Trang mới   https://gpquinhon.org

Kết nối yêu thương (II)

Đăng lúc: Thứ tư - 01/10/2014 19:07
NHỚ
* Maria Kiều Nguyễn Yến Nhi (Gx.Cây Rỏi)
 
Đặng Đức Tuấn – Tiến!
Đặng Đức Tuấn – Tiến!
Đặng Đức Tuấn – Tiến!
Bước vào cổng đã nghe thấy câu khẩu hiệu quen thuộc và  đầy hào hứng rồi đây! Có vẻ lần này tranh thủ về để tham dự Hội trại, tìm lại cái cảm giác lần đầu tiên gặp gỡ không uổng phí tẹo nào! Năm năm rồi, gia đình văn thơ Đặng Đức Tuấn đông lên nhiều lắm, những gương mặt trẻ tuổi tài năng cùng tề tựu về, đem tình yêu Chúa rao truyền qua những lời thơ câu văn của mình.
Ấn tượng nhất năm nay trong tôi đó là cái “đêm kinh hoàng” ấy! Nói quá lên vậy thôi chứ đó là đêm nhiều kỷ niệm, được trải nghiệm nhiều điều hay. Cứ tưởng là hôm đó được quậy suốt đêm với hội trại giáo xứ Tân Quán, nhưng vì một số thay đổi nên phải trở về nhà thờ Làng Sông nghỉ qua đêm. Thật không thể tưởng tượng nổi, 11 giờ đêm mà ôm mớ quần áo chờ đến lượt tắm, người đầy mồ hôi từ màn đốt lửa trại “hoành tờ rang” ở Tân Quán, cộng với thời tiết oi bức của miền Trung ngứa ngáy không chịu nổi! Đợi hoài thì cũng tới lượt, tắm xong cảm giác thật đã và cũng tỉnh ngủ luôn. Với địa hình khá thuận lợi khi có một vườn sao cổ thụ từ xưa, tiếng gió thổi rít xào xạc đám lá, cộng thêm vườn chuối, xung quanh thì toàn đồng ruộng, thế là những câu chuyện ma bắt đầu. Tôi ngồi kể cho đám nhóc nghe mà da gà cứ nổi, kể nhưng cũng sợ không kém gì tụi nhỏ. Đang đến đoạn hấp dẫn, chúng nó hét ầm lên chạy chạy, tôi cũng xách dép mà theo, còn bị vấp dây điện té nữa mới đau chứ! Một đêm mà cứ vài ba đứa chụm lại tám hết chuyện này đến chuyện khác, vừa ngắm trăng vừa hứng gió. Có lẽ nhờ cái đêm ấy mà chúng ta quen nhau, kể cho nhau nghe nhiều hơn về cuộc sống hiện tại, những khó khăn, nghe những lời khuyên nhủ hay những câu chuyện hài hước. Một đêm ngủ chung dưới tấm bạt không gối không mền, ôm nhau, gác nhau, đè nhau sau một ngày vui chơi hết mình.
Cuộc sống là những trải nghiệm, những niềm vui, những khó khăn phải vượt qua và phải biết cách thích ứng với môi trường mới. Những “vì sao thập tự” cũng vậy, hãy biết vượt qua khó khăn để đem Chúa đến khắp muôn phương, không chỉ bằng những lời văn câu thơ mà bằng những hành động, cử chỉ yêu thương.
 
 
 
TÌNH THƯƠNG THẬT SỰ
* Matta Võ Thị Kim Yến (Gx.Phú Hòa)
 
