Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật II Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 09/04/2015 18:43
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
( Ga 20, 19 – 31 )


 

Khi cùng với những anh em Bác Ái, làm việc tông đồ thăm viếng, đi đến những vùng sâu xa, hẻo lánh chúng tôi gặp những hoàn cảnh xót xa và thương tâm không thể cầm lòng được. Họ là những nạn nhân của những vấn đề kỳ thị phân biệt trong xã hội, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn trở nên nghèo đói, túng cực, con cái không được học hành đến đến chốn và còn nhiều khó khăn khác nữa. Điều mà chúng tôi thấy xót nhất là phát hiện một số gia đình người công giáo đến nay vẫn không dám giữ đạo Chúa hoặc thờ phượng Chúa cách dè dặt, hỏi ra mới biết trong tâm tư cõi lòng họ có nỗi sợ hãi kéo dài theo năm tháng, mãi đến nay vẫn còn sợ, nếu thờ phượng Chúa thì họ cảm thấy bị làm khó trong chuyện này chuyện kia, bị mỉa mai.v.v. nhưng khi chúng tôi hiện diện an ủi và nâng đỡ họ, nhiều người cảm thấy được an vui, ấm áp tình người và mạnh dạn trở lại với đạo Chúa. Nỗi sợ hãi một thời đã làm tê liệt niềm tin nơi họ. Tin mừng Phục sinh hôm nay cũng hé lộ cho chúng ta thoáng thấy dáng dấp của nỗi sợ hãi đã tác động mạnh đến nếp sống của các tông đồ như thế nào. 

Hình ảnh cuộc khổ nạn của Chúa Giê su ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí rất mạnh lên tâm trí các tông đồ, nỗi sợ hãi vẫn còn đó phảng phất trong tâm trí các tông đồ, vì thế khi gặp nhau, cửa nhà các Ngài vẫn đóng kín: “ vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cưa đều đóng kín, các  ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19). Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ là các ông sợ người Do Thái. Thầy mình đã bị giết chết cách đau đớn ê chề trên thánh giá, bao nhiêu hy vọng bị sụp đổ  khi cây thánh giá được dựng lên vào chiều thứ sáu tuần thánh. “Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel “ ( Lc 24, 19b- 21 ), chúng ta không biết Thánh Tôma ở đâu trong những ngày đó và có thể các ông nghĩ rằng rồi đến phiên các ông cũng bị sát hại như thế, nên các ông hoảng sợ đóng kín cửa nhà. Ở đây chúng ta cũng có thể hiểu phần nào con người ngày nay đóng kín cửa tâm hồn mình, vô cảm với nhiều vấn đề sống còn của người khác là vì ngày hôm nay thế giới dường như đang sống trong nỗi sợ hãi, bất an vì ảnh hưởng của chiến tranh, hận thù, sát hại, tai nạn, nghèo đói, chạy đua kinh tế, tiền tài, ô nhiễm môi trường...sợ hãi ngày càng lớn lên làm cho nhiều người co cụm, sợ liên lụy, nên đóng cửa tâm hồn, lạnh lùng, vô cảm với nhiều vấn nạn nhân sinh

 Trong nỗi hoang mang sợ hãi này, các Tông đồ lại được gặp may: “ Chúa Giê Su đến đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa. Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” ( Ga 19b – 21 ). Biến cố thập giá để lại một ấn tượng khó quên, sự kiện phục sinh lại càng ấn tượng mạnh mẽ hơn nhiều. Chúa Giêsu Phục sinh xuất hiện cách bất ngờ trước mắt các ông trong lúc các ông cảm thấy niềm vui đang bắt đầu dâng tràn khi các ông thi đua nhau kể về chuyện đã thấy Chúa. Niền vui bởi Đấng Phục sinh mang đến cho các môn đệ luồng sinh khí ấm áp. Đã qua rồi những ngày đen tối nhất, ánh sáng bình minh đang ló dạng, tia hy vọng  của niềm tin đang sống lại trong tim nồng nhiệt các môn đệ.  Chúa Giê su Phục Sinh, Đấng chủ động, tìm gặp an ủi và chuyển trạng thái tâm lý các môn đệ từ buồn thương, sợ hãi sang vui mừng, hân hoan. Từ chỗ rời rạc, đau thương hôm thứ sáu tuần thánh tăm tối mịt mù sang đoàn tụ yê thương hiệp nhất đầy niềm vui trong sáng của ánh ban mai ngày mới để loan báo Tin Mừng: “  Như cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Trong tuấn huấn NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG, số 264 , GẶP GỠ THÂN TÌNH VỚI TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊ-SU, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói rằng: “ Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giê-su mà chúng ta đã lãnh nhận kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu nầy, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động chúng ta. Chúng ta cần nài xin ơn Chúa hằng ngày, xin Ngài mở nhwngxtrais tim lạnh nhạt của chúng ta và khuấy động đời sống ơ hờ và hời hợt của chúng ta. Đứng trước mặt Ngài với trái tim rộng mở và để Ngài nhìn chúng ta, chúng ta athaays được cái nhìn yêu thương mà ông Nathanael đã nhìn thấy hôm Đức Giê-su nói với ông: “ Tôi đã nhìn thấy anh dưới cây vả” ( Ga 1, 48 ). tốt biết bao, khi đứng trước tượng chịu nạn, hay quì gối trước thánh thể, và chỉ đơn giản ở trong sự hiện diện của Ngài! Tốt biết bao khi một lần nữa Ngài đánh động cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài! Điều xảy ra sau đó là “ chúng ta nói điều ra điều chúng ta đã thấy và đã nghe!” ( 1Ga1, 3 )....”

