Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật IV Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ tư - 13/04/2016 18:21
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Hôm nay là CN 4 mùa phục sinh năm C. Do lời khẳng định của Chúa Giê-su nơi bài phúc âm chúng ta vừa nghe : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”(Ga 10,11). Chúa nhật nầy được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành.

I-TÌM HIỂU LỜI CHÚA ( Ga 10,27-30)

1.Chúa Giê-su là Mục Tử nhân lành như các Ngôn sứ loan báo : Theo tác giả Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến đoạn phúc âm nầy là câu trả lời cho người Do thái về câu hỏi họ đặt ra với Chúa Giê-su :”Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu Ông là Đấng Ki-tô,thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”. Yêu cầu của người Do thái là muốn Chúa Giê-su nói cách minh bạch về căn tính của Người. Tác giã nêu trên dẫn chứng rằng :”Đặc điểm của đoạn nầy là đại danh từ Ngôi Thứ Nhất “Của Tôi” “Chiên Tôi” “Nghe tiếng Tôi” “Đi theo Tôi”(10,27;10,3.4) “Tay Tôi”(10,28)”Cha Tôi”(10,29) (Tác giả bài viết Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến. nguồn: trang Web GP Đà lạt). Như thế khi khẳng định”Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Chúa Giê-su tuyên bố lời loan báo của các Ngôn sứ đã nên ứng nghiệm : Ngài đến để chăn dắt Israen như đã hứa “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến.Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều” (Gr 23,3-4; Ez 34,1-16.23; Zc 11 và 13)

2.Ý nghĩa của bản văn: “Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là một Mêsia trần thế, đầy vẻ huy hoàng và quyền lực, nhưng Người là Vị Mục tử đến ban một sự hiệp thông riêng tư bền vững với Người. Nhưng sự hiệp thông của Người với các môn đệ phát xuất từ Chúa Cha và ở dưới sự che chở của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã ký thác các môn đệ cho Đức Giêsu; họ được an toàn trong tay Chúa Cha. Không một ai mạnh mẽ hơn Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu, Mục tử tốt lành, được nâng đỡ bởi tình yêu của Chúa Cha. Sự hợp nhất của Người với các môn đệ Người được bảo vệ bởi bàn tay mạnh mẽ của chính Người và bàn tay mạnh mẽ của Chúa Cha. Đức Giêsu và Chúa Cha là một trong các ý hướng và trong hành động.” (Tác giả bài viết Lm. PX Vũ Phan Long ofm. nguồn: Suy niệm Lời Chúa – LAM HỒNG)

II. SUY TƯ DỰA TRÊN LỜI CHÚA (Ga 10,27-30)

Anh chị em thân mến. Nhân ngày Chúa Chiên lành hôm nay,cho phép tôi “Nói cho chính mình”

1.Chúa Giê-su Mục Tử nhân lành : Ngài luôn “Ở với Cha”, lấy Thánh ý Cha và công việc của Cha làm lẽ sống cho đời mình. Từ năm 12 tuổi Ngài đã nói như thế : cha mẹ không biết là “Con phải ở nơi nhà Cha con sao?”(Lc 2,49). Ngài ham thích cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm : vì cầu nguyện là “ở với Cha” nghe Cha nói và xem Cha làm. Có lần Ngài đã tiết lộ như thế. Nghe Cha nói gì,Ngài truyền đạt cho chúng ta như vậy; Thấy Cha làm gì Ngài cũng làm như Cha dạy. “Lương thực của Thầy là làm theo Ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Ngài sống nhờ chính sự sống của Cha (Ga 6,57) và đỉnh cao là lời tuyên bố nơi bài phúc âm hôm nay “Ta và Cha là Một”(Ga 10,27).

2.Noi gương Chúa Giê-su Mục Tử nhân lành : Người môn đệ Chúa Giê-su có lòng yêu mến Chúa. Từ vựng “Có” xác nhận lòng yêu mến Chúa là Hồng Ân Chúa ban. Người môn đệ Chúa Giê-su phải hết sức trân trọng với lòng tri ân cảm tạ và phát huy suốt đời mình. Lòng yêu mến Chúa hệ tại “ở lại với Chúa”(Mc 3,14). Hai môn đệ đầu tiên đã trải nghiệm điều đó : “Họ ở lại với Ngài ngày hôm đó”(Ga 15,9)

Lòng yêu mến Chúa thúc bách đáp lại lời mời gọi của Chúa “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 19,9). Rốt cuộc căn tính làm nên linh mục không gì khác là chính Hồng Ân quý báu nầy. Chuyện kể rằng, thời nước Ba-lan dưới chế độ liên-xô cũ, có nhiều phong trào ái quốc chống liên-xô. Một linh mục Ba-lan đã dấn thân trong lãnh vực nầy. Ông bị truy sát cùng với người bạn thân của ông.Hai người tìm cách vượt biên giới, tìm chút đất sống.Ít lâu sau,người ta cho ông biết, bạn ông đã bị bắt,bị kết án tử hình,đang chờ thi hành án. Ông bạn ấy rất tha thiết muốn gặp một linh mục. Một phút bàng hoàng,rồi ông linh mục quyết định trở lại Ba-lan. Ông vào tù gặp bạn ông và một số người đồng cảnh ngộ…sau đó tất nhiên ông cũng đồng số phận với họ.Điều gì đã khiến ông linh mục ấy quyết định và hành động ngu xuẩn như thế ? Tình bạn chăng ? Cũng có thể,nhưng không nghi ngờ gì,chỉ có lòng yêu mến Chúa thâm sâu nơi trái tim ông là duyên cớ. Thánh Phao-lô tâm sự rằng không có gì trên trần gian nầy có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Chúa.

