Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật IV Mùa Vọng

Đăng lúc: Thứ năm - 15/12/2016 18:27
 
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
(Is7,10-14;  Rm1,1-7;  Mt 1,18-24)
 


Lm. Vincentê Nguyễn Văn Thanh

Mùa vọng sắp hết và lễ Chúa Giáng Sinh đã gần kề, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn ngắm vai trò  Đức Mẹ và thánh Giuse trong giai đoạn đầu của việc Thiên Chúa đến trần gian. Chúng ta đọc Tin mừng có những sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.
Thứ hai: Giuse không hiểu, định tâm bỏ Maria, không rước Maria về nhà.
Thứ ba: sự can thiệp của thiên thần Chúa.
Thứ bốn: Giuse vâng phục.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã gặp những hoàn cảnh như nhau:  ca hai đã chạm trán với mầu nhiệm của Thiên Chúa, chạm trán với những dấu chỉ, với biến cố bất ngờ mà không thể giải thích theo sự khôn ngoan của loài người. Vì thế, qua Lời Chúa hôm nay,  chúng ta nhận ra “ Dấu chỉ hiện diện của ơn cứu độ” càng dần rõ hơn và đã được thực hiện.
Trong thời Cựu Ước, nhân loại ngóng chờ Đấng Cứu Thế như đang dò dẫm bước đi trong một hành trình tăm tối và rồi đến tiên tri Isaia “ như thấy một tia sáng cuối đường hầm” qua lời loan báo: “ Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmamuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is7,14).  Đấng ấy sẽ được sinh ra từ dòng dõi David.
Đến khi lời hứa được thực hiện qua bài Tin mừng thánh Mattheu, ngài cho ta thấy một dấu chỉ cứu độ vừa kỳ diệu vừa bí ẩn: kỳ diệu ở chổ một Thiên Chúa quyền năng, đấng tối cao trung thành với lời hứa với tổ phụ David đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa ở cùng nhân loại làm cho triều đại David được trường tồn. Dấu chỉ Emmanuel đã trở thành một thực tại hữu hình qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chính Mầu Nhiệm Nhập Thể đã nói lên tính cách kỳ diệu của một Thiên Chúa tối cao nhưng lại gần gũi và thân tình với con người.
Điểm thứ 2: Mầu Nhiệm Nhập Thể vừa có tính bí ẩn, vì Chính Đức Maria cũng không hiểu được chiều kích huyền nhiệm của Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria chỉ biết hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa như một nữ tỳ vâng phục. Thế nhưng, Đức Maria không biết làm sao với thánh Giuse, Vị hôn phu của mình đây?  Khi thấy thánh Giuse trăn trở trước sự kiện bạn mình có thai mà không biết nguyên do. Đây là sự trăn trở khi phải đối diện với bất cứ một dấu chỉ Mầu nhiệm của Thiên Chúa .
Điều trăn trở khiến cho Giuse tiếp tục tìm phương thế nhẹ nhàng hơn là“ định tâm bỏ Bà cách kín đáo”(Mt1,19). Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp và mời gọi Giuse đi vào chính huyền nhiệm mà Ngài đang thực hiện nơi Đức Maria, cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ “Hỡi Giuse, con vua David, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình: Vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần…”(Mt1,20). Vai trò cao trọng của thánh Giuse được chọn làm cha của Chúa Giêsu theo luật pháp, con Một Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ  Maria  nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Với vai trò này, thánh Giuse đã cộng tác cách đặc biệt với Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài.
Tin mừng thánh Mattheu đã gọi : “Giuse bạn bà là người công chính…”(Mt1,19), sự công chính của thánh Giuse không thể hiểu đơn giản là sự công chính theo lề luật mà là sự công chính tôn giáo. Ngài là người công chính vì tôn trọng công trình của thiên Chúa nơi Đức Maria, Ngài thấy mình không có quyền dành lấy người mà Thiên Chúa đã dành riêng. Và cũng vì tế nhị nên cẩn thận không tiết lộ mầu nhiệm thần linh nơi Đức Maria. Thánh Giuse phản ứng như bao người công chính khác trong Thánh Kinh trước Thiên Chúa: Môsen cởi giầy trước bụi gai bốc cháy, Phêrô sợ hãi trước mẻ cá lạ phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là người tội lỗi”.
