Đức cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke Hân
Giám mục Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) từ năm 1884-1901
TƯỜNG TRÌNH THƯỜNG NIÊN NĂM 1892
Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn)
Dân số Công giáo................................ 32.717
Rửa tội người lớn.................................... 3.026
Rửa tội trẻ em ngoại giáo.................... 3.048
Thư Đức cha Van Camelbeke,
Giám mục Hiệu tòa Hiérocésarée,
Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong (Qui Nhơn)
Gởi các cha Giám đốc Chủng Viện Truyền giáo Hải ngoại Paris (MEP)
Qui Nhơn, ngày 1 tháng 10 năm 1892
Kính thưa quý cha Giám đốc,
Dân số Kitô giáo của Địa phận này đã tăng thêm kể từ tường trình năm trước, ngày nay chúng tôi đạt được con số 32.717 giáo dân. Sự gia tăng này chủ yếu là do có 3.026 giáo dân mới mà chúng tôi đã nhập vào đàn chiên của Thầy Chí Thánh qua ân sủng phép rửa trong năm nay. Quý cha cũng sẽ tiếc nuối như chúng tôi vì số người cải đạo thấp hơn hai năm trước; nhưng đó vẫn là điều an ủi rất nhiều, vì chứng tỏ rằng công việc của các thừa sai trong Hạt Đại diện Tông tòa này đã sinh hoa trái cứu rỗi. Hơn nữa, không được quên rằng rất nhiều tân tòng, đã được rửa tội trong những năm trước, đã tăng thêm công việc cho thợ tông đồ: Cần phải hướng dẫn thêm cho những người mới được rửa tội và thăm viếng thường xuyên để giúp họ trở thành những Kitô hữu tốt lành và vững mạnh.
Thật dễ hiểu khi nhà truyền giáo phải hết sức kiên nhẫn và liên tục đưa vào trí nhớ các tín hữu mới không chỉ những kinh cầu phải đọc, mà cả những giáo lý phải tuân giữ để xứng đáng lãnh nhận các bí tích của Giáo hội cũng như thực hành các bổn phận luân lý Kitô giáo. Những điều này dường như gây ngạc nhiên cho những người đã sống trong sự bất tri, vô tư và phóng túng của tà giáo cho đến khi họ hoán cải. Công việc chậm chạp này giống với nhà điêu khắc, ông bắt đầu bằng việc đẻo gọt khối cẩm thạch, sau đó tạo cho nó một hình dạng không xác định và kết thúc khi tạo ra một kiệt tác. Một nhà thơ đã viết: “Hãy mài giũa nó liên tục rồi mài giũa lại”. Nhờ ơn Chúa, hầu hết tất cả những tân tòng của chúng ta đều kiên trì trên con đường mà họ đã cam kết, và chúng tôi vui mừng ghi nhận sự biến đổi đang diễn ra nơi họ và mang lại cho họ dấu ấn của những giáo dân cũ của chúng tôi.
Nơi một số khu vực trong Địa phận, giáo dân không được yên tâm hoàn toàn; họ luôn lo sợ ít nhiều về tương lai, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Ngãi, nơi cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm 1886. Thừa sai Panis viết cho tôi rằng: “Đó là lý do tại sao họ không dám đón nhận một tôn giáo mà các văn thân truy kích với lòng căm thù, một tôn giáo mà họ dường như không muốn với bất cứ giá nào, chẳng những cho bản thân họ mà còn cho đất nước họ. Vẫn còn phải nói rằng sự bình yên mà chúng ta được hưởng chỉ là bấp bênh, và mọi người vẫn tin rằng tương lai vẫn còn nhiều giông bão. Sự kích động trong thời gian gần đây hẳn sẽ khiến nỗi sợ hãi này tồn tại trong tâm trí mọi người. Xin Thánh Thần Chúa xua tan hận thù và thành kiến bằng làn hơi hòa bình của Ngài, và dọn sạch con đường dẫn đến Đức tin cho những tâm hồn thiện chí!”
