Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XVI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 15/07/2015 17:58
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
Mc 6, 30 – 34


Bài đọc 1 trích sách Giêrêmia (23, 1-6) Thiên Chúa quy tụ đoàn chiên để Ngài chăm sóc và cho đàn chiên được nghỉ ngơi trên đồng cỏ rộng. Qua các mục tử mà Ngài đã trao phó.

Bài đọc 2 trích thư Êphêsô (2, 13-18) Chính Đức Giê su là sự bình an của chúng ta.

Bài Tin Mừng theo thánh Maccô (6, 30-34 ) Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ. Ngài mời gọi các Tông Đồ: “ Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Lời Chúa hôm nay nêu bật sự quan phòng và lòng yêu thương, chăm sóc của Chúa đối với con người.

Đức Cha Tihamer Toth có kể một câu chuyện như thế này trong cuốn sách ngài viết gởi cho các bạn trẻ.

Một hôm kia có một chàng thanh niên vô rừng đốn củi. Đến trưa anh ta tìm đến một gốc đa cổ thụ thật lớn để nằm nghỉ cho đỡ mệt. Nằm dưới gốc cây nhìn lên, anh thấy những cành lá thì thật là rườm rà nhưng những quả đa thì trái nhỏ, anh phải cố gắng lắm mới nhìn thấy. Thấy như vậy nên anh ta nghĩ thầm:
 “Lạ thật. Cây thì khổng lồ. Lá thì lớn mà trái thì nhỏ xíu! Thật là chẳng cân xứng tí nào”.
Rồi anh ta tự nghĩ:
Nếu tôi mà là Chúa thì tôi sẽ cho cây đa mang trái to như trái bí, lá to như lá chuối. Như thế mới cân xứng. Tội cho cây bí! Thân thì yếu ớt mà lại đeo những trái lớn. Cây chuối mảnh khảnh mà lại mang những tấm lá to như tấm phản. Quả thật Chúa không công bằng tí nào… hay là không có Chúa…mọi loài mọi vật tự nhiên mà có!
Suy nghĩ miên man như vậy được một lát thì anh thiếp ngủ lúc nào mà anh chẳng hay. Giữa lúc anh ngủ say như thế thì có một cơn gió lốc thổi rất mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi của anh một trái đa, anh giật mình tỉnh dậy vừa xít xoa vừa suy nghĩ:
May quá, phải mà trái đa lớn như trái bí thì kể như là bữa nay mình tận số rồi. Thế ra Đức Chúa Trời thật khôn ngoan. Ngài xếp đặt tất cả rồi đấy chứ. Thảo nào mà người ta thường nói: “Trái dừa rớt bao giờ cũng tránh người. Quả sầu riêng bao giờ cũng rớt vào ban đêm”. Công việc của Chúa thật là kỳ diệu. Bằng tình yêu thương Người luôn lo lắng cho chúng ta.

Công việc của Chúa thật là kỳ diệu. Bằng tình yêu thương Người luôn lo lắng cho chúng ta. Khi Ngài tạo dựng vũ trụ bao la này chỉ có sáu ngày, ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Đó là quy luật Chúa dành cho con người. Con người chỉ lao động sáu ngày (từ thứ 2 đến thứ 7) Chúa nhật con người nghỉ ngơi. Để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Thấy được lợi ích từ việc nghỉ ngơi, con người lao động để sống chứ không phải để chết. Nên ngày nay người ta làm việc chỉ còn năm ngày ( từ thứ 2 đến thứ 6) thứ 7 và Chúa nhật con người được nghỉ ngơi.

Tiếc thay, hiện nay con người đang bị xoáy vào cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Con người muốn ngày dài hơn, thì giờ chậm hơn, để có thể làm việc và kiếm được nhiều hơn. Nên nhà nhà, người người, từ trẻ em đến người lớn, ai cũng tranh thủ: Làm (học) ngày không đủ, tranh thủ làm (học) đêm và làm (học) thêm ngày Chúa nhật. Con người không còn thì giờ cho Chúa, cho bản thân và cho tha nhân. Con người cũng không còn thì giờ để thực hành việc sống đạo và giữ đạo như đọc kinh, cầu nguyện, tham dự phụng vụ, cử hành các bí tích và làm việc bác ái.

Con người cảm thấy quá mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng vì công việc mưu sinh cho hiện tại và học tập cho tương lai, họ lại tiếp tục và tiếp tục cho đến khi họ nhắm mắt buông tay. Con người sẽ rơi vào tình trạng ích kỷ, thờ ơ và vô cảm trước vấn đề của mình, tha nhân và Thiên Chúa. Kết quả, cuộc sống giàu sang, ấm no, bằng cấp…nhưng không có hạnh phúc và bình an đích thực. Con người vẫn cảm thấy thiếu thốn cái gì đó trong tâm hồn.

Nhịp điệu cuộc sống con người là công việc và nghỉ ngơi; nhịp điệu người Kitô hữu là công việc (tha nhân) và kết hợp với Thiên Chúa. Trong nếp sống hằng ngày, có hai nguy cơ.

