Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 12: Các nhà truyền giáo

Đăng lúc: Thứ hai - 01/12/2014 18:07
HỌC HỎI SẮC LỆNH AD GENTES
Chương IV: Các Nhà Truyền Giáo
 

Tóm lược

Số 23, chương IV của sắc lệnh Ad Gentes: Ơn gọi truyền giáo.

 Dù rằng những ai đã chịu phép rửa tội đều có bổn phận truyền giáo nhưng Chúa Kitô vẫn luôn kêu gọi những kẻ Người muốn để sai đi giảng dạy muôn dân. Vì thế, nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô khơi dậy ơn gọi truyền giáo trong tâm hồn từng cá nhân, đồng thời làm xuất hiện trong Giáo Hội những tổ chức (nghĩa là các dòng tu, tu hội hay hiệp hội hoạt động truyền giáo) đảm nhận nhiệm vụ truyền giáo. Những người này được kể là những người có ơn gọi đặc biệt  dù họ là linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Họ ra đi đến với những người đang còn xa cách Chúa Kitô vì họ được dành riêng để lo công việc mà Chúa đã gọi họ thi hành.

Câu chuyện

Một câu chuyện kể rằng khi Chúa Giêsu về trời, các thiên thần mở tiệc ăn mừng. Khi tiệc tàn, thiên thần Gabrien mới đến gần Chúa Giêsu để khơi chuyện và cũng để giải tỏa một mối ngờ vực bấy lâu. Thiên thần hỏi: “Con biết rằng hiện nay chỉ có các môn đệ là một nhóm nhỏ rất ít người tại Palestine ý thức được công việc cứu rỗi nhân loại mà Ngài vừa thực hiện qua cái chết và phục sinh. Thế nhưng, theo ý định của Ngài thì phải cứu độ cả thế giới và mọi người phải biết đến Ngài thì họ mới được cứu độ. Vậy Ngài có kế hoạch hành động gì không?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi đã truyền cho tất cả các tông đồ là hãy đi nói với mọi người về tôi, rao giảng sứ điệp của tôi qua đời sống của họ”. Thiên thần lại hỏi: “Nhưng giả sử họ không làm điều đó thì Ngài có kế hoạch dự bị nào không?” Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Tôi không có kế hoạch nào khác. Tôi đã hoàn toàn và mãi mãi tin tưởng vào họ.” Câu chuyện nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn đặt trọn lòng tin tưởng vào mỗi người chúng ta trong công việc làm cho mọi người nhận biết, yêu mến và chấp nhận Ngài. Nó nhắc nhở rằng chúng ta là một với Giáo Hội toàn thế giới và chúng ta được tín cẩn giao phó cho nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, tuy rằng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác và cách thế thi hành sứ mạng cũng tùy theo mỗi người mỗi hoàn cảnh.

Nội dung học hỏi

Chắn hẳn rằng lệnh truyền của Chúa Giêsu “Hãy ra đi và rao giảng Tin Mừng” luôn mang một giá trị vĩnh cửu và một bổn phận luôn thúc bách. Mỗi người đều được Thiên Chúa kêu gọi đích danh để nhận lệnh truyền này mà không ai có thể thoái thác được: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”  (1 Cr 9, 16).

Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2009, Đức Bênêđictô XVI đã nói rằng Giáo Hội nhận ơn gọi ra đi truyền giáo không phải để mở rộng quyền bính hoặc củng cố sự thống trị của mình, nhưng để mang đến cho mọi người Chúa Kitô là ơn cứu độ của thế giới. Chúng ta phục vụ nhân loại, và chúng ta tin rằng dấn thân rao giảng Tin Mừng cho con người ngày nay là một công việc phục vụ mà công việc này không những chỉ dành cho cộng đoàn Kitô hữu mà thôi, nhưng cho toàn thể nhân loại nữa. Vậy thì chúng ta phải làm người truyền giáo như thế nào? Chúng ta phải làm giống như người samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng, sẵn sàng dừng lại giữa đường, sẵn sàng buớc xuống vì nhu cầu của người khác đang cần giúp đỡ. 

Trách nhiệm truyền giáo này thuộc về ai? Việc truyền giáo được phó thác cho tất cả những ai đã được rửa tội, là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Đó là trách nhiệm của mọi người xưng mình là kitô hữu. Dụ ngôn trong Tin Mừng nói về người chủ vườn nho đi mướn những người thợ làm vườn từng giờ trong ngày để nói lên rằng làm công việc của Thiên Chúa thì không bao giờ là quá trễ và không cho phép một ai ở không cả.  Vì thế, câu nói của người chủ vườn với người làm công rằng “Cả anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho ta!”, câu nói ấy Thiên Chúa cũng đã   nói với mỗi người chúng ta. Lời của người chủ vườn nói với người làm công rằng: “Tại sao các anh đứng không cả ngày ở đây vậy?”, Chúa cúng dùng câu nói ấy để trách móc nếu chúng ta không dùng thời gian nhàn rỗi để làm công cuộc truyền giáo:

Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào? Có rất nhiều cách. Chúng ta muốn dùng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết phải thi hành hai cách này đời sống chứng nhân và cầu nguyện.

Phương tiện trước hết và có sức mạnh mẽ nhất đó là sống một cuộc sống kitô hữu chân thật, một cuộc sống đây tình thương, sự tử tế, lòng thương cảm và tinh thần tha thứ. Đức Kitô mà người lương dân nhận ra và chấp nhận chính là đức kitô sống trong mỗi người kitô hữu chúng ta. Và truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại giáo, những lương dân, những người chưa biết được biết và yêu mến Chúa, nhưng còn có nghĩa là truyền giáo cho cả những người Công giáo sống trong một họ đạo, một giáo xứ với chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.

Tóm lại, mọi người kitô hữu hãy luôn ý thức về sự quan trọng của việc truyền giáo và hãy góp phần mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng việc cầu nguyện và bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta.



 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 4920
  • Tháng hiện tại: 139381
  • Tổng lượt truy cập: 12283641