Trang mới   https://gpquinhon.org

Tân Phúc-Âm-hóa nhắm đến những ai ?

Đăng lúc: Thứ tư - 14/05/2014 18:44
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA NHẮM ĐẾN NHỮNG AI ?
 

 
ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Tân Phúc-Âm-hóa là một cách mới để thực hiện nhiệm vụ lâu dài là việc loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội phải thực hiện theo mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô trải qua các hoàn cảnh khác nhau của lịch sử nhân loại. Trong thông điệp Redemptoris Missio, chính Đức Gioan Phaolô II đã phân biệt ba hoàn cảnh của thế giới ngày nay từ quan điểm Phúc-Âm-hóa :

« Trước tiên, đó là hoàn cảnh mà hoạt động truyền giáo nhắm đến : đó là các dân tộc, các nhóm người, các bối cảnh văn hóa xã hội trong đó Đức Kitô và Tin Mừng của Người không được biết đến, hoặc không có những cộng đoàn Kitô hữu đủ chín muồi để có thể làm cho đức tin hội nhập vào môi trường của họ và loan báo đức tin cho những nhóm khác. Đó là việc truyền giáo ad gentes đúng nghĩa.

« Tiếp đến, có những cộng đoàn Kitô hữu có cơ cấu Giáo Hội vững mạnh và phù hợp, có đức tin và đời sống sốt sắng, đang làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng ngời trong môi trường và ý thức bổn phận truyền giáo phổ quát. Nơi những cộng đoàn này đang diễn ra hoạt động mục vụ của Giáo Hội.

« Cuối cùng có một hoàn cảnh trung gian, nhất là tại những nước có truyền thống Kitô giáo cổ kính, nhưng đôi khi tại những Giáo Hội trẻ hơn, có cả những nhóm người đã được rửa tội nhưng mất ý thức về một đức tin sống động hay đi đến chỗ không còn biết mình là thành phần của Giáo Hội, đang sống xa Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có một cuộc ‘tân Phúc-Âm-hóa’ hay một cuộc ‘tái Phúc-Âm-hóa’ ».[1]

Trong nhiều diễn từ, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng hạn từ ‘tân Phúc-Âm-hóa’ khi thì theo nghĩa đặc biệt, khi thì theo nghĩa chung chung. Theo nghĩa đặc biệt, tân Phúc-Âm-hóa đúng nghĩa trực tiếp nhắm đến phần nhân loại thuộc về hạng thứ ba, tức là « những cộng đoàn và cả những dân tộc xưa kia giàu đức tin và sức sống Kitô hữu », như Veritatis Splendor đã nói, nhưng ngày nay đã mất đức tin, mất ý nghĩa cuộc sống hay rơi vào « sự suy thoái và phai mờ cảm thức luân lý », do ảnh hưởng xấu của phong trào tục hóa và giải trừ Kitô giáo đi đôi với « những trào lưu duy chủ quan, duy lợi ích và duy tương đối ngày nay đang phổ biến rộng rãi ».[2]

Điều này không những đúng đối với thế giới Tây Phương, nhưng còn đúng đối với các nền văn hóa khác đã được Kitô hóa và những người thuộc về các cộng đoàn Giáo Hội, cho dầu là thiểu số, ở Phi Châu và Á Châu. Cũng vậy, trong tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục Christifideles Laici, tân Phúc-Âm-hóa được áp dụng cho hai môi trường đặc thù : đó là các quốc gia Kitô giáo « hiện đang bị thử thách nặng nề và đôi khi thậm chí còn bị biến đổi cách triệt để, do sự lan tràn không ngừng của sự dửng dưng đối với tôn giáo, phong trào tục hóa và chủ nghĩa vô thần » cũng như những quốc gia mà ở đó «người ta vẫn còn giữ nhiều truyền thống rất sống động về lòng đạo đức và cảm thức Kitô giáo, nhưng lãnh vực luân lý và thiêng liêng này cũng đang có nguy cơ biến mất dưới sự thúc đẩy của nhiều ảnh hưởng».[3]

Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng cũng khẳng định rằng «các ranh giới giữa công việc mục vụ đối với các tín hữu, công việc tân Phúc-Âm-hóa và hoạt động truyền giáo chuyên biệt không thể được xác định một cách rõ ràng và người ta không thể tạo ra giữa chúng những rào cản hoặc chia thành ô một cách cứng nhắc ».[4] Như thế, ngoài ý nghĩa chuyên biệt, tân Phúc-Âm-hóa còn được hiểu theo nghĩa chung chung, tức là loan báo Tin Mừng trong một thế giới mới và với ý thức mới rằng Giáo Hội tự thân và do sứ mạng đòi hỏi có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cách trọn vẹn cho con người và văn hóa. Chính trong ý nghĩa này mà Đức Giáo Hoàng tự đặt mình trong sự tiếp nối với tông huấn Evangelii Nuntiandi của vị tiền nhiệm là Đức Phaolô VI. Theo nghĩa này, những người được nhắm đến trong cuộc tân Phúc-Âm-hóa không chỉ là những Kitô hữu bỏ đạo, nhưng còn là tất cả mọi người thuộc mọi hoàn cảnh và mọi thời đại.
 
 

[1] Redemptoris Missio 33. Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trương một ‘Giáo Hội đi ra’, nên đã phác họa lộ trình tân Phúc-Âm-hóa từ mục vụ đến truyền giáo, theo thứ tự từ gần đến xa: từ những Kitô hữu trung thành đến những Kitô hữu không thực hành, rồi cuối cùng đến anh chị em lương dân: xem Evangelii Gaudium 14.
[2] Veritatis Splendor 106.
[3] Christifideles Laici 34.
[4] Redemptoris Missio 34.
 
Tác giả bài viết: ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 38
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 4937
  • Tháng hiện tại: 139398
  • Tổng lượt truy cập: 12283658