Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ tuyên khấn lần đầu Hội dòng Nữ Tỳ CGS Tình Thương

Đăng lúc: Thứ năm - 23/07/2015 02:12
LỄ TUYÊN KHẤN LẦN ĐẦU
Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương
tại nhà nguyện Chủng Viện Qui Nhơn
ngày 23.07.2015


 
Hôm nay, một lần nữa chúng ta lại qui tụ về đây trong ngôi nhà nguyện chủng viện Qui Nhơn này, để cùng nhau cử hành thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho bảy chị em Hội Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương sắp tiến lên trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn, để công khai tuyên khấn lần đầu, trong khung cảnh Năm Đời Sống Thánh Hiến mà toàn thể Giáo Hội đang cử hành. Chủ đề sống của giáo phận Qui Nhơn trong năm 2015 này là chiếu tỏa niềm tin trong đời sống giáo xứ và cộng đoàn dòng tu. Việc tuyên khấn của bảy chị em hôm nay là một hành vi của đức thờ phượng, như một cách tuyên xưng long trọng niềm tin vào một Thiên Chúa mà mọi loài mọi vật phải tôn thờ tuyệt đối, để rồi từ đó các chị em sẽ cố gắng làm cho niềm tin ấy được chiếu tỏa qua đời sống thánh hiến với những công việc phục vụ bác ái như những hoa trái của đức tin.

Các chị em sẽ mang một danh hiệu khiêm tốn là nữ tỳ, nhưng đồng thời đó cũng là một danh hiệu cao quí, vì các chị em sẽ phục vụ chính Đức Giêsu và noi gương Người thể hiện tình thương đối với những người khổ đau nghèo khó, góp phần vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, bằng những công việc phục vụ khiêm hạ, như lời thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 83:

"Giáo Hội khen ngợi và tri ân nhìn đến nhiều con người sống đời thánh hiến, bằng việc chăm sóc cho các thành phần bệnh tật và đau khổ, đang góp phần một cách đặc biệt vào sứ vụ truyền giáo của mình. Họ thi hành thừa tác vụ tình thương của Chúa Kitô... Những ai sống đời thánh hiến dấn thân cho thừa tác vụ này theo đặc sủng của hội dòng mình cần phải kiên trì trong việc làm chứng tình yêu của mình đối với những người bệnh hoạn, hiến mình phục vụ họ bằng một niềm thông cảm sâu xa. Nơi thừa tác vụ này của mình, họ cần phải đặc biệt ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ nhất và những ai bị bỏ rơi nhất trong các bệnh nhân, chẳng hạn như người già và những ai bị tật nguyền, những ai sống ngoài lề xã hội, hay những ai yếu bệnh nguy tử, cũng như đối với các bệnh nhân nghiện ngập và những thứ bệnh truyền nhiễm".

Khẩu hiệu của các chị em là "ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14,10), được lấy từ giáo huấn của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Đây là một sự chọn lựa đi ngược với tinh thần thế gian, nhưng lại phù hợp với tinh thần Nước Trời. Vào thời Chúa Giêsu cũng như trong thời đại hôm nay, ai ai cũng ra sức chạy đua trong việc tìm kiếm danh dự, địa vị, tiền bạc, phát xuất từ nỗi khao khát thâm sâu trong lòng người, đó là khát vọng quyền lực, sự thống trị và hưởng thụ. Cuộc chạy đua ấy đã đưa đẩy con người vào những cạnh tranh, giành giật, thủ đoạn, lừa đảo, tạo ra một cảnh đời bát nháo gồm những con người có thể đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng thiếu thốn tình thương chân thật. Khi thấy những khách được mời tranh nhau chỗ nhất trong đám tiệc, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người hãy ngồi vào chỗ cuối cùng, đó là chỗ dành cho người phục vụ, bởi vì trong Nước Trời vị trí được đánh giá theo một trật tự hoàn toàn khác hẳn: người lớn nhất chính là người phục vụ, như Đức Kitô vốn là một ngôi vị Thiên Chúa cao cả, nhưng Người đã đến trần gian không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ. Hình ảnh sống động nhất minh họa cho thái độ này là việc Đức Giêsu quì gối rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Đó là cử chỉ của một người tôi tớ đang phục vụ.

