Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 7: Đức ái không nóng giận

Đăng lúc: Chủ nhật - 29/06/2014 18:53
ĐỨC ÁI KHÔNG NÓNG GIẬN
(1Cr 13,5c)


Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng
(Mt 11,29)


Mọi người chúng ta đều biết rằng Ki-tô giáo là Đạo Yêu Thương và giới răn riêng của Chúa Giê-su Ki-tô là yêu tha nhân như chính bản thân mình, yêu người khác như chính Chúa Ki-tô đã yêu thương họ (x.Ga 15,12). Biết là một chuyện và là chuyện tương đối dễ. Sống là chuyện khác và mới là chuyện khó. Hôm nay chúng ta sẽ học cùng Thánh Phao-lô về Đức Ái không nóng giận (1Cr 1,5c), để thấy được sự tối cần thiết và cao trọng khôn lường của Đức ấy.
Lòng mến làm cho người Ki-tô hữu không mất đi tính làm chủ chính mình. Thật vậy, mỗi người phải làm chủ mình trước những điều dữ, trước những cảm giác nóng giận. Do đó, người đó sẽ không để cho sự nóng giận thống trị mình và có phản ứng quá đáng hay không thích hợp chỉ vì nóng giận. Nếu sự nóng giận là không chính trực hay nó tạo nên những ước vọng trả thù, thì ngược lại, đức ái chủ yếu là kiến tạo hòa bình. Người Ki-tô hữu trở nên con người của hòa bình, không chỉ bình an trong chính mình, mà còn mang lại hòa bình cho tha nhân, như thế chứng thực một đức ái cụ thể, đụng chạm và cảm giác được.

1. Định hướng của giáo phận :

Con đường Tân Phúc Âm Hóa

15. Củng cố và xây dựng sự hòa thuận trong gia đình: Đức ái Kitô giáo khởi đi từ cuộc sống gia đình là cộng đoàn tình yêu và hiệp nhất. Vì thế anh chị em giáo dân hãy cố gắng làm sao để gia đình mình có được bầu khí hạnh phúc và thánh thiện, trở thành trường dạy sống bác ái với nhau và với mọi người. Cảm thông, yêu thương, nâng đỡ giữa mọi thành viên sẽ giúp gia đình sống thuận hòa và cư xử với nhau theo lễ nghĩa gia phong. Tránh những lời nói làm tổn thương nhau, những bất hòa chia rẽ, những cư xử thiếu bác ái, công bằng và trung tín. Đặc biệt, các vợ chồng quyết tâm bảo vệ sự chung thủy hôn nhân và nếu đã lỡ ly dị thì hãy hoán cải và cố gắng kết hợp trở lại. (Trích thư mục vụ 2014 của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, số 15)

2. Đức Ái là một trong những diệu pháp có thể hồi phục và cải tiến gia đình.

Trong thơ mục vụ về « Môi trường giáo dục gia đình công giáo » (5), viết ngày 05.12.2008, Hội đồng giám mục Việt Nam đã đặc biệt báo động về những khủng hoảng gia đình hiện nay. Các ngài viết: « Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài.
Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan ».
Sau đó, để chữa trị cái khủng hoảng giáo dục này, Hội Đồng Giám Mục đã đề nghị một số thực hành giáo dục gia đình, « vì gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng cho tương lai của một con người », Các ngài đã đưa ra sáu chiều hướng.
Cùng với chiều hướng thứ nhất là giáo dục đức tin, chiều hướng thứ hai liên quan đến việc giáo dục đức ái là rất quan trọng cho các gia đình. Đức tin và Đức Ái có khả năng hóa giải những khủng hoảng mà cải tiến các gia đình. Các ngài viết :
Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả.
Một gia đình lý tưởng như gia đình Thánh Gia, có tình yêu như Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh chỉ có thể có được trong và với Đức Mến, vì : « Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Ðức mến không bao giờ mất được ». (1 Cor., 13, 4-8)

