Trang mới   https://gpquinhon.org

Văn thư hướng dẫn thực hiện Chương Trình Mục Vụ Truyền Giáo Năm 2015

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/11/2014 00:51
VĂN THƯ HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO NĂM 2015
GIÁO PHẬN QUI NHƠN
 
 
Theo biên bản cuộc Họp thường kỳ của Hội đồng Linh mục Giáo phận Qui Nhơn, ngày 16 và ngày 18 tháng 09 năm 2014, Hội đồng Mục vụ có trách nhiệm soạn thảo văn thư hướng dẫn thi hành Thư mục vụ của Đức Giám mục Giáo phận năm 2015.

Ngày 23.11.2014, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Đức Giám mục đã gởi Thư mục vụ cho cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn, vạch ra chương trình Mục vụ Truyền giáo năm 2015 một cách tổng quát.

Trong tinh thần triển khai các hướng dẫn của Thư mục vụ, Hội đồng Mục vụ Giáo phận Qui Nhơn xin nêu lên những áp dụng cụ thể cho chương trình Mục vụ Truyền giáo năm 2015.
 
I. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO NĂM 2015

1. Trong lộ trình sáu năm chuẩn bị gần cho Năm Thánh Giáo phận 2018, mừng 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng (1618-2018), năm 2015 Giáo phận bắt đầu chương trình ba năm "đi ra" hướng đến lương dân để đẩy mạnh công cuộc tân Phúc Âm hóa trong toàn Giáo phận (số 1).

2. Chủ đề năm 2015 được gợi hứng từ ý nghĩa của ngày thứ tư trong công cuộc sáng thế, khi Thiên Chúa tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các tinh tú để chiếu soi mặt đất (x. St 1,14-19). Cũng như các tinh tú trên bầu trời, trong năm 2015 này, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận được mời gọi chiếu tỏa niềm tin cho những người chung quanh (số 2).

3. Để thể hiện sự hiệp thông, chủ đề “Chiếu tỏa niềm tin” của Giáo phận Qui Nhơn được kết hợp với chương trình mục vụ của Giáo hội Việt Nam và Giáo hội hoàn vũ. Năm 2015, Giáo phận Qui Nhơn định hướng “đi ra” để loan báo Tin Mừng, qua chương trình mục vụ truyền giáo năm 2015 của Giáo phận là: "CHIẾU TỎA NIỀM TIN TRONG CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÒNG TU", theo sự hướng dẫn của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”.

4. Chương trình này bắt đầu từ Chúa nhật I Mùa Vọng (30.11.2014), và kết thúc vào thứ bảy (28.11.2015) sau lễ Chúa Kitô Vua (số 3).
 
II.  THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO NĂM 2015 TẠI CÁC GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÒNG TU
 
1. Tiếp tục củng cố và phát huy những gì đã thực hiện trong năm 2014 (số 4)


Năm mục vụ gia đình 2014 đã kết thúc, chúng ta sẽ lại khởi đầu bằng hình ảnh một gia đình. Gia đình đã là hình ảnh khởi đầu và kết thúc trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (St 1,27; Kh. 21, 1-2): gia đình cơ bản - gia đình giáo xứ - gia đình Giáo phận - gia đình Giáo hội (trong đó có cộng đoàn Dòng tu) - gia đình nhân loại - vương quốc của Thiên Chúa. Sứ mạng truyền giáo là ơn gọi của người Kitô hữu, để làm cho gia đình nhân loại trở thành gia đình của Thiên Chúa.

