Trang mới   https://gpquinhon.org

Mồng Hai Tết - Kính nhớ ông bà tổ tiên

Đăng lúc: Thứ tư - 29/01/2014 12:05
Mồng Hai Tết kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ 
Hc 3, 12-16; Ep 6,1-3; Matt 15,1-6
 
 
 
Chữ Hiếu (孝) 
 
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Ca dao)
 
           Trong chúng ta ai từng lớn lên mà không một lần được nghe câu ca dao đó, ai từng lớn lên mà không một lần được chìm đắm trong lời ru con ngọt ngào đó. Công lao cha mẹ sinh thành dưỡng dục, đạo làm con sao có thể quên. Hiếu đạo vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc ta, giá trị ấy, tinh thần ấy được giữ gìn, được bảo tồn và phát huy qua bao thế hệ đã trở nên bất biến, vĩnh hằng.
 
           Chữ Hiếu (孝). Theo tự điển Hán Việt Đào Duy Anh Hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha, mẹ. Hiếu là phạm trù đạo đức của Nho giáo. Cùng với Trung (忠),  Hiếu (孝) xây dựng các quy tắc ứng xử của con người trong mối quan hệ xã hội và gia đình.
 
          Chữ "Hiếu" 孝 là chữ viết tắt của hai chữ "Lão" 老 ở trên (lượt bớt phần dưới)  và chữ "Tử" 子 ở dưới. "Hiếu" tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
 
 Theo sách Phật:  “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (人生百幸孝為先) Trong trăm hạnh của con người, hạnh Hiếu đứng đầu. Và chúng ta cũng không quên khẳng định: “Hiếu vi công đức mẫu”(孝為功德母) Lòng hiếu là mẹ của các công đức.
 
      Phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn hóa  Tam Giáo: Đạo Nho, đạo Phật và đạo Lão, đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ta ngay từ thời lập quốc. Chữ Hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta vừa mới chào đời.
 
        Kinh Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng bất hiếu”
 
        Bách hạnh hiếu vi tiên: “Nết hiếu đứng đầu trăm nết, hiếu thấu đến trời thì gió mưa thuận hòa, hiếu thấu đến đất thì vạn vật hóa nên, hiếu thấu đến người thì muôn phúc đều đem lại”. (Tăng Tử)
 
        “Con người tự nhiên ai cũng biết yêu thương con cái, nhưng người có văn hóa mới biết yêu thương cha mẹ mình” = A natural man loves his children, but a cultured man loves his parents (Lâm ngữ Đường).
                                  

Chín chữ cù lao
 
Đức cù lao lấy lượng nào đong
Thờ cha mẹ phải hết lòng,
Ấy là chữ  hiếu dạy trong luân thường.
Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.
 
Đội ơn chin chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng
Mong sao hai chữ thọ khang
Tam đa ngũ phúc rõ ràng Trời cho
 
 
*  Thọ khang có nghĩa là sống lâu;
* Tam Đa la nhiều phúc, nhiều lộc và thọ lâu;
*  Ngũ Phúc là: Phú (giầu), Quý (sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe manh) và Ninh là yên ổn
 
 
 Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
 Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng ai ơi
 
 
Thạch Sanh:

Đội ơn 9 chữ cù lao
Ba xuân tắc cỏ nghĩ sao cho đành.
 
- Vân Tiên:
 
 Thương thay 9 chữ cù lao
 3 năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
 
Thơ - Chín chữ cù lao
 
Cao dày chín chữ cù lao,
Từ SINH đã phải biết bao hiểm nghèo!
CÚC: chăm bồng bế nâng niu,
DỤC: thương dạy dỗ những điều ngây thơ.
PHỦ: yêu nựng nịu vỗ về,
XÚC: cho dòng sữa nguồn thơ nhiệm mầu.
TRƯỞNG: lo nuôi lớn khôn mau,
CỐ: luôn chăm sóc ốm đau mọi điều.
PHỤC: thương ôm ấp nuông chiều.
PHÚC: hoài che chở niềm yêu vô bờ.
 
 Tâm hương thức dậy ngày thơ,
Tiếng nôi kẽo kẹt gọi về Mẹ Cha.
 
Ý nghĩa:  
Cù lao:  Ngoài ý nghĩa có một khối đất có lẫn đá nhô lên trên mặt biển thì cù lao còn là một từ Hán Việt có nghĩa là sự siêng năng lao nhọc.
Thành ngữ này thuờng dùng để chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ. (Cù là siêng năng, lao là khó nhọc).
 