Ở đây, người vui mừng hơn cả là thánh Tô-ma. Khi đọc đoạn Tin Mừng này,ai ai trong chúng ta cũng dừng lại ở chỗ Tôma cứng lòng tin, vì đòi buộc những dấu chứng chắc chắn : “ nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn người, tôi chửng có tin”. Thánh Tôma không ngần ngại bày tỏ nỗi niềm khao khát được thấy Đấng mình yêu thương với những lời tuyên bố mạnh mẽ gây sốc cho anh em. Cũng có thể thánh Tôma muốn có một cảm nghiệm riêng tư về tình yêu, và đây cũng là nét đặc thù nơi Tôma.  Chúng ta có cảm tưởng thánh Tôma như những Nhà khoa học thực nghiệm, đòi hỏi có những bằng chứng cụ thể .  Những đòi hỏi của ông chứng tỏ ông đang trải qua một đau thương tột cùng, cái chết của Thầy đã làm tan nát tình yêu, tan vỡ con tim nhiệt huyết đang yêu thương Thầy, nhưng đồng thời, chúng ta cảm ơn những đòi hỏi đó, Tôma đã đi trước thời đại chúng ta trong suy luận duy lý, cho chúng ta một chân lý khẳng định Đấng đã chết trên thập giá đau thương kia cũng chính là Đấng đã sống lại và đang sống giữa chúng ta hôm nay. Chúa Giêsu Phục sinh đã không quên tình yêu đó, Ngài làm cho con tim khao khát tình yêu được mãn nguyện, lấp đầy chỗ trống vắng trong tim yêu thương của Tôma “ Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy, đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Một khi niềm vui hạnh phúc đến bất ngờ làm tràn  ứ con tim, con người chúng ta thường có những nghĩa cử biểu hiện vô cùng ngạc nhiên. Như em bé reo lên khi sung sướng trước những điều hạnh phúc choáng ngợp tâm trí không sao thấu hiểu,Thánh Tôma cũng không nằm ngoài trạng thái tự nhiên đó, đã thốt lên những âm giọng tràn niềm vui hân hoan, trước mầu nhiệm kỳ lạ không thể nào lý giải hết ý nghĩa của nó. Có thể đây là tiếng reo cực kỳ hoan hỷ của đức tin Tôma: “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Ôi!  lạ lùng thay, Thầy mình đã chết hôm trước, nay lại đứng giữa anh em cách tỏ tường hôm nay, nói những lời an ủi, yêu thương ngay lúc này và tại đây mặc dù cửa nhà vẫn đóng kín. Không gian, thời gian, vật thể chẳng thể nào ngăn cản Thầy được. Và còn đó những dấu tích của cuộc tử nạn trên thân thể Thầy. Thầy thực sự là một Thiên Chúa hằng sống. Sự sống lại của Thầy đã qui tụ tất cả anh em về sống lại tình huynh đệ yêu thương nồng thắm hơn những ngày đã qua. Như Thánh vịnh đã nói

“ Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
Qui tụ dân Israel tản mác về
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
Những vết thương băng  bó cho lành” ( Tv 146, 2- 3 ).

Các môn đệ đã được qui tụ về một mối, sống lại tình nghĩa gia đình của cộng đoàn các môn đệ nhờ  hướng dẫn của Đấng Phục Sinh.  Niềm vui sống lại đã thay thế nỗi sợ hãi kia.  Bây giờ các Ngài không còn sợ hãi những mãnh lực của người đời nữa, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên là một bằng chứng sống động

Câu chuyện của Toma và các môn đệ cũng là chuyện của chúng ta. Phụng vụ giáo hội cho chúng ta nhận ra điều đó. Mầu Nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại có sức thu hút qui tụ tất cả chúng ta về một mối, ở đây niềm tin của mỗi người được sống lại và lớn lên từng ngày, tất cả cùng nhau tuyên xưng chung một niềm tin: “ Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Cũng thế, ở đâu có thánh lễ ở đó sẽ phục hồi niềm tin và mang lại sức sống mãnh liệt trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ nơi  mỗi ki tô hữu.


 
Tác giả bài viết: Lm. Thaddaeus Lê Văn Ý
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 10
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127323
  • Tổng lượt truy cập: 12271583