Về phần mình, thừa sai Sudre nhận ra rằng những tin đồn về chiến tranh lan truyền trong cùng miền này đã khiến người bản xứ sợ hãi và tránh xa tôn giáo của chúng ta.
Tỉnh Phú Yên khiến chúng tôi thực sự lo ngại trong năm nay, vì quân nổi dậy đã ẩn náu trên vùng núi và đã lập trại cố thủ ở một nơi gần như không thể tiếp cận được, với lực lượng tăng viện đông đảo gồm binh lính được tuyển mộ đây đó. Các làng mạc luôn lo sợ cuộc khởi nghĩa mới, khiến nhiều người tê liệt vì sợ. Bất chấp những trở ngại này, miền Phú Yên đã rửa tội được 417 người lớn. Hai thừa sai làm việc ở đó hy vọng thành lập một trụ sở mới, rất xa với sở họ cũ trước đây. Đây là những gì thừa sai Lacassagne đã nói với tôi: “Khi Đức cha gởi cho chúng con thêm một linh mục nữa ở Củng Sơn, địa sở sẽ được phân chia, mỗi người sẽ có thể chăm sóc mỗi địa sở vững chắc hơn và do đó đạt được kết quả tốt hơn. Chính tại đất nước mới mẻ này, chúng ta có thể hy vọng tìm thấy những linh hồn sẵn sàng đón nhận hạt giống của Chúa và làm cho nó sinh hoa trái. Ở vùng đồng bằng, quanh các cộng đoàn Kitô giáo xưa kia, người dân không còn đơn sơ nữa và mải mê với các sở thích của mình so với khu vực giáp vùng đồi núi. Vì thế họ ít sẵn lòng lắng nghe rao giảng “Tin Mừng”. Sự gần gũi với các ngôi làng lớn, các thị trấn lớn hơn và chính quyền Việt Nam thù địch với Kitô giáo đã tiếp tục tạo một rào cản nghiêm trọng cho việc cải đạo của đất nước”.
Hiện nay, phía Nam Bình Thuận, lỵ sở Phan Thiết, là nơi diễn ra nhiều cuộc cải đạo, mang lại niềm hy vọng lớn nhất cho tương lai. Thừa sai Archimbaud đã có thể ghi sổ rửa tội đến 569 người lớn ở đây; điều này đã tạo cơ hội cho ngài thành lập nhiều sở họ mới. Thật không may, địa sở này có những khó khăn đặc biệt vì phạm vi rộng lớn và khoảng cách đáng kể chia cách các cơ sở với nhau. Người đồng sự thân yêu của chúng tôi, mặc dù có sự giúp đỡ của hai cha bản xứ và một số thầy giảng, nhưng vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cần có nhiều nhân sự hơn, một số địa sở khác cũng vậy. Nhưng than ôi! Làm cách nào để đáp ứng được tất cả các yêu cầu đến với tôi? “Nemo dat quod non habet” (Không ai cho được cái mình không có).
Phần phía bắc của tỉnh này, tức là Phan Rang, đã chứng kiến số lượng tân tòng gia tăng. Thừa sai Dauguet thân yêu, người đã mất sau một tai nạn đau đớn, đã rửa tội cho hơn 200 người lớn tội và vừa thành lập một sở họ mới ở khu vực quanh Mũi Đại Lãnh (Cape Varella). Cái chết bất ngờ của người đồng sự trẻ tuổi đầy nhiệt huyết này đã để lại một khoảng trống vô cùng lớn cho địa sở mà ngài đang thi hành sứ vụ. Trong khi chờ đợi có thể thay thế ngài bằng một thừa sai châu Âu, tôi đã cử một linh mục người Việt đến với các giáo dân; Vì thế, cha Garnier ở lại một mình ở Nha Trang, nơi ngài hăng say hướng dẫn các tân tòng. Một trạm truyền giáo mới do ngài thành lập năm ngoái đã mang lại cho ngài niềm an ủi lớn lao.
