Trang mới   https://gpquinhon.org

Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu

Đăng lúc: Thứ tư - 07/05/2014 01:51
TRONG LÒNG HỘI THÁNH, HIỀN MẪU CỦA CON, CON SẼ LÀ TÌNH YÊU



 

Dẫn nhập

 Trong thông điệp đầu tiên Redemptor hominis số 10, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan phaolô  II đã nói: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất hết ý nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt”

Dầu sống trước cách xa vị Thánh Giáo Hoàng cả thế kỷ- Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sống theo những lời dạy dỗ trên đây. Chị đã “Nhận lấy mạc khải về tình yêu… làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt”. Chị đã nói: “Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu”.

1/ Tiểu sử

 Ngày 30/9/1897 chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại Dòng kín Carmel ở Lisieux. Cuộc đời của chị thật ngắn ngủi: vỏn vẹn 24 năm + 9 tháng. 15 năm đầu đời được bao bọc trong một gia đình đầy ắp yêu thương; 9 năm cuối thầm lặng trôi qua trong Dòng kín. Có gì để nói về con người nầy. Nhiều chị em trong  Dòng cũng không biết phải nói gì về một cuộc đời có vẻ quá tầm thường ấy. Giữa những bảo táp đang xảy ra trong trong xã hội và Giáo Hội Pháp lúc bấy giờ, chị nữ tu nầy chỉ là một bóng mờ, không thể tạo ra một biến động nào,  không gây được một ảnh hưởng gì.

 Vậy mà biến động đã xảy ra và ảnh hưởng của chị không ai có thể ngờ được là sẽ sâu rộng như thế. Ngay sau khi chị qua đời, một nữ tu đến hôn chân chị như để tạ lỗi vì lòng đố kỵ khi chị còn sống, tức  thì liền được khỏi bệnh. Rồi đúng vào ngày giỗ đầu 30/9/1898,  do công của nữ tu Pauline- người chị ruột của Têrêxa – cuốn tự truyện được xuất bản với nhan đề “ Truyện một tâm hồn”. Cuốn sách tức thì gây chấn động trong Giáo Hội Pháp và mau chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng. Đến ngày giỗ thứ hai của chị, đã có nhiều người đến hành hương bên mộ chị, và được ơn. Năm sau, người ta đã bắt đầu nói đến việc tôn phong chị lên bậc hiển thánh. Lòng sùng kính đối với chị mỗi ngày một gia tăng mãnh liệt. Năm 1907, Đức Giáo Hoàng Pio IX ước mong tôn phong cho chị mà Ngài gọi là “ vị thánh lớn nhất của thời đại”. Ngài đã dự kiến tương lai rất sớm. Năm 1921, ĐGH Benoît XV ký sắc phong tuyên dương đạo đức mang tính anh hùng của vị đáng kính nữ tì của Chúa. Năm 1923, ĐGH Pio X tôn phong chị lên bậc Chân phước, và ngày 17/ 5/ 1925, trước sự hiện diện của hơn 50.000 người, Đức Pio XI tôn phong chị lên bậc Hiển thánh. Năm 1927, cũng chính Đức Pio XI đặt chị làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với Thánh F.X. Năm 1944, Đức Pio XII đặt chị làm bổn mạng thứ 2 của nước Pháp ngang với Thánh Jeanne d’Arc. Và sáng Chúa nhật 19-10-1997, trước sự hiện diện của gần 100 ngàn tín hữu, trong đó có 23 HY và hàng chục GM các nước, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Nhân trở thành vị tiến sĩ  trẻ  nhất trong Hội Thánh - nhằm ngày giỗ 100 của chị - và là vị nữ tiến sĩ thứ 3 sau thánh Catarina thành Siena và Thánh Têrêxa  Cả.

