Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 2: Đức ái: nhẫn nhục, hiền hậu

Đăng lúc: Thứ tư - 29/01/2014 20:06
LỜI CHÚA

Tin Mừng theo thánh Matthêô (Mt 5,38-42)

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Tin Mừng Chúa nhật VII thường niên – A, ngày 23.02.2014)
 
 
ĐỨC ÁI: NHẪN NHỤC, HIỀN HẬU
 
1) Định hướng của Giáo phận:

Trong thư mục vụ Mùa Vọng 2013, Đức Giám Mục giáo phận viết: “Trong năm phụng vụ 2013, hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ trong việc cử hành Năm Đức Tin, giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã thực hiện chủ đề “củng cố đức tin”. Năm 2014 là năm thứ 3 trong lộ trình 6 năm chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm giáo phận đón nhận Tin Mừng. Chủ đề được chọn là GIA TĂNG ĐỨC ÁI, như một sự nối dài và triển khai nỗ lực củng cố đức tin. Chủ đề này được gợi hứng từ thuật trình Thánh Kinh về ngày thứ 3 trong 6 ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất. Ngày thứ 3 Thiên Chúa tạo dựng mặt đất và truyền cho đất sinh thảo mộc xanh tươi trổ sinh hoa trái theo loại (x. St 1,9-13). Cũng vậy, trong năm nay, mỗi người chúng ta hãy cố gắng trổ sinh hoa trái đức ái theo bậc sống của mình.” (Số 2)

Việc gia tăng đức ái trước hết phải được thực hiện giữa lòng giáo phận theo khuôn mẫu cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi tại Giêrusalem, bắt đầu từ mỗi gia đình Kitô hữu rồi lan tỏa đến những người chung quanh, không phân biệt lương giáo, để đức ái trở thành một phương thế hữu hiệu đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong giáo phận. Điều này phù hợp với chủ đề của Giáo Hội Việt Nam trong năm 2014 là “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng”. (Số 3) (Thư Chung HĐGMVN, ngày 10/10/2013, số 5)

Vì vậy, đề tài học hỏi dành cho giáo dân trong năm 2014 tập chú vào đức ái. Bắt đầu tháng 02-2014, với đề tài: Đức ái: nhẫn nhục, hiền hậu.

Đề tài này dựa vào lời Chúa trong Thư 1 Corintô, chương 13,4-7: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”

H. Đức ái (hay đức mến) là gì?

Đ.Đức mến là nhân đức đối thần (hay hướng thần), nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình” (GLHTCG, 1822).

H. Ðức tin và đức mến có liên hệ gì với nhau ?

Đ. Đức ái là hoa trái của đức tin mà Thiên Chúa mong muốn chúng ta trổ sinh. Đức tin “được năng động nhờ đức mến” (Gl 5,6) trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người (x. Rm 12,2 ; Cl 3,9-10 ; Ep 4,20-29 ; 2 Cr 5,17). Đức tin không có đức ái thì không mang lại kết quả và đức ái không có đức tin thì sẽ là một tình cảm có thể bị nghi ngờ. Đức tin và đức ái cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình (Porta Fidei, số 6 & 14; Đức Cha Matthêô, Thư mục vụ Mùa Vọng 2013).

H. Chúa Giêsu đặt đức mến ở vị trí nào trong lề luật?

Đ. “Chúa Giêsu đặt đức mến trên tất cả các lề luật một cách rất mạnh mẽ.” (Youcat Việt Nam, số 309). Chúa Giêsu xem đây là điều răn mới của Ngài, và dạy các môn đệ lấy tình yêu của Ngài làm gương mẫu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)

Ngoài ra, Thánh Phaolô xem đức mến cao trọng hơn cả đức tin và đức cậy (1Cor 13,13). Thánh Giacôbê nhấn mạnh việc phải biểu lộ đức tin bằng hành động bác ái: “Đức tin không có việc làm (bác ái) là đức tin chết” (Gc 2,17.26).

H. Làm sao có được các nhân đức hướng thần?

Đ. Có 03 nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến, do Thiên Chúa ban trước, rồi ta bồi đắp thêm. (GL Căn bản 2)

H. Ta bồi đắp thêm bằng cách nào?

Đ. Ta cần làm ba việc này :

- Một là năng học hỏi và suy niệm về tình thương của Thiên Chúa.
- Hai là hằng ngày cố gắng sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.
- Ba là tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn thêm sức cho ta. (GL Căn bản 2)

2) Tìm hiểu vắn tắt lời Chúa trong đoạn thư 1 Cr 13, 4-7 liên hệ đến đề tài: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Thánh Phaolô trình bày các đặc điểm của đức mến trong cách sống một cách cụ thể đối với tha nhân. Có một loạt 15 hành động, diễn tả bằng những động từ, chứ không là những điều trừu tượng, liên quan đến tha nhân: khởi đầu 02 hành động tích cực: “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu”, tiếp đến là 8 hành động tiêu cực, dùng trạng từ (phó từ) “không”, và cuối cùng 05 hành động tích cực. Mười lăm hành động này là những đặc điểm của đức mến.