Thưa quý cha Giám đốc, tôi không có ý định lần lượt dẫn các ngài đi qua hết các địa sở của Giáo miền rộng lớn này như trước đây tôi đã làm vài lần rồi. Một bước đi đơn điệu trong các báo cáo có thể trở nên tẻ nhạt về lâu dài, vả lại các cha đồng sự không có chuyện thú vị gì để kể hàng năm. Vì thế tôi muốn ngắn gọn hơn bình thường.
Tỉnh Bình Định trung tâm có được sự yên bình thực sự nhờ thái độ nhiệt huyết và quan tâm của ông Trú sứ Qui Nhơn. Do đó, những người cải đạo có thể tự do đi theo con đường của mình, đặc biệt là ở các địa sở của các thừa sai Geffroy, Blais và Nezeys. Cách đây vài tháng, tôi có cơ hội kể lại trong bức thư gửi tạp chí Missions Catholiques, cảm xúc rất sống động mà tôi đã trải qua khi đến thăm các sở họ mới ở Bồng Sơn, lúc tôi thực hiện chuyến đi ban bí thêm sức cho huyện này. Cha Théodule Hamon viết cho tôi rằng ngài chỉ có thể mót được vài bông lúa chỗ này chỗ kia, và rằng mối quan tâm mục vụ của ông được dành cho việc chăm sóc pusillus grex (đoàn chiên bé nhỏ) của mình, vốn đã xuống cấp sau biến cố văn thân năm 1885, với con số khiêm tốn là 1.132 linh hồn. Phải thừa nhận rằng, người đồng sự nhiệt thành này đã không tiếc công hướng dẫn giáo dân của mình, đặc biệt là những người trẻ tuổi mà ngài đặc biệt quan tâm: Họ thuộc nhiều kinh, hiểu tường tận các bài học giáo lý và thường xuyên vượt qua các kỳ thi giáo lý. Cha Hammon nói thêm: “Việc lớn của con hiện nay, nó làm cạn kiệt mọi nguồn lực và con chỉ có thể tiếp tục từ từ, đó là việc xây dựng nhà thờ Truông Dốc. Trong vài ngày nữa, con sẽ hoàn thành việc đặt những tấm tôn xinh xắn này khiến những người dân An Nam tội nghiệp của con vô cùng thán phục, những người mà đối với họ ngói nung là thượng sách. Con cũng hy vọng sẽ hoàn thành mặt tiền hai bên trước mùa mưa bão, giúp toàn bộ tòa nhà có khả năng chống chịu đáng kể trước những cơn bão sẽ đến. Sau đó, ước mơ của con là xây dựng phần chính điện và trát tường để đặt những ô kính màu xinh xắn vào cửa sổ. Nhưng liệu Thánh Giuse nhân hậu có tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ cho con hay không, người vẫn chưa làm con thất vọng ngay cả những lúc thiếu hụt tiền bạc tuyệt vọng nhất? Con muốn dâng lên Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ một nhà thờ thích hợp, nhân dịp kỷ niệm Ngân khánh linh mục của con vào năm tới”. Vậy năm sau, nếu Chúa ban cho con còn sống, con sẽ kể chi tiết lễ khánh thành và làm phép thánh đường mới”.
Tôi đã đến thăm tỉnh Quảng Nam để cử hành bí tích Thêm Sức ở đấy. Khắp nơi, tôi vô cùng cảm kích trước sự tiếp đón long trọng và tinh thần của các giáo dân thân yêu của chúng ta, những hành vi tốt của họ đã đặc biệt mở mắt cho tôi. Đồng thời tôi có niềm an ủi làm phép nhà thờ Trà Kiệu được trùng tu hoàn toàn. Các kế hoạch đã được lên phương án tốt và thực hiện một cách khéo léo. Trang trí bên trong rất đẹp và bên ngoài có vẻ hoành tráng. Cũng với sự vững chắc lâu bền của nó, các ngài sẽ hiểu nhà thờ này được toàn thể người Công giáo và ngoại giáo ngưỡng mộ như thế nào. Cha Bruyère của chúng ta, người Savoyard can đảm, đã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành công trình vĩ đại này, cha rất vui vì đã thành công chỉ trong một thời gian rất ngắn. Về phần mình, cha Maillard đã trùng tu, tôn tạo nhà thờ Phú Thượng cũng ngang ngửa với Trà Kiệu.