Vì thế, việc Phúc Âm hóa từ đời sống gia đình đến cộng đoàn giáo xứ, đến cộng đoàn nhân loại, từ việc củng cố nội bộ đến sứ mạng truyền giáo “đi ra” của Giáo hội luôn là những bước đi khẩn thiết trong ơn gọi làm tông đồ và truyền giáo của Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi động hướng “đi ra” với Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, kêu mời chúng ta không thể chần chừ hay đảo ngược lại trước nhu cầu bức bách truyền giáo hiện nay.
  1. Tiếp tục xây dựng đời sống gia đình theo mô hình Giáo hội:
  • Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giêrusalem là khuôn mẫu cho mọi gia đình Kitô hữu trong đời sống cầu nguyện, hiệp thông, chia sẻ đức tin và đức ái.
  • Trong năm 2014, các gia đình trong Giáo phận đã nỗ lực gia tăng đức ái trong đời sống gia đình để phát huy tinh thần tân Phúc Âm hóa, hầu đem niềm tin đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Công việc này vẫn cần được tiếp tục củng cố.
  • Bước vào Năm Phụng vụ 2015, việc tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình cần được phát huy hướng đến một gia đình rộng lớn hơn là giáo xứ. “Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc Âm hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh đến với muôn dân” (Thư mục vụ năm 2014 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 1).
  1. Mỗi người trong gia đình thúc đẩy nhau tham gia sinh hoạt của giáo xứ.
  • Cộng đoàn giáo xứ là một gia đình. Việc thịnh suy của giáo xứ tùy thuộc vào mọi nỗ lực và gắn bó của các Kitô hữu. Ý thức mình là thành viên trong gia đình giáo xứ, mỗi người cần tích cực dấn thân để trở nên viên đá sống động, xây nên tòa nhà giáo hội địa phương, bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động mục vụ, để xây dựng giáo xứ mình.
c) Lòng nhiệt thành xây dựng gia đình giáo xứ, thúc đẩy mọi tín hữu dấn thân làm cho cộng đoàn giáo xứ ngày càng lớn lên bằng việc truyền giáo. Mỗi gia đình trở thành những trung tâm truyền giáo cho các gia đình xung quanh. Đối với những tín hữu trễ nãi, không giữ đạo, cần quan tâm đặc biệt, kết thân, cầu nguyện, thăm viếng và giúp đỡ. Đối với những gia đình lương dân cần làm gương tốt và nhiệt tình giới thiệu về Chúa. Những mảnh đất tốt, thuận lợi cho việc truyền giáo chính là những gia đình trong cùng một gia tộc, cùng ngành nghề, cùng giới, cùng địa bàn sinh sống trong giáo xứ.

d) Dưới sự hướng dẫn của cha xứ, Hội đồng giáo xứ, Ban Mục vụ gia đình, các đoàn thể cần quan tâm và đồng hành với các gia đình, nhất là những gia đình đang gặp khủng hoảng. Rất nên có cuộc khảo sát tình trạng các gia đình trong giáo xứ, nhằm đánh giá đúng thực trạng đời sống của họ, hầu đưa ra các phương hướng và chương trình chăm sóc cụ thể cho họ.

e) Trong việc chăm sóc mục vụ các gia đình, giáo xứ cần đồng hành và nâng đỡ các gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ, qua việc tổ chức những buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống gia đình, khuyến khích tổ chức lễ tạ ơn ngày kỷ niệm hôn phối của gia đình mình.
 
2. Tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển đức tin trong cộng đoàn giáo xứ để làm nền tảng cho việc truyền giáo (số 5)

Các giáo xứ cần bắt chước cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem không ngừng cầu nguyện, chuyên cần lắng nghe lời Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ (x. Cv 2, 42).

a) Cầu nguyện

- Việc đọc kinh chung sáng, tối trong gia đình là dịp để mọi người cùng dâng lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những nhu cầu của gia đình và là cơ hội để mọi người ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ vui buồn, cảm thông, tha thứ... Trong tình hình hiện nay, giờ kinh chung ấy đã mất dần trong các gia đình, vì thế giáo xứ cần có sáng kiến tổ chức và cổ võ việc đọc kinh chung hằng ngày trong gia đình. Bên cạnh đó, Cha xứ, Hội đồng giáo xứ, các đoàn thể cần khuyến khích tổ chức việc đọc kinh liên gia, hoặc hằng tuần, hoặc vào các tháng kính thánh Giuse, Đức Mẹ, tháng Thánh Tâm, nhất là trong những dịp đặc biệt của gia đình, như kỷ niệm hôn phối, tang chế, giỗ chạp...

