Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật IV Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ năm - 12/03/2015 18:45
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Thiên Chúa Yêu Thương
 



Mùa Chay là mùa sám hối. Chúng ta nhìn lại con người đầy tội lỗi và bất trung để quay về với Thiên Chúa là Đấng thương yêu và luôn tha thứ. Tội lỗi con người càng nhiều thì tình thương tha thứ của Thiên Chúa lại càng nhiều hơn. Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta một niềm vui lớn lao đó, vì Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi. Tình yêu của Ngài như một lời mời gọi tha thiết chúng ta tin yêu và trở về, cũng như khuyến khích chúng ta sống trọn hảo hơn trong cách yêu thương của Ngài.

Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Biên Niên Sử quyển thứ hai đề cập đến Thiên Chúa luôn thương xót dân Ngài, tuy dù họ “bất trung và bắt chước sự ghê tởm của dân ngoại”. Sự bất trung của họ đã “khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.”

Nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc họ. Người đã gửi đến với họ các ngôn sứ để khơi lên niềm hy vọng. Người đã hứa sẽ có một sự phục hưng. Và khi đến thời, Người đã đưa dân bội bạc này trở về Giêrusalem và cho phép họ xây lại đền thờ, dấu chỉ của sự bình an lâu dài và của sự phồn vinh.

Tại sao tình yêu của Thiên Chúa lại có thể đoái hoài đến con người tội lỗi? Thưa bởi vì tình yêu, lòng trung tín, lòng nhân từ của Ngài không phụ thuộc vào việc con người có xứng đáng hay không. Thiên Chúa không yêu thương dựa vào sự hoàn hảo của con người. Trái lại, Ngài làm cho ta nên hoàn hảo dựa vào tình yêu của Ngài.

Đó là điểm mà Thánh Gioan Tin Mừng đã khẳng định như một định đề nền tảng để mọi tâm hồn tội lỗi tin tưởng mà quay về với Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16)

Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai, còn nói rõ hơn nữa. Ngài cho thấy ơn cứu độ là một ơn ban nhưng không – theo tiếng Hy Lạp, đó là một “món quà tuyệt vời”, không tuỳ thuộc sự xứng đáng của người nhận. Ngài viết : “Thiên Chúa giàu lòng xót thương và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ.” (Ep 2, 4-5)

Kinh Thánh Tân Ước đã được viết bằng tiếng Hy Lạp. Và “tình yêu” trong ngôn ngữ Tân Ước Hy Lạp được diễn tả qua hai từ ngữ khác nhau “philia” và “agapê”. Hai từ ngữ này có mối liên hệ tương tác với nhau, diễn tả mối tương quan nối kết giữa chủ thể yêu và đối tượng được yêu. Tuy nhiên, mỗi từ ngữ có một âm vang đặc biệt.

Từ ngữ tình yêu là philia  thường dùng để chỉ tình bạn giữa hai người, một tình bạn dựa trên sự bình đẳng. Từ philia  không được dùng để chỉ mối tương quan cha-con, hoặc mối tương quan chủ-tớ, bởi giữa họ không có sự bình đẳng. Trong Tân Ước, thánh sử Gioan sử dụng từ này và đào sâu ý nghĩa để làm nổi bật quan hệ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Trong trình thuật bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã nói : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15) 

Quả vậy, ân sủng của Thiên Chúa không chỉ tha thứ tội lỗi chúng ta, nhưng còn nâng chúng ta lên, trả lại cho chúng ta ơn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Tình yêu “philia” chính là điều Thiên Chúa đã làm cho mỗi người chúng ta. Bản chất của con người thì kém xa bản chất của Thiên Chúa, nhưng tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên, cho chúng ta được tham dự vào bản tính thần linh của Người. Chúng ta là bạn hữu của Đức Giêsu, đồng thời việc sống những nhân đức đối thần (tin-cậy-mến) giúp chúng ta có một cái nhìn về mình, về tha nhân và về vũ trụ theo nhãn quan của Thiên Chúa.

