Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 10: Thánh Giám Mục Stêphanô Thể và Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do

Đăng lúc: Thứ ba - 30/09/2014 20:42

THÁNH GIÁM MỤC STÊPHANÔ THÉODORE CUÉNOT THỂ
(1802-1861)


Đây là vị thánh đã phục vụ Giáo hội Việt Nam 32 năm, trong đó 26 năm với chức vụ Giám Mục. Tòa Giám Mục của Ngài thường là chòi tranh, lẫm lúa, bụi tre, hầm tối, ghe thuyền. Châm ngôn Giám mục của ngài: “tất cả nhờ thập giá”.

1. THƠ ẤU VÀ SỨ MẠNG

Stêphanô Théodore Cuénot sinh ngày 08 tháng 02 năm 1802 tại làng Bélieu, Besançon, miền Trung nước Pháp, là con đầu lòng của ông Alexandre Cuénot và bà Éléonore Risse.
Thụ phong linh mục ngày 24.09.1825. Cha Cuénot nhận lệnh lên đường phục vụ giáo phận Đàng Trong.
Ngày 03.05.1835 Đức cha Taberd Từ truyền chức Giám mục cho cha Cuénot, làm Giám mục phó có quyền kế vị.
Ngày 31-7-1840 Đức cha Taberd qua đời tại Calcutta, Đức cha Cuénot chính thức làm Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đàng Trong. Đức cha Cuénot triệu tập công nghị giáo phận Đàng Trong tại Gò Thị để thống nhất và định hướng việc mục vụ trong giáo phận. Công nghị được diễn ra trong 03 ngày: ngày 05, ngày 06 và ngày 10 tháng 8 năm 1841.
Truyền giáo là ngọn lửa từng ngày đốt cháy tâm can Đức cha Cuênot. Trong 32 năm phục vụ Giáo hội Việt Nam, ngọn lửa ấy luôn cháy trong mọi tình cảnh, thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

2. PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO

Phương pháp truyền giáo của Đức Cha Têphanô Cuênot Thể được tổng hợp với ba nội dung chính: Cầu nguyện, đào tạo nhân sự và phân chia nhỏ giáo phận để các tín hữu được chăm sóc tốt hơn.

2.1. CẦU NGUYỆN.          
            
Cầu nguyện là phương pháp truyền giáo trước hết và trên hết, mà thánh Têphanô đã dùng.
Đức cha Cuênot đã từng khẳng định: “Dầu các Cha tây, huống lựa là tôi, phải ẩn mặt luôn nơi hang nơi hố núi non tất tưởi, khác nào đã chôn lấp rồi, chẳng còn làm đặng việc gì, chỉ đọc kinh lần hột mà thôi, song nội sự ở lại mà chỉ dẫn các Cha bổn quốc, lại thông công chịu khổ vì đạo với con chiên, thì còn có ích hơn bội phần”[1].
2.2. ĐÀO TẠO NHÂN SỰ

Trong 26 năm làm Giám mục hầm trú, Đức cha đã truyền chức được 56 linh mục, trong đó có 15 vị đã chết trong cuộc bách hại 1860-1861. Và đào tạo hơn 400 nữ tu Mến Thánh Giá.
Đối với giáo dân, Đức cha Cuênot chủ trương:  Phương pháp tốt nhất để giáo dân có đức tin vững chắc là đào tạo họ thành tông đồ truyền giáo. Sau khi xác định mục tiêu, Đức cha đã hành động:

2.2.1. Lập đoàn giảng viên giáo lý: 

- Nhóm tại chỗ: Gồm những người cha gia đình có chỗ ở ổn định. Chức năng của họ là giữ gìn trật tự, hòa giải khi có tranh chấp, chủ tọa các buổi họp mặt, rửa tội cho trẻ sơ sinh, dự chứng hôn phối, mời linh mục cho các bệnh nhân nguy tử. 
- Nhóm thứ hai:  Gồm những người có khả năng dạy giáo lý, chuẩn bị cho giáo dân lãnh nhận các bí tích.
- Nhóm nòng cốt: họ là những người có khả năng tranh luận, giải thích giáo lý, có khả năng đào tạo người khác; Họ lưu động đây đó. Chính nhờ họ mà phần lớn đức tin tín hữu được tiến bộ.