3.Mục Tử nhân lành vượt qua chính mình : Ai có qua cầu mới hay. Sứ mệnh Mục Tử là con đường sỏi đá,đầy trở ngại ngăn sông,cách núi. Dẫu là Con Thiên Chúa cũng không ngoại lệ. Ngài đã không màng vinh quang nơi Cha, Ngài đã xuống thế nhận lấy kiếp người nô lệ. Chưa đủ,Ngài còn phải vượt qua chính mình : 3 lần nói không với ma quỷ trong hoang địa;nói không với Phê-rô khi ông nầy cố gắng tư vấn cho Ngài một con đường dễ đi hơn con đường lên Giê-rusalem; nói không với dân chúng say sưa cuồng nhiệt muốn tôn Ngài lên làm vua; và ba lần nói không với chính mình,để dứt khoát đón nhận Thánh Ý Cha trong vườn dầu.

Noi gương Vị Mục Tử nhân lành,người môn đệ Chúa Giê-su cũng phải vượt qua chính mình.Thánh Phao-lô có một môn đệ cùng sống và làm việc với Ngài, nhưng sau đó trong bức thư gởi cho ông Timôthêô thánh nhân đã than phiền người ấy đã bỏ cha ra đi.Thánh Phao-lô đưa ra nhận xét rất sâu sắt “vì anh ta yêu chuộng sự đời nầy”. Hóa ra trở ngại lớn nhất cho sứ mệnh mục tử là lòng yêu chuộng sự đời nầy. Phải nói rằng những sự đời nầy thật quá hấp dẩn,người thế gian ham muốn, ra công kiếm tìm : giàu sang, lạc thú, quyền lực, địa vị danh vọng v.v. Chuyện kể rằng : ở đảo quốc Haiti có một linh mục dấn thân đấu tranh cho người nghèo. Họ ủng hộ ông,dồn phiếu cho ông làm tổng thống nước Haiti.Tòa Thánh khuyên ông rút chân khỏi chính trường,nhưng linh mục tổng thống ấy đã nói không với Tòa Thánh. Rốt cuộc cũng chỉ vì ông không thể vượt qua chính mình,lòng yêu chuộng sự đời nầy : địa vị,quyền lực,danh vọng giàu sang v.v. Chúa Giê-su cho biết Ngài không xin Cha đem các môn đệ của Ngài ra khỏi thế gian. Không phải chứ ? sống trong dầu mà không dính bén dầu ! Ôi khó quá !nếu không muốn nói là không thể làm được. Rốt cuộc thôi cũng đành theo chân người thanh niên trong phúc âm : sụ nét mặt bỏ đi” vì anh có quá nhiều của cải”. Vậy thì sao chứ ? thất vọng chăng ? không nghi ngờ gì điều con người không thể được, không phải đối với Thiên Chúa.Đúng vậy Cha đã sẵn sàng nộp Con Ngài vào thân phận Người Tôi Trung.Từ thân phận ấy xuất phát sức mạnh phi thường của Ơn giải thoát : chỉ một “đụng đến gấu áo Ngài”Chúa Giê-su đã biết ngay một sức mạnh phát ra chữa lành căn bệnh các thầy thuốc bó tay. Thật sự chúng ta cần ơn giải thoát.Chúng ta có trong tầm tay Thịt Máu của Người công chính Tôi Trung của Cha. Chúng ta đang sống trong quyền lực toàn năng của Thánh Thần. Rất vui mừng và đầy tin tưởng phó thác khi nghe lời Thánh vịnh nói rằng Cha chỗi dậy ban Ơn giải thoát cho kẻ mong chờ.

4.Người mục tử tốt “phải có mùi chiên” : Trong thánh lễ làm phép dầu thứ năm tuần thánh,Đức thánh cha Phanxicô đã nói với các linh mục : “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”.Người chăn chiên sống gần gủi gắn bó với đoàn chiên,lo lắng chăm sóc đoàn chiên đến nổi mùi của chiên ngấm vào trên người mục tử.Người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải vậy. Có “mùi chiên” là lòng yêu mến đoàn chiên.Thật ra chăm sóc những chiên béo tốt có thể đem lại chút ít ấm áp lông chiên. Nhưng xả thân vì những chiên bệnh hoạn, tật nguyền, chiên lạc đàn, đôi khi phải chấp nhận mất mát thiệt thòi, thậm chí đến liều lĩnh rủi ro. Nhưng đó mới là đức ái hoàn hảo.

“Mục tử phải có mùi của chiên vì tính cách đồng hành của Linh mục sống dấn thân trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ. Để có mùi chiên, mục tử phải chung sống với đàn chiên; đây là sự đồng hành chia sẻ; sự đồng hành này được Phúc Âm diễn tả: “Mục tử gọi tên từng con chiên và chiên nghe tiếng của mục tử, mục tử đi trước chiên và chiên đi theo mục tử”. Để có mùi chiên, mục tử phải hiện diện giữa đàn chiên để chăm sóc và bảo vệ chiên để chiên “được sống và sống dồi dào”; đây là sự đồng hành và phục vụ; phục vụ cho sự phát triển “vì tôi còn có những chiên hkác không thuộc về ràn này, tôi cũng phải đưa chúng về”, và phục vụ cho sự hiệp nhất của cả đoàn để “chỉ còn một đoàn chiên và một mục tử”. Để có mùi chiên, mục tử đồng hành và phục vụ đến mức độ sống chết vì đàn chiên; đây là đồng hành và tự hiến “Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên”. Mục tử vì đàn chiên chứ không phải đàn chiên vì mục tử.” (Lm. Nguyễn Hữu An)


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Lê văn Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 7
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 130336
  • Tổng lượt truy cập: 12274596