Phố Hội An (Tourane) tiếp tục ngày càng phát triển và mọi thứ cho thấy rằng sẽ không mất nhiều thời gian để nó trở thành một cảng quan trọng vì có các mỏ than đá ở vùng xung quanh. Thật không may, những đồng bào dân sự và quân sự của chúng ta, không hề sẵn lòng giúp đỡ chúng ta bằng tấm gương tốt để truyền bá tôn giáo của chúng ta cho người An Nam, mà trở thành hòn đá vấp ngã cho những ai biết họ. Cha Laurent (tuyên úy quân y viện) viết cho tôi rằng: “Hỡi ôi! Con không thể nói về những an ủi mà đồng bào của chúng ta dành cho con, nhẽ ra họ phải là thành phần có tính xây dựng nhất trong đàn chiên... nhưng những niềm an ủi này là con số không. Mặt khác, những Kitô hữu An Nam của chúng ta vẫn duy trì lòng sốt sắng và luôn đạt được một số tiến bộ. Vâng lời Vị Mục Tử Tối Cao là Đức thánh cha Lêô XIII, họ thể hiện một lòng nhiệt tình đáng khen trong việc lãnh nhận các bí tích. Ngoài ra, nhờ bánh các Thiên thần mà họ thường xuyên lãnh nhận, họ có thể đối mặt mà không sợ hãi trước những nguy hiểm gieo rắc dưới chân mình”.
Trong số người dân tộc, các đồng sự của chúng tôi vẫn tiếp tục sứ vụ khó khăn của mình. Cha Vialleton vui mừng nói với tôi rằng số lượng Kitô hữu trước đây chưa bao giờ đáng kể đến thế, vì ngày nay có 2.790 linh hồn, trong đó có 675 người An Nam. Rất đáng tiếc là thay vì tập trung phát triển các địa điểm đã có, các thừa sai lại buộc phải đi tìm kiếm các dự tòng, những người sống từng nhóm nhỏ thường rất xa nhau; điều đó càng làm tăng thêm chặng đường gian khổ và mệt mỏi của đồng sự chúng ta.
Kể từ năm ngoái, nhà trường của Địa Phận đã nên đẹp hơn nhờ một nhà nguyện xinh xắn, được xây dựng bằng sự đóng góp đặc biệt mà tôi nhận được.
Nhà nguyện này không thể xây bằng đá do nền đất nơi chúng tôi tọa lạc không vững chắc, gần những cánh đồng lúa, nhưng trang trí nội thất thì không có gì đáng mong đợi hơn. Các thầy và các chú của chúng ta rất vui mừng khi giờ đây có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các nghi lễ phụng vụ được cử hành ở đó với tất cả sự trang trọng có thể.
Kết thúc bức thư này, thưa quý cha Giám đốc, cho phép tôi xin lời cầu nguyện của các cha cho Địa Phận của chúng tôi luôn xứng đáng với quá khứ của mình. Hãy gửi cho chúng tôi những người thợ và và nguồn lực để giúp chúng tôi làm việc hiệu quả hơn nhằm làm vinh danh Chúa chúng ta.
† F. X. Van Camelbeke
Giám mục Hiệu tòa Hiérocésarée
“Polissez-le sans cesse et le repolissez“, trong tập L'Art poétique, 1674, của Nicolas Boileau (1636-1711), nhà thơ, nhà lý luận văn học cổ điển Pháp (các chú thích trong bài là của người dịch).
