Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ năm - 02/04/2015 18:16
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Cv 10, 34. 37 – 43 / Col 3, 1 – 4 / Ga 20, 1 – 9)
 



Buổi sáng tinh mơ của ngày Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, khi đọc lên đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan, chắc chắn không ai trong chúng ta mà không hồi tưởng lại trong tâm hồn về một buổi sáng tinh mơ đậm nét của Ngày Chúa nhật đại lễ Phục Sinh cách đây trên 2000 năm. Buổi sáng hôm nay làm chúng ta nhớ lại lời Thánh Vịnh : “ Đây là ngày Chúa đã làm ra. Nào ta hãy hoan hỷ về ngày ấy” (Tv 117,24). Ngày Thứ Sáu hôm ấy đã làm cho biết bao con người sững sờ ngạc nhiên, thất vọng và buồn bả vì tang chứng của Thầy Giêsu, để rồi hôm nay Chúa Phục Sinh trở thành một niềm vui quá lớn, một xác tín mạnh mẽ oai hùng cho các môn đệ của Người. Ngày hôm ấy đã đi vào trong lịch sử nhân loại đạo đời như một cột mốc được chôn sâu trong không gian và thời gian. Ngày mà Chúa đã làm ra bởi quyền năng cũng là ngày mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa cho đời Kitô hữu biết cậy trông và tín thác vào Ngài. Ngày hôm ấy đã trở thành ngày hôm nay với những lời hoan ca Phục Sinh – Allêluia cho đời người Kitô hữu và cho người đời khắp chốn khắp nơi. Mừng vui lên trong ngày đại lễ Phục Sinh, hôm nay muốn chia sẻ với quý ông bà và anh chị em về Sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô qua các biến cố sau đây.

1/ PHỤC SINH : Lịch sử tính và tầm quan trọng của biến cố 

Với biến cố Phục Sinh, có thể nói được là một biến cố độc nhất vô nhị. Mỗi một chúng ta có Đức tin –Đức cậy và Đức mến cùng với tất cả mọi sinh hoạt trong lễ nghi - phụng tự và các Bí tích của Kitô Giáo đều dựa trên nền tảng căn bản của biến cố Phục Sinh này. Nếu có ai đó đặt vấn nạn về trọng tâm của niềm tin Kitô giáo ở đâu ? Chúng ta có thể trả lời một giáo lý sâu sắc gọi là Keryma của các Tông đồ: Kitô Giáo mà chúng tôi tôn thờ là một tôn giáo của Đức Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại.
Nếu không có biến cố sống lại, nếu không có sự Phục Sinh của Đức Kitô thì việc chúng ta tôn thờ Thập Giá của chiều hôm Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua là một việc tôn thờ ngẫu tượng. Hay nói một cách cụ thể trên 2000 năm nay các nước văn minh tiên tiến, các nước có khoa học kỹ thuật tiến bộ mà thỉnh thoảng dân tộc Việt Nam đến đó để học được càn khôn của họ, thì việc mà họ tôn thờ một Đức Giêsu chịu đóng đinh, chịu chết trên Thập Giá như buổi Chiều Thứ Sáu và ngót gần 2000 năm nay là một sự ngu muội và điên rồ. Quả thật nếu không có sự Phục Sinh của Đức Kitô, nếu không có biến cố từ trong kẻ chết sống lại, thì Kitô Giáo vẫn là một cớ vấp phạm và là một chướng ngại vật vô cùng lớn lao cho nhiều người. Bởi không ai trong chúng ta lại tôn thờ một thần chết, một thân xác bị treo lơ lững trên cây thập giá cả.
Không phải ngày hôm nay nhân loại văn minh tiến bộ cố gắng xây dựng biến cố Phục Sinh này làm sao để có tính cách Logic về mặt lịch sử, nhưng ngay từ ban đầu các tác giả Tin Mừng là những người đã sống trong hoàn cảnh và biến cố đó, họ cảm nghiệm từ trong Kinh Thánh, họ đã ghi lại tính cách lịch sử hay sự kiện Phục Sinh của Đức Kitô. Tính lịch sử và tính hiển nhiên được nêu lên trong 4 Tin Mừng, trong sách Công Vụ và trong nhiều lá thư khác nữa.
Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là một sự kiện lịch sử theo nghĩa nó thực sự xãy ra, chứ nó không theo nghĩa được chứng thực theo phương tiện truyền thông đại chúng hay nhờ những chứng nhân thấy tận mắt. Không ai chứng kiến sự kiện Phục Sinh cả. Tin Mừng ghi lại rất rõ : ngay cả những người lính canh gác mộ Chúa cũng ngủ li bì và dù có một ống kính hay một tay phóng viên điện ảnh tầm cỡ đứng ở ngay mồ canh chừng để chụp vẫn thất bại. Đức Kitô Phục Sinh với một thân xác đã biến đổi vượt quá phạm trù không gian, thời gian và ngôn ngữ. Với cái chết, cùng với những người mai tángngôi mộ trống vẫn còn đó. Đó là một sự kiện lịch sử, nghĩa là con người ngày xưa và khoa học hôm nay trên bình diện khoa học và lịch sử có thể kiểm chứng được.
Sự Phục Sinh của Đức Kitô không còn là đối tượng của khoa lịch sử nữa. Mà người ta chỉ còn cách là Tin mà thôi. Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ được các môn đệ là những người tin Ngài xem thấy. Trường hợp loại trừ duy nhất là Thánh Phaolô đã gặp Đức Kitô Phục Sinh trên đường đi Đamas. Tính cách chắc chắn của Chúa Kitô Phục Sinh được đặt nền móng trên những lần Chúa hiện ra chứ không dựa trên sự kiện ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống chỉ là một dấu hiệu, một signum mà thôi. Tại sao thế và tại sao người ta coi ngôi mộ trống là một bằng chứng cụ thể lại là một dấu hiệu ?
Thưa trước hết, vì nó là một dấu hiệu và một sự kiện nên đã từng bị con người cắt nghĩa sai lạc. Nghĩa là qua dòng thời gian ông cắt nghĩa thế này, bà cắt nghĩa thế kia. Đã có lần người ta lý luận với nhau : biết đâu có các Tông Đồ là những người thương mến Thầy mình, đợi toán lính canh mồ ngủ quên, họ đào mộ và bế xác của ông Giêsu đi mất.
Việc đào quật một mộ đá đã được niêm phong và có toán lính canh gác đâu có phải là một chuyện qua đường giật một sợi dây chuyền hay đánh cắp một chiếc đồng hồ hoặc một chiếc xe rồi bỏ chạy. Với biến cố sống lại, Panenberg và khoa học có thể chứng minh được lịch sử tính của nó và ngày hôm nay với chiếc khăn liệm thành Turinô cũng đã xác minh cho ta điều đó.
Mặc dù con người có thể chứng minh tính cách lịch sự của biến cố sống lại bằng khoa học vật lý thế này thế kia. Nhưng trên bình diện đức tin, thì đức tin không dựa vào những gì cân, đo, đong, đếm được hay mắt thấy, tai nghe, tay rờ đụng. Vì dựa vào phạm trù vật lý như những gì cân, đo, đong, đếm được thì vẫn còn giới hạn của nó.
Ắt hẳn, mỗi người trong chúng ta đều biết, chủ thể và đối tượng phải tương hợp và tương xứng. Nếu không ắt sẽ bị khập khiểng và vô tác dụng. Chỉ có tiếng đàn của Bá Nha thì Tử Kỳ mới nghe được. Cố nhân của chúng ta thường phê phán hay nói chơi cách khôn khéo: « Đừng gãy đàn cho trâu nghe.” Vâng ! Đúng vậy. Chủ thể là đôi tai và đối tượng của chủ thể là thanh âm. Khi người ta nắm bắt được thì người ta có thể trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Mozart, Betthoven hay Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Các Tông Đồ là những môn đệ của Chúa Giêsu, chắc chắn các ông đã lãnh hội được tất cả những giáo huấn khi Thầy trò đó đây trong sứ mạng rao giảng, để rồi các ông dám làm chứng dấn thân cho Tin Mừng mà các ông đã rao giảng. ( Cv10, 34. 37 – 43 )