- Vận động giáo dân tham gia đông đảo và tích cực trong những giờ cầu nguyện chung hằng ngày tại các nhà thờ trong giáo xứ, và để khuyến khích giáo dân có mặt đông đủ ngay từ đầu trong các giờ đọc kinh cầu nguyện trước thánh lễ.

- Giáo xứ tổ chức những buổi cầu nguyện chung theo nhóm hoặc đoàn thể. Sau thánh lễ, nên khuyến khích giáo dân đọc kinh chung nơi hang đá Đức Mẹ, đài Thánh Giuse... Nên tổ chức những cuộc hành hương cầu nguyện tại các điểm hành hương trong Giáo phận: Điểm truyền giáo đầu tiên của Giáo phận tại Nước Mặn, Đền Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông tại Gò Thị, Đền Thánh Stêphanô Thể tại Vĩnh Thạnh, Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu tại Ghềnh Ráng, đền Á Thánh Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng...

b) Lắng nghe Lời Chúa

- Để việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong giờ cầu nguyện tại gia đình có hiệu quả, giáo xứ nên tạo điều kiện và khuyến khích các gia đình sử dụng những sách Kinh Thánh có hướng dẫn, ví dụ: “Suy niệm Lời Chúa”, “Lời Chúa trong giờ kinh gia đình”, hoặc “Gia đình sống Lời Chúa hằng ngày”... Người có trách nhiệm các nhóm đạo đức cần lưu tâm đưa việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa vào giờ cầu nguyện.

- Khuyến khích thành lập và cổ vũ những nhóm sống và chia sẻ Lời Chúa. Các hội đoàn nên phát huy việc chia sẻ Lời Chúa trong các buổi sinh hoạt của đoàn thể mình.

c) Tham dự các cử hành Phụng vụ

Kêu gọi mọi thành phần dân Chúa tham dự cử hành Phụng vụ, nhất là Thánh lễ một cách đông đảo, sốt sắng, tích cực và sống động, không những vào Chúa nhật mà còn trong ngày thường. Các linh mục phải chuẩn bị chu đáo bài giảng, và sốt sắng trong khi dâng lễ; nhắc nhở các chức việc siêng năng dự lễ và động viên khích lệ giáo dân trong khu vực mình phụ trách; các thành viên hội đoàn cần làm gương sáng trong việc siêng năng tham dự thánh lễ.

Cha xứ cần lưu tâm đặc biệt đến việc tổ chức và chuẩn bị chu đáo các Thánh lễ, các nghi thức có sự hiện diện của lương dân, như dịp lễ Giáng Sinh, lễ hôn phối, lễ an táng, lễ giỗ v.v., như là cơ hội thuận lợi giới thiệu Chúa Kitô cho họ.

d) Học và dạy giáo lý
 
Dạy giáo lý là chương trình mục vụ hàng đầu của giáo xứ. Cha xứ, các tu sĩ, Hội đồng giáo xứ, các đoàn thể, giáo lý viên và phụ huynh cần quan tâm đến việc dạy và học giáo lý của con em mình theo chương trình chung của Giáo phận: giáo lý phổ thông theo lứa tuổi, giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, giáo lý cho người trưởng thành...

- Kêu gọi các gia đình cộng tác vào việc dạy giáo lý cho trẻ em, bằng cách tạo điều kiện và đôn đốc các em đến các lớp giáo lý, cho đến khi mãn chương trình giáo lý phổ thông, chứ không dừng lại sau khi đã chịu bí tích Thêm sức.

- Những khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân phải được tổ chức chu đáo và có chất lượng, tốt nhất là do chính các linh mục giảng dạy. Nếu có điều kiện, cũng nên tổ chức những khóa giáo lý thường xuyên dành cho người lớn.

- Mở các khóa huấn luyện và thường xuyên bồi dưỡng cho các giáo lý viên; kêu gọi những người có điều kiện và khả năng tham gia học hỏi và giảng dạy giáo lý.