 
 
Nguồn gốc:

Trong một tập sách ghi những câu ca dao cổ của người Trung Quốc gọi là Kinh Thi, có hai câu mà ý nghĩa gần nhau.
 
a)   Câu thứ nhất mô tả cụ thể ơn đức của cha mẹ: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã , phủ ngã , xúc ngã , trưởng ngã , dục ngã, cố ngã , phục ngã , xuất nhập phúc ngã , dục báo chi đức , hạo thiên võng cực” . Nghĩa là : “ Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn , dạy bảo ta nên người, chăm lo ta , ôm ấp ta , ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”.
 
b)      Lại có một câu khác mang tính hình tượng nêu lên khát khao báo đáp của người con: “ phụ hề sinh ngã , mẫu hề cúc ngã, Ai ai phụ mẫu , sinh ngã cù lao . Dục báo thâm ân , hạo thiên võng cực”. Nghĩa là : “Cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta – Thương thay cha mẹ , sinh ra ta bao khó nhọc . Muốn đáp trả ơn sâu ấy , chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”.
 
Từ hai câu ấy , ta biết mỗi khó nhọc của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái được thể hiện bằng thuật ngữ “cù lao” bao gồm chín ơn lớn mà người ta thường nói là cù lao chín chữ . Chín chữ đó được thể hiện trong câu đầu gồm: Sinh- Cúc – Phủ – Súc – Trường – Dục – Cố – Phục – Phúc.
 
Sinh: người Mẹ phải khó nhọc cưu mang hơn chín tháng, chịu sự đau đớn trong lúc đẩy thai nhi ra khỏi lòng mẹ
 
Cúc: Nuôi dưỡng, nâng đỡ, chăm nom, săn sóc hài nhi cả vật chất lẫn tinh thần. Tình cảm rất tự nhiên nhưng gắn bó ân cần, nên khi Cha Mẹ nhìn con thêm hân hoan vui vẻ, bé nhìn Cha Mẹ càng mừng rỡ cười tươi.
 
Phủ: Âu yếm, nâng niu, vuốt ve, bế ẵm ... để con trẻ vào đời trong tình cảm trìu mến thân thương.
 
Súc: Cho bú mớm, lo sữa nước cháo cơm, chuẩn bị áo xống ấm lạnh theo thời tiết mỗi mùa; trông cho con lần hồi biết cử động, điều hòa và nên vóc nên hình cân đối xinh đẹp.
 
Trưởng: Lo lắng tận tình, đầu tư hợp lý, cho con học tập để chuẩn bị dấn thân với đời; cố vấn cho con nên vợ thành chồng xứng hợp với gia phong, thế đạo.
 
Dục: Dạy dỗ con thơ động chân cất bước linh hoạt tự nhiên; biết chào kính người lớn, vui với bạn đồng hàng; tập con từ câu nói tiếng cười hồn nhiên vui vẻ. Khi trẻ lớn khôn thì khuyên răng dạy dỗ con chăm ngoan, để tiến bước trên đường đời.

 "Dạy con từ thuở còn thơ,
Mong con lanh lợi, mẹ cha yên lòng"
 
Cố: Chăm nom, thương nhớ, đoái hoài, cố cập con trẻ từ tấm bé đến khi khôn lớn, lúc ở gần cũng như lúc đi xa:

 "Con đi đường xa cách
 Cha Mẹ bóng theo hình
 Ngày đêm không ngơi nghỉ
Sớm tối dạ nào khuây"
 
Phục: theo khả năng và tâm tính của trẻ mà uốn nắn, dạy dỗ, tìm phương pháp hướng dẫn trẻ vươn lên hợp tình đời lẽ đạo, tránh cho con bị lôi cuốn bởi tiền tài ảo vọng, vật chất và thị hiếu bên ngoài.
 
Phúc: Giữ gìn, đùm bọc, che gió, chắn mưa, nhường khô, nằm ướt, hay Cha Mẹ quên mình chống đỡ những bạo lực bất cứ từ đầu đến, để bảo vệ cho con.
 
 (Từ điển wiki giải thích Cù lao chín chữ)

Qua đó ta thấy công ơn cha mẹ thật vô cùng to lớn
 
                                                                                  
Tác giả bài viết: P.M. Tu sưu tầm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 7219
  • Tháng hiện tại: 142037
  • Tổng lượt truy cập: 12286297