Cuộc Hội trại hành hương Đặng Đức Tuấn đã qua đi với bao cảm xúc khó tả. Buồn có, vui có, chắc mọi người vẫn đang lẫn lộn với mớ hỗn độn cảm xúc này.
Mới có ba ngày thôi mà tụi nó thân nhau như anh em vậy. Tụi nó thân nhau nhưng không phải thân theo kiểu chỉ trong 3 ngày thôi, hết cuộc hội trại thì không còn nhớ nhau nữa, mà đã coi nhau như người một nhà vậy. Mọi người luôn quan tâm, chăm sóc cho nhau. Nó nhớ đêm ở chủng viện, lúc bọn nó đi chơi về, vừa lên cầu thang thì chị Hiền té xuống, mọi người giữ chị lại để chị không té nữa. Tóc chị rối, mặt chị tái xanh, mắt nhắm nghiền lại. Mọi người ai cũng nghĩ chị bị đau gì đó trong đầu nhưng, nhờ ơn Chúa, chị không sao cả. Nhìn chú Thiêng đang đo huyết áp cho chị mà có một chị trong đoàn nói với nó: Trông chú ấy như người cha đang lo lắng cho những đứa con của mình vậy. Nhìn anh Hà cùng chị Kiều thức đêm để canh chừng cho chị thì nó thấy lòng mình như chùng lại, nước mắt nó muốn ứa ra. Thật là tình cảm! Tình thương đang dâng tràn trong nó, trong tất cả mọi người và đặc biệt với chị Hiền. Chắc chị sẽ không bao giờ quên cái giây phút này đâu!
Còn nó, lúc đầu nó nhìn chị và nghĩ một chị trong đoàn Đặng Đức Tuấn chắc là rất khó gần. Nhưng khi tiếp xúc với chị thì nó mới biết chị rất thân thiện và quan tâm tới mọi người. Nó còn nhớ, chiều 16/7, chúng nó có một giờ chầu. Mà trước giờ tới chỗ đông người là nó bị ngộp, nhất là với lúc mới tắm xong. Nó định ngồi ở chỗ rộng rãi thoàng mát thì chị lại kéo nó lại ngồi với chị. Nó nghĩ sẽ không sao nên cứ ngồi. Ngồi được 5 phút thì nó bắt đầu cảm thấy đau đầu, khó thở, mắt hoa lên. Nhưng nó nghĩ không sao nên nó cứ quỳ và đọc kinh. Một lát sau, mắt nó ngày càng mờ và đầu như muốn nổ tung, tim như muốn nhày ra khỏi lồng ngực. Lúc đó nó mới nói với chị: “Chị ơi, em khó thở quá, hoa mắt nữa…”. Thế là chị đỡ nó ngồi lên ghế và nắm tay nó. Nó thấy rõ vẻ mặt lo lắng của chị, nó cảm nhận được tình cảm mà chị dành cho nó. Lúc hết chầu, chị hỏi nó: “Em không sao chứ? Mặt em phải  ăn tới 3 chén cơm. Ăn để bồi bổ năng lượng, sáng ngày đi tiếp”. Lúc đó cảm xúc của nó như nghẹn ngào đi…
Thật sự, tình anh em đã trở nên gắn bó với nhau. Dù chỉ là 3 ngày thôi nhưng tụi nó như là thân thể của nhau, mất một bộ phận nào đó thì rất là đau đớn. Đó mới thật sự là tình cảm mà Chúa muốn tụi nó hiểu được, để quan tâm và chia sẻ với nhau. Xin cảm ơn Ngài đã gắn kết chúng con với nhau để chúng con có cơ hội quan tâm nhau như vậy. Thật sự con cảm ơn Ngài.
 
 
 
CHÚT KỈ NIỆM
* Maria Huỳnh Thị Diễm Quỳnh (Gx.Cây Rỏi)
 
 “ Đùng”… Tiếng sấm nổ vang trên mái nhà, tôi giật mình thu người sát góc giường vì tôi rất sợ sấm sét. Ngoài trời thì mưa rất to… to đến nỗi nó tưởng chừng mình đang rất cô đơn trong căn phòng tối tăm kia…
 * * *
 “1… 2… 3… dzô!… 2… 3… dzô!… 2… 3… ăn!”
Tiếng cười rộn ràng thật vui tươi, tôi cảm thấy giây phút ấy thật hạnh phúc và ấm áp làm sao!
- Chút nữa đốt lửa trại đấy nha, chừng đấy tha hồ mà quậy!- Một bạn trong bàn ăn hớn hở. Mọi người thích thú cười phá lên. Bỗng tôi nghe một tiếng nói vọng lên từ bàn bên kia:
- Quỳnh, ăn xong chưa? Hai chị em mình đi làm mấy kiểu đi!
Tôi giật mình khi nghe người ta gọi tên mình… À, thì ra là Hương gọi. Tôi đáp:
- “Ô sờ kê” đi liền…
- Quỳnh em, chỗ kia đẹp hơn kìa, mình đi lại đó nha!
- “Tê tê” con gà đen!
- Í… í… cho chị chụp chung với!- Chị Nhi nhí nháo lên tiếng.
- “ Xích zô… Xích zô…”
“Tè…”, tiếng còi tập hợp vang lên.
- Thôi mình đi tập trung đi, xíu nữa “tự sướng” tiếp.
- … Hihi… “tấu” nay “dzui” ghê hén My!
- Ừ, nhưng mà mệt quá.- My nhẹ nhàng đáp.
- “Zẫy” nó mới “dzui” chớ…
*  *  *
“ Đùng”… Tiếng sấm nổ làm tôi lại giật mình. Thì ra chỉ là mình đang nằm mơ thôi à! “Haizza…”, nhớ mọi người ghê luôn á, không biết bây giờ mọi người đang làm gì nữa. Thôi, mình cũng phải chuẩn bị sách vở mai đi học rồi, thời gian đúng là không chờ một ai. Mến chúc tất cả mọi người đã tham dự Hội trại Đặng Đức Tuấn, đặc biệt là các anh chị trong Ban tổ chức, được dồi dào sức khỏe ạ! Em nhớ mọi người nhiều…
 
 
 
LẦN ĐẦU TIÊN
* Maria Đồng Thị Bích Duyên (Gx.Đồng Tre)
 
Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đó mà đã là lần thứ năm rồi. Cứ như cơn gió, thoảng qua đã vội tan. Mới ngày nào còn nói cười bên nhau, vậy mà thoắt cái đã chẳng còn thấy mặt nhau. Ôi trời ơi, sao mà lâu thế! Phải chờ một năm nữa mới được gặp lại mọi người, chắc nhớ đến chết quá! Giờ lại mong cho thời gian trôi qua thật nhanh để mau đến ngày "bà con" hội ngộ.
Tham gia Giải Đặng Đức Tuấn cũng 5 năm rồi mà chưa năm nào tôi cảm thấy vui và để lại nhiều ấn tượng như năm nay. Một sự bứt phá lớn của tôi khi biết năm nay tôi đạt giải 3 chứ không phải là triển vọng như mọi năm. Cầm lá thư trên tay, tôi vừa vui, vừa sợ. Vui vì mình có một bước tiến mới. Sợ vì không biết sau chuyến đi này có phải nằm nhà chuyền nước mấy ngày liền như mọi năm, hay là năm nay được giải lớn rồi nhập viện luôn! Tôi thấy sợ hơn là vui, khi nghe chị Hiền bảo tôi sẽ làm tổ phó tổ 1phụ với chị Phương tổ trưởng. Tôi cũng “dạ” đại chứ chưa nghĩ đến hậu quả nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó chỉ là một bất ngờ khởi đầu cho chuyến đi này. Ngay ngày đầu nhập trại và chia tổ, tôi lại thêm một bất ngờ mà tôi không hề nghĩ đến. Khi thầy Thạch bắt đầu gọi tên những người sẽ phụ trách các tổ, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chức vụ "tổ phó khó làm" này. Nhưng sự thật phủ phàng, thầy lại gọi tên tôi đầu tiên thay vì chức tổ phó mà lại là tổ trưởng tổ 1. Vừa nghe thầy gọi tên xong tôi ngây cả người, tự hỏi không biết mình có nghe nhầm hay không? Đến lúc nhóc Huy (Sơn Nguyên) lên tiếng gọi mới kéo tôi trở về với thực tế. Tôi bước lên nhận khăn tổ trưởng mà cứ nghĩ là mình đang bước lên "giàn chém", cứ sợ nếu không hoàn thành nhiệm vụ chắc là "đầu rơi, máu chảy" rồi! "Thôi kệ! Nếu đây là ý Chúa thì dù có trốn cũng không thoát được", tôi chỉ có thể tự trấn an như vậy để bớt sợ. Rồi đêm trao giải cũng diễn ra tốt đẹp, chương trình thì vẫn như năm ngoái không thay đổi mấy. Một giấc ngủ ngon cho một ngày mai "đen tối"! Chắc thế nào ngày mai cũng sẽ lơ phơ lất phất như tàu lá chuối thôi (do say xe ấy mà). Hic... Hic...
Xe bắt đầu chuyển bánh, nổi lo sợ cứ ùa đến, miệng vẫn cứ oang oang không ngớt nhưng không biết đến lúc nào rồi nó sẽ câm như hến. Tôi cố nói thật nhiều để khỏi phải mệt (đó là phương pháp rất hữu hiệu), trên xe nhờ có thầy Thạch (cũng là người nói nhiều) nên không bao giờ hết chuyện để nói. Thêm cô “Tờ Rinh” (Trinh) cũng là người không chịu thua ai nên trên xe luôn rộn rã tiếng nói cười. Một ngày, hai ngày trôi qua vẫn không có gì xảy ra. "Tạ ơn Chúa", mấy ngày trời lúc nào lên xe là tôi cũng phải kiếm trò gì đó hoặc hát, hoặc đố vui để mọi người không thấy mệt và chán (vì là tổ trưởng mà). Vui nhất là trên đường đi đến giáo xứ Cây Rỏi, nhờ cái loa mà thầy Thạch đem lên xe nên chúng tôi được hát đã đời. Ai đi ngang cũng nhìn lên xe. Chúng tôi nói vui với nhau: "Chắc ca sĩ cũng chưa được hâm mộ như tụi mình đâu!". Vừa hát, vừa la, mệt nhưng vui. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia đầy đủ chương trình của chuyến đi, từ lúc bất đầu cho đến khi kết thúc không bỏ sót một phần nào. Chia tay ở Cây Rỏi, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má mấy đứa mít ướt. Tôi thì quyết không khóc. Có phải là sinh ly tử biệt gì đâu mà khóc, chỉ là tạm thời xa nhau một năm thôi mà! Điện thoại, facebook ai cũng có, chỉ cần cầm điện thoại lên là gặp nhau thôi.
Trên chuyến xe đi về, tôi lại bắt đầu quay về tình trạng cũ (say xe), nằm gục lên, gục xuống mà vẫn không hết. Bây giờ có mệt gấp mấy cũng không sao, chuyến đi đã kết thúc rồi nên tôi chẳng còn gì hối tiếc nữa. Dù biết rằng về nhà sẽ bị chuyền ít nhất hai bình nước và nằm bẹp mấy ngày liền, nhưng bù lại tôi có được những ngày thật vui bên những người bạn của tôi. Lần đầu tiên, tôi biết thế nào là một chuyến đi thật sự. Và cũng lần đầu tiên tôi biết được thế nào là một người vì mọi người, mọi người vì một người.
 