- Trong lịch Công giáo của Giáo phận Qui Nhơn năm nay (2014-2015), mỗi Chúa Nhật có một bài giáo huấn dựa trên Lời Chúa của Thánh lễ và giáo huấn của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” theo chủ đề mục vụ truyền giáo của Giáo phận. Các linh mục hãy tìm cách đưa các ý tưởng của bài giáo huấn ấy vào bài giảng Thánh lễ, giải thích và đưa ra những áp dụng thực hành.

- Mỗi gia đình nên có một quyển lịch Công giáo của Giáo phận Qui Nhơn, để có thể thường xuyên đọc những bài giáo huấn ấy tại nhà.
 
3. Rao giảng Tin Mừng cho lương dân (số 6)

Chúa Giêsu trước lúc về trời đã căn dặn các môn đệ: "Anh em phải đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Đây là lệnh truyền của Chúa cho các môn đệ, cho mọi Kitô hữu thực hiện trong đời sống của mình. Đây cũng là điều mà mọi thành phần trong Giáo phận cần phải thực hiện cách tốt đẹp và hiệu quả trong năm “Chiếu tỏa niềm tin” này. Để thực hiện sứ mạng này, mỗi cá nhân được mời gọi trong ơn gọi của mình, trở nên nhân chứng cho Chúa Kitô: chứng nhân trong đời sống, chứng nhân trong tình yêu thương, chứng nhân trong lời rao giảng.

a) Bằng chứng từ cuộc sống

- Thời đại ngày hôm nay, người ta cần nhân chứng hơn là thầy dạy. Có thể chúng ta khó có cơ hội để nói về Chúa cho mọi người, thì chính qua lối sống của mình, người ta có thể nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người Kitô hữu. Cho nên chúng ta cần cố gắng sống tốt lành, thánh thiện trước mặt mọi người, để không ai có thể chê trách được điều gì, rồi từ đó nhận ra giá trị thực của đạo Chúa.

- Cố gắng giữ sự đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương, tha thứ, tương thân tương ái trong cộng đoàn giáo xứ, nhất là khi các gia đình Công giáo sống chung lộn giữa anh chị em lương dân.

- Luôn sẵn sàng giúp đỡ những anh chị em lương dân, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn.

b) Bằng lời nói

- Thánh Phaolô nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10, 14). Ý thức được điều này, thì mọi người cần phải biết tận dụng tất cả những cơ hội có thể để nói về Chúa cho những anh chị em lương dân, một cách mạnh dạn, nhưng chân thành khiêm tốn.

- Dịp thuận tiện để chúng ta có thể chia sẻ những cảm nghiệm về Lời Chúa, là những cuộc gặp gỡ trong họ hàng, sui gia, bạn bè, người quen, môi trường làm việc, hoặc những cuộc gặp gỡ thân tình, v.v.

- Nhiều người vẫn còn hiểu lầm về việc “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”, hoặc nhiều hiểu lầm khác, cho nên việc tin theo Đạo Chúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi có dịp chúng ta nên khôn khéo dẫn chuyện, để có thể giải thích cho họ hiểu đúng hơn, giải đáp những thắc mắc hoặc hiểu lầm, hầu công cuộc đem Tin Mừng của Chúa cho anh chị em lương dân sẽ có hiệu quả thiết thực hơn.

c) Bằng mọi phương tiện có thể

- Để chủ động đi đến với anh chị em lương dân, chúng ta cần có những chương trình cụ thể, mời gọi các đoàn thể, các nhóm có tinh thần tông đồ tham gia tổ chức các chương trình từ thiện, những cuộc thăm viếng giúp đỡ các gia đình lương dân, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, tang chế v.v...

- Mỗi giáo xứ nên có chương trình bác ái cụ thể và thường xuyên để giúp đỡ, chia sẻ cho giáo dân nghèo khổ và bà con lương dân, khi họ gặp khó khăn, đau bệnh. Mời gọi mọi người quảng đại đóng góp và tích cực tham gia các chương trình từ thiện do giáo xứ tổ chức, như giúp xây nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng người neo đơn tàn tật, già cả, nhất là cứu trợ cho đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt.