2/ PHỤC SINH: Một biến cố siêu lịch sử

Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay, khi đọc lên, Thánh Gioan đã tường thuật : Buổi sáng hôm ấy Phêrô và Gioan chạy ra mồ.  Buổi sáng hôm ấy Phêrô và Gioan chạy chứ không phải là đi. Những bước chân tranh thủ để chạy đó thay cho những bước chân bồn chồn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Buổi sáng hôm đó đã trở thành buổi sáng độc nhất vô nhị trong lịch sử của nhân loại. Nếu không có buổi sáng hôm ấy thì không có Kitô giáo như hôm nay. Chính vì vậy mà thánh Phaolô đã đúc kết lại trong một câu rất danh tiếng “ nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em là vô ích và lời rao giảng của tôi thật là hão huyền ”. Nhưng chính vì buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng độc nhất vô nhị. Cho nên, những người Kitô hữu như chúng ta được mời gọi cứ phải đào sâu thường xuyên và lặp lại lời tuyên xưng đức tin của mình. Vậy đức tin và tính siêu lịch sử ở đâu hay ở chỗ là ngày hôm ấy chưa từng bao giờ trong lịch sử có chuyện một xác chết bây giờ lại sống lại? Đúng ! Vì sự thật có một xác chết sống lại. Maria Mađalêna, Phêrô – Gioan chạy ra mồ thì thấy mồ trống. Xác của Thầy mình biến mất. Nếu tự sự kiện đó chưa nói lên Chúa Kitô sống lại, vì theo cách giải mả của Maria Mađalêna thì coi như là người ta ăn cắp xác Thầy chứ không sống lại. Tiếp theo sau là những lần hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ của mình. Hôm nay thánh Phêrô khẳng định ở trong bài đọc thứ nhất: Không phải một lần mà lại nhiều lần: Các môn đệ của Chúa Giêsu phải trả giá mạng sống mình bằng lời chứng đó.
Sự kiện ngôi mộ trống cộng với các chứng nhân, các môn đệ về những lần gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nó xác định cho chúng ta điều nầy: Đây là một biến cố có thật, một biến cố lịch sử. Thế nhưng, cũng cần đặt ra một vấn nạn : bởi nếu một xác chết sống lại thì ngay trong Kinh Thánh Cựu Uớc đã cho ta thấy Chúa cho xác chết sống lại ? Và trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu thì Ngài cũng đã từng làm cho kẻ chết sống lại: Lagiarô – con gái ông Giairô – con trai bà góa thành Naim…đâu có phải độc nhất vô nhị và siêu lịch sử? Biến cố Phục Sinh không chỉ là biến cố lịch sử như chúng ta vẫn hiểu về  lịch sử ; mà còn là một biến cố siêu lịch sử có nghĩa là Chúa Giêsu sống lại từ trong cõi chết. Người sống lại không phải như Lagiarô sống lại cuộc đời trần thế này một lần nữa hay được vài chục năm… Nhưng Chúa Giêsu sống lại đã trở thành ĐẤNG HẰNG SỐNG. Chính vì vậy người Kitô hữu tuyên xưng Chúa Kitô sống lại không có nghĩa tuyên xưng một xác chết nay Phục Sinh mà là khám phá ra những ý nghĩa thâm sâu khác trong lời tuyên xưng của chính mình. Một trong những ý nghĩa đó là: cùng với mầu nhiệm Chúa Kitô sống lại. Chúng ta khẳng định rằng : Tất cả những giá trị mà Chúa Giêsu đã rao giảng, đã dám sống và dám chết cho những giá trị đó. Tất cả những giá trị đó mang tính vĩnh hằng.

3/ PHỤC SINH : Một biến cố hướng mở tương lai

“Đức Kitô đã chỗi dậy từ trong cõi chết ” bởi quyền năng của Thiên Chúa vô biên đã đã vực Người chỗi dậy. Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người đã soi chiếu, hướng dẫn trong cuộc đời trần thế và lôi kéo mỗi một người chúng ta về với Thiên Chúa là Cha trong ánh quang huy hoàng. Thánh Gioan – người môn đệ Chúa yêu đã từng định nghĩa về bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã trải qua cái chết, chính Người là Thiên Chúa, đồng thời cũng vẫn là một người và là anh em của chúng ta. Lễ Phục Sinh đem lại cho chúng ta biết bao phấn khởi để cố gắng bênh vực con người, để mỗi người cũng được phục sinh như Ðức Kitô.
Quả thế, cuộc Phục Sinh của Đức Kitô cho thấy tất cả mọi khía cạnh trong câu nói của Người : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy ... hãy yêu thương nhau ...”
Những việc Ðức Giê-su làm, những lời Người nói giúp chúng ta nhìn cuộc đời theo một cách thức mới ; chính Người là Thầy, nhưng lại sống trong thân phận một tôi tớ. Người đã nói : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó ... ai hiền hoà ... xây dựng hoà bình ...” và Người đã sống đến cùng. Chính Thiên Chúa nói trong Ðức Giêsu Kitô và thúc đẩy chúng ta bước theo Người, hành động như Người.
Lễ Phục Sinh còn mở ra cho chúng ta những cánh cửa hướng tới tương lai. Phục Sinh, đó là một cuộc Vượt Qua. Ðức Giêsu là người đầu tiên vượt qua để làm cho chúng ta cũng vượt qua với Người. Phục Sinh, đó là cánh cửa hướng đến sự sống không bao giờ tận : từ nay cuộc đời trần thế của chúng ta đã có một chiều kích mới, chiều kích vĩnh cửu.
Với Ðức Giêsu Phục Sinh, không có con đường nào là con đường cùng, không lối ra ; cái chết không còn phải là rào cản ; tội lỗi có thể được thứ tha và tội nhân có thể được giải thoát. Thánh Phêrô hôm nay trong bài đọc thứ nhất đã xác tín và dõng dạc công bố: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chững về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” ( Cv 10, 43 ).
Chúng ta luôn có thể lên đường lại và ra đi, đừng bao giờ thất vọng về chính mình cũng như người khác, bởi vì từ nay, Ðức Giêsu đã làm nảy sinh tình yêu, khởi đầu từ những hận thù đổ xuống trên chính Người. “Này Ma-ri-a, hãy mau tìm các môn đệ của Thầy, hãy cất tiếng hát đem lại bình an cho những người bạn của Thầy đang sợ hãi, để họ thức dậy và đến gặp Thầy, để họ thắp lên những ngọn đuốc sáng. Này các Tông Ðổ, hãy xua đi mọi ưu sầu phiền muộn, vì Thầy đã chỗi dậy và đem lại sự sống cho loài người đang tuyệt vọng...


 
Tác giả bài viết: Lm. Grêgôriô Lê Văn Hiếu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 39
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 25
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135553
  • Tổng lượt truy cập: 12279813