2.2.2. Đồng hành đức tin với các tân tòng

Để tránh quấy rày và ảnh huởng mê tín dị đoan. Sau khi các tân tòng được rửa tội,  Đức Cha đã dựng những lều trại ở trong khu người công giáo. Sau đó mới tìm đất mới, rồi đem những gia đình hỗn hợp đạo mới cũ đến lập nghiệp.”[2].

2.2.3. Bác ái & Trồng chuối lấy con

Ngoài việc bác ái và cậy dựa vào sức mạnh cầu bàu của các thánh đồng nhi cho việc truyền giáo, Đức cha còn nhắm đến mục tiêu trồng chuối lấy con. Do đó Đức cha tổ chức tiếp nhận những trẻ mồ côi, xin rửa tội cho những em nguy tử. Trong vòng 09 năm, 20 ngàn em được rửa tội, hơn 18 ngàn đã chết sớm. [3]

2.2.4. Giáo dục đức tin và văn hóa

Ngài yêu cầu mỗi linh mục giữ bên mình ít nhất 3-4 học trò. Phần ngài, ngài đã dành thời giờ để dịch sách ra tiếng Việt và luôn có bên cạnh ngài một linh mục Việt Nam để kiểm tra tiếng Việt.

2.3. PHÂN CHIA GIÁO PHẬN

Đức cha Cuénot thấy giáo phận quá rộng lớn, việc thông tin liên lạc, phát triển và chăm sóc đoàn chiên không được chu đáo. Ngài đào tạo Linh mục, tấn phong Giám mục và xin chia giáo phận:
Ngày 11 tháng 03 năm 1844, giáo phận Đàng Trong chia thành hai giáo phận: Tây Đàng Trong do Đức Cha Dominique Lefèbvre coi sóc; Đông Đàng Trong do Đức cha Cuénot coi sóc.
Ngày 27 tháng 8 năm 1850, giáo phận Đông Đàng Trong chia thành giáo phận Bắc Đàng Trong, do Đức cha François Marie Pellerin coi sóc; Phần còn lại vẫn giữ nguyên tên gọi Đông Đàng Trong do Ngài coi sóc cùng với 12 linh mục Việt Nam, trong số nầy có một người đang ở tù. Trong khi đó ngài đã cung cấp cho hai giáo phận mới thành lập 26 linh mục do ngài đào tạo.

3.TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN:

Truyền giáo Tây Nguyên đó là ‘nốt nhạc chủ âm’ trong bài ‘trường ca truyền giáo’ của Đức cha Cuénot.
Sau nhiều lần Đức cha cử nhiều đoàn tìm đường truyền giáo Tây Nguyên nhưng đều thất bại, năm 1848, thầy Sáu Do, trong vai người đầy tớ của một chủ lái buôn, thầy Sáu đã biết được một ít thổ âm, phong tục, tập quán, địa hình địa thế một số bộ lạc. Thầy trở thành người tiên phong mở đường dẫn lối các nhà truyền giáo đem Tin Mừng cứu rỗi cho các anh em Dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

4. HOÀN THÀNH CUỘC ĐỜI:

Từ năm 1855 đến năm 1861, Vua Tự Đức ban hành các sắc dụ cấm đạo khá gắt gao.
Gánh nặng mục vụ của một mục tử trong lãnh thổ rộng lớn, những đối phó không ngơi nghỉ trong hoàn cảnh cấm đạo gay gắt, những thiếu thốn vật chất, tất cả điều đó đã làm cho ngài kiệt sức. Không thể ẩn trú lâu dài tại một địa điểm. Mối đe doạ bị bắt ngày càng lớn, ngày 20/10/1861, Đức cha, thầy bốn Tuyên và chú Nghiêm tạm ẩn tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu.
Vừa xong thánh lễ sáng ngày 28/10/1861, đồ lễ chưa kịp dọn, quân lính đến bao vây. Ngay trong đêm hôm ấy, Đức cha Cuénot bị bắt.
Tại nhà giam Bình Định, Đức cha bị tả lỵ, ngày càng đuối sức. Đức cha Cuénot trút hơi thở cuối cùng trong đêm 14/11/1861 tại nhà giam Bình Định. Ngài chết trong đêm khuya không ai hay biết, cô đơn giữa lao tù. “Tất cả nhờ thập giá”cho tới cùng.
Để thực hiện bản án của triều đình, sau ba tháng 17 ngày được chôn cất, xác Đức cha Cuénot được đào lên rồi quăng xuống sông. Cho đến  ngày nay di cốt của Ngài không được tìm thấy. “Tất cả nhờ Thập Giá”, dâng hiến toàn thân, quên mình hoàn toàn.
Ngày 02/05/1909, được tôn phong chân Phước Tử Đạo.
Ngày 19/06/1988, được tôn phong Hiển Thánh Tử Đạo.
 