Cha Pierre Panis Ngãi (1850-1931), đến Gia Hựu năm 1874, nơi ở của Đức cha Charbonnier Trí, và học tiếng Việt ở đây. Năm 1875, được sai làm cha phó và rồi cha sở Gò Thị, Kiều Đông, Ân Sơn, Ân Đức, Đập Đá.
Cha Antoine Sudre Thọ (1858-1923), học tiếng Việt tại Sông Cát, cha sở Trung Sơn (Quảng Ngãi), Cù Và , Đại An.
Joseph Lacassagne Xuân (1856-1881), phục vụ tại Bình Định, Phan Rang, Mằng Lăng.
Vincent Archimbaud Đức (1860-1919) phục vụ tại Bình Thuận, Phan Thiết.
François Dauguet Tài (1866-1892), phục vụ tại Khánh Hòa,Ninh Hòa.
Cha Eugène Garnier Minh (1862-1952), phục vụ tại Khánh Hòa, Bình Thuận
François Geffroy Bửu (1843-1918), phục vụ tại Gia Hựu.
Louis Blais Lực (1863-1908), phục vụ tại Đại An, Kim Châu.
Louis Nézeys Nhạc (1861-1906), phục vụ tại Phan Rang, Đồng Quả.
Théodule Hamon Lựu (1845-1911), cha sở và người xây dựng nhà thờ Truông Dốc. Giáo xứ hay nhà thờ “Truông Dốc” còn gọi là “Nhà Đá”. Tên gọi “Nhà Đá” được gọi theo vật liệu xây dựng của nhà vuông hay nhà xứ chứ không phải nhà thờ. Nhà vuông được xây dựng trước khi xây nhà thờ. Ngôi nhà vuông này được xây dựng trước biến cố văn thân 1885 và bị phá hủy trong thời gian phong trào văn thân nổi dậy. Chính cha Hamon đã giải thích tên gọi “Nhà Đá” trong thư kể về ngày khánh thành nhà thờ Truông Dốc trong tạp chí Les Missions Catholiques, năm 1911, trang 219 rằng: “Người ta đã triệt hạ ngôi nhà của tôi mà gần như sắp hoàn thành. Đây là một kiến trúc xây dựng quan trọng được xây với một loại đá quặng khiến cho nơi ở của tôi được gọi là “Nhà Đá”!” (On avait abattu ma maison presque achevée. C’était une construction importante batie avec une espèce de pierre de minerai, qui avait valu à ma résidence le nom “Nhà Đá”). Nếu gọi tên theo Nhà thờ, thì người ta đã gọi là “Nhà thờ đá” như một số trường hợp khác, chẳng hạn như ở Phát Diệm hay Nha Trang.
Và cha Hamon đã kể lại ngày khánh thành Nhà thờ Truông Dốc trong bài viết “Le district de la Pentecote au Binh-Dinh (Annam)”, tạp chí Les Missions Catholiques, năm 1911, trang 218-220, như đã trích dẫn trên. Bản dịch bài viết sang tiếng Việt của Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, “Địa sở Đức Bà ngày Hiện Xuống: Truông Dốc. Thư cha Théodule Hammon Lựu”, trong tập Nối vạch thời gian, Ban Thường Huấn, 2020, tr. 174-178.
Jean Bruyère Nhơn (1852-1912), phục vụ tại Quảng Ngãi, Trà kiệu.
Jean Maillard Thiên (1851-1907) phục vụ tại Gia Hựu, Phú Thượng.
Joseph Laurent Bình (1852-1918), phục vụ tại Làng Sông, Đà Nẵng, Nha Trang.
Jules Vialleton Tuyển (Truyền) 1848-1909, phục vụ tại Đồng Quả, Kim Châu, Bahnars.
“Le collège de la Mission”, tức Chủng viện Làng Sông. Năm 1894 mới tách Đại chủng viện Đại An ra khỏi Làng Sông.