Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật V Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ năm - 19/03/2015 18:47
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
( Ga. 12, 20 – 33 )




Kính thưa Quý ông Bà và anh chị em,

            Ông bà mình vẫn thường nói : “ Sông có khúc, người có lúc “ và mọi việc đều có thời gian của nó. Chúng ta hãy nhớ lại trong tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã thưa với Mẹ Maria của Người : “ Giờ Con chưa tới “. Như vậy, giờ của Người là giờ nào ? Và câu trả lời chính là những lời mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc Âm thánh Gioan của Chúa nhật hôm nay. Khi mà những người Do thái theo văn hóa Hy Lạp muốn gặp Người, và đó là thời điểm, là dấu chỉ để loan báo giờ của Chúa : “ Đã đến giờ Con Người được tôn vinh “.

             Nhưng mà khi Người nói đến từ “ Con Người “, Người không nói theo nghĩa mà những người Do Thái lúc bấy giờ vẫn quan niệm. Vì chữ “ Con Người “ nầy vốn bắt nguồn từ sách tiên tri Đa-ni-en 7, 13 – 14 ; quyền thống trị của Con Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một và vương quốc của Con Người chẳng bao giờ suy vong. Vì thật ra, dân Do Thái đã phải gian nan và đau khổ trong lúc phải sống dưới ách nô lệ của sự đô hộ, cho nên người Do Thái chẳng bao giờ quên đi hay là từ bỏ giấc mơ  được giải phóng của họ.

            Trong sách ngôn sứ Hê-nóc, từ “ Con Người “ diễn tả là một nhân vật phi thường bị Thiên Chúa kiềm giữ. Nhưng ! Sẽ đến ngày Thiên Chúa buông Con Người đó ra và Người sẽ đến với quyền năng thiên thượng siêu phàm, chẳng có ai có thể chống lại, chẳng một vương quốc nào có thể đứng nổi và sẽ dọn đường cho người Do Thái làm bá chủ thế giới.

             Do đó, với người Do Thái thì từ “ Con Người “ là chữ tiêu biểu cho Đấng chinh phục vô địch từ Thiên Chúa sai đến. Cho nên khi Chúa Giêsu nói : “ Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” thì tất cả những người Do Thái lúc bấy giờ đều hiểu rõ ràng trước mắt họ. Đó là họ thấy một khung cảnh của “ Tiếng kèn kêu gọi của cõi đời đời đã vang lên, sức mạnh của các tầng trời đang chuyển động và chiến dịch toàn thắng của Ít-ra-en đang bắt đầu”. Nhưng rồi ! Họ đã được Chúa Giêsu tạt một gáo nước lạnh để giúp họ tỉnh cơn mê và trở về với thực tại. Vì khi mà chữ “ được tôn vinh “ mà Chúa Giêsu nói ở đây không mang ý nghĩa như họ hiểu : là các vương quốc trên trần gian này sẽ bị chà đạp dưới chân Đấng Chinh phục ; mà khi nói       “ được tôn vinh “ là Chúa Giêsu muốn nói rằng : đó là sẽ bị đóng đinh trên thập giá. Vì thật ra khi nói đến Con Người, lúc nào dân Do Thái cũng nghĩ ngay đến các đạo quân chiến thắng của Thiên Chúa trong khi Chúa Giêsu thì nhắm đến quyền năng chinh phục của “ sức mạnh thập giá “.

             Vì thế cho nên những lời đầu tiên của Chúa Giêsu đã làm rạng rỡ biết bao người nghe, nhưng rồi những lời tiếp theo của Người lại là những lời khiến họ ngỡ ngàng, choáng váng, kinh ngạc, không thể hiểu nổi vì Người đã không đề cập đến chiến thắng mà chỉ nói về hy sinh và sự chết. Chính Người đã lật ngược giấc mơ chiến thắng của họ thành mặc khải về thập giá.

Kính thưa Quý Ông bà và anh chị em,

            “ Đã đến giờ Con Người  được tôn vinh “, chính là giờ để Con Người được nâng cao khỏi đất, là giờ mà Người sẽ thực hiện cuộc khổ nạn để cứu độ nhân loại trên thập giá. Và hôm nay đây Chúa Giêsu đã bật mí cho chúng ta thấy phương cách thi hành để đáng được tôn vinh với Người. Đó là :
  • Ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho mình cuộc sống muôn đời. Và :
  • Hạt lúa có chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt.
            Bao lâu hạt lúa được tồn trữ an toàn thì nó không thể làm gì được, chỉ khi nào nó được gieo xuống đất lạnh thì ngày mai kia nó mới có thể sinh trái kết hạt gấp trăm lần. Chính nhờ  cái chết của các vị thánh tử đạo mà Giáo hội ngày càng tăng trưởng, đúng như lời giáo phụ Ter-tu-li-a-nô đã nói : “ Máu các tử đạo là hạt giống trổ sinh người có đạo “.

             Chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e , ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, ngài có nhiều tham vọng và được trí thông minh hơn người, ngài lại chăm chỉ học hành nên chẳng bao lâu đã trở thành vị giáo sư xuất sắc của đại học Pa-ri. Nhưng vị giáo sư đại học tài năng được một người bạn cứ nhắc đi nhắc lại vào tai : “ Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì ! “. Và việc gì đến cũng phải đến, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e đã giã từ chiếc ghế giáo sư đại học để trở thành người có ích cho Chúa và các linh hồn.

Kính thưa Quý Ông bà và anh chị em,

            Lời Chúa quả là nghịch lý trong cái lô-gíc thông thường “ còn thì sẽ mất, ai đành mất thì sẽ còn “, Lời Chúa đã đòi hỏi chúng ta phải lột xác, đòi chúng ta phải ra khỏi cái tháp ngà của tâm hồn mình và Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta hãy dám liều, dám chấp nhận cuộc mạo hiểm của đức tin. Vì một khi chúng ta dám sống theo đức tin thì đức tin cũng sẽ trợ lực và thắp sáng cuộc đời của chúng ta.

            Nếu chúng ta biết cùng song hành với đức tin trong thời gian thì người Kitô hữu chúng ta sẽ càng lúc càng nhận thấy rằng : đời chỉ có ý nghĩa khi dám quên mình và dám sống cho kẻ khác. Chính Chúa Kitô cũng đã chọn con đường đó : “ Không có tình yêu nào lớn hơn người đã thí mạng sống cho người mình yêu “.

            Mọi người chúng ta ai cũng sợ đau, sợ khổ, sợ vất vả ; ai cũng có lúc xao xuyến, nghi nan, vấp ngã ; ai cũng phải giằng co, chiến đấu trong cuộc đời… Nhưng chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…


 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Tuấn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 7219
  • Tháng hiện tại: 141689
  • Tổng lượt truy cập: 12285949