H. Ta hiểu như thế nào khi gọi “Đức mến thì nhẫn nhục” ?

Đ. Nhẫn nhục hay kiên nhẫn theo gương mẫu của chính Thiên Chúa, vì Người là Đấng khoan dung (x. Tv 99,8), nhân hậu, từ bi, hay nén giận (x. Xh 34,6; Ds 14,18; St 4,2). “Người kiên nhẫn vì muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9). Người tín hữu cũng phải đối xử như thế đối với tha nhân vì những giới hạn của họ, và kiên nhẫn đối với cả những khó khăn trong cuộc sống của mình, vì lòng mến Chúa.

H. Ta hiểu như thế nào khi gọi “Đức mến thì hiền hậu” ?

Đ. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng nhân lành (x. Mc 10,18; Lc 18,19). Người tín hữu học nơi Thiên Chúa cách sống hiền hậu đối với tha nhân. Chúa Giê su đã bày tỏ gương mặt nhân từ của Thiên Chúa qua các ngôn hành của Ngài. Ngài loan báo Tin mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa qua dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15, 11tt) . Và Ngài đòi hỏi các môn đệ bổn phận phải sống nhân từ: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)

H. Người tín hữu sống “nhẫn nhục và hiền hậu” như thế nào?

Đ. Người môn đệ Chúa tập sống quảng đại với mọi người, luôn tôn trọng tha nhân, không sỉ nhục ai. "Hãy coi người khác hơn mình" (Rm 12,10). Khi phải trình bày sự thật, cũng không được chỉ trích đay nghiến hay thù hằn. Ta nên tự hỏi: Tôi tìm kiếm điều gì, phải chăng là tìm kiếm sự tốt lành cho tha nhân, hay là tìm tư lợi cho tôi. Chúng ta phải chia sẻ quan điểm của mình vì yêu mến chân lý, và do đó, chúng ta cũng phải chấp nhận sự phê bình của tha nhân. Cần phải có một trái tim từ ái, luôn tin tưởng và yêu thương tha nhân, để sống tế nhị trong lời ăn tiếng nói, trong cung giọng, cử chỉ và ánh mắt, dù khi phải nói những lời bình phẩm đúng đắn (x. Đức ái Kitô giáo, Nt Maria Đỗ thị Yến).

H. Sống đức ái bắt đầu từ đâu?

Đ. Sống đức ái và gia tăng đức ái bắt đầu trước hết nơi mỗi gia đình Kitô hữu, rồi lan tỏa ra những người chung quanh, không phân biệt lương giáo, và giữa các tín hữu với nhau trong lòng giáo phận (Đức Cha Matthêô, Thư mục vụ Mùa Vọng 2013, số 3)

H. Sống đức ái có góp phần truyền giáo không?

Đ. Sống đức ái là một phương thế hữu hiệu đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong giáo phận, như lời Chúa Giêsu, đó là dấu hiệu người môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35) (Đức Cha Matthêô, Thư mục vụ Mùa Vọng 2013, số 3). “Một cách đặc biệt, “chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng.”(Thư Chung HĐGMVN, ngày 10/10/2013, số 6)

3) Kết luận:

Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô là mẫu mực cho tình yêu của người tín hữu. Chính nơi gia đình, con người bắt đầu học cách sống với tha nhân và xã hội. Gia đình phải là cộng đoàn yêu thương sống bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, phát xuất từ Thiên Chúa Tình yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình Công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13) (x. Thư Chung HĐGMVN, ngày 10/10/2013, số 6).

Nhờ đức tin và đức cậy, người tín hữu có khả năng để đạt đến đức mến, đó là nhân đức cao trọng hơn mọi nhân đức, đứng đầu các nhân đức đối thần. “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). (x. GLHTCG, 1826). Thánh Phaolô còn tha thiết mời gọi: “Anh em hãy cố đạt cho được đức mến” (1 Cr 14,1a), vì đức mến cao trọng (1 Cr 13,13b), và vì yếu tố cánh chung của nó, nghĩa là nó tồn tại muôn đời, “không bao giờ mất được”, đang khi mọi thứ qua đi (x 1 Cr 13,8-10). Bởi lẽ, cùng đích của đời người Kitô hữu là gì nếu không là để hiệp thông với Thiên Chúa(x. GLHTCG, số 1).


 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 67
  • Khách viếng thăm: 35
  • Máy chủ tìm kiếm: 32
  • Hôm nay: 26311
  • Tháng hiện tại: 232821
  • Tổng lượt truy cập: 12522533