CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
(Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10, 35-45)
Mỗi lần Chúa Giêsu loan báo về cuộc Thương Khó và Tử Nạn sắp đến của mình, các môn đệ của Ngài luôn luôn tránh né, mà các ông chỉ nghĩ đến những vấn đề về quyền hành, chức tước, bổng lộc, vinh hoa, phú qúy.
Thật thế, sau lời loan báo lần thứ nhất, thánh Phêrô tìm cách ngăn cản Chúa Giêsu và Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy từ bỏ chính mình để theo Ngài (x.Mc 8, 31-9,1).
Rồi đến lần thứ hai, các môn đệ bày tỏ một thái độ hoàn toàn hững hờ đối với những lời bi thảm của Chúa Giêsu mà lúc này các môn đệ chỉ tranh nhau đặc quyền đặc lợi giữa họ. Lúc đó, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ đòi hỏi họ phải tự hạ mình và phục vụ mọi người.
Và lần thứ ba, trên đường tiến về Giêrusalem, một lần nữa Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ cuộc khổ nạn của Ngài phải chịu ở Giêrusalem (x.Mc 8,31; 9,31), để các ông cảm thông, chia sẻ. Thay vì cảm thông và chia sẻ thì hai anh em ruột Giacôbê và Gioan đã tự tin đến mức mà họ bộc phát qua lời cầu xin ngồi bên tả hữu nước Chúa (x.Mc 10, 35-38), nhưng họ hoàn toàn không hiểu những gì Chúa Giêsu đã nói.
Giacôbê, Gioan và các môn đệ khác tưởng đâu Chúa Giêsu sẽ ra đi làm vua thống trị, thì ít ra họ sẽ được những chức tước, hay được một ghế nào đó trong nước Chúa. Nghĩa là khi Chúa Giêsu thành công trong việc đánh đuổi người La mã ra khỏi Palestina, tái lập Vương quốc Israel. Vì trước đó, Chúa Giêsu đã hứa là họ sẽ được ngồi trên ngai xét xử mười hai chi tộc Israel.
Với các môn đệ, cuộc thử thách mà Chúa Giêsu nói đến sẽ chóng qua. Vì họ tin rằng với quyền năng trong tay Chúa Giêsu, Ngài sẽ vượt qua tất cả và Ngài sẽ chiến thắng. Bởi chính các môn đệ đã chứng kiến biết bao cuộc thử thánh đối với Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã vượt qua. Hơn nữa, các môn đệ đã chứng kiến lòng thương xót và nhân lành của Chúa Giêsu khi phục sinh con gái ông Gia-ia (x.Mc 5,37) và vinh quang của Ngài khi biến hình (x.Mc 9,1-12). Và rất có thể, hai biến cố đó đã khiến cho các ông tự tin và mạnh dạn đến xin Chúa Giêsu điều mình mơ ước bấy lâu nay.
Như vậy, lòng ao ước và khát khao của các môn đệ đi theo Chúa Giêsu bấy lâu nay nhưng chưa có dịp thuận tiện để nói, mà chỉ có hai anh em Giacôbê và Gioan đầy tự tin mới dám nói ra. Điều này cho thấy, các môn đệ gắn bó với cái nhìn hoàn toàn trần tục về đấng Mêsia.
Chúa Giêsu đã biết rõ tâm lý tự nhiên của các môn đệ, cũng như hai môn đệ Giacôbê và Gioan nên Chúa không quở mắng hai ông, mà Ngài chỉ phê bình các ông ngây thơ quá không biết điều mình xin. Nhân đây Chúa Giêsu dạy họ rằng: “Các con không biết rõ điều các con xin!”. Rồi Chúa Giêsu nhấn mạnh việc phải làm, điều sắp phải chịu mà các môn đệ phải chia sẻ với Chúa bằng câu hỏi: các con có thể uống chén Thầy phải uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Thầy sắp phải chịu không? Giacôbê và Gioan lúc này đồng loạt thưa: Thưa vâng. Chúa chấp nhận lời ưng thuận của hai ông, nhưng lại nói rõ không phải vì thế mà được phúc lộc bên tả bên hữu, vì quyền bính và phúc lộc là ân huệ Chúa Cha định đặt cho ai thì người ấy mới được.
Và Chúa Giêsu xác định quyền bính, chức vụ trong Nước Chúa khác hẳn quan niệm trần gian vì quyền bính và địa vị ở trần gian là để cai trị dân, hống hách, bắt nạt người dưới, còn quyền bính, địa vị trong Nước Chúa là để phục vụ giúp đỡ mọi người. Chính Chúa Giêsu dạy người ta bằng gương của mình, lấy công việc của mình chỉ dạy cho người ta bắt chước. Chúa không dạy suông, nói suông. Vì thế, Ngài nói: con Người không đến để được người ta hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người. Chính đời sống và cuộc tử nạn chịu chết của Chúa Giêsu đã chứng minh cho lời nói của Ngài.
Cho nên, từ đời sống gương mẫu của Chúa, Chúa dạy các môn đệ: trong các ông, ai muốn làm lớn thì hãy làm đầy tớ các ông, và ai muốn cầm đầu thì hãy làm nô lệ cho mọi người. Đầy tớ làm theo ý chủ nhưng còn có công, có tự do, nô lệ thì hoàn toàn thuộc quyền của chủ sử dụng cách vô điều kiện. Muốn làm lớn thì làm đầy tớ, muốn làm đầu thì làm nô lệ, tất cả đều nằm trong ý tưởng phục vụ chứ không phải để cai trị.
Hôm nay, Chúa Nhật 29 Thường Niên B cũng là Chúa Nhật Truyền Giáo, hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”(x.Mc16, 15). Ý thức được điều đó, Giáo hội hơn hai ngàn năm qua vẫn không ngừng vâng lệnh Chúa truyền để “Ra Đi, quên mình và phục vụ những con người vất vưởng lầm than đói khổ”, ngõ hầu đem hình ảnh nhân từ thương xót và Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân.
Như vậy, sứ mệnh mà Chúa đã mời gọi “Hãy Ra Đi” vẫn luôn mãi là một lời thúc bách, khiến cho mỗi người Kitô hữu vốn tự bản chất là một nhà truyền giáo (AG 35) không thể không thao thức với sứ mạng truyền giáo của mình, như cảm nghiệm của Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”.
Mặc lấy tâm tình năm thánh 400 năm Tin mừng đến với Giáo phận Qui nhơn chúng ta, và mặc lấy tâm tình năm thánh Kính Các Thánh Tử ĐạoViệt Nam. Người kitô hữu ý thức mình là con cái của Chúa, là con cháu của các thánh tử đạo, mỗi chúng ta hãy ra đi để rao giảng Tin mừng tình yêu của Chúa, để muôn dân nhận biết Chúa là Cha và cho muôn dân sống trong tình Cha, cho muôn dân sống trong ân tình Ngài qua cách sống và thể hiện niềm tin của người kitô hữu.
Ước mong rằng Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô, nhờ vào sự cộng tác nhiệt thành của mỗi người, mỗi thành phần dân Chúa mà Tin mừng không ngừng được lớn mạnh và tình yêu thương mà Chúa Kitô đã đem đến cho nhân loại, cho thế giới này sẽ được phát triển và hiện diện với hết mọi người và với mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời. Amen.
Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Vinh
Ý kiến bạn đọc