- Khuyến khích giới trẻ tham gia sáng tác nhạc, văn thơ theo chương trình đào tạo tài năng trẻ của Ban Văn hóa Giáo phận. Giáo xứ quan tâm và tạo phương tiện để giáo dân có dịp tiếp xúc với không gian đạo đức, qua những phương tiện nghe nhìn, như phim ảnh Đạo, CD thánh ca, sách báo, văn thơ có nội dung giáo dục nhân bản và đức tin. Khuyến khích người Công giáo, trong khi tiếp xúc với những người không Công giáo, nếu thuận tiện, thì giới thiệu và chuyển tặng họ những món quà này.

- Cũng có thể dùng các phương tiện truyền thông như trang web, facebook... đăng gởi Lời Chúa mỗi ngày, các bài viết hay suy niệm có tính giáo dục, các mẫu gương sống đạo và hoạt động tông đồ v.v… Các trang mạng xã hội đã thu hút rất nhiều người trẻ, nếu vận dụng tốt phương tiện này, cũng có thể đem lại hiệu quả không nhỏ trong việc giáo dục giới trẻ Công giáo và truyền giáo cho các bạn lương dân.

- Mỗi người hay mỗi gia đình hãy chọn cho mình một địa chỉ truyền giáo cụ thể là một người hay một gia đình lương dân nào đó, và tìm mọi cách để đưa họ về với Chúa, qua việc cầu nguyện cho họ, thăm viếng, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất; và khi thuận lợi thì giới thiệu Chúa, giúp họ tìm hiểu giáo lý, mời họ tham dự những dịp lễ như Giáng Sinh, tôn vinh Đức Mẹ, hôn phối, an táng hoặc lễ cầu cho dòng họ, lễ các đẳng v.v...
 
4. Đào tạo giáo dân thành những nhà truyền giáo (số 7)

a) Linh mục chính xứ lưu tâm tìm mọi cách để giúp giáo dân ý thức sứ mệnh truyền giáo của họ, và tầm quan trọng của việc tông đồ giáo dân. Cần đào tạo trước hết là nhiệt tình truyền giáo, rồi đến khả năng truyền giáo, gồm những kiến thức, những phương pháp, kỹ năng v.v... Hàng tháng, mỗi giáo xứ tổ chức những buổi học hỏi, trao đổi, về vấn đề này cho anh chị em giáo dân.

b) Học hỏi Sắc lệnh truyền giáo để hiểu rõ sứ mệnh và những đòi hỏi của người truyền giáo.

c) Học hỏi lịch sử truyền giáo của Giáo phận: Giáo phận Đông Đàng Trong sau thời thánh Giám mục Stêphanô Cuenot (1861-1924). Các nhân vật tiêu biểu: Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, các thừa sai ngoại quốc, các linh mục Việt Nam và các giáo dân bị sát hại vì đức tin.

d) Mỗi giáo xứ cố gắng thiết lập và củng cố những đoàn thể, nhất là những đoàn thể hoạt động tông đồ, cho cả người lớn lẫn trẻ em như : Legio Mariae, Junior, các phong trào và hiệp hội về gia đình (Thăng tiến hôn nhân, Gia đình cùng theo Chúa, Khôi Bình...), giới trẻ, Thiếu Nhi Thánh Thể, gia trưởng, hiền mẫu, giáo lý viên, ca đoàn... để đào tạo tinh thần tông đồ cho giáo dân, và tạo điều kiện cho họ tham dự tích cực vào công cuộc truyền giáo theo khả năng và điều kiện sống của họ.

e) Giáo phận sẽ tổ chức những khóa đào tạo tại trung tâm Giáo phận hoặc các giáo hạt, cho các Hội đồng giáo xứ, các Ban mục vụ, các đoàn thể khác. Các khóa đào tạo thuộc lãnh vực của Ban mục vụ nào thì ban ấy sẽ phụ trách. Các Ban mục vụ sẽ lên chương trình đào tạo, nội dung, thời gian và địa điểm... để báo cho các giáo xứ trong từng giáo hạt sắp xếp cho các nhân sự tham dự các khóa học hỏi, tập huấn.

