Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXX Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 24/10/2013 04:14
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
(Hc 35, 15b-17. 20-22a, 2 Tm 4, 6-8. 16-18, Lc 18, 9-14)



Có thể nói một trong những hoạt động chính của người có niềm tin là cầu nguyện. Cầu nguyện là hình thức giúp người tín hữu gắn kết với Đấng mình đang tôn thờ. Cho nên, không riêng gì những tôn giáo khác, người Công giáo chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện với Chúa một cách kiên trì và liên lỉ, như Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên C nói tới. Hơn nữa, với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện một cách chân thành khiêm tốn. Đó là cách thức cầu nguyện đẹp lòng Chúa bởi vì những ai chân thành nhận ra mình mỏng dòn tội lỗi trước mặt Chúa, mong được Chúa đoái thương, thì Chúa là Đấng Nhân Từ không ngoảnh mặt làm ngơ trước tâm hồn như thế.

Trong bài đọc I, sách Huấn Ca nói rằng “ lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây, … và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn.” (Hc 35,21). Thiên Chúa không nhìn đến vinh quang trần thế của con người nhưng Ngài nhìn đến nỗi nhục nhằn của người nghèo khó, kẻ bị áp bức, kẻ khốn cùng. Lời cầu nguyện của họ được Chúa nhận lời bởi họ biết nhìn lên Chúa là Đấng hay thương xót. Họ biết dâng chính con người của họ cũng những gì họ có để tôn thờ Thiên Chúa là Chúa của mình. Vì thế, những ai khoe khoang về thành quả của mình, vinh quang mà mình đang hưởng thì không được Chúa ghé mắt nhìn xem, họ đã được trả công rồi.

Với bài đọc II, thánh Phaolô đã tin tưởng Thiên Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ ban cho ngài phần thưởng Nước Trời. Bởi lẽ, thánh nhân đã hoàn toàn dùng chính cuộc đời của mình để rao giảng về Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường đến cứu chuộc nhân loại trong thân phận người phàm, ngoại trừ tội lỗi. Thánh nhân đã khiêm nhường nhận ra mình chỉ là rơm rác vậy mà được Chúa mời gọi làm việc lớn lao là loan báo Tin Mừng cứu độ - khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng. Và ngài đã khẳng định rằng mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Giêsu, Đấng cứu độ. Nếu không phải có lòng khiêm nhường thì Phaolô cũng vẫn còn ở trong tình trạng Pharisêu tự cao tự đại về sự công chính của mình. Quả thật, với ơn Chúa, thánh Phaolô đã để Thiên Chúa chiếm trọn con tim; với lòng khiêm nhường, thánh nhân trở nên khí cụ mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Con đường khiêm nhường được khẳng định một cách chắc chắn trong Tin Mừng hôm nay. Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng một người được Chúa nhận lời còn người kia thì không. Người biệt phái vào đền thờ với thái độ tự mãn vì ông tự cho mình công chính hơn người khác : đạo đức hơn, thánh thiện hơn, giữ luật Chúa tốt hơn, không phạm tội gì. Vì thế, ông chỉ muốn khoe với Chúa nhiều hơn là tạ ơn Ngài về những gì mình đã làm. Cho nên, tâm tình tạ ơn của ông không được Thiên Chúa chấp nhận. Người thu thuế vào đền thờ với thái độ mong được thứ tha, được đón nhận. Ông không dám ngước lên vì mình quá tội lỗi. Ông không dám ngước lên vì mình quá bất xứng. Ông không dám ngước lên trước những lời khinh chê của thế gian. Ông chẳng biết thưa gì với Chúa cho phù hợp, chỉ biết đấm ngực xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của mình. Chắc ông cũng không ngờ rằng tâm tình thống hối của ông lại được Thiên Chúa tỏ lòng khoan dung. Tuy tác giả Tin Mừng không nói tới khi ông về thì lòng ông như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể tưởng nghĩ rằng hẳn ông sẽ thấy tâm hồn mình tràn ngập niềm vui. Quả thật, một người tự mãn khi nâng mình lên để rồi quên rằng mình chỉ là thụ tạo của Chúa, thì họ đã tự đánh mất lòng thương xót của Chúa. Còn người khiêm nhường nhận ra mình chỉ là thụ tạo, xác đất vật hèn, chỉ biết tựa nương vào lòng thương xót của Chúa, thì họ lại được Chúa dủ lòng thương mà tha thứ mọi lỗi lầm.

Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng vào tận đáy lòng chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại nơi chính bản thân mình trong đời sống đạo. Có thể, đôi khi, chúng ta là người biệt phái vì mình đọc kinh sớm hôm đầy đủ, tham dự thánh lễ không bỏ bữa nào, giữ chay vào ngày thứ sáu hằng tuần, nhưng chúng ta lại khoe khoang so đo với người khác, lắm lúc còn khinh chê họ. Tệ hơn nữa, đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ chỉ vì để người ta biết mình là người đạo đức thánh thiện chứ không phải thờ phượng Chúa thực sự. Khi đến nhà thờ chúng ta hiện diện bằng thân xác nhưng lòng trí thì bận lo toan công những việc khác. Và như thế, Thiên Chúa trở thành Đấng để trang trí cho đời sống chúng ta đối với mọi người. Tâm tình sống đạo như thế quả là giả hình, giả hình đến mức không còn nhận ra mình là gì trước mặt Chúa. Để rồi từ đó, chúng ta lại vênh vang cho người này khô đạo, người kia tội lỗi. Với tâm tình như thế, cho dù ta có đọc kinh nhiều đi nữa, một ngày hai ba thánh lễ, công đức đầy dẫy cũng chẳng là gì đối với Chúa. Nếu không kịp thức tỉnh ắt chúng ta khó lòng đón nhận tình thương của Chúa.

Vậy chúng ta thức tỉnh bằng cách nào? Thưa, chúng ta thức tỉnh bằng cách mặc lấy tâm tình của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Với thân phận yếu hèn, chúng ta dễ vấp phạm. Với bản tính yếu đuối, chúng ta dễ sa ngã. Vì thế, tâm tình đến với Chúa là khiêm nhường nhận ra những lỗi lầm thiếu sót của thân phận con người; đến với Chúa bằng sự thống hối chân thành cần đến ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta gặp gỡ Chúa bằng lời cầu nguyện đượm lòng tin tưởng Chúa là Cha và là Đấng khoan dung. Chúng ta hiệp dâng thánh lễ với ước mong được kết hợp một cách sâu xa với Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Nhất là chúng ta luôn biết cảm tạ vì mình chỉ là không không trước mặt Chúa, nhưng lại được Chúa dựng nên để hưởng hạnh phúc với Người.

Hơn nữa, trong đời sống đức tin, chúng ta đừng nhìn sang người khác mà so sánh, hãy nhìn lên Chúa để xem mình đã xứng đáng với ơn Chúa tuôn đổ xuống trên ta mỗi ngày. Hãy nhận ra trong từng giây phút sống, chúng ta được Chúa tỏ tình thương và không chấp nhất những lỗi lầm thiếu sót của ta, nhưng lại yêu thương dắt dìu ta trở về bên Chúa. Có như thế, những giây phút cầu nguyện của ta với Chúa là những giây phút ta được ấp ủ trong vòng tay yêu thương của Cha và chúng ta là người con thảo.

Đặc biệt trong đời sống đức cậy, chúng ta không còn phải ngã lòng vì Thiên Chúa thánh thiện nhưng không ngoảnh mặt với tội nhân. Nếu chúng ta vững lòng trông cậy vào Người, Người sẽ đỡ nâng ta khi ta ngã quị vì sa ngã. Người khiêm tốn đến với ta bằng bí tích để ta có thể hòa giải với Người. Và cũng với lòng khiêm tốn chúng ta chân thành gặp gỡ Chúa Giêsu để được chữa lành.

Ước gì với ánh sáng Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta nhận ra mình cần phải làm gì để đời sống đạo thực sự là thờ phượng, yêu mến Chúa. Đồng thời, chúng ta không còn mặc cảm vì tội lỗi mà không dám đến giao hòa với Chúa và tha nhân. Chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa luôn che phủ cho những ai khiêm nhường nhận ra chính mình cần phải lệ thuộc vào Chúa, hầu chúng ta can đảm đấm ngực thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 62
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 40
  • Hôm nay: 11832
  • Tháng hiện tại: 203252
  • Tổng lượt truy cập: 12492964