-----------------------------------------------------
 
CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO
(1823-1872)


I. MÔI TRƯỜNG ĐỨC TIN

Thầy Sáu Do được sinh ra, lớn lên trong một gia đình, một họ đạo, một môi trường  huấn luyện thích hợp cho công cuộc truyền giáo Tây Nguyên. Chúng ta thử tìm hiểu môi trường đã hun đúc nên con người cho công việc nầy.

A. GIA ĐÌNH VÀ HỌ ĐẠO

 Tại nghĩa trang các cha Kon Tum, trên mộ của cha Do có ghi “Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do”. Ngoài ra trong những sử liệu đã được tìm thấy, danh tánh của thầy còn được ghi: Thầy Sáu Do, Cha Do, Cha Lành, hoặc Thầy An.
Thầy Sáu Do sinh năm 1823 tại họ Đồng Hâu,[4] nay thuộc giáo xứ Gia Chiểu. Họ Đồng Hâu đã được các thừa sai Dòng Phanxicô đến loan báo Tin Mừng từ đầu thế kỷ 18. Đồng Hâu được các cha Dòng Phanxicô dẫn dắt theo tinh thần khó nghèo, hy sinh cùng với khí thiêng núi rừng hùng vĩ của nhánh núi Kim Sơn thuộc dãy Trường Sơn, và sự trái ngược phong thủy thường xuyên của các nhánh sông Lại Giang giữa hai mùa mưa nắng, như đã rèn cho người dân trong vùng tính bền bỉ, điềm tĩnh trước những thử thách của cuộc đời:
Đã cam tháng đợi năm chờ,
Duyên em đục chịu, trong nhờ, quản bao.
Cảnh thiên nhiên ấy cùng với ơn Thánh Thần đã hun đúc tinh thần đức tin của các tín hữu trong vùng, trong đó có  cậu Nguyễn Do.

B. CHỦNG VIỆN PINĂNG

Chủng viện Thánh Giuse được đặt tại Pinăng ( Mã Lai), là nơi đào tạo Linh mục theo linh đạo của Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai, một kết quả quan trọng của Công đồng Juthia năm 1664. Trong đó, Huấn Thị chỉ dẫn cho nhà truyền giáo cách sống đời tu đức, cách giảng đạo và cách tổ chức giáo hội địa phương.
II.  HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN (1848-1852)

1. ĐỨC CHA STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ QUYẾT MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO NGẢ AN SƠN

Lúc bấy giờ An Sơn (An Khê) là vùng giáp ranh buôn bán giữa người Kinh và người dân tộc. Con buôn người Kinh cũng từ đó rảo khắp các buôn làng dân tộc để trao đổi hàng hoá. An Sơn cũng là con đường thượng đạo dẫn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku), từ đó hoặc lên Kontum, Đaktô đi sâu vào Hạ Lào, hoặc tiến vào phía Nam đến các cư dân Jrai, Rađê, M’nong....