Sau khi được thiên sứ báo mộng, thánh Giuse không còn thụ động nữa, Ngài đã trỗi dậy thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính hành động này làm cho Ngài trở nên một thành viên tích cực trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, nên người công chính. Nhờ sự vâng phục đó, nhờ sự công chính đó, Chúa Giêsu được  gia nhập vào dòng dõi David, Đức Maria không bị mang tiếng và Lời Chúa được ứng nghiệm qua  Mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa Làm người- Đấng Emmanuel.
 Đấng Emmamuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng ấy sẽ được sinh ra từ dòng dõi David. Sự xuất hiện của Ngài là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Người để cưu vớt họ. Điều này trong bài đọc hai,Thánh Phao lô cũng cảm nhận được sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời ngài qua biến cố Damas. Đó là dấu chỉ mời gọi làm  tông đồ cho Chúa và ngài đã trở nên một tông đồ nhiệt thành, hăng say loan báo Tin mừng về Đức Kitô “ Tôi là Phaolô, tôi được gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo Tin mừng” (Rm1,1). Tin mừng đó là Đức kitô hiện thân của ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ trước qua miệng các tiên tri. Thánh Phaolô cảm nghiệm được đặc ân Thiên Chúa trao cho mình sứ vụ đó. Nên ngài kêu gọi mọi người vâng phục Tin mừng và làm chứng cho Tin mừng.
 Như thế, Maria và Giuse đã chạm trán với mầu nhiệm, với Đấng Quyền Năng. Họ phải vượt qua những khó khăn đau khổ, và sau cùng tìm thấy bình an trong vâng phục. Cả hai Đấng đã trở nên dụng cụ hữu dụng của ơn cứu chuộc. Nhờ sự vâng phục tuyệt hảo và khiêm tốn của hai Đấng, Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho nhân loại.
Trong cuộc sống, bao nhiêu lần chúng ta cũng chạm trán với mầu nhiệm, mầu nhiệm đau khổ, mầu nhiệm của sự ác, những thất bại, những oan ức mà không thể hiểu, chúng ta như thế nào? Chúng ta đổ lỗi cho Chúa và dẫy dụa trong những câu hỏi “tại sao”. Đôi khi lại thất vọng. Chúng ta quên rằng, chúng ta đã chạm vào bàn tay của Đấng Vô Hình. Ngài cho chúng ta đi ngang qua những thử thách cam go như thế để hướng chúng ta về những gì cao cả hơn là những chuyện “tầm thường” của cuộc sống này. Chúng ta đủ nhẫn nại và thành tâm tìm hiểu ý Chúa không? Nếu chúng ta không có câu trả lời, hãy đến với Chúa Giêsu. Một vài phút im lặng với Chúa sẽ giúp chúng ta bình yên. Đừng sợ, đừng nản lòng. Chúa có thì giờ để giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, Ngài đến để cứu vớt chứ không để sát phạt. Nhiều lúc Chúa để chúng ta chờ đợi lâu ngày mới cho chúng ta hiểu Chúa muốn gì. Chúng ta cần hiểu rằng mỗi biến cố xảy ra trong đời sống chúng ta là một tiếng nói của Chúa. Chúng ta hãy vững tin và phó thác như Mẹ Maria và thánh Giuse. Các ngài cũng như chúng ta thôi, nhưng các ngài đã vâng phục trọn hảo. Vâng phục và tin tưởng chính là lối đi chúng ta phải theo, và chính Chúa sẽ nâng đỡ.
Thánh Giuse là mẫu gương rất cần thiết cho người thời đại hôm nay. Sự công chính của ngài rất hữu ích để chấn chỉnh, xây dựng xã hội đang thiếu vắng sự công chính: quốc nạn tham nhũng, gian tham nhận những gì không phải là của mình, gian tham chức quyền, danh vọng… Vì thiếu công chính mà người ta hãm hại người khác, chiếm đoạt tiền của, danh dự người khác.
Mỗi kitô hữu chúng ta cũng có thể là một Giuse hay một Maria khác. Dù chúng ta chỉ là con người bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi, mỏng dòn, chúng ta cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa nếu biết thể hiện cuộc sống hằng ngày trong sự vâng phục thánh ý Chúa, được biểu lộ qua luật Chúa, qua giáo huấn của Giáo hội và qua các vị Bề trên…
Tác giả bài viết: Lm. Vincentê Nguyễn Văn Thanh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130215
  • Tổng lượt truy cập: 12274475