3. Tránh Sự Nóng Giận Trong Lời Nói

Trước hết, chúng ta biết rằng có những cơn nóng giận chính đáng, tức là những nỗi phẫn uất hợp lý, và điều đó vô tội - chính Chúa Giêsu đã biểu lộ sự giận dữ này khi Ngài đuổi những kẻ đổi tiền ra khỏi Đền thờ. Tuy vậy trong cuộc sống, chúng ta đã biết sự nóng giận có sức tàn phá, cơn giận không những làm giảm thiểu giá trị của người khác mà còn phá hoại sự bình an của chính tâm hồn ta nữa. Chúa Giêsu không bao giờ giận dữ trừ phi có lý do chính đáng. Thí dụ, ta sửa dạy con cái trong lúc nóng giận vì chúng đã phạm một lỗi nặng, đó có thể được coi như là cơn giận chính đáng - mặc dù vậy, sự nóng nảy vẫn không là phương pháp tốt nhất để dạy dỗ con cái. Những lời thương yêu dịu dàng luôn luôn có hiệu quả hơn nhiều.
Đối với tôi, cơn nóng giận không kiềm chế chính là "điều hủy hoại" con đường đạt đến sự thánh thiện của cá nhân ấy. Một câu chuyện nổi tiếng ở Rôma về Thánh Philip Nêri. Ngài biết có một nữ tu rất đạo đức ở một nhà dòng nọ. Bà nổi tiếng khắp thành phố về sự thánh thiện của mình. Philip Neri quyết định tìm đến để xem bà thánh thiện ra sao. Chọn một ngày trời mưa tầm tã, Ngài đến nhà dòng vào đúng lúc vị nữ tu kia vừa lau xong sàn nhà. Ngài bước vào và dẫm đôi giầy đầy bùn của mình lên sàn nhà để đến ghế ngồi. Không cần phải nói, vị nữ tu nổi giận và trách móc nhiều vì thái độ thiếu tế nhị ấy. Ngài ra về và nói rằng: "Bà ta không phải là Thánh!"
Câu chuyện đơn giản trên đủ chứng minh rằng sự nóng giận sẽ hủy hoại công trình tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa. Trong cuộc sống, chúng ta có thể làm được rất nhiều việc thật tốt đẹp để nêu gương sáng, và ta cũng có thể làm được những chuyện bác ái, rất thánh thiện; nhưng một khi ta mất sự tự chủ, ta làm hỏng cả những hình ảnh đẹp đó đối với những ai để ý nhìn vào, và chính ta cũng phải thất vọng khi bình tâm suy nghĩ lại và biết rằng mình mất tự chủ.
Tôi có một phương pháp để kiềm chế cơn nóng giận của mình. Tôi không biết nó có giúp ích được cho bạn không, nhưng đối với tôi rất là hữu hiệu. Khi tôi cảm thấy cơn giận đang dâng lên, tôi dừng lại một chút trước khi phát biểu để kiểm soát giọng nói của mình, và cố giữ nó ở mức độ bình thường. Vì biết rằng nếu tôi tiếp tục lên cao giọng, thì tôi sẽ mất tự chủ. Càng lớn tiếng bao nhiêu, thì cơn giận của mình càng khó kiềm chế bấy nhiêu. Cho nên tôi rán giữ giọng nói ở mức đều đều để tránh nổi giận. Tôi thường thắc mắc tại sao tội nóng giận lại nằm trong điều răn thứ năm: "Chớ giết người". Giết ai? Giết chính bản thân mình! Quả nhiên, suy nghĩ kỹ lại, ta thấy sự giận dữ có hại cho chính bản thân mình. Khi nóng giận, bạn có để ý thấy sự thay đổi trong cơ thể mình không? Nhịp tim và mạch đập nhanh hơn, huyết áp lên cao hơn, và ta cần một thời gian để cơ thể mình lấy lại nhịp sinh hoạt bình thường.
Điều nguy hiểm nhất của cơn nóng giận không kiềm chế là ta không còn sáng suốt, và rồi ta sẽ thốt ra những lời cay độc bổ thẳng vào nạn nhân của mình mà ta sẽ không bao giờ rút lại được. Tất cả sự nóng giận ấy không có chút nào giống hình ảnh Thiên Chúa.
Đôi khi mất tự chủ trong cơn giận là biểu hiện của sự yếu đuối trong những lãnh vực khác. Thí dụ, những người đang gian dối hay không được trong sạch thường nghĩ rằng họ có thể che dấu tội của họ, nhưng đến một lúc nào đó sẽ nổ tung lên trong những cơn giận - mà những cơn giận này lại là hậu quả gián tiếp của các tội đó. Cuộc sống rất lạ lùng, ta không thể đóng kịch mãi được. Người hoàn hảo là người tự làm chủ được mình. Nếu ta cố gắng hết sức mình, Thiên Chúa sẽ giúp ta trong phần còn lại. (Đức Ông Felix A.Losito, Đạt Đến Thánh Đức Phi Thường Qua Lời Nói)

4. Bài học và áp dụng

* Thánh giám mục Phanxicô Salêsiô đã dựa ra kinh nghiệm bản thân để đưa ra phương thức nên thánh: “Tôi luôn nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi”. Khi bạn hữu tỏ ra ngạc nhiên vì Ngài giữ thinh lặng được trước những lăng nhục, Ngài nói: “Bạn muốn tôi chỉ trong giây lát mà bỏ mất một chút dịu dàng đã tốn 20 năm để thu nhập hay sao?”
Sự dịu dàng Ngài đã thực hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Có lần một lãnh chúa đã lăng nhục Ngài cách thô tục, nhưng sau đó Ngài nói với bạn bè rằng: “Tôi giận sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có thể làm buồn lòng Thiên Chúa
Tôi quyết bắt chước Thánh Phanxicô Dalêsiô, sống hiền hòa với mọi người. Hằng ngày tập luyện nên thánh theo hoàn cảnh của mình, hầu giúp đỡ người lầm lạc trở về với Chúa.
* Nóng giận là một cơn điên nhất thời. (Thánh Basil)
* Hãy canh phòng cái lưỡi của chị khi chồng chị đang tức giận. (Thánh Monica)
* Nổi giận thì dễ hơn là kiềm chế; dọa nạt một đứa trẻ thì dễ hơn là thuyết phục nó. Anh em hãy bền tâm hãm dẹp thói bất nhẫn và kiêu căng của chính mình trước khi sửa dạy cho những đứa trẻ. (Thánh Gioan Bosco)
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 40
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 23
  • Hôm nay: 5826
  • Tháng hiện tại: 140287
  • Tổng lượt truy cập: 12284547