1.1. Con người được tiền định cho việc mở đường truyền giáo Tây Nguyên[5]

Trong bối cảnh đó, thầy Sáu Do vừa từ Chủng viện Pinăng trở về, sau khi đã ở đó 9 năm: 7 năm học và 2 năm phụ giáo. Đức cha giao cho thầy nhiệm vụ tìm một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc thượng ở Tây Nguyên qua ngả An Sơn.
Lúc đầu, thầy dự định làm lái buôn để xâm nhập, tiến sâu vào các buôn làng. Một khi khảo sát địa hình xong, thầy sẽ trở về và đưa các thừa sai đến vùng đó.
Để thực hiện một việc quan trong như vậy, thầy được Đức cha phong chức Phó tế. Thầy sốt sắng tĩnh tâm, cầu nguyện và lãnh nhận chức thánh phó tế. Trước khi lên đường, thầy Sáu thay đổi kế hoạch, thầy chọn làm đầy tớ thay vì làm chủ lái buôn như dự định. Chính sự chọn lựa nầy, thầy trở thành người đầu tiên mở đạo thành công ở Tây Nguyên.
Tám ngày sau khi lãnh nhận chức phó tế, thầy Sáu Do vượt qua những dãy núi nằm giữa Bình Định và An Sơn với bộ quần áo rách rưới tả tơi. Thầy đến xin giúp việc cho một ông lái buôn tên Quyền tại An Sơn. Lúc đầu thầy được chủ giao việc “rau heo cháo chó” chăn nuôi heo gà trong gia đình chủ, một công việc mà ngày xưa là nỗi cơ cực đứa con hoang đàng phải gánh chịu vì thiếu tình yêu và đã làm cho đứa con hoang đàng rơi nước mắt. Ngược lại, ngày nay công việc ấy làm cho thầy Sáu hạnh phúc, và là niềm vui của một con tim tràn đầy yêu thương, yêu thương các linh hồn, vâng yêu thánh ý Chúa qua lời chỉ dạy của Giám Mục.
Thời gian sau, ông chủ thấy người đầy tớ nầy cần cù, thông minh và siêng năng nên đã nâng cấp “người chăn gia súc” lên làm “bếp trưởng” mang nồi niêu, chén bát lếch thếch theo ông chủ lái buôn từ làng này đến làng nọ. Thầy có dịp tiếp xúc và thực hiện dự định riêng của mình.
Thầy tận dụng thời gian đi giúp cho ông Quyền, thầy quan sát địa hình, cố gắng học tiếng dân tộc. Sau 6 tháng nay đây mai đó nơi các buôn làng dân tộc trong sứ mệnh được giao phó, thầy học tạm đủ thổ ngữ và biết được đường đi lối về để thực hiện sứ mệnh tạo lập cơ sở tại vùng Tây Nguyên. Thầy về báo cáo cho Đức cha. Đức cha tán đồng hướng đi phía Bắc qua ngả Trạm Gò.
Trạm Gò, một nơi hẻo lánh về phía Tây Bắc An Sơn (cách thị trấn An Khê ngày nay khoảng trên 10 cây số) là làng người Kinh cuối cùng theo hướng này. Từ Gò Thị đến Trạm Gò hết ba ngày, hai ngày đi ghe và một ngày đi bộ.[6]

1.2. Người hướng đạo can trường (1849-1850):

- Chuyến thứ nhất từ Gò Thị qua An Sơn đến bộ lạc Hơdrung (Pleiku) theo trục quốc lộ 19 ngày nay. Một số người dân tộc vùng Hơdrung tưởng đã gặp được đoàn con buôn giàu có, nên định bắt người cướp của. Giữa đêm khuya, thầy cùng các bạn đồng hành bỏ tất cả tư trang lại để thoát thân về Gò Thị, phải chịu đói nhịn khát vì không có gì đổi lấy miếng cơm cho đỡ đói.
- Cuối năm 1849 và đầu năm 1850, Thầy Sáu Do dẫn đường đoàn gồm Cha Combes Bê cùng 4 thầy.  Chuyến đi này chẳng may đoàn truyền giáo bị đàn voi rượt tại đèo Mang Giang, mọi người cố thoát thân, một thầy bị trọng thương.
- Đức cha lại cho Cha Fontaine (cố Hoàng, tên dân tộc là Bok Phẩm) sửa soạn hành trang tháp tùng Cha Combes lên đường.
Chuyến viễn du lần này, đoàn truyền giáo gồm 2 linh mục thừa sai: Cha Combes Bê, Cha Fontaine Hoàng,  các thầy: Thầy Thám, thầy Bảo, thầy Tài, thầy Chính, thầy Biểu, thầy Bường, thầy Tiển và chú Phiên dưới sự hướng dẫn của Thầy Sáu Do.[7]

1.2.1. Từ làng Baham đến làng Bơlu

Không rẽ xuống An Sơn hoặc thẳng đến Hơdrung phía Tây, nhưng từ Trạm Gò vượt qua sông Ba rồi từ đó đến vùng dân Bơnâm phía Bắc. Nơi dừng chân đầu tiên của đoàn là làng của một tên cướp, gọi là Baham (cha của thằng Ham). Đoàn truyền giáo lỡ phải vào làng này, khi biết được tình hình, phó dâng mọi sự cho Chúa Quan phòng. Lạ thay! ông Baham làm hiền, cho gì lấy đó không đòi hỏi, giữ đoàn lại làng bốn đến năm ngày, sau đó mới  chịu cho  đoàn ra đi đến làng Bơlu, cách đó một ngày đường. Ông chủ làng Bơlu là ông Lập và cả dân làng niềm nở, hiếu khách, trọng đãi đoàn. Ông Lập kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do.

