Trang mới   https://gpquinhon.org

Học hỏi Ad Gentes (Đề tài V)

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/12/2012 02:25
ĐỀ TÀI V
NHIỀU DÂN TỘC, NHIỀU NHÓM NGƯỜI VÀ NHIỀU NGƯỜI

 


7 bản dự thảo đầu cho sắc lệnh Ad Gentes đều coi việc truyền giáo là bắt nguồn từ việc Chúa sai các Tông đồ, chứ không phải từ kế đồ của Chúa Cha sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nên tất cả đều mang tựa đề các xứ truyền giáo; và trong thực tế, theo một thông lệ máy móc nhất đã chỉ bàn đến những việc truyền giáo ở các miền xa xôi.

Bản văn thứ 8 được gởi đến các Giám mục ngày 24.01.1964. Để kích thích sự góp ý của các vị, bản văn được trình bày với một tựa đề khác: Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh. Một nhận thức mới: các Kitô hữu không còn phải nhìn mãi ở đâu xa. Đức Cha Grotti (Bra-xin) đã tuyên bố ngay giữa nghị trường: “Rôma cũng là đất truyền giáo” và ai dám nói ngược lại? Chắc hẳn không phải là Giám mục Rô-ma, chẳng lẽ để gậy ông đập lưng ông?

Thành ra phải biên soạn lại một lần thứ 9 cho thật phong phú và đáp ứng được với thế giới hiện thời, trong đó phải cần làm nổi bật những điểm sau đây:

- Việc truyền giáo của Hội thánh phải được đặt nền trên nền thần học về Ba Ngôi, phải theo đúng Lumen Gentium (điểm này chúng ta đã thấy rõ)

- Một ý tưởng rõ ràng và thực tế về sứ mệnh (việc truyền giáo) của Hội thánh ngày nay. Nhưng, về điểm thứ hai, các ý kiến không đồng nhất. Người thì bảo chỉ nên bàn đến hoạt động truyền giáo theo nghĩa hẹp xưa nay, nghĩa là việc truyền giáo ở những miền chưa được biết Chúa, chưa nghe giảng Tin Mừng. Những người khác vặn lại: ngày nay phải truyền giáo khắp nơi, không nên câu nệ theo các vùng đất, đúng hơn phải dựa trên các lớp người: Hội thánh không được sai đến các vùng đất nhưng được sai đến với con người, đến với những nhóm người. Một số khác thêm rằng: những nhóm người như thế thì ở đâu cũng có: không còn có thể phân biệt rằng có những dân tộc Kitô giáo và những dân tộc không Kitô giáo; việc truyền giáo của Hội thánh cũng phải nhắm đến lớp người ngoại giáo mới rất đông đảo, không ngừng sinh sản và gia tăng trong những miền xưa kia là Kitô giáo.

Trong số 6, có thể nói là trụ cột cho tất cả các phần còn lại của sắc lệnh, Công Đồng có cố gắng phân biệt những tình huống khác nhau nhưng chính là để thống nhất tất cả trong việc truyền giáo. Hoạt động truyền giáo của Hội thánh ở khắp nơi đều là một và chỉ là một, nhưng hoàn cảnh không cho phép thi hành một cách như nhau. Những cách thế khác nhau ấy tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, nhưng vẫn luôn luôn cùng là một công cuộc truyền giáo. Những hoàn cảnh đó hoặc tùy thuộc vào Hội thánh, hoặc tùy thuộc vào những dân tộc, những nhóm người hay những người mà việc truyền giáo nhắm tới.

Theo kiểu nói thông thường, tiếng "truyền giáo" được dùng để chỉ tất cả những sáng kiến mà những người rao giảng Tin Mừng được Hội thánh sai đi khắp thế giới đang thực hiện để chu toàn nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và đem Hội thánh cấy vào giữa các dân tộc, cũng như cấy vào giữa những nhóm người chưa tin Chúa Kitô. Những công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo và phần nhiều được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa thánh đã công nhận. Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Tin Mừng và đem Hội thánh cấy vào giữa các dân tộc hay những nhóm người mà Hội thánh còn chưa bén rễ.

Trong hoạt động truyền giáo của Hội thánh, có nhiều tình huống khác biệt đôi khi lẫn lộn với nhau: trước hết là thời khởi công gieo vãi, rồi đến thời non trẻ. Tiếp đó công việc vẫn tiếp tục, các giáo đoàn địa phương đã được thiết lập sẽ đích thân tiếp nối hoạt động truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai còn ở ngoài Hội thánh.

Như thế, truyền giáo là trồng lên những Hội thánh mới trong tất cả những nhóm người chưa có Hội thánh. Rồi khi những Hội thánh trẻ ấy lớn lên lại đích thân đứng ra đem  ngọn đuốc đức tin đi xa hơn nữa.

Nhưng đức tin có thể bị mai một: tại Hội thánh đã già, chẳng hạn ở Châu Mỹ Latinh, ở Pháp hoặc các nơi khác, nhiều khu vực rộng lớn có thể sống ngoài Kitô giáo và đòi phải có những phương pháp truyền giáo cần được Hội thánh toàn cầu giúp đỡ.

Ngoài ra, lắm khi những nhóm người mà trong đó Hội thánh đang sống đã bị thay đổi tận gốc rễ vì nhiều lý do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy Hội thánh phải cân nhắc xem cần phải hoạt động truyền giáo đến mức nào nữa để đáp ứng được cho các hoàn cảnh mới mẻ ấy.