f) Mỗi giáo xứ cũng thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo, tĩnh tâm, bồi dưỡng chuyên ngành cho các đoàn thể trong giáo xứ của mình.

g) Quan tâm đào tạo các tài năng trẻ trong các lãnh vực, để chuẩn bị những người có khả năng và nhiệt tình trong việc truyền giáo. Giáo xứ cần phải lưu tâm đến việc thu hút giới trẻ vào các hoạt động bác ái, công ích xã hội, văn hóa và các hoạt động mục vụ khác ; cổ vũ và tạo điều kiện cho người trẻ dấn thân tham gia vào việc bác ái và truyền giáo, nhất là đến những nơi xa nhà thờ, ít hoặc không có người Công giáo.

h) Chính nhiệt tình tông đồ của cộng đoàn giáo xứ cũng góp phần cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ nơi giới trẻ, để phục vụ công cuộc truyền giáo (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 107). Qua các sinh hoạt mục vụ, nhất là hoạt động truyền giáo của giáo xứ, là những phương thế mời gọi giới trẻ tham gia việc tông đồ, nhất là các em muốn dâng mình cho Chúa. Cha xứ và các tu sĩ quan tâm nâng đỡ và hướng dẫn các em tìm hiểu ơn gọi. Mỗi giáo xứ cần đặc biệt cổ võ và lập nhóm tìm hiểu ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo xứ, để có lớp người kế thừa cho công cuộc truyền giáo và phục vụ Giáo hội.
 
5. Sự tham gia của các cộng đoàn dòng tu (số 8)

Sự hiện diện và tham gia của các cộng đoàn dòng tu vào các sinh hoạt trong giáo xứ, sẽ làm gia tăng sự đa dạng và phong phú cho những chương trình chung, đặc biệt là những hoạt động truyền giáo; đồng thời thể hiện sự hiệp thông với Giáo hội địa phương, qua việc đi tiên phong trong các chương trình mục vụ của Giáo phận và giáo xứ. Vì vậy, các cộng đoàn dòng tu được mời gọi tích cực tham gia công cuộc truyền giáo của Giáo phận bằng cách:

a) Mỗi cộng đoàn cần có chương trình cầu nguyện hằng tuần, hằng tháng và dâng những hy sinh cụ thể mỗi ngày cho việc truyền giáo.

b) Đời sống cộng đoàn phải là dấu chỉ của sự hợp nhất và yêu thương, trung thành sống ba lời khuyên Phúc Âm. Mỗi người trong cộng đoàn hãy trở thành những chứng nhân Tin Mừng về sự thánh thiện và tinh thần phục vụ vô vị lợi.

c) Mở rộng cửa cộng đoàn để đón tiếp lương dân, có chương trình cụ thể quan tâm đến những người nghèo khổ bất hạnh, những trẻ mồ côi, những chị em cơ nhỡ trong địa bàn, và những vùng lân cận với cộng đoàn.

d) Dấn thân lên đường phục vụ tại những vùng sâu vùng xa, phải là một trong những ưu tiên mục vụ, nhằm nuôi dưỡng đời sống đức tin cho những các anh chị em tín hữu, đặc biệt đến với những anh chị em lương dân, để làm cho họ nhận biết và yêu mến Chúa Kitô.

đ) Các cộng đoàn dòng tu cần tiên phong trong các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của cha xứ, liên kết với Hội đồng giáo xứ và các hội đoàn, trong việc dạy giáo lý, thăm viếng và nâng đỡ những người bất hạnh không phân biệt lương giáo. Các cộng đoàn dòng tu vẫn luôn là những địa chỉ lý tưởng và hữu hiệu, bằng lời cầu nguyện, sự hiện diện, và những công tác từ thiện bác ái.
 