Từ ngữ tình yêu thứ hai là agapê. Từ này được sử dụng nhiều trong Kinh Thánh. Agapê có thể hiểu theo nghĩa “tình yêu theo gương Đức Kitô”, nghĩa là Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của agapê qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người. Đó cũng chính là ý nghĩa của thuật ngữ “tình yêu” được dùng trong các bài đọc của Chúa Nhật hôm nay : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (bài Tin Mừng), “chính bởi tình yêu mà Người đã dành cho chúng ta” (bài đọc II). Đây cũng chính là thuật ngữ được Đức Giêsu sử dụng trong bữa Tiệc ly, khi Người trao cho chúng ta điều răn mới : “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

Một điều đáng chú ý là nếu như ta so sánh bản văn Kinh Thánh Tân Ước với những tác phẩm khác được viết cùng thời bằng tiếng Hy Lạp, ta sẽ thấy Tân Ước thường xuyên sử dụng từ agapê, trong khi các tác phẩm khác rất hiếm khi dùng.

Đức Bênêđictô XVI trong Tông Huấn Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhận định rằng : “cái nhìn mới về tình yêu nổi bật trong từ agapê chắc chắn cho thấy điều cơ bản trong cái mới của Kitô giáo về cách hiểu tình yêu.”

Đâu là ý nghĩa cốt lõi của từ agapê ? Đâu là cái nhìn mới về tình yêu trong Kitô giáo ?

Trước hết tình yêu chính là tự xoá mình. Đó là tình yêu dựa trên điều thiện cho người khác, phục vụ, đáp ứng những nhu cầu của người khác, cho dù tình cảm người khác dành cho ta thế nào đi nữa. Đó là một tình yêu quảng đại, hàm chứa một sự hy sinh của bản thân. Đó là tình yêu Đức Giêsu đã thể hiện nơi hang đá Belem, trong hoang địa, trên thập giá… bằng cách trao ban chính sự sống của Người cho ta, hầu có thể giải thoát ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi mà trở về cùng Thiên Chúa. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, khi viết : “Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gioan đã dùng thuật ngữ agapê. Thiên Chúa đã tự xoá mình đi, Người chỉ quan tâm đến điều thiện, điều tốt và ơn cứu độ của ta. Thiên Chúa tạo dựng nên ta không vì hạnh phúc của Người nhưng vì hạnh phúc của ta. Cũng chính yêu thương mà Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho ta, Người nuôi ta bằng chính Thịt và Máu của Người trong bí tích Thánh Thể, Người mang lấy thập giá của ta và không bao giờ để ta cô đơn trong đau khổ. Và bởi vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người chỉ có thể đạt đến cứu cánh của mình qua việc từng bước tập sống yêu thương như Thiên Chúa đã yêu thương qua Đức Giêsu Kitô.

Đức Bênêđictô XVI cũng viết : “… agapê diễn tả cảm nghiệm tình yêu, trở thành một khám phá đích thực người khác, qua đó vượt thắng được cái tôi ích kỷ mà trước đó vẫn luôn chế ngự. Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình – sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc – nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu : tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế.” (Tông huấn Thiên Chúa Là Tình Yêu, 6)

Thiên Chúa yêu thương mỗi người một cách riêng biệt và duy nhất. Tình yêu Thiên Chúa thì vô điều kiện và vô hạn. Thập giá và dấu chỉ của thập giá không ngừng nhắc nhớ ta về tình yêu Thiên Chúa. Đó cũng là điều Giáo hội muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay. Sau ba tuần sám hối và chay tịnh, chúng ta đã nhận ra sự ích kỷ và những lầm lỗi của mình. Đây là thời điểm để ta ý thức lại : chính do sự ích kỷ và tội lỗi của ta mà Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian để cứu độ ta. Vì vậy mà Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay được gọi là Chúa Nhật màu hồng, Chúa Nhật của niềm vui. Như ánh bình minh xuất hiện ở chân trời sau đêm dài tăm tối làm rực lên màu hồng tươi mát thế nào, tình yêu Thiên Chúa cũng xua tan bóng tối tội lỗi nơi con người như vậy

Hãy tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã trao ban tình yêu vô điều kiện của Ngài cho chúng ta qua Đức Kitô. Hãy cầu xin Người ban cho chúng ta ơn trải nghiệm tình yêu của Người và chia sẻ kinh nghiệm đó với tha nhân, đặc biệt với những ai còn đang sống trong bóng tối của tội lỗi.

Ước gì mọi người tin tưởng vào tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa mà sám hối quay về để được ơn cứu độ.



 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Lê Kim Ánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 7
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 3600
  • Tháng hiện tại: 131127
  • Tổng lượt truy cập: 12275387