Công Đồng cũng coi những “vùng đất truyền giáo” là các miền truyền giáo xa xôi, nhưng không định nghĩa miền truyền giáo theo lãnh thổ: tất cả mọi khu vực của con người mà Hội thánh địa phương chưa chiếu tỏa được rực rỡ đều phải kể là những vùng xa xôi, dù là tại Rôma, Luân Đôn hay tại xóm, tại khu phố tôi ở. Các Nghị phụ nhiều lần nhắc đi, nhắc lại tới các dân tộc, các nhóm người và những người chưa tin Chúa Kitô. Truyền giáo là truyền giáo cho những con người chứ không phải cho những nơi chốn. Lòng hăng say của tất cả chúng ta phải làm dấy lên những Hội thánh trẻ, không nhất thiết phải là trong những vùng đất mới, nhưng là ngay trong môi trường mà chúng ta đang sống...Trong nhà máy tôi đang làm, trong chung cư tôi đang ở, trong “băng” tuổi trẻ của tôi, cũng như ở xứ Nê-pan hoặc Su-đan. Trong tất cả mọi “nhóm người” mà Hội thánh không thực sự có mặt. Trong mọi nhóm người (chưa nhận biết Thiên Chúa), Hội thánh phải hiện diện nhờ con cái của Hội thánh đang cùng sống với họ hoặc đang được sai đến với họ (11).
 
Tóm tắt

Sau nhiều lần sửa đổi, văn bản cuối cùng của sắc lệnh Ad Gentes đáp ứng được với thế giới hiện thời, nổi bật lên những điểm sau đây:

- Việc truyền giáo của Hội thánh phải được đặt nền trên nền thần học về Ba Ngôi, phải theo đúng Lumen Gentium.

- Một ý tưởng rõ ràng và thực tế về sứ mệnh (việc truyền giáo) của Hội thánh ngày nay. Nhưng, về điểm thứ hai, các ý kiến không đồng nhất. Người thì bảo chỉ nên bàn đến hoạt động truyền giáo theo nghĩa hẹp xưa nay, nghĩa là việc truyền giáo ở những miền chưa được biết Chúa, chưa nghe giảng Tin Mừng. Những người khác vặn lại: ngày nay phải truyền giáo khắp nơi, không nên câu nệ theo các vùng đất, đúng hơn phải dựa trên các lớp người: Hội thánh không được sai đến các vùng đất nhưng được sai đến với con người, đến với những nhóm người. Một số khác thêm rằng: những nhóm người như thế thì ở đâu cũng có: không còn có thể phân biệt rằng có những dân tộc Kitô giáo và những dân tộc không Kitô giáo; việc truyền giáo của Hội thánh cũng phải nhắm đến lớp người ngoại giáo mới rất đông đảo, không ngừng sinh sản và gia tăng trong những miền xưa kia là Kitô giáo.

Trong hoạt động truyền giáo của Hội thánh, có nhiều tình huống khác biệt đôi khi lẫn lộn với nhau: trước hết là thời khởi công gieo vãi, rồi đến thời non trẻ. Tiếp đó công việc vẫn tiếp tục, các giáo đoàn địa phương đã được thiết lập sẽ đích thân tiếp nối hoạt động truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cho tất cả những ai còn ở ngoài Hội thánh. Như thế, truyền giáo là trồng lên những Hội thánh mới trong tất cả những nhóm người chưa có Hội thánh. Rồi khi những Hội thánh trẻ ấy lớn lên lại đích thân đứng ra đem  ngọn đuốc đức tin đi xa hơn nữa.

Nhưng đức tin có thể bị mai một: tại Hội thánh đã già, chẳng hạn ở Châu Mỹ Latinh, ở Pháp hoặc các nơi khác, nhiều khu vực rộng lớn có thể sống ngoài Kitô giáo và đòi phải có những phương pháp truyền giáo cần được Hội thánh toàn cầu giúp đỡ. Ngoài ra, lắm khi những nhóm người mà trong đó Hội thánh đang sống đã bị thay đổi tận gốc rễ vì nhiều lý do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy Hội thánh phải cân nhắc xem cần phải hoạt động truyền giáo đến mức nào nữa để đáp ứng được cho các hoàn cảnh mới mẻ ấy.

Công Đồng cũng coi những “vùng đất truyền giáo” là các miền truyền giáo xa xôi, nhưng không định nghĩa miền truyền giáo theo lãnh thổ: tất cả mọi khu vực của con người mà Hội thánh địa phương chưa chiếu tỏa được rực rỡ đều phải kể là những vùng xa xôi, dù là tại Rôma, Luân Đôn hay tại xóm, tại khu phố tôi ở. Các Nghị phụ nhiều lần nhắc đi, nhắc lại tới các dân tộc, các nhóm người và những người chưa tin Chúa Kitô. Truyền giáo là truyền giáo cho những con người chứ không phải cho những nơi chốn. Lòng hăng say của tất cả chúng ta phải làm dấy lên những Hội thánh trẻ, không nhất thiết phải là trong những vùng đất mới, nhưng là ngay trong môi trường mà chúng ta đang sống... Trong mọi nhóm người (chưa nhận biết Thiên Chúa), Hội thánh phải hiện diện nhờ con cái của Hội thánh đang cùng sống với họ hoặc đang được sai đến với họ.


 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 34
  • Khách viếng thăm: 33
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 12275
  • Tháng hiện tại: 165447
  • Tổng lượt truy cập: 12455159