 
 
MỘT CHÚT BUN… MT CHÚT NH
MT CHÚT VN VƯƠNG
* Phanxica Nguyễn Thị Hồng Thắm (Gx.Tân Dinh)
 
Mỗi năm vào dịp hè, nó lại nôn nao chờ đến ngày Hội trại Đặng Đức Tuấn, “ngôi nhà” thân yêu gắn liền với bao kỉ niệm. Giải văn thơ Đặng Đức Tuấn đã đi được chặng đường 5 năm, 5 năm với biết bao thăng trầm, 5 năm đủ để ai đó phải nhớ về.
Những ngày hè dường như nhộn nhịp hơn trong nó khi được tin sẽ đi dự Hội trại này. Những kỉ niệm của năm trước ùa về rõ mồn một, nào là chơi trốn tìm với Ban điều hành, nào là sinh nhật có một không hai của anh Kool… Những kỉ niệm ấy đã in sâu vào tâm hồn nó, để nó mang đi trong suốt cuộc đời và nhất là trong Hội trại lần này.
Ba ngày diễn ra Hội trại trôi qua nhanh chóng. Tất cả mọi người cứ như muốn thời gian dài ra, dài ra nhiều hơn nữa để có dịp ở bên nhau lâu hơn. Tất cả các thành viên ở ba tỉnh trong Giáo phận cùng nhau tụ họp về đông đủ, ai nấy đều hào hứng và rất vui mừng. Tất cả cùng nhau ôn lại những kỉ niệm và háo hức với chuyến hành trình mới của mình.
Các giáo xứ trong tỉnh Bình Định là điểm đến của các trại sinh năm nay. Nó nhận thấy mọi người đều rất háo hức. Mỗi điểm dừng chân là một lần ghi dấu trong trái tim nó một kỉ niệm khó quên, dù cho đó là nơi nó đã từng đặt chân đến nhiều lần. Năm nay có những ba thầy cùng đồng hành nhưng lại thiếu mất chú “Trưởng ban trật tự” (tên thân mật mà nó đặt cho chú Xuân). Lại có những niềm vui và những nụ cười đọng lại trong tâm hồn mỗi trại sinh.
Một chút buồn… Một chút nhớ… Một chút vấn vương… Đó là những điều mà nó muốn nói sau mùa Đặng Đức Tuấn này. Buồn bởi lẽ mới gặp nhau đó lại phải chia tay nhau. Đã có niềm vui, nụ cười, giờ lại đan xen những giọt nước mắt của chia ly mà đến một năm sau mới gặp lại. Buồn vì có những người mình muốn gặp nhưng vì lý do nào đấy lại không tham gia được. Những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay ân cần lúc chia tay như muốn hâm nóng lại tinh thần của các trại sinh, tất cả như muốn đó lại là ngày đầu tiên của hội trại.
Một chút nhớ… Nhớ cảnh cùng mấy nhóc Cây Rỏi đi bộ từ siêu thị xuống đến Chủng viện, lần đầu tiên nó đi như thế. Mệt nhưng vui, nhớ mấy đứa nhiều lắm! Nhớ đêm trao giải nhộn nhịp với những tiết mục văn nghệ do các Giáo xứ biểu diễn. Nhớ lửa trại tại Tân Quán và đêm ngủ tại Làng Sông lộng gió. Nhớ Cây Rỏi với sự đón tiếp nồng nhiệt của Cha sở cũng như cô chú trong Giáo xứ, nhớ xe nước mía do Cha Quang chuẩn bị. Nhớ phút chia tay với nước mắt đọng trên mi mắt. Nhớ lắm!
Một chút vấn vương… Dường như nó muốn thời gian cứ ngừng lại ở thời điểm mà bọn nó vừa mới gặp gỡ nhau. Nó không muốn gặp nhau đó rồi lại phải chia tay đó. Nó không muốn vừa quen đó đã lại chia xa. Lưu luyến lắm! Vấn vương lắm! Mong rằng sau này sẽ có những cuộc Hội trại nhiều hơn nữa để gắn kết tình cảm của tất cả các thành viên trong đại gia đình Đặng Đức Tuấn. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban nhiều ơn cho câu lạc bộ của chúng con, để chúng con có thể dùng những lời văn, câu thơ mà ca tụng Chúa suốt đời.
 
 
 
CÓ MỘT SỰ ĐỔI THAY
* Maria Madalena Trần Thị Hường (Gx.Trà Kê)
      