1.2.2. Cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ với Bok Kiơm (ông Khiêm) -

- Ông Khiêm và thấy Sáu Do kết nghĩa anh em

Nhờ ông Lập dẫn lối đến làng Kon-Phar, cách Bơlu hai ngày đường. Một biến cố định đoạt cả công cuộc truyền giáo miền Tây Nguyên ngoài dự tính đang chờ đón đoàn tại Kon-Phar: gặp ông Khiêm, một lãnh tụ đại diện Triều đình Huế trên vùng này trong khi Đức cha luôn căn dặn đoàn Truyền giáo phải xa lánh vùng ông Khiêm hoạt động. Thấy các vị thừa sai bối rối, ông Khiêm đoan chắc lòng thành của mình, xin kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do. Ông Khiêm chỉ vào 2 vị thừa sai và nói: “Còn hai ông, tôi xin gọi là bố”. Sau khi hiểu nhau, ông dẫn đoàn lên nhà rông và kết nghĩa với thầy Sáu  Do với tất cả nghi thức theo phong tục của người Bahnar.

2. HƯỚNG VÀO KONTUM

Sau một vài ngày nghỉ ngơi tại Kon Phar, ông Khiêm đã đưa bạn mình cùng đoàn truyền giáo đến Kon Kơlang về hướng Tây Nam, cách đó một ngày đường, tới nhà ông Bliu, chủ làng và là bạn của ông, và nhờ ông này tận tình giúp đỡ. Sau đó, vì sợ con buôn người Kinh, trong khi chờ đợi những làng xa hơn chịu nhận đoàn đến tá túc, ông Bliu đã đưa đoàn ra giữa cánh đồng âm u, hoang vắng dựng nhà. Đây là nhà nguyện đầu tiên trên vùng Tây Nguyên.

2.1.  Cuộc họp mặt cảm động

Ngày 11/11/1850, thầy Thám, em thầy sáu Do dẫn đường cho 2 linh mục thừa sai lên vùng Tây Nguyên là Cha Dourisboure Ân, 24 tuổi và Cha Desgouts Đề, 45 tuổi. Nhận được tin từ người tiền trạm, thầy Sáu Do vội vã từ Kơlang đi đón. Đoàn khởi hành qua ngả Trạm Gò vào trung tuần tháng 11, vượt núi hướng về làng Baham. Thầy Sáu đã gặp được các vị, tay bắt mặt mừng. Ở một vài ngày tại nhà ông Baham, sau đó đến làng Bơlu và được đón tiếp niềm nở. Cha Đề kiệt sức. Nghỉ tại làng Bơlu một tuần lễ, mừng lễ Giáng Sinh trên vùng Tây Nguyên lần đầu tiên. Trong những  ngày cuối cùng của năm cũ, đoàn vừa ra khỏi làng Bơlu, mưa tầm tả, bầu trời tối mịt, màn đêm buông xuống trong khi các ngài ở giữa rừng, được số anh em Thượng đi theo làm một cái chòi lá để qua đêm. Chúng ta nghe lời tự thuật của Cha Dourisboure Ân về cảnh tượng này:
 “Chúng tôi lại lên đường, nhưng vừa đi được độ trăm bước thì thầy sáu Do đang mở đường đi trước, bỗng hét lên một tiếng và nói to ‘Laudate Dominum omnes gentes (Hãy ngợi khen Thiên Chúa, hỡi các chư dân). Tôi đã đạp phải chông’, và thầy ngã, ngồi bệt xuống, một cây chông bằng lồ ô sắc nhọn đã xuyên thủng bàn chân của thầy”.
Máu chảy lai láng, đau nhức, dần dần bàn chân thầy sưng lên. Vì đầu chông còn nằm trong bàn chân, mặt mày thầy tái mét như xác chết. Cha Ân nói tiếp:
“Nhưng chính trong trường hợp gay cấn như thế, ta mới thấy  đức tin của Thầy sáng chói một cách đặc biệt. Thầy Sáu không ngừng lắp bắp: ‘Chúc tụng Thiên Chúa. Tôi bắt  đầu năm mới tốt quá’”.
Người làng dân tộc cắm chông nghe tin đến xin lỗi và làm một cái cáng chuyển thầy về làng nghỉ ngơi và băng bó vết thương. Thầy Sáu cố làm cho họ yên tâm, an ủi họ và ráng sức bớt vẻ mặt đau đớn kẻo làm cho họ thêm buồn lòng.
Do nằm trên chiếc cáng lắc lư làm đau nhói vết thương, nên Thầy Sáu Do đành nằm lại Kon Phar một thời gian. Thầy không có mặt khi 4 vị thừa sai hội ngộ tại Kon Kơlang. Đó là ngày mồng 2/1/1851. Ít lâu sau, Thầy mới đến nơi, được một dân làng Kon Phar cõng trên lưng đưa tới.
Mấy ngày sau, vết thương của thầy bắt đầu lành và 3 tháng sau, phần đầu chông nằm lại bên trong mới tự mở đường trồi lên phía mu bàn chân.