6. Vai trò của các linh mục (số 9)

a) Các linh mục, đặc biệt các linh mục chính xứ, có thể nói là “linh hồn”, đóng vai trò quan trọng và chủ chốt trong việc thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo của giáo xứ và Giáo phận. Các linh mục cần có sáng kiến, nhiệt tình, khả năng lãnh đạo, tinh thần hy sinh...

b) Các linh mục không làm việc một mình, không quyết định cách độc đoán, trái lại cần vận dụng sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ. Cha xứ nên thành lập Ban Mục vụ Truyền giáo và trực tiếp hướng dẫn. Ban Truyền giáo của giáo xứ gồm thành viên từ các tổ chức: Các tu sĩ đang phục vụ tại giáo xứ, Hội đồng giáo xứ, và các đoàn thể. Các thành viên Ban Truyền giáo là cộng sự viên và là cánh tay nối dài của Cha xứ để đem Tin Mừng đến với mọi người. Vì thế, Cha xứ không nên khoán trắng mọi công việc cho họ, mà phải luôn hướng dẫn, động viên, đồng hành với họ.

c) Trong những cuộc tĩnh tâm hằng tháng, linh mục Hạt Trưởng lưu tâm nhắc nhở các linh mục trong giáo hạt tập trung cầu nguyện, cùng nhau suy nghĩ và thảo luận, hướng về chương trình mục vụ truyền giáo trong địa bàn giáo hạt của mình và quyết tâm thực hiện. Mỗi linh mục chính xứ chia sẻ và báo cáo tình hình truyền giáo trong địa bàn của mình.

d) Các linh mục trưởng các ban mục vụ cần có sáng kiến vận dụng chương trình mục vụ truyền giáo của Giáo phận vào lãnh vực riêng của ban mình, để tất cả các ban đều thực hiện chương trình cách đồng bộ và trong sự liên kết với nhau. Các ban mục vụ sẵn sàng hổ trợ các phương thế truyền giáo khi có thể, giúp đào tạo, bồi dưỡng nhân sự truyền giáo cho các giáo xứ.
 
7. Về cách thế thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo (số 10)

Để chương trình mục vụ truyền giáo đạt hiệu quả cao và chắc chắn, mọi thành phần dân Chúa trong toàn Giáo phận phải nỗ lực thực hiện cách đồng bộ, được phối hợp chặt chẽ giữa các ban mục vụ, giữa các giáo hạt trong Giáo phận, giữa các giáo xứ trong giáo hạt, giữa các cộng đoàn dòng tu và giáo xứ, giữa các đoàn thể trong một giáo xứ ; và được đôn kiểm để phát huy tác dụng.

a) Thực hiện đồng bộ

Thư mục vụ truyền giáo năm 2015 của Đức Giám Mục được cho công bố tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu vào Chúa nhật I Mùa Vọng, ngày 30.11.2014, cũng là ngày bắt đầu Năm Phụng vụ mới 2014-2015. Để thực hiện đồng bộ, trong Mùa Vọng này, các linh mục chính xứ đồng loạt triển khai học hỏi, đào sâu Thư mục vụ truyền giáo năm 2015, và lên chương trình cụ thể thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo năm 2015 tại giáo xứ, dựa theo văn thư hướng dẫn này.

Điều cần lưu ý là có thể có những sáng kiến riêng phù hợp với hoàn cảnh địa phương, nhưng các giáo xứ phải cố gắng áp dụng đúng chương trình của Giáo phận, để đạt được sự phát triển đồng bộ trong toàn Giáo phận.

b) Phối hợp chặt chẽ

- Giữa các đoàn thể trong một giáo xứ : Cha chính xứ phối họp với cha phó, thầy giúp xứ và các tu sĩ triển khai và hoạch định cụ thể, điều phối nhân sự phù hợp cho các đoàn thể thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo theo Văn thư hướng dẫn của Hội đồng Mục vụ Giáo phận. Linh mục chính xứ là người trực tiếp triển khai thực hiện sát với chương trình mục vụ truyền giáo tại giáo xứ mình và đôn kiểm hằng tháng.