Sau một cuộc hành trình, sau mỗi lần gặp gỡ hay sau một cuộc trò chuyện, chắc hẳn trong chúng ta đều có những ấn tượng khó quên. Một nụ cười tươi tắn của nhỏ bạn Phú  Hòa, cử chỉ nhẹ nhàng của chị Làng Sông, hay những lời pha trò hài hước của chị Lục, chị Phương, “Thím Hà”... Mọi thứ đều chóng qua trong những ngày của cuộc hành hương nhưng vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những cây bút trẻ của Giáo phận.
Trong tôi lại thoáng hiện nét mặt trầm ngâm của “ông cụ non”, đâu đó vẫn đang thoang thoảng tiếng sáo du dương, ngọt ngào, đôi chỗ ngập ngừng lắng đọng, hay đã trở nên nhộn nhịp sống động làm thú vui cho cả câu lạc bộ. Chắc hẳn nói đến đây ai cũng đoán ra bạn ấy là ai? Bạn ấy có cái tên thật ấn tượng, độc đáo: Nguyễn Phúc Hoàng Anh, cái tên mà ở mọi lứa tuổi ai cũng phải “chào anh”! Tôi có dịp gặp gỡ và làm bạn cùng Anh trong đợt trao giải văn thơ Đặng Đức Tuấn lần IV. Ấn tượng bạn ấy để lại trong tôi không phải vì bạn ấy quá nỗi trội, mà sự lạnh lùng, khác thường đã in dấu phần nào trong suy nghĩ của tôi. Anh thường tìm cho mình một góc vắng bên hiên nhà thờ, khi đoàn xe chúng tôi cùng nhau đi viếng từng nhà thờ trong hạt Phú Yên. Anh có vẻ trầm ngâm và ít trò chuyện với ai, nhưng lại có cánh quan tâm người khác rất đặc biệt. Ngồi phía sau cùng một dãy ghế tôi có dịp trò chuyện cùng Anh, tôi nhận ra Anh là người sống nội tâm và ngại phải nói chuyện “phiếm” như chúng tôi. Nhưng  khi đã có vẻ hợp ý thì chúng tôi lại nói chuyện rất thân, thậm chí còn nói những chuyện riêng tư cho nhau nghe như đã biết nhau từ trước. Đấy chỉ là khoảng thời gian đầu, sau này chúng tôi liên lạc với nhau qua điện thoại, những tin nhắn chia sẻ ủi an, những hình ảnh vui nhộn trên facebook làm cho khoảng cách mỗi thành viên trong câu lạc bộ ngày càng rút ngắn lại. Chúng tôi trở nên thân tình hơn. Dịp họp mặt câu lạc bộ Phú Yên, bàn tay khéo léo của Anh đã làm nên cây sáo trúc xinh xắn tặng tôi. Tôi cũng bắt đầu tập tành thổi sáo. Hai chúng tôi có những khoảnh khắc đáng nhớ. Tôi ngại ngùng cất lên tiếng “sư phụ”, tiếng cười “ồ” phát ra từ cửa miệng, khuôn mặt đổi sắc, ấy thế mà vui lắm!
Đang lăn lộn giữa phố người xa lạ, áp lực của kì thi đại học… thì tin vui đạt giải văn thơ Đặng Đức Tuấn lần V làm xua tan cái cảm giác mệt mỏi trong tôi. Vui bởi tôi sẽ được gặp bạn cũ và kết bạn mới, vui khi được đến viếng thăm các nhà thờ trong Giáo phận và bao điều mới mẽ, bao bài học bổ ích đang chờ đón tôi.
Từ bến xe Miền Đông, kim đồng hồ quay, xe đã lăn bánh… Và cổng nhà thờ Nhọn mở rộng chào đón những con chiên non từ bốn phương đoàn tụ. Câu thơ năm nào vội tái hiện trong tâm trí tôi.
Bốn phương một hướng cùng về
Văn thơ Đức Tuấn tràn trề lòng ai.
Chúng tôi cùng nhau vui vẻ dưới sự hướng dẫn của “ánh Trăng Thập Tự”, các cô chú và anh chị trong Ban điều hành, dưới sự quan phòng, yêu thương của Cha trên trời dành cho chúng tôi. Lần này gặp lại “sư phụ” Hoàng Anh với hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Một con người trước giờ im lặng, ít nói giờ lại trở nên vui tính hòa đồng khác thường. Ngôi nhà chung của giáo phận đã làm Anh thay đổi, mọi người nơi đây là anh em một nhà, còn gì đâu nữa cái gọi là ngại ngùng xa lạ. Từng câu thơ, từng bài văn đã gắn kết tình bạn, tình anh em, tình cha con trong một nhịp đập được sưởi ấm bởi tình yêu của Chúa. Không chỉ Anh thay đổi mà chính bản thân tôi cũng nhận ra mình đã tìm được niềm vui trong mỗi đợt gặp gỡ, vui nhất khi bài viết của mình được đăng trên các tập san. Cơ hội tìm hiểu rõ về các vị thánh tử đạo trong Giáo phận qua từng chuyến hành hương đã gây phần nào ý thức trách nhiệm sống lời Chúa trong mỗi bạn trẻ. Trãi qua thời gian tuy ngắn ngủi cũng đủ để chúng tôi hiểu nhau hơn, có thêm nghị lực sáng tác văn thơ, qua đó cảm nghiệm lời Chúa trong mỗi sáng tác nhỏ. Tôi nhận ra Thiên Chúa cũng cần có ta, không phải vì Ngài thiếu thốn gì mà vì lợi ích của chính ta. Chúng ta là những người con yêu dấu mà Ngài đã tạo dựng trong mục đích của Ngài. Thiên Chúa cần chúng ta để trở nên ánh sáng cho thế gian và làm chứng về Đức Giêsu Kitô, vì thế chúng ta cần cộng tác với Ngài cách sốt sắng.
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, vì trong Ðức Giêsu, Con Cha, Cha đã liên kết chúng con và cả nhân loại nên một trong đại gia đình của Cha, và cho chúng con được gọi “Áp-ba! Cha ơi!”. Ðó là một hồng ân trọng đại Cha ban cho chúng con. Xin giúp chúng con ý thức chúng con chỉ thực sự là con của Cha, là anh chị em với nhau, khi chúng con thực thi ý Cha. Xin cho tình bạn hữu của chúng con mãi vững bền trong tình yêu của Cha.
Mong rằng Câu lạc bộ sáng tác văn thơ Công giáo Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn mãi là ngôi nhà hoàn hảo nhất.
 