2.2. Những ngày lưu lại Kơlang

Nhờ tình bạn kết nghĩa anh em với thầy Sáu Do, ông Khiêm có lần đến thăm đoàn truyền giáo đang ở tại Kơlang. Thấy bữa ăn của đoàn bên cạnh nồi cơm với mớ lá cây, rau cỏ rừng. Hai ngày sau khi ông ra về, các đầy tớ của ông đã đem đến cho đoàn một phần tư con trâu, một con heo và năm ba con gà làm quà tặng bạn.
Ngày tháng trôi qua tại Kon Kơlang, thiếu thốn, bệnh tật, cô đơn, đau khổ, nhất là chưa đi đâu và chưa tìm ra mảnh đất như Đức cha mong ước.
Chính nhờ tình anh em kết nghĩa giữa thầy Sáu Do và các  ông Khiêm, ông Lập, ông Bliu... cũng như nhờ biết được một số vốn tiếng dân tộc, với tính hiếu hoà, khôn ngoan, thận trọng, sáng kiến và năng động của thầy, dần dần đoàn truyền giáo đến ở tại Kon-kơxâm được một thời gian. Sau đó, một số dân làng Rơbang đến có việc tại Kon-Kơxâm, dần dần quen biết đoàn truyền giáo và có mời các ngài đến thăm làng mình, nhờ vậy các ngài có dịp khám phá ra được đất hứa.

2.3. Miền đất Đức cha Cuênot hằng thao thức

Khi đến ở Rơhai được mấy hôm, thầy Sáu Do cùng 2 cha thừa sai: cha Combes Bê và Dourisbuore Ân xuôi theo dòng sông Dak-Blah, các ngài gặp ông chủ làng Tơbau (Mangla ngày nay) là ông Piunh, được ông này mời lên nhà ông. Các ngài được ông tiếp đãi tử tế. Sáng hôm sau, trừ cha Dourisboure Ân bị lên cơn sốt nằm tại làng Tơbau, ông chủ làng tự nguyện chèo sõng dẫn các ngài tham quan đến tận làng Plei Krong, một làng lớn nằm tại ngã ba sông Dak-Blah và sông Pơkô. Sau đó, thầy Sáu Do kết nghĩa anh em với ông Piunh theo nghi lễ quen thuộc.
Nhờ tình thân thiết giữa thầy Sáu và các chủ làng, đời sống của đoàn dần dần hoà nhập vào các buôn làng và nối kết được tình giao hảo, tạo được một môi trường và những quan hệ tốt cho công cuộc truyền giáo.
Sau khi xem xét địa hình và các cư dân, các ngài viết thư trình cho Đức cha. Năm 1852, Đức cha sung sướng viết thư và phân công như sau:
1. Cha Combes Bê, bề trên vùng truyền giáo, ở tại Kon Kơxâm.
2. Cha Desgouts Đề và thầy Sáu Do ở tại lại làng Breng (Rơhai).
3. Cha Dourisboure Ân phụ trách dân Sơđăng, ở tại Kontrang.
4. Cha Fontaine Phẩm phụ trách cho người Jrai, ở tại Plei chư.
 