2/  Con đường thơ ấu thiêng liêng

Têrêxa và di sản tinh thần của chị là một biến cố lớn trong lịch sử linh đạo , là thời điểm đột phá của ân sủng. Và giòng ân sủng đó cho đến nay vẫn cuồn cuộn chảy. Rất nhiều người đã tìm thấy ở chị ánh sáng soi đường và sức mạnh nâng đỡ lớn lao. Con đường mà chị Thánh đã đi, linh đạo  chị muốn trao lại cho chúng ta, đã bám rễ sâu trong mạc khải Kinh Thánh,  “ Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào nước trời”. (Matt.18,3). “ Trở nên như trẻ nhỏ”. Chị Têrêxa gọi đó là “ con đường  của tuổi thơ ấu thiêng liêng”. Chính chị đã viết: “ Sống như trẻ nhỏ, là nhận ra mình không là gì cả, như một em bé chờ đợi tất cả từ cha mình, là không lo lắng gì cả, không tìm cách làm giàu. Vì thế, tôi sống như một em bé, không có một bận tâm nào ngoài việc hái những đóa hoa tình yêu và hy sinh dâng lên Thiên Chúa nhân từ, để làm đẹp lòng Ngài . Sống như trẻ nhỏ  còn có nghĩa là không gán cho mình những nhân đức mà mình thực hành, không tự cho mình có khả năng làm được một cái gì, nhưng biết rằng Thiên Chúa đặt kho tàng nhân đức  trong  bàn tay của  đứa con bé nhỏ của Ngài, hầu cho nó sử dụng khi cần,  nhưng kho tàng vẫn là của Chúa. Cuối cùng, ấy là không ngã lòng vì lỗi phạm của mình, vì các em bé vẫn ngã hoài, nhưng chúng quá nhỏ nên không cảm thấy đau bao nhiêu”.

3/ Ơn gọi yêu thương

        Con đường  của tuổi thơ ấu thiêng liêng: đó là yêu thương. Thánh Têrêxa đã khám phá ra ơn gọi của mình: ơn gọi yêu thương: “ Ôi con yêu Chúa...lạy Chúa của con! Con yêu Chúa”.

       Khi suy niệm 2 đoạn 12-13 thư 1Cor,  Têrêxa đã viết: “ Khi nguyện ngắm, những khát vọng của em làm cho em bị đau khổ giày vò. Em mở các thư của Thánh Phaolô để tìm kiếm một câu trả lời. Tình cờ mắt em bắt gặp chương 12 và 13 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô… Khi đọc chương trước, em thấy rằng không phải ai cũng có thể làm tông đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, và mắt không thể vừa là mắt vừa là tay được… Câu trả lời trên thật rõ ràng nhưng không làm em thỏa mãn và đem lại cho em sự bình an.

       Không sờn lòng, em tiếp tục đọc và câu sau đây làm em nhẹ nhõm: Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Và Thánh Phaolô tông đồ giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu…, và đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa. Và cuối cùng, em đã được bình an thư thái.

       Khi suy nghĩ về thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh, em chẳng thấy mình thuộc loại chi thể nào trong các loại Thánh Phaolô mô tả, hay đúng ra em muốn thấy mình có mặt trong mọi loại chi thể đó. Đức ái đã cho em chìa khóa để tìm ra ơn gọi của em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội Thánh có một Trái Tim và Trái Tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra… Em hiểu rằng tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi nơi và mọi thời…; tắt một lời, tình yêu tồn tại mãi.

       Bấy giờ, vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất, em đã reo lên: ôi Giêsu, Tình yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con, chính là tình yêu…

       Vâng, con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh, và chỗ đứng này, ôi Thiên Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con. Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả… và như thế, ước mơ của con sẽ được thực hiện…” (Thủ bản B, 3v;. Kinh Sách - Các Bài Đọc, tập 4, tr. 623- 624).

        Quả thật, Têrêxa là một trong những nhà thần học lớn nhất về tình yêu; Thánh nữ được gọi một cách chính xác với danh nghĩa “ Tiến sĩ của tình yêu”. (Bài thuyết trình tại Lisieux hồi cuối tháng 9-1996, ĐHY Paul Poupard, người Pháp, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa), và một cách rõ ràng hơn : tiến sĩ của tình yêu Giêsu; tất cả giáo huấn của chị Têrêxa là một cách diễn đạt tuyệt hảo cái cốt lõi của mạc khải “ Thiên Chúa là tình yêu” ( 1 Ga 4 -8). Chị nữ tu Carmel đã trình bày cách diễn đạt của chị về lời khẳng định nòng cốt của Kinh Thánh,  bằng cách khắc ghi trên vách phòng của chị những lời đơn sơ: “ Giêsu là mối tình duy nhất của tôi”. Đó là những lời ngắn gọn và quan trọng nhất trong các tác phẩm của Têrêxa,  bản  toát yếu của các văn bản khác, bản toát yếu của tất cả điều mà Chúa Thánh Thần ghi trong lòng Thánh nữ Têrêxa – Giêsu hiện diện ở mỗi trang trong các tác phẩm của Têrêxa ( được dùng tới 1600 lần). Cũng như lời tuyên xưng đức tin mỗi Chúa Nhật, Danh Thánh Giêsu  diễn đạt cho Têrêxa  tất cả mầu nhiệm của  Ngôi Con là Thiên Chúa thật và là người thật...Đức Giêsu được ngắm nhìn như Ngôi Lời Nhập Thể “Một trong Ba Ngôi Thiên Chúa”, liên kết trong Ngôi vị của Ngài sự vĩ đại vô biên của Thần tính và sự nhỏ bé tột cùng của nhân tính chúng ta. Cũng như sự khó nghèo của Thánh Phanxicô, sự nhỏ bé của Thánh Têrêxa chính là sự hiệp  thông đầy yêu thương với việc hạ mình của Con Thiên Chúa trong suốt cả cuộc đời trần thế, từ nhập thể cho đến Thập Giá, một Thiên Chúa khó nghèo, đã hạ mình trở nên  thấp bé  vì yêu thương chúng ta, Ngôi Lời trở nên bé thơ, Thiên Chúa chịu đóng đinh trên thập giá.