 
 
CUỐN NHẬT KÍ
* Giuse Nguyễn Mậu Linh Vũ (Gx.Kỳ Tân)
 
- Hãy cố gắng, luôn có Đức Mẹ gìn giữ con!
Vừa nói cha vừa lấy một tràng hạt Mân Côi màu gỗ từ túi ra cho nó xem. Hình như đây đã là lần thứ hai cha tỏ ý muốn nó ở lại để tiếp tục cuộc hội trại, nó cười và gật đầu:
- Dạ, con sẽ cố gắng!
Chơi thân với nó từ nhỏ nên tôi cảm nhận được sự  gượng gạo trong nụ cười ấy ngay từ hôm nhập trại. Chả là nó thi xong đại học rồi ở lại Quy Nhơn để tham gia Hội trại Đặng Đức Tuấn luôn, chứ đi đi về về giữa Quảng Ngãi và Quy Nhơn thì sức nó cũng chịu chẳng nổi, với lại sẵn dịp ghé nhà người anh thăm chơi. Ai ngờ nó lại yếu như thế, ngay từ ngày đầu đặt chân đến đất Quy Nhơn đi thi nó đã lên sốt vì khí hậu thay đổi. Vậy là suốt những ngày tá túc nơi Chủng viện, nó là người lui tới phòng y tế nhiều nhất. Hết thuốc đau đầu, đến thuốc đau lưng, hết thuốc sốt thì lại uống thuốc cảm… Cái con người ốm tong của nó lại càng thêm “xanh xương”, chỉ một thứ không thay đổi là gương mặt luôn tươi cười.
- Tổ phó ơi! Lo chuẩn bị lời cầu nguyện và bài hát để đại diện tổ viếng Chúa trong nhà thờ tiếp theo nha, đến lượt tổ mình rồi!- Nó quay đầu đảo mắt nhìn toàn bộ thành viên tổ mình một lần, cũng là tìm kiếm tổ phó để trao nhiệm vụ trước lúc “từ chức”.
- Thôi, có tổ trưởng thì tổ trưởng lo đi, múa hát thì “ok” chứ tổ phó chịu thua mấy cái vụ này…
Nó ngập ngừng:
- Chắc… tí nữa… xin phép cha về, không đi nữa!
- Ủa, sao thế? Đang vui mà, đừng có đùa nghen!- Vài đứa lên tiếng thắc mắc.
- Ừ, cũng muốn ở lại lắm nhưng mà mấy bữa nay mệt lắm rồi, cố gắng gượng mà xem ra không nổi nữa, chắc phải về sớm thôi…
- Sao yếu thế! Mới mà “rụng” liền vậy cu?- Anh Trường cười trêu chọc.
- Dạ, chắc phải rụng thôi anh ơi, chín mấy hôm nay rồi, không rụng sợ nó thối trên cây quá, chẳng thà cho nó thối dưới gốc thì không sao! Hihi…
Từ cuối xe, giọng chị tổ phó “siêu mỏng” dứt khoát:
- Đi về thì đừng có mong năm sau nhìn mặt nhau nữa nha!!!
- Nói gì ghê vậy! Đâu có ai muốn như thế đâu, sức khỏe không cho phép thôi, sợ đi mà gây phiền hà cho mọi người thì cũng ngại. Vả lại giờ vào nhà người quen nghỉ ngơi cho khỏe luôn. Mọi người thông cảm nha.
Cuộc nói chuyện bị ngắt quảng vì tiếng nói của thầy đồng hành:
- Đến nơi rồi, mời các bạn nhanh chân xuống xe viếng cha xứ và nhà thờ để kịp giờ đi nơi khác.
Cả đoàn ai nấy khẩn trương xuống xe. Nó mang cái ba lô nặng trịch theo xuống, nhanh chóng cầm cờ tổ chạy đến nơi tập trung… Nhưng vẫn như “thường lệ”, nó lại để trễ hơn các tổ khác. Thế là được “khen” thêm một câu nghe không mấy xa lạ: “Ông tổ trưởng lề mề quá nghen!!!”…
Thấy nó, anh Trường hỏi lần nữa:
- Về thật à? Không cố gắng được nữa hả?
- Chắc không đâu anh ơi, thôi tí nữa anh làm tổ trưởng rồi đại diện bắt kinh với cầu nguyện giúp em luôn.
- Ừ! Để anh, em cố gắng không được nữa thì thôi.
- Vậy quyết định như thế nha, cảm ơn anh trước.
Nói xong nó chạy đến cha:
- Cha ơi, chắc con không đi với đoàn được nữa. Con xin lỗi, nhưng con nghĩ giờ con nên dừng ở đây, con sợ gây phiền toái đến mọi người.
- Thì tùy con thôi, nhưng giờ mà về thì tiếc lắm con à, chiều nay còn cả một buổi học tập nữa, con cố gắng được không?