- Giữa các giáo xứ trong một giáo hạt : Linh mục hạt trưởng động viên, nhắc nhở các linh mục chính xứ trong giáo hạt mình, để tất cả các giáo xứ đều triển khai thực hiện đúng theo Chương trình mục vụ truyền giáo của Giáo phận. Cha hạt trưởng nên khuyến khích các giáo xứ lớn giúp đỡ, chia sẽ cho các giáo xứ nhỏ để chương trình mục vụ truyền giáo được thực hiện đồng bộ và phát triển đều trong cả giáo hạt.

- Giữa các ban mục vụ trong Giáo phận: Mỗi ban mục vụ tổ chức cho các thành viên của mình học hỏi và lên chương trình cụ thể cho hoạt động của ban mình theo Chương trình mục vụ truyền giáo của Giáo phận. Các liên ban mục vụ họp bàn, lên chương trình huấn luyện mục vụ truyền giáo và các lãnh vực thuộc ban mình. Các linh mục trưởng các ban mục vụ đôn kiểm chương trình mục vụ truyền giáo trong ban mình.

c) Đôn kiểm định kỳ

Chương trình mục vụ truyền giáo của Giáo phận được triển khai thực hiện đồng bộ từ các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu đến các ban mục vụ của Giáo phận. Vì thế, để phát huy hiệu quả cần có sự đôn kiểm hằng tháng tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu, và đôn kiểm hằng quý (ba tháng) theo từng giáo hạt và ban mục vụ.

- Ban đôn kiểm giáo xứ : đứng đầu là cha chính xứ, nếu có cha phó, thầy xứ hoặc tu sĩ tham gia sẽ thuận lợi hơn, chủ tịch Hội đồng giáo xứ hoặc thêm đại diện các đoàn thể. Hằng tháng, ban đôn kiểm giáo xứ sẽ kiểm tra, đôn đốc, và đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động mục truyền giáo tại giáo xứ mình ; và hằng quý sẽ báo cáo cho Cha hạt trưởng.

- Ban đôn kiểm giáo hạt : đứng đầu là cha hạt trưởng và thêm sự cộng tác của một linh mục khác do ngài chọn, hoặc linh mục đặc trách Loan báo Tin mừng của giáo hạt. Ban đôn kiểm giáo hạt thường xuyên động viên các cha xứ nỗ lực thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo và kiểm tra, đôn đốc các giáo xứ trong giáo hạt. Hằng quý, ban đôn kiểm giáo hạt yêu cầu các cha xứ trong giáo hạt mình báo cáo về tình hình thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo của giáo xứ mình. Sau đó, ban đôn kiểm giáo hạt sẽ đúc kết để gởi cho cha trưởng ban Điều phối Hội đồng Linh mục Giáo phận.

- Ban Điều phối Hội đồng Mục vụ Giáo phận đảm trách việc đôn kiểm các ban mục vụ. Cha trưởng ban điều phối kiểm tra, đôn đốc các ban mục vụ trong việc thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo và hằng quý đúc kết báo cáo của các ban mục vụ trình cho Đức Giám mục. Các cha trưởng ban mục vụ có trách nhiệm báo cáo hằng quý về việc thực hiện mục vụ truyền giáo và hoạt động mình cho ban Điều phối Hội đồng Mục vụ Giáo phận.

- Ban Điều phối Hội đồng Linh mục Giáo phận đôn kiểm việc thực hiện chương trình mục vụ truyền giáo tại các giáo hạt; và hằng quý đúc kết báo cáo của các giáo hạt trình cho Đức Giám mục.
 
Nguyện xin Đức Mẹ là "ngôi sao của cuộc tân Phúc Âm hóa", các thánh tử đạo Giáo phận Qui Nhơn, chúc lành cho Chương trình mục vụ truyền giáo năm 2015 và cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.
 
Qui Nhơn, ngày 28 tháng 11 năm 2014
Tm. Hội đồng Mục vụ Giáo phận

Trưởng ban Điều phối
Lm. Giuse Lê Kim Ánh
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 24
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6107
  • Tháng hiện tại: 140568
  • Tổng lượt truy cập: 12284828