       Nhưng trên hết, giáo huấn cuả Têrêxa  về Đức Giêsu  hoàn toàn được thắp sáng bằng tình yêu. Nơi Đức Giêsu, Têrêxa chiêm ngắm tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta, tình yêu nhân hậu và cứu chuộc, tình yêu điên dại của một Đấng Tạo Hóa dành cho tạo vật nghèo hèn bị thương tích vì tội lỗi, tình yêu đắm đuối của  Phu Quân  đối với người yêu. Têrêxa  tắt thở trong khi đang thốt lên lời: “ Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Thánh nữ thường nói với Chúa Giêsu như thế trong lúc ngắm nhìn Thánh Giá mà Thánh nữ đang siết chặt nơi tay. Đó là câu điệp khúc trong các bài thơ của Thánh nữ: “ Giêsu con yêu mến Ngài”.

4/ Ơn gọi truyền giáo

       Như vừa được trích đọc ở trên, Têrêxa đã viết: “Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra…” (Sách Bài Đọc,tập 4, tr.624).

       Trong khi sống, trong khi thực hiện những tác động yêu thương, Têrêxa đã hiểu rằng, chính bằng cách sống tình yêu, thánh nữ mới có thể sống ơn gọi truyền giáo, mặc dầu luôn ở trong bốn bức tường của tu viện. Quả thực Đức Ái là động lực của việc truyền giáo, của việc rao giảng Tin Mừng. Để trở thành một vị thừa sai thực sự, điều cần thiết là phải biết yêu người. Têrêxa đã nêu gương cho chúng ta. Tại vì Thánh nữ yêu mến Thiên Chúa, nên Thánh nữ có một hoài bão lớn lao, là làm sao cho Thiên Chúa được mọi người yêu mến. Thánh nữ có khát vọng đi loan báo về Người, muốn sang Việt nam để truyền giáo. Thánh nữ đã viết: “Con muốn đi khắp mặt đất, rao giảng Danh của Ngài và trồng cây Thập Giá vinh hiển của Ngài trên mảnh đất vô đạo, đồng thời con muốn loan báo Tin Mừng trên khắp năm châu, cho tới tận cùng những hải đảo xa xôi nhất (Is 66,19)…Con muốn là nhà truyền giáo không phải chỉ trong vài năm, nhưng con muốn là như vậy từ khi có vũ trụ nầy cho tới ngày tận thế” (Một Tâm Hồn, Hương Việt dịch, nhà xuất bản Tôn giao Hà Nội, 2008,tr. 382).y7 Thánh nữ đã dâng tất cả đau khổ, cho việc truyền giáo, cho các vị thừa sai. Thánh nữ đã dâng mình làm của lễ toàn thêu cho tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa từ nhân, sự hiến dâng triệt để đã biến đổi Thánh nữ thật sự và trọn vẹn thành nhà thừa sai.

       Ở đây chúng ta gặp lại giáo huấn của CĐ Vaticano II, đã nhiều lần nối kết sự thánh thiện và việc phúc âm hóa, nói cách khác là yêu mến Chúa và làm cho Ngài được yêu mến. Khi yêu mến Chúa và chỉ tìm kiếm thánh ý Ngài, đó chính là sự thánh thiện thì trong ta cũng lớn lên ước vọng làm cho Chúa được yêu mến, tức là phúc âm hóa. Hai khía cạnh nầy luôn luôn nối kết với nhau: chúng ta trung thành với ơn gọi của Bí tích Thánh Tầy khi ta làm việc truyền giáo. Chấp nhận đáp trả tiếng gọi lên đường. Ra đi.

