Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Chúa nhật 28 Thường niên B

Đăng lúc: Thứ tư - 10/10/2012 21:13
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
(Mc 10,17 – 30)
 
Lm. Phêrô Hoàng Kim

Của cải tiền bạc nói chung có một chỗ đứng trong sinh hoạt xã hội cũng như Giáo Hội. Người ta cũng thấy được mối bận tâm nhiều của con người về nó. Trên đời đồng tiền có thể đem lại nhiều an ủi cho con người và đôi khi cũng chính vì nó mà con người bị sa lầy, xã hội mất an. Hôm nay khi chúng ta chỉ nghe một câu ngắn 23 trong đoạn Phúc Âm này mà thôi chắc chúng ta không khỏi bỡ ngỡ: “Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao”.

Nếu chỉ có thế thì lạ thật, nhưng khôn ngoan thực tế, chắc không nên quên văn mạch của đoạn văn, mà còn phải có cái gì quí hơn nữa. Ngôn từ, văn chương không chấp nhận chú giải một cách quá đơn giản như thế, mà quên hoàn cảnh, sự kiện, đối tượng, thời gian…Ở đây chắc chúng ta phải tìm hiểu vấn đề tại sao và trong trường hợp nào mà Chúa nói như vậy.

1. Tiền bạc của cải trong chương trình ý định của Chúa.

Sách Sáng Thế cho ta thấy  mọi sự do Thiên Chúa sáng tạo để sáng danh Chúa và cho ta được dùng. Trong sách Thánh giáo yếu lý mà chúng ta thường gọi là sách thiên, nơi thiên I có câu: “Hỏi ai dựng nên trời đất muôn vật, thưa Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật. Rồi hỏi vì ý nào mà Đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật, thưa có ý cho sáng danh người và cho ta được dùng…Tài sản nằm trong diện này.

Không những thế, Chúa còn dạy phải làm chủ và phải phát triển thêm lên (Gen 1, 23. 28-31). Đã vậy mà còn ngặt hơn, khi Thiên Chúa nói với Ađam, ngươi phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn (Gen 3,17). Rõ ràng như thế, ta có thể hiểu được rằng tài sản do Chúa dựng nên và cần cho cuộc sống trần thế con người. Chắc chúng ta không quên trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin cơm bánh lương thực hằng ngày và nhiều lúc trong kinh nguyện nhật tụng chúng ta cùng gặp xin nhu cầu cơm bánh. Chắc chắn đồng tiền cũng gắn liền với lương thực, như thế đồng tiền tự nó không phải là đồ bỏ.

2. Xưa nay đồng tiền của cải đem lại cho con người cái gì và tự đâu mà ra như vậy.

Cho dù nhắm mắt bịt tai thì vẫn nghe thấy được rằng cổ kim không thiếu những gương đạo đức khi dùng của cải và phát triển kinh tế, cả đạo lẫn đời, từ bậc cao sang quyền quí cả đến bậc thấp hèn nghèo khó: bà góa Sarepta với Elia, một Ysave Hungari, gần đây nhất và được thế giới ca ngợi  đó là mẹ Têrêsa Calcutta. Thực tế và gần gũi nhất bên cạnh chúng ta, xứ đạo, xóm làng, phố phường, ngoại đạo, khác đạo, cả trẻ em, người khó nghèo cũng âm thầm sống hột gạo chia đôi, đôi lần, nhiều lần trong đời. Một đạo đức đem lại an ủi.
 
Cho dù nhắm mắt bịt tai lần nữa, chúng ta cũng nghe thấy rằng ngày nay không ít xảy ra tiêu cực trong việc sử dụng và phát triển tiền bạc của cải. Chưa nói đến đời sống thiên đàng, nhưng chỉ trong trật tự xã hội trần gian nhân đạo người ta đã dùng của cải của mình để làm hại chính mình, dùng của cải tiền bạc cho mình mà quên đạo lý gia đình, nhân đạo phát triển của cải cho mình cách bất công, gây xáo trộn xã hội, an ninh, chết chóc…

3.  Phải hiểu câu ngắn của Mc 10,23.

Thắc mắc sao Chúa dựng nên của cải, tiền bạc, lương thực cho con người, rồi phải phát triển, xin cho cơm bánh…mà lại nói người có của thật khó lên thiên đàng biết bao! Không khó trả lời. Chúng ta đã đọc 2 đoạn trên là chúng ta dễ có câu trả lời chí lý. Con người có hồn có xác, có đời tạm và đời sau. Hồn đâu xác đó, không thể tách rời. Nuôi xác thì hồn chết. Nuôi hồn thì chả lẽ chỉ lên thiên đàng có hồn còn xác bỏ đâu. Xác cần của ăn, hồn cần đạo đức. Xin cho lương thực hằng ngày, cùng xin cho linh hồn sống với nhu cầu của mình. Cần có một lý luận vững chắc, một khôn ngoan của Thánh Thần, một phân tích đúng sai để thực hiện. Của cải tự nó không làm ta mất thiên đàng, nhưng đọc lại câu mà chúng ta đã nghe đọc, tiền của là đầy tớ tốt, là ông chủ không tốt.

Sau hết chúng ta an tâm, Chúa không sinh của cải để làm hại ta, chẳng vậy, Chúa bảo anh thanh niên bố thí cho người nghèo là Chúa bày cho anh thanh niên trao sự hại cho người ta sao. Từ bỏ của cải đâu phải là khinh chê nó, nhưng biết sử dụng đúng như lời dạy của Chúa. Phải hiểu rõ tinh thần nghèo khó trong bát phúc được đề cao khác với tình trạng đói nghèo cần được xóa bỏ. Từ bỏ không phải là khinh chê coi thường bất cần, mà là có tinh thần siêu thoát cao nhất. Ai dám quên câu Chúa Giêsu nói: “Người ta sống không nguyên bởi bánh” (Mt 4, 4). Nắm chắc, xác tín và sống lời Chúa Giêsu nói, trước tiên này tìm nước Thiên Chúa (Mt 6,33;…..68,33).

Như thế, mọi thời và ngày nay, người nghèo thì quá cần tiền để có miếng ăn, người giàu thì ham ăn sang nên dễ quên nước trời. Và khó chứ không phải là không thể được vì nếu biết dùng ơn Chúa.

 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Hoàng Kim
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 41
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 167886
  • Tổng lượt truy cập: 12457598