III- THẦY SÁU DO THỤ PHONG LINH MỤC –
        TỔ CHỨC ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ

Giữa năm 1852, thầy Sáu Do được gọi về Gò Thị để dọn mình thụ phong linh mục. Tháng 7 năm 1853, ngài chịu chức linh mục và trở lại Tây Nguyên, hướng dẫn việc xây dựng Trung tâm Truyền giáo vùng này.
Ngoài việc tổ chức định cư, dạy cho đồng bào biết con chữ, biết cách chữa bệnh… cha Do còn lo tổ chức định canh cho đồng bào. Bên dòng sông Dak-Blah, cha cho khẩn hoang, quy hoạch cánh đồng: chỗ thấp làm lúa nước, chỗ đất cao làm đất trồng cây đậu, cây bắp... Cha cho một số thanh niên quen canh tác về Trung Châu mua nông cụ để tập cho anh em dân tộc làng Rơhai cách thức làm ruộng nước.
Song song với việc tổ chức đời sống vật chất cho dân làng, cha Do không thể quên việc thiết lập nhà thờ. Nhà thờ tạm đầu tiên tại Rơhai được cha thiết dựng vào năm 1853 và bị hỏa hoạn vào năm 1858. Năm 1860, dựng lại nhà thờ tạm. Năm 1869-1871, cha thiết kế và làm nhà thờ kiên cố hơn. Vị trí ngày nay là nhà thờ Tân Hương, 92 Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum.

IV. YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG

Sau thời gian hy sinh nhiều cho công cuộc truyền giáo, cha Do kiệt sức, ngã bệnh. Đầu tháng 5 năm 1872, Đức cha Chabonnier Trí đưa cha về quê nhà để chạy chữa thuốc thang. Chúa muốn người tôi trung của Chúa nghỉ ngơi. Chúa gọi cha về với Chúa vào ngày 3 tháng 9 năm 1872. Cha được an táng tại quê nhà. Năm 1907, đáp ứng nguyện vọng của bà con miền truyền giáo, cha được cải táng về KonTum, an nghỉ trong lòng đất đã khằng dấu chân cha, giữa những anh em dân tộc mà cha đã một lòng mến yêu cho đến hơi thở cuối cùng.
Đức cha Charbonnier Trí, đấng kế nhiệm Đức cha Cuénot Thể, nói về cái chết của cha Do : “Nhóm truyền giáo vùng Bahnar đã mất rất nhiều vì cái chết của cha Do, một trong các người thợ truyền giáo tiên khởi. Là một Linh mục nhiệt thành, không biết mỏi mệt, cha không bao giờ thấy cái gì là ‘không thể’ khi cha thực hiện cho vinh danh Thiên Chúa. Được cộng đoàn tín hữu yêu thương nồng hậu, được cả người lương quý trọng. Cha đã để lại một nỗi thương tiếc giữa những người từng biết cha. Đó cũng là một thánh giá rất nặng nề để lại cho cha Dourisboure, người tiếp nối cũng bằng một lòng nhiệt tâm và cùng một tâm hồn dấn thân như vậy cho chức vụ khó khăn giữa nơi rừng sâu nước độc và giữa các cư dân bản địa”.



[1] R.P. Tardieu, sđd, trang 60.
[2] Jean Thiébaud, sđd, trang 60.
[3] R.P. Tardieu, sđd, trang 45-46.
[4] Về hành chánh, Đồng Hâu thuộc thôn Tân Thành, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
[5] Xem. P. Ban và S. Thiệt , Mở Đạo Kon Tum, Imp. de Quinhon, 1933, trang  13-18.
[6] P. Dourisboure, Les Sauvages Banar, Paris 1929- (Bản dịch) Dân Làng Hồ, Sài Gòn 1972, trang 13.
[7] R.P. Tardieu, Hạnh Đức cha Thể, Làng sông Imp. 1907, trang 57. Danh sách đoàn nầy theo P. Ban và S. Thiệt trong “Mở Đạo Kon Tum ” gồm : thầy bốn Bảo, thầy Tài, thầy Chinh, thầy Phiên, thầy Biên, thầy Viễn cùng ít học trò nhà trường khác nữa.


Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 41
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 122433
  • Tổng lượt truy cập: 12266693