       Trong  Gaudium et spes số 28:  “Quả thật, đức bác ái và lòng nhân hậu này không bao giờ để chúng ta trở thành người dửng dưng với những gì là chân thật và thiện hảo. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan  báo cho mọi người chân lý cứu rỗi”.

       Sắc lệnh Tông đồ giáo dân số 3:  “Bởi được liên kết với Chúa Kitô là Đầu, người giáo dân có quyền và có  bổn phận làm tông đồ…. Việc tông đồ được thực thi trong niềm tin, cậy, mến do Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn mọi thành viên của Giáo Hội. Hơn nữa, giới luật bác ái, điều răn lớn nhất Chúa dạy, luôn thúc bách tất cả các tín hữu hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa, làm cho nước Ngài hiển trị và đem lại cho mọi người sự sống đời đơi: “ là nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô” (x. Ga 17,3).

       Và trong Tông huấn Evangelii Gaudium số 264, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng ta không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động lòng chúng ta. Chúng ta cần nài xin ơn Chúa hằng ngày, xin Ngài mở những trái tim lạnh nhạt của chúng ta và khuấy động đời sống ơ hờ và hời hợt của chúng ta. Đứng trước mặt Ngài với trái tim rộng mở và để Ngài nhìn chúng ta, chúng ta thấy được cái nhìn yêu thương mà ông Nathanael đã nhìn thấy hôm Đức Giêsu nói với ông: “Tôi đã nhìn thấy ông dưới cây vả” (Ga 1: 48). Tốt biết bao khi đứng trước tượng chịu nạn, hay quì gối trước Thánh Thể, và chỉ đơn giản ở trong sự hiện diện của Ngài! Tốt biết bao khi một lần nữa Ngài đánh động cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài! Điều xảy ra sau đó là “chúng ta nói ra điều chúng ta đã thấy và đã nghe!” (1 Ga 1:3). Sự khích lệ tốt nhất để chia sẻ Tin Mừng là qua việc suy niệm Tin Mừng với tình yêu, dừng lại ở mỗi trang và đọc  bằng trái tim. Nếu chúng ta đến với Tin Mừng bằng cách này, vẻ đẹp của nó sẻ làm chúng ta kinh ngạc và không ngừng kích thích chúng ta. Nhưng muốn được như thế, chúng ta cần lấy lại một tinh thần chiêm niệm để có thể giúp chúng ta không ngừng nhận ra rằng mình được thừa hưởng một kho tàng làm chúng ta (nên) người hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới. Không có gì quí hơn mà chúng ta có thể trao cho người khác”.

Thay lời kết

       Xin phép cho con được nhắc lại đây câu chuyện: “Trái tim hoàn hảo”, câu chuyện mà chắc chắn Đức cha và tất cả quí cha đều đã nghe biết.

       Có một chàng thanh niên đứng giữa trị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám  đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

·       Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

·       Mỗi vết sẹo trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại cho họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái của tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng lặng với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình mà trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết: vì tình yêu từ trái tim của cụ đã chảy trong tim anh….

Có một Trái Tim đã bị đâm thấu đến nỗi không còn khả năng giữ lại một giọt máu để nuôi dưỡng sự sống cho mình. Trái Tim đó đã tan nát bởi tình yêu đối với nhân loại. Nhưng, chính từ Trái Tim đó, một mạch nước đã tuôn trào khắp nhân gian. Mùa xuân của yêu thương đã nở rộ khắp gian trần. Một mùa xuân cứu rỗi đã trổ sinh hoa tin yêu- hy vọng cho những tâm hồn thiện chí đang đan dệt hạnh phúc trong chính cuộc đời hiến dâng và phục vụ anh em.

Trong mỗi gia đình, trong đại gia đình Giáo phận, trong Linh mục đoàn ai cũng có một trái tim, một “Trái tim hoàn hảo”. Và ai cũng có thể nói được như chị thánh Têrêxa: Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu.

Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trương Đình Tu
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 41
  • Khách viếng thăm: 32
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 18102
  • Tháng hiện tại: 100810
  • Tổng lượt truy cập: 12390522