Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Kitô Vua

Đăng lúc: Thứ năm - 21/11/2013 17:52
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM C
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
(Lc 23, 35-43)


Chúa nhật 34 thường niên hôm nay cũng là kết thúc năm Phụng Vụ, Giáo Hội tôn kính vương quyền của Chúa Giêsu nhằm nói lên cùng đích của Phụng Vụ, là làm cho loài người được tôn vinh một khi họ được thông dự vào vương quyền của Đức Kitô vua Tình Yêu. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu Vị Vua Giêsu mà chúng ta tôn thờ, Ngài đã cai trị vương quốc của Ngài bằng cách nào, để rồi Ngài thông chia vương quyền ấy cho chúng ta?

Trước hết, Thánh Kinh đã hé mở cho chúng ta biết Chúa Giêsu chính là vua. Có ít nhất 3 ngày Giáo Hội đã long trọng nhắc đến tước hiệu “Vua” của Đức Kitô, tuy không rõ ràng tôn vinh tước hiệu ấy: lần thứ nhất, trong ngày lễ hiển linh: “Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Belem, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà đạo sĩ từ phương đông đến Giêrusalem, và hỏi Đức vua dân Do thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”(Mt 2,1-2). Lần thứ hai trong Tuần Thánh, với việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành thánh Giêrusalem. Rồi trước toà án Philatô, ông cho Chúa Giêsu ngồi ở Gabata, ghế dành riêng cho quan toà. Như vậy, vô tình Philatô công nhận Ngài là vua. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định Ngài là vua (Ga 18,37). Và Philatô đã truyền cho người ta viết tấm bảng gắn trên đầu thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth Vua dân Do thái” (Ga 19,19). Và rồi lần thứ ba, trong ngày Chúa Giêsu lên trời, Hội Thánh tôn vinh vua oai phong đi vào trong vinh quang và đợi chờ ngày Người lại đến (Mc 16,19) để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày cánh chung.

Và trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy nhiều người vô tình hay hữu ý đã ghi nhận Chúa Giêsu là vua: “Nếu ông là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn, hãy tự cứu mình đi” (Lc 23, 37); Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hylap, Latinh và Dothái như sau “Người này là vua dân Do Thái” (Lc 23,38); và rồi với lời van xin của tên trộm lành “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (lc 23,42).

Như thế, qua Thánh Kinh đã mạc khải cho chúng ta biết Chúa Giêsu chính là Vua. Và vị Vua Giêsu mà chúng hằng tôn thờ đó đã cai trị vương quốc của mình như thế nào?

Trước hết, Chúa Giêsu không phủ nhận mình là Vua hay vương quyền của mình, vì trước toà án Philatô, Chúa Giêsu đã xác nhận: “Tôi là Vua” (Ga 18,37). Thế nhưng, Ngài không phải là một vị vua đi tranh giành ngôi với hoàng đế Xê-sa-rê hay Hê-rô-đê mà hội đồng công toạ tố cáo (Lc 23,3). Nhưng vương quốc của Ngài không thuộc trần gian này, không có màu sắc chính trị phàm trần, xâm chiếm lãnh thổ. Ngài không xuất hiện như các ông vua khải hoàn, ngựa xe ngợp trời, tù binh cả đám. Nhưng Ngài ngồi trên con lừa khiêm tốn, hiền hoà theo lời sấm ngôn của Dacaria (Dcr 9,9; Mt 21,5), Ngài đến để đem sự bình an và ơn công chính đến cho mọi người chứ không phải mang gươm giáo, súng đạn. Ngài đến để cứu kẻ khác chứ không phải để cứu mình (Lc 23,35), bởi vì Ngài là Đấng Kitô đến để thực hiện chương trình của Chúa Cha, mà chương trình này là “phải qua đau khổ mới bước vào vinh quang”. Ngài là Vua nhưng không phải là vua bóc lột, mà là Vua “hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Ngài là Vua “đem công lý, hoà bình, hạnh phúc” cho toàn dân. Nhưng việc này chỉ có thể thực hiện khi Ngài hoàn tất số phận của mình, một “người tôi tớ Đức Chúa”. Trên thập giá Ngài đã đánh bại Xatan, triệt tiêu tử thần, đã đem lại sự công chính hoá cho toàn dân và mở ra thời kỳ ân phúc cho nhân loại (Lc 22,29).