Một là có nguy cơ hoạt động quá sức. Không ai có thể làm việc mà không nghỉ ngơi, cũng như chẳng ai có thể sống đời sống Kitô hữu nếu không dành thì giờ để sống riêng biệt với Thiên Chúa. Có thể tất cả rắc rối của đời sống là do chúng ta không biết dành thì giờ để Chúa phán dạy mình, vì chúng ta không biết yên lặng lắng nghe. Chúng ta không dành thì giờ nào riêng ra để chờ đợi, trông mong nơi Thiên Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể đương đầu nổi các gánh nặng của đời sống, nếu không được tiếp xúc với Đấng vốn là Chúa tể của mọi đời sống tốt đẹp? làm sao chúng ta làm nổi công việc cho Chúa nều không được sức lực Ngài ban cho? Và làm sao chúng ta có thể nhận được sức lực ấy nếu không yên tịnh tìm cầu để gặp gỡ Thiên Chúa  trong chỗ riêng tư?

“Kinh Thánh dạy chúng ta: con người là một toàn thể, tinh thần và thân xác. Vì thế tôi khuyến khích các bạn, khi sinh hoạt thể thao, luôn vun trồng chiều kích tôn giáo và tinh thần. Nhiều khi có những người trẻ phải bỏ lễ, bỏ giờ giáo lý vì tập luyện thể thao. Đó không phải là một dấu hiệu tốt, vì nó đánh mất nấc thang các giá trị. Cũng vậy không thể vì thể thao mà lơ là việc học hành, tình bạn, phục vụ người nghèo”. (ĐTC nói trong buổi Tiếp kiến 7 ngàn thành viên Liên hiệp quần vợt (tennis) Italia)

Hai là, có cơ nguy của việc thoái thác quá nhiều. Sự tin kính mà không tạo ra được hành động thì không phải là sự tin kính đích thực. Chúng ta đừng bao giờ tìm sự thông công với Thiên Chúa để trốn tránh sự thông công với con người, nhưng phải nhằm mục đích tự thích ứng chúng ta với việc làm ấy cách tốt hơn. Nhịp điệu của đời sống Kitô hữu là luân phiên gặp gỡ Chúa trong nơi kín đáo, phục vụ người ta ngoài phố chợ. (W.Barclay)

“Nếu chúng ta, những người được Chúa dùng để lắng nghe người nghèo, mà bịt tai trước tiếng kêu xin này, chúng ta chống lại ý muốn và kế hoạch của Người; người nghèo kia “có thể sẽ kêu lên Đức Chúa tố cáo anh em và anh em sẽ mang tội” (Đnl 15,9). Thiếu tình liên đới với các nhu cầu của người nghèo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối qua hệ của chúng ta với Thiên Chúa. (Giáo huấn số 34: Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 187)

Trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày thứ năm tuần thánh 2015. Ngài chia sẻ, cảm thông những mệt mỏi của các Linh mục và ngài cũng thú nhận ngài cũng mệt mỏi trong công việc mục vụ. Ngài khuyên các Linh mục tìm cách nghỉ ngơi, không phải theo cách thế gian. Nhưng là nghỉ ngơi trong Chúa. Như các môn đệ ngày xưa, sau khi làm việc và rao giảng. Chúa Giê su đã nói với các ngài: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Không phải nghỉ ngơi trong chiến thắng hay thành công trong công việc. Nhưng nghỉ ngơi với Chúa. Chúa Giê su cũng vậy, sau khi làm việc và rao giảng, Người thường lánh riêng một nơi thanh vắng để cầu nguyện.

Sống ở trên đời này, chúng ta phải tìm kế mưu sinh, chúng ta cần sức lực để có thể vững bước, cần có nguồn cảm hứng để nâng chúng ta vượt ra khỏi chính mình và vượt cao hơn cả chính mình. Nếu chúng ta tìm nó ở những nơi khác, tâm trí chúng ta sẽ chưa thể thỏa mãn, tấm lòng chúng ta chưa được nghỉ yên, linh hồn chúng ta vẫn chưa được no đủ. Chúng ta chỉ có thể tìm được sức lực cho đời sống từ nơi Đấng vốn là Bánh Hằng Sống. (W. Barclay)

Xin Chúa giúp mọi người chúng ta, chiếu tỏa niềm tin của mình vào cuộc sống, khi chúng ta biết chạy đến với Chúa để lắng nghe những Lời Ngài dạy dỗ, để tìm ra cho đời mình một ý nghĩa, một hướng đi, giúp chúng ta sống một cuộc đời Kitô hữu xứng đáng với danh nghĩa là con Thiên Chúa.


 
Tác giả bài viết: Lm. Vincentê Nguyễn Đình Tâm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 31
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7272
  • Tháng hiện tại: 7272
  • Tổng lượt truy cập: 12296984