- Thật sự con rất muốn đi tiếp, nhưng sức khỏe không cho phép cha à, mấy ngày trước cho đến giờ ngày nào con cũng sốt, con cố gắng được đến hôm nay thôi. Cha thông cảm cho con.
-  Ừ! Thôi thì tùy con…
Tạm biệt tổ xong nó đứng chờ anh ra đón. Nó tưởng mình là người sau cùng ở lại để chờ xe, nhưng qua khoảng trống giữa những chiếc xe tải, nó nhận ra cha cũng đang đứng chờ ai đó. Không hiểu sao nó lại không dám đứng đợi cùng cha mà lại nấp sau chiếc xe tải để nhìn. Nó thấy cha buồn, nó lại càng buồn hơn.
Chiếc điện thoại reo lên. Là anh nó gọi. Nghe điện thoại xong nó nhìn về phía cha nhưng không thấy nữa, lúc đó nó mới dám bước chân ra khỏ chỗ chiếc xe tải. Vài phút sau, anh nói tới đón…
Về đến nhà anh, nó đi thẳng vào phòng mà nằm, không thay quần áo, cũng chẳng rửa mặt. Nó nằm cho tới khi anh gọi ra ăn cơm rồi lại vào nằm tiếp. Cả buổi chiều nó chỉ nằm đó thôi, không đi đâu cả. Thấy lạ vì một đứa hoạt bát như nó mà hôm nay lại chịu nằm im, nên cô và bà nội bảo nó đi khám bác sĩ. Nghĩ mình bị bướu cổ nên sáng hôm sau Trung tâm u bướu Bình Định có thêm một bệnh nhân… Kết quả xét nghiệm và chụp phim không có gì nghiêm trọng. Nó thở phào, nhẹ nhõm.
Tối hôm đó nó nhắn tin hỏi thăm về hội trại. Vì chương trình được sắp xếp một cách khá sát nhau nên tôi cũng chẳng có thời gian mà trả lời tin nhắn, lúc về nhà tôi mới ghé ngang mà thăm nó.
- Nước cam nha?
- Ok.
Nhìn trên bàn tôi thấy một cuốn sổ còn mở, tò mò nên tôi đến xem thử, lược qua vài dòng mới biết đó là nhật ký.
- Ê! Ngồi chờ tí nha, tao đi mua đồ giúp mẹ rồi về liền.
Tiếng nó nói làm tôi giật cả mình, tôi khép cửa phòng tiếp tục với cuốn nhật kí. Lật vài trang, vài trang nữa thì…
“…Nhục nhã thật, tối nhận tiền, sáng bỏ về không đi nữa. Chắc ai cũng nghĩ mình như thế. Nhục thật! Nhưng người ta nghĩ như thế cũng phải thôi, thực tế đúng là như vậy mà, lúc nào cũng cười mà nói là lí do sức khỏe nên bỏ về… Quá trơ trẻn!...”.
Đọc đến đây tôi cũng hơi e ngại, có phải chăng vì bản thân mình cũng có suy nghĩ thoáng qua như thế…
Tiếng cửa mở, nó bước vào:
- Nước cam của mày đây. Uống đi!
Hú vía lần hai, cũng may là kịp để mọi thứ trở lại như cũ.
- Ừm… Cảm ơn mày.
Đã hơn 5 giờ chiều, hai đứa nói chuyện mà quên cả giờ giấc. Đi từ lúc giữa trưa mà giờ mặt trời đã nhuộm đỏ nơi góc trời phía Tây. Tôi chào gia đình nó rồi về.
Trên đường về nhà, tôi thật sự thấy vừa thương mà vừa chê trách nó. Nó bỏ về kéo theo bao hệ lụy, ban tổ chức khó xử, nó lại trở nên gương xấu cho mấy thành viên khác vì sự thiếu tôn trọng và xem thường kỉ luật, các cha phải suy nghĩ và lo lắng nhiều vì thái độ của nó… Nhưng thật sự thì cũng thấy tội nghiệp nó, buồn mà chẳng biết nói với ai cứ mãi tươi cười, đóng kịch trước mặt người khác. Mà tôi cũng chẳng biết chia sẻ với nó như thế nào là tốt nhất… Thôi thì mọi sự phó thác trong bày tay quan phòng của Chúa và Mẹ. Mong sao mọi người đừng hiểu sai về nó, mong rằng nó sẽ bớt dằn vặt bản thân, cầu nguyện cho Hội trại những lần sau sẽ không có những chuyện tương tự xảy ra.
Nguyện xin Thiên Chúa thương đến hết thảy mọi người chúng con, ước gì trong tình yêu Chúa, chúng con đủ rộng lượng để cảm thông và chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống…
 
 
 
VÒNG TRÒN YÊU THƯƠNG
* Phaolô Nguyễn Phúc Hoàng Anh (Gx.Đa Lộc)
 
