi chướng ngại vật. Từ nay dọn đường cho Chúa, chờ Chúa đến không phải bằng ý niệm, bằng ánh mắt, bằng cái nhìn xa xa nhưng bằng niềm tin qua những việc làm cụ thể. Con đường mà Gioan Tẩy Giả muốn những người thời của ngài chuẩn bị là sự sám hối, là biến đối đời sống, tin vào quyền năng của Thiên Chúa qua việc chịu phép rửa tại sống Gio-đan. “Chúng tôi phải làm gì đây”- “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Không cần phô trương, cầu kỳ, không rực rỡ, nhiều màu sắc nhưng vẫn vạch ra con đường rất đẹp để Chúa đến qua biến cố nhập thể của Con Một Ngài. Người Con ấy từ đây sẽ mang lấy phận người để con người được làm con Thiên Chúa, được gặp Thiên Chúa bằng con đường của niềm tin.

Con đường của lòng mến

Chúa đến lần thứ nhất đã hơn hai thể kỷ nhưng chúng ta vẫn phải đợi Chúa đến lần thứ hai trong cuộc quang lâm. Cuộc đời mỗi người chúng ta là một Mùa Vọng kéo dài. Đời là đợi, chờ đợi Chúa đến. Hành trình đó buộc mỗi chúng ta luôn tỉnh thức, bằng thái độ lắng nghe. Thời của tiên tri Barúc, của Gioan Tẩy Giả đã xa chúng ta nhưng âm vọng những lời kêu gọi đó càng hối hả thúc giục chúng ta nhiều hơn trong thời đại này vì tiếng các ngài là hiện thân cho tiếng gọi của Chúa, một Thiên Chúa không bao giờ đổi thay. Hôm nay chính Chúa gọi chúng ta chứ không phải một tiên tri nào nữa. Hãy dọn một con đường để đón Chúa đến.

Mỗi khi mùa Vọng đến, có lẽ ai trong chúng ta cũng lấy làm hồi hộp, chờ mong, náo nức: trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa đấng Cứu Đời. Đôi mắt hướng về trời, tâm hồn như bay bổng, lâng lâng. Thật thích lắm nhưng chẳng có ích gì với thái độ đó. Hỡi những Kitô hữu, đừng mải nhìn trời nhưng hãy trở về với thực tại là cuộc sống trước mắt và những người xung quanh. Đó mới là con đường để chúng ta đi. Dọn đường cho Chúa và dọn đường cho tha nhân như gắn chặt với nhau. “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. (Mt 25,40). Điều này không ai có thể cảm nhận rõ ràng hơn vị Tông đồ dân ngoại qua biến cố ngã ngựa tại thành Damas. Saolê, Saolê, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Thiên Chúa đang hiện diện qua tha nhân. Biến cố ngã ngựa đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời thánh Phaolô. Ngài đã đi hết hành trình mùa Vọng trong đời ngài để hôm nay Ngài chuyển sứ điệp đó cho mỗi chúng ta qua thư gởi tín hữu Philipphê. Lòng bác ái là phương cách tốt nhất để dọn đường cho Chúa đến. Con đường đến với Thiên Chúa là con đường ngang qua tha nhân, con đường của lòng mến.

 Ngày nay trên thế giới, có biết bao tiếng kêu cần được ta lắng nghe. Tiếng kêu từ những cảnh nghèo đói, từ những đau khổ bởi bất công, bởi chiến tranh, bởi thiên tai, bởi sự thờ ơ, thiếu cảm thông của con người. Có thể ở đâu đó một đứa trẻ đang kêu. Em cần tình thương, hay đơn giản hơn chỉ là một miếng ăn bé nhỏ, tầm thường. Ở đâu đó một người trẻ đang suy sụp, mất phương hướng đang kêu. Anh cần một đôi tai biết lắng nghe, hoặc một con tim thông cảm. Có thể một cụ già đang rên xiết và cần ai đó đến thăm, chia sẻ sự cô đơn với cụ. Có ai nghe, cảm nhận những tiếng kêu đó để rồi đụng chạm vào những thực tại, những biến cố đó chăng? Tiếng Chúa đang vọng bên tai, Hãy Dọn Đường. Nhưng con đường đến với tha nhân sẽ bị cản trở, bị chặn đứng, thậm chí đi vào ngõ cụt nếu chúng ta không khai thông con đường tâm hồn chúng ta. Làm sao đến được với người khác bằng một trái tim không mang tình yêu, bằng một tâm hồn băng giá, thờ ơ, lãnh đạm, bằng đôi tay khép kín hay bằng đôi chân ù lỳ. Chúng ta hãy là con đường thật thông thoáng, rộng mở để tha nhân đến và Chúa đến.

Sứ điệp mùa Vọng, một lần nữa mời gọi chúng ta hướng về trời đồng thời cũng hướng về thực tại trần gian. Hướng về trời bằng lòng trông cậy và lòng tin để chúng ta lắng nghe tiếng Chúa hầu đủ sức, đủ can đảm dọn con đường tâm hồn. Khi đó, chúng ta sẵn sàng để lắng nghe tiếng tha nhân bằng lòng mến và mau mắn khai mở một con đường đến với họ. Đó cũng chính là con đường để chúng ta đến được với Chúa, được gặp Chúa không chỉ trong dịp lễ trọng đại sắp tới mà còn hướng đến trong ngày Chúa quang lâm.


 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130952
  • Tổng lượt truy cập: 12275212