Ngay từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã nhiều lần dạy về con đường khiêm hạ này, như chúng vừa nghe trong đoạn sách Đức Huấn Ca: "Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường" (Hc 3,18-19). Tuy nhiên có lẽ phải đợi đến bài học bằng hình ảnh minh họa của chính Đức Giêsu trong bữa tiệc ly, người ta mới thấm thía được tầm mức của việc phục vụ khiêm hạ, vốn là một hệ luận của mầu nhiệm Nhập Thể nơi con người của Đức Giêsu, như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo đoàn Philipphê: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến bằng lòng chịu chết, và chết trên thập giá" (Pl 2,6-7).

Thập giá của Đức Kitô chính là cách thể hiện tột cùng tư cách phục vụ. Người đã sống cho đến tận cùng thân phận người tôi tớ. Tự nguyện làm tôi tớ tức là tự ý rũ bỏ tất cả những gì thuộc về mình để chỉ sống cho người khác, đó là ý nghĩa đích thực của phục vụ. Phục vụ có tính toán và để được đáp trả thì không phải là phục vụ. Bản chất của phục vụ đích thực là quên mình. Nhưng trong nghịch lý của Kitô giáo, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân và khi tự hạ mình xuống để phục vụ thì con người được Thiên Chúa tôn vinh, như lời khẳng định của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Lc 14,11). Điều tạo nên sự cao trọng của các chị em không nằm trong tư cách nữ tỳ, nhưng do được gắn liền với Chúa Giêsu Tình Thương. Làm nữ tỳ hay nô lệ cho một người nào đó tức là vong thân, đánh mất chính mình, nhưng làm nữ tỳ cho Chúa là tìm lại được chính mình một cách dồi dào, trọn hảo, bởi vì Người là chân trời ý nghĩa, là sự viên mãn cho cuộc đời của chúng ta.

Ý thức được điều này, hôm nay bảy chị em tình nguyện tuyên khấn để trở thành nữ tu trong Hội Dòng Chúa Giêsu Tình Thương, với ước nguyện đem tình thương của Chúa Giêsu đến cho tất cả mọi người mà không mong đền đáp, nhất là những người hèn kém xấu số trong xã hội, như lời Đức Giêsu đã nói với người biệt phái đã mời Người dùng bữa: "Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại" (Lc 14,13-14). Trong thư gửi giáo đoàn Rôma chúng ta vừa nghe (Rm 12,9-18), thánh Phaolô cũng dạy các tín hữu hãy thương mến nhau như anh chị em, xem người khác trọng hơn mình, sẵn sàng chia cơm sẻ áo với những người lâm cảnh túng thiếu và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.

Cuối cùng, Đấng mà các chị em tự nguyện bước theo với tư cách là nữ tỳ chính là Chúa Giêsu Tình Thương. Tình thương là khuôn mặt rõ ràng nhất của Chúa Giêsu và chính Người cũng là khuôn mặt rõ ràng nhất của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Ngày xưa, khuôn mặt tình thương của Chúa Giêsu được nhận ra rất dễ, vì Người luôn gần gũi, ân cần, nhân hậu, sẵn sàng cứu giúp những người khổ đau vì tội lỗi, vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì bị phân biệt đối xử hoặc bị bỏ rơi. Ngày nay các chị em cũng phải làm sao để cho khuôn mặt ấy cũng có thể được nhận ra dễ dàng nơi cuộc sống của các chị em trước mặt mọi người xung quanh. Giáo phận Qui Nhơn là một vùng đất nghèo nàn, cuộc sống dân chúng còn nhiều khó khăn, số người chưa nhận biết Chúa còn chiếm tỷ lệ vào hàng cao nhất trong cả nước, đó chính là nơi đang cần đến sự hiện diện và phục vụ của các chị em, bên cạnh những hội dòng khác.

Ước mong lý tưởng mà hội dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương đang theo đuổi có sức lôi cuốn được nhiều người, để cánh đồng truyền giáo của giáo phận có thêm nhiều tay thợ gặt mới, và hoa trái đời sống thánh thiện và phục vụ khiêm tốn của các chị em đem lại những hiệu quả thiết thực và tích cực nơi nhiều tâm hồn.

GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 

 
Tác giả bài viết: GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127254
  • Tổng lượt truy cập: 12271514