Cùng với những chuyến xe vòng quanh các giáo xứ ở hạt Bình Định, tôi lại trở về đây lần nữa, cái nơi mà trước kia tôi đã từng đặt chân đến. Thật vậy, chỉ cần nghe cái tên Cây Rỏi thôi cũng đủ khiến ai trong chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra một vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng, một không gian yên bình thênh thang làm lòng ai đó chợt như lắng lại. Tôi bỗng ngửi thấy mùi khói bếp, mùi rơm vàng cùng những tiếng cười nói vui vẻ của một mái ấm nho nhỏ… Tất cả dường như làm cho tôi yêu nơi này hơn.
Chúng tôi đã đi qua đoạn đường khá dài và nơi đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành hương năm nay. Trời đã trưa, ánh nắng chói chang làm ai cũng mệt nhừ, chúng tôi chỉ muốn ngồi thụp xuống một góc nào đó, hay thậm chí là lăn ra đánh một giấc cho thật đã. Tội nhất là những bạn nhỏ lần đầu đi xa, những bạn hay bị say xe, càng làm không khí trở nên nặng trĩu. Nhưng những cái mệt mỏi ấy nhanh chóng tan biến khi ập vào mắt chúng tôi bây giờ là một chiếc cổng kì bí thông với khuôn viên giáo xứ, cứ như là có thứ gì cuốn hút bên trong lắm nên ai nấy cũng hào hứng chui qua từng người một bởi nó là “chiếc cổng hẹp”.
Vào bên trong, những tiếng cười nói, chào hỏi thân mật cùng những cốc nước mía mát lạnh làm chúng tôi cảm thấy vô cùng thú vị và thích thú. Vào sâu hơn tí nữa thì mùi thơm thơm, nồng nồng, mùi nước mắm, mùi bột gạo, cùng với những tiếng “xèo… xèo…” làm bụng chúng tôi réo loạn hết cả lên. Đâu đâu cũng toàn những món “cao lương mỹ vị” như: bánh xèo, bánh bèo, bánh canh, rồi có cả bánh cam để tráng miệng nữa chứ. Đang lúc cái bụng xẹp lép thế này mà nhu cầu “tự phục vụ” cũng được đáp ứng thì còn gì bằng. Phải nói đúng hơn là chúng tôi đang ở trong “nhà hàng” chứ không phải nhà thờ. Sau bữa trưa, chúng tôi ghé qua nhà anh bạn cạnh bên uống nước dừa. Có bạn gái muốn tự tay mình chặt lấy một trái mà phải vất vả lắm, chắc là lần đầu tiên đây mà. Trong cả bọn chúng tôi, đứa thì Quảng Ngãi, đứa thì Bình Định, đứa thì Phú Yên, ba tỉnh khác nhau mà chúng tôi ngồi “tám” đủ thứ chuyện trên đời, có khi còn “chém gió” đến tận trời xanh ấy chứ. Chúng tôi cứ thế mà vui vẻ với nhau cho đến khi tiếng trống báo hiệu Thánh lễ vang lên, cũng lạ thay khi các nhà thờ hay giáo xứ khác đều dùng chuông nhưng ở đây lại chỉ dùng trống. Thật là đặc biệt!
Thánh lễ bắt đầu, cha làm dấu, cả cộng đoàn làm theo. Những lời kinh, tiếng nhạc làm hồn tôi trở nên thanh thản hẳn. Không khí trang nghiêm bao trùm lên cả cộng đoàn cho đến hết thánh lễ. Thánh lễ kết thúc với những lời cảm ơn, tri ân và những tràng pháo tay nồng nhiệt cũng là lúc mà tôi lo sợ nhất. Tôi sợ, cứ như là sắp bị mất đi một thứ gì đó vô cùng quý báu.
Tiến ra trước sân nhà thờ, chúng tôi lại xếp hàng điểm danh lần nữa. Sau những bài múa đồng diễn là vòng tròn chia tay. Những tiếng cười dường như mất hẳn chỉ để lại không gian lặng lẽ với những cái nắm tay, những cái ôm nghẹn ngào, không nói nên lời. Một cảm giác mà người ta thường hay gọi là “buồn” đang tràn ngập tâm hồn chúng tôi một cách quá đỗi. Nó cứ lớn dần, lớn dần đã vô tình khiến những giọt nước mắt trên bờ mi ai kia không ngừng lăn xuống…
Vòng tròn không có điểm dừng, tình cảm của chúng tôi dành cho nhau cũng vậy. Chúng tôi đã hòa làm một, đã gắn liền với nhau không thể tách rời. Vòng tròn đan tay có thể tan ra nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có những vòng tròn rộng hơn, dày hơn thế này nữa sẽ đến. Và quan trọng hơn cả là vòng tròn trong tâm hồn mỗi người chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tan ra, những kỉ niệm và tình cảm chúng tôi có được sẽ là mãi mãi.
Tác giả bài viết: Hoa Biển 15
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 15

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 8424
  • Tháng hiện tại: 127222
  • Tổng lượt truy cập: 12271482