Điều này cho chúng ta hiểu được rằng vương quyền của Ngài không nhằm phục vụ tư lợi cá nhân. Việc Ngài thống trị toàn vũ trụ không phải để tự mãn nhưng là cho con người được sống và sống dồi dào. Chúa Giêsu Vua không cai trị Vương quốc bằng sức mạnh của vũ lực, nhưng bằng phục vụ, yêu thương. Con người xem ra mạnh hơn Chúa Kitô trong việc áp đảo và bắt bớ. Nhưng điều đó không làm cho Chúa Giêsu bận tâm. Hơn nữa, chính việc Chúa Giêsu chấp nhận bị gây thương tích và chết đi nhằm mạc khải cách tuyệt vời bản chất đích thực của Vương quốc Ngài là một Vương quốc của tình yêu thương, yêu cho đến cùng: chết vì người mình yêu.

Nói tóm lại, Vương quyền của Vua Giêsu là hoà giải trời với đất, giải thoát con người khỏi nô lệ của ma quỷ, dẹp tan tội ác, thiết lập một vương quốc “chân lý, ánh sang, bình an, sự sống, công bình và tình thương vĩnh cửu”, trong đó mọi người đều hạnh phúc, không còn cảnh người bóc lột người, không còn cảnh khổ đau (Rm 14,17; Ga 18, 38).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Qua lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ hôm nay, mỗi người chúng ta cần phải tự hỏi mình có chấp nhận vương quyền của Ngài hay không ? Ta có để cho Chúa làm chủ, làm vua tâm hồn và đời sống của mình hay chưa ? Ta đã tuyên xưng và loan truyền vương quốc của Chúa thế nào trong đời sống của chúng ta? Chúng ta nhận Chúa là vua vũ trụ xem ra là một việc dễ dàng, còn việc để Chúa làm vua tâm hồn và đời sống của mình không phải là một việc dễ dàng tí nào, vì chúng ta còn quá nhiều lệ thuộc cho tự do ích kỷ của chúng ta, chúng ta còn nô lệ cho quá nhiều những cám dỗ đầy ngon ngọt của vương quốc ma quỉ.  

Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha phong làm vua vũ trụ và dĩ nhiên cũng là vua tâm hồn và cõi lòng chúng ta. Chúng ta chỉ có hai thủ lãnh để theo: một là Chúa Giêsu, hai là ma qủi. Chúng ta phải chọn một trong hai, hoặc là vị này hoặc là vị kia, là Chúa hay là ma qủi. Trong vấn đề này chúng ta không thể trung lập để “bắt cá hai tay”, bởi vì người ta thường nói :

Một nhà hai chủ không hòa,
Hai vua một nước, ắt là không yên.

Vậy chúng ta phải theo vị thủ lãnh nào ? Chắc chắn chúng ta chọn Chúa Giêsu là vua bởi vì tất cả chúng ta đã được chịu phép rửa tội. Và qua phép Rửa tội, mỗi người chúng ta được thông phần vào cái chết và sự sống của Chúa Giêsu, được tham dự vào chức năng làm vua của Chúa Kitô. Vậy chúng ta đã làm cho vương quốc của Chúa Kitô cũng là vương quốc của chúng ta phát triển và lan toả hay chưa? Hay nói cách khác đời sống của chúng ta có nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến hay chưa?

Ước gì qua thánh lễ hôm nay, xin Chúa Kitô là Vua vũ trụ và là Vua của lòng trí chúng ta đổ tràn đầy tình yêu Chúa xuống trong tâm hồn mỗi người chúng ta, cho chúng ta bừng cháy lửa tình yêu Chúa để chúng ta biết đón nhận Chúa trong anh em, để từ đó ngọn lửa tình yêu Chúa lan toả ra những anh chị em sống bên cạnh chúng ta, và nhờ đó mọi người nhận ra Nước Cha đang trị đến. Amen.
Tác giả bài viết: Antôn P. Nguyễn Xuân Thuyên
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 90
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 61
  • Hôm nay: 15157
  • Tháng hiện tại: 263925
